Giới thiệu chung

Giới thiệu chung
Nguyễn Duy - dòng họ văn hiến của quê hương Đông Lình (làng Nghìn), An Bài, Quỳnh Phụ (Phụ Dực), Thái Bình nay thuộc Tổ 1, Thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình
1. Nguồn gốc
Hiện nay con cháu dòng họ Nguyễn Duy đang làm ăn sinh sống trên mọi miền đất nước và cả nước ngoài nhưng đều có chung nguồn gốc là dòng họ Nguyễn Duy ở Đông Linh. Để nói hết được nguồn gốc của một dòng họ lớn chỉ qua vài trang giấy là không đầy đủ nên ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu sơ qua về nguồn gốc dòng họ Nguyễn Duy.
Tục truyền rằng từ thời nào không rõ, có tám người không rõ từ đâu đến vùng đất làng Đông Linh để khai hoang lập ấp. Tám người đó là tám ông tổ của tám họ - “Bát thị tính tiên tổ”, bao gồm các họ: Phạm, Ngụy, Đàm, Hà, Nguyễn, Vũ, Bùi, Đỗ. Từ tám ông tổ ấy mà con cháu ngày càng đông đúc. Và cũng không biết từ khi nào họ Nguyễn Duy tách ra từ họ Nguyễn để trở thành một họ riêng.
Theo gia phả họ Nguyễn Duy do Nguyễn Duy Hợp (cháu đời thứ bảy) phụng soạn những năm 1800 còn để lại đến nay thì biết rằng: Cách đây hơn một ngàn năm, nhân dân miền trung du xuống bờ biển khai phá đất trồng trọt, tổ tiên ta là một trong số ít người đầu tiên đến định cư xây dựng nên quê hương xứ sở này. Tiên tổ vốn là người cần cù lao động, giàu lòng mến khách, cưu mang đùm bọc những người khó khăn hoạn nạn. Nhờ lòng nhân từ bác ái đó nên được một thầy địa lý người Tàu trả ơn bằng cách tặng cho họ nhà một ngôi đất ở bụng voi xứ Mã Cả. Ngôi đất đó có hai huyệt, một huyệt chính một huyệt phụ, hai đầu to giữa nhỏ như hình cái chày. Khi qua đời, cụ tổ đã dặn con cháu an táng vào ngôi đất đó. Ngôi mộ đất phát tích đó không biết an táng từ bao giờ nhưng đến nay vẫn được con cháu hương khói chăm sóc.
Cách vài năm sau, thầy địa lý người Tàu lại đến cắm hướng cho một ngôi nhà thờ. Trước nhà thờ có hai cây bút kinh thiên. Nhờ có dương khí, âm khí hào hùng của ngôi nhà thờ và của ngôi đất phát tích ấy mà từ đó sinh con cháu nhiều người hiển đạt, học rộng tài cao, làm quan rường cột trong triều đình, ở quê nhà cũng giàu sang phú quý, già trẻ gái trai cùng tiến bộ, là một họ lớn có tiếng ở phủ Thái Bình. Những đời trước, tên húy, tên hiệu tiên tổ đều có gia phả ghi chép đầy đủ. Nhưng đến triều Lê Ý Tông niên hiệu Vĩnh Hựu, chế độ Lê - Trịnh suy đồi, chính trị trái ngược, thuế khóa nặng nề, thiên tai địch họa liên tiếp xảy ra, lòng dân li tán, nghĩa quân nông dân nổi dậy khắp nơi, trong đó có nghĩa quân của Nguyễn Hữu Cầu (1741-1751) ở căn cứ Chí Linh tiến xuống giải phóng Sơn Nam. Các cuộc giao chiến diễn ra liên miên, khói lửa ngập trời, gia phả của dòng họ bị cháy. Từ đó chiến tranh kéo dài, ngày tháng trôi qua không ai hiểu biết sưu tầm ghi chép lại được.
Hơn năm mươi năm sau, tiến sĩ Nguyễn Duy Hợp từ quan về quê ở ẩn, sau đó mười năm mới sưu tầm trong sổ sách cũ còn sót lại, trên bia đá, trong sử sách triều Lê để biên soạn lại gia phả. Vì thế gia phả dòng họ Nguyễn Duy chỉ ghi chép được chi thứ của dòng đức thủy tổ Hoàng giáp Nguyễn Duy Thuần và lấy thủy tổ Nguyễn Duy Thuần là đời thứ nhất.
Như vậy, họ Nguyễn Duy lấy tổ Nguyễn Duy Thuần làm thủy tổ đời thứ nhất thì có nghĩa là họ Nguyễn Duy có nguồn gốc ở làng Đông Linh. Con cháu họ Nguyễn Duy dù sinh sống, lập nghiệp ở đâu nhưng cũng đều không thể quên được nơi sinh ra tổ tiên mình. Đó chính là làng Đông Linh.
2. Sự phát triển của dòng họ
Nguyễn Duy trở thành họ lớn nhất ở làng Đông Linh, đó là kết quả của hàng trăm năm dòng họ không ngừng được giữ gìn, vun đắp và phát triển.
Tổ đời thứ nhất: Tên húy là Duy Thuần, sau đổi thành Duy Hòa. Cụ sinh năm 1496, sau khi trấn thủ Cao Bằng 13 năm, cụ xin trí sĩ về quê. Cụ mất ngày 30/7 (âm lịch) năm 1577, được táng tại xứ Đồng Rưa phía Bắc làng Đông Linh.
Thủy tổ Duy Thuần sau khi thi đỗ ông ra làm quan triều Mạc, giữ chức Cao Bằng Sứ đô tổng binh khuông mỹ doãn tán trị đại phu. Ông kết hôn với bà họ Nghiêm quê xã Tây Mỗ huyện Từ Liêm, sinh được ba người con trai. Con trai thứ nhất cụ đặt tên là Nguyễn Duy Riễn, con trai thứ hai và thứ ba là hai cụ Nguyễn Duy Tân và Nguyễn Duy Trạch.

Đời thứ hai: Tổ Duy Riễn sinh năm Kỷ Mão (1519), cụ thi hương đỗ giải nguyên năm Qúy Mão (1543). Năm 1546, cụ đưa mẹ và hai em lên Cao Bằng quần tụ gia đình và ra làm quan cùng cha trấn thủ Cao Bằng giữ chức phó tướng. Cụ hi sinh trong khi chiến đấu bảo vệ thủ phủ Cao Bằng lúc vợ đang có mang. Khi bố chồng cùng các em về quê thì bà Riễn đã xin ở lại để hương khói cho mẹ chồng và chồng. Đến đầu năm Tân Hợi, bà Riễn sinh con trai. Như vậy, chi cả của đời thứ hai dòng họ Nguyễn Duy đã ở lại Cao Bằng, con cháu ngày càng đông, văn hào cũng nhiều và vẫn phát huy được truyền thống văn hiến, hiếu học của cha ông.
Nhớ lời dặn của tiên tổ, con cháu ở Cao Bằng nhiều lần tìm về quê cha đất tổ nhưng do đường sá xa xôi, núi rừng hiểm trở loạn lạc liên tiếp, đi lại khó khăn nên đã bị phiêu dạt dọc đường, dần dần sinh con đẻ cháu thành từng nhánh nhỏ ở nhiều nơi như ở: Quỳnh Côi, Thụy Anh, Kiến Thụy (Thái Bình), Hà Nam, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn… Duy có một bộ phận tìm về được đến Phụ Dực nhưng không tìm thấy quê gốc tiên tổ đã phiêu dạt về làng Sài (xã An Qúy, Quỳnh Phụ) và hình thành một nhánh của chi cả sinh sôi phát triển ở đây. Chi cả đến nay đã được 21 đời với nhiều ngành, nhánh khác nhau.
Tổ Duy Tân (1525-1586), sau khi theo cha về quê thì được cử lên làm trưởng. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Duy “kim truyền trưởng thứ nhị chi”, con trai thứ được cử lên làm trưởng có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ và hương khói, thờ cúng tổ tiên.
Tổ Duy Trạch. Qua ba đời chỉ có độc đinh thuộc thế hệ thứ hai, ba và bốn. Đến nay chi thứ đã được 17 đời, cũng có nhiều ngành, nhánh lớn bé khác nhau. Đặc biệt chi thứ phát triển mạnh không chỉ về số lượng con cháu mà còn phát triển về kinh tế, văn hóa, trình độ học vấn, nhiều người giữ chức vụ quan trọng trong triều đình phong kiến xưa và trong xã hội nay. Con cháu đã nối tiếp truyền thống hiếu học của cha ông làm rạng danh tổ tiên, dòng họ.
Trải qua gần 600 năm phát triển hiện nay con cháu họ Nguyễn Duy sinh sống trên nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Nam, Bắc Ninh… và nhiều người sinh sống ở nước ngoài như Đức, Mỹ… với hàng nghìn nhân khẩu và trở thành một họ lớn của cả nước. Tuy lập nghiệp và sinh sống ở nhiều nơi khác nhau nhưng họ luôn nhớ về làng quê Đông Linh với một niềm kính trọng.
Hiện nay, làng Đông Linh là nơi thờ phụng thủy tổ đời thứ nhất, tổ của chi trưởng và chi thứ dòng họ Nguyễn Duy. Còn chi cả thì được thờ phụng trên Cao Bằng.
3. Truyền thống lịch sử, văn hóa, giáo dục
3.1. Truyền thống khoa bảng
Dòng họ Nguyễn Duy là dòng họ nổi tiếng về khoa bảng, là dòng họ có truyền thống hiếu học. Từ xa xưa dòng họ đã có nhiều bậc hiền tài, đỗ đạt cao, giữ các chức vụ cao trong triều đình phong kiến, làm rạng danh cho dòng họ. Tiêu biểu như:
- Nguyễn Duy Hòa:
Nguyễn Duy Hòa còn có tên Nguyễn Di Lượng hay Duy Thuần. Hiệu là Ngạn Khê tiên sinh. Cụ sinh năm Bính Thìn triều Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496). Sinh ra trong gia đình nho giáo cụ rất chăm chỉ học hành, làm bạn với Nguyễn Bỉnh Khiêm, cụ đã theo học nhiều thầy trong đó có Lương Đắc Bằng - một quan văn danh tiếng triều Lê. Sau nhiều năm đèn sách, cụ không những lỗi lạc văn chương mà còn tinh thông kinh sử, lý số.
Sinh ra và lớn lên dưới triều Lê suy tàn, các quyền thần chém giết lẫn nhau, các phe phái xung đột, cát cứ từng vùng, thiên tai địch họa liên tiếp, nhân dân đói khổ, giặc cướp quấy nhiễu nhiều nơi. Cụ đã cùng cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhiều năm suy ngẫm, nhiều đêm trăn trở, nhiều lần bàn định vấn đề khoa cử nhưng đều do dự nên đã bỏ lỡ nhiều khoa thi của triều Lê, hai khoa thi của triều Mạc. Cuối cùng cụ chọn khoa thi năm Ất Mùi (1535) đi thi và cụ đỗ Hoàng giáp: “Bọn Nguyễn Di Lượng 7 người đỗ tiến sĩ xuất thân”[4, tr.598] cụ đứng thứ tư trên bảng vàng. Hơn hai năm sau cụ được Nguyễn Bỉnh Khiêm tiến cử, vua Mạc tin dùng vời ra làm quan, bao phong trọng trách cử lên trấn thủ Cao Bằng với mục đích vỗ về dân chúng, xây dựng bảo vệ căn cứ, bảo vệ biên cương tổ quốc. Cụ được phong chức “đô tổng binh xứ, khuông mỹ doãn tán trị đại phu”.
Khi được vời ra làm quan, vua Mạc đã ưu đãi cụ cho xây dựng một ngôi nhà cột bằng gỗ thông, lợp rạ để thờ phụng tổ tiên. Khi vua Mạc tiễn cụ lên Cao Bằng đã có thơ rằng: “vạn lý dư đồ nãi nhất khanh” (nghĩa là: đường xa ngoài vạn dặm nhờ cậy có khanh). Cụ giúp triều Mạc trấn thủ Cao Bằng 13 năm (1538 - 1550). Trong 13 năm đó, cụ đã thi hành nhiều chính sách sáng suốt, nhân đạo, nhìn xa trông rộng như: Cho dựng các mốc cố định ở biên giới Việt - Trung; Di dân miền xuôi lên để phát triển dân số ở Cao Bằng; Mở rộng giao thông làng bản, mở mang kinh tế văn hóa, nâng cao đời sống và thuần phong mỹ tục cho các dân tộc ở Cao Bằng, làm cho nhân dân Cao Bằng ngày một đông đúc, các dân tộc đoàn kết yêu thương nhau, kinh tế ổn định, văn hóa tiến bộ, đời sống đầm ấm, yên vui. Cụ được đồng bào các dân tộc quý mến tin yêu.
- Nguyễn Duy Hợp:
Nguyễn Duy Hợp hiệu là Đông nhạc tiên sinh. Ông sinh năm Ất Sửu (1745) triều Lê Cảnh Hưng thứ 6. Sinh ra trong một gia đình nhà nho có truyền thống hiếu học và nhiều người đỗ đạt nên đã ảnh hưởng rất lớn tới con người Nguyễn Duy Hợp. Lúc nhỏ ông là người khôi ngô tuấn tú, có thiên tính thông minh lại ham học hỏi, khi mới bảy tuổi, gặp năm gia đình bị nạn, ông Đồ Cư (cha Nguyễn Duy Hợp) cùng con phải lưu lạc tới một vùng quê ở Thụy Anh (Thái Bình) dạy học. Một lần, thấy một đám cúng tế linh đình, hỏi thăm được biết một bà quả phụ lập đàn tế lễ trả nghĩa cho chồng để đi bước nữa. Các chức sắc trong làng đã đến viết giúp bài văn tế nhưng chưa nghĩ ra những lời hay ý đẹp. Chủ nhà nghe tin có thầy đồ đi qua bèn mời vào viết giúp. Cụ Đồ Cư xin phép cho con chấp bút. Cậu bé Duy Hợp suy nghĩ một lát liền cầm bút viết:
“Trước cùng chung chăn gối
Nay kẻ mất người còn
Thương xót lập đàn cúng tế trả nghĩa cũ
Còn tình vợ chồng không dám nói [hỏi ông Nguyễn Duy Tứ]
Mọi người nghe xong đều tấm tắc khen và lấy làm lạ. Ông được cha trực tiếp dạy dỗ, đến khi 15 tuổi thì ông được cha gửi đi học trọ nhiều thầy nổi tiếng như: Cấp sự trung Phạm tiên sinh, Viên ngoại lang quốc công Lại tiên sinh, quan đại học sĩ họ Nguyễn, quan đại học sĩ họ Lê. Được sự giúp đỡ của các thầy cùng với ý chí miệt mài kinh sử nên ông học giỏi nổi tiếng. Năm Cảnh Hưng thứ 26, ông thi Hương và đỗ Hương cống. Do hoàn cảnh gia đình nên ông không dự kỳ thi Hội ngay được. Phải đến năm 1772 triều Lê Cảnh Hưng thứ 33 ông mới dự kỳ thi Hội. Lúc đó ông 28 tuổi, và đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Sau khi thi đỗ ông được triều đình cấp áo, mũ, võng lọng về vinh quy bái tổ. Ông được vua Lê Hiển Tông vời ra làm quan và bổ nhiệm chức Đông các hiệu vị. Vài năm sau ông được thăng chức Tả tham chính sự kiêm nhập thị bồi tụng, sau đó ông lại giữ chức Công bộ hữu thị lang và được phong chức Đông nhạc hầu đứng hàng nhị phẩm triều đình và được cử chính trấn thủ xứ Sơn Nam.
Đất nước nội chiến kéo dài ông xin cáo quan về quê ở ẩn. Theo lễ giáo phong kiến “tôi trung không thờ hai chúa” nên khi vua Quang Trung lên ngôi vời ông ra làm quan, ông một mực từ chối mặc dù vậy ông vẫn được triều Nguyễn Tây Sơn kính trọng cho thu tô ba huyện là: Quỳnh Côi, Tứ Kỳ, Vĩnh Lại (Vĩnh Bảo) làm bổng lộc, nhưng ông đã miễn thu tô cho nhân dân ba huyện đó. Ông sống cuộc sống thanh bạch trong suốt 14 năm triều Nguyễn Tây Sơn.
Đến triều Nguyễn, Gia Long nhiều lần ra chiếu dụ vời ông ra làm quan, ông nhất định từ chối lấy lý do tuổi già, mặc dù vậy vua Gia Long vẫn sắc phong ông chức Học sĩ sau đổi thành Kinh Bắc đạo thị trung trực Học sĩ nhưng ông vẫn từ chối không ra làm quan. Sau gần năm năm ông lại được giao chức Đốc học Quảng Nam. Dù được giao nhiều trọng trách nhưng ông vẫn một mực từ chối, vẫn giữ kiên định giáo lý Nho giáo “tôi trung không thờ hai chúa”. Lòng trung thành của ông với nhà Lê đã khiến cho vua Nguyễn cảm động nên cuối cùng Gia Long đành cho ông về quê trí sĩ mở trường dạy học. Ngày nay con cháu đang phấn đấu để nối tiếp truyền thống đó của cha ông.
3.2. Truyền thống yêu nước, thương dân
Nguyễn Duy là dòng họ có truyền thống yêu nước, thương dân, được mở đầu bằng cụ thủy tổ Nguyễn Duy Hòa. Sau khi đỗ Hoàng giáp, ông được vời ra làm quan với nhà Mạc. Là người thông minh, có đầu óc sâu rộng, có lòng nhân từ bác ái, cộng với lòng thanh bạch liêm chính, lòng chung thủy với dân với nước. Ông chán ghét cảnh đất nước bị chia cắt, chiến tranh loạn lạc, nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn, khiến cho đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ lầm than. Điều đó đã ảnh hưởng sâu sắc tới tư tưởng tình cảm của ông. Ông thể hiện lòng yêu nước của mình bằng cách làm tốt trọng trách được giao. Do đó, trong 13 năm giúp vua Mạc trấn thủ Cao Bằng, ông không những làm tốt bổn phận trấn thủ biên giới Việt - Trung bằng cách cho xây dựng nhiều cột mốc cố định biên giới Việt - Trung, mà còn giúp phát triển vùng đất này. Để làm được điều đó ông đã cho di dân từ miền xuôi lên để phát triển dân số Cao Bằng, mở rộng giao thông làng bản, mở mang văn hóa cho đồng bào các dân tộc, giữ vững thuần phong mỹ tục. Do đó đời sống của đồng bào ngày càng được nâng cao, kinh tế ổn định, văn hóa tiến bộ, đời sống đầm ấm yên vui, các dân tộc đoàn kết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Ông được đồng bào các dân tộc kính trọng tin yêu, quý mến.
Nguyễn Duy Hợp cũng là một người yêu nước, thương dân hết mực. Sau khi thi đỗ, ông ra làm quan với triều Lê đến chức Công bộ Hữu thị Lang và được phong tước Đông nhạc hầu đứng hàng nhị phẩm triều đình. Ông được cử ra chính trấn thủ xứ Sơn Nam, lúc đầu đóng ở thủ phủ trấn Sơn Nam thượng là Phố Hiến, sau chuyển về Vị Hoàng đóng bên bờ sông Vị (thuộc thành phố Nam Định ngày nay).
Trấn Sơn Nam là hành lang trọng yếu của thủ đô Thăng Long, điều đó chứng tỏ Nguyễn Duy Hợp là người được vua Lê rất trọng dụng và giao cho trọng trách bảo vệ ngoại thành Thăng Long. Dù rất trung thành với vua Lê nhưng ông cũng nhận rõ được sự suy thoái cực độ của triều đình Lê mạt, các phe phái ham danh trục lợi, vua kém tôi hèn, không thể nào cứu vãn được, lòng dân ly tán. Nên ngày 5/7/1786, nghĩa quân Tây Sơn ra gần tới Bắc Hà, ông đã rút quân khỏi Vị Hoàng về án binh bất động tại Bái Bồ trang thuộc huyện Quỳnh Côi và Hạ Hồng thuộc huyện Ninh Giang nằm trên bờ sông Luộc để bảo toàn lực lượng. Vì vậy mà ngày 11/7/1786, nghĩa quân Tây Sơn vào Vị Hoàng không đổ máu. Ngày 21/7/1786, đại quân Tây Sơn tiến ra giải phóng Thăng Long. Sau khi đè bẹp được ngôi Chúa của tập đoàn họ Trịnh, ngày 31/7/1786, Nguyễn Huệ mời các quan văn võ nhà Lê về Thăng Long chào mừng Lê Hiển Tông trở lại nhận chức vụ cũ. Người được giữ chức vụ Đồng xu mật viện. Sau khi Chúa Trịnh bị lật đổ, cụ Nguyễn Duy Hợp thực lòng muốn khôi phục lại nhà Lê nên khi Lê Chiêu Thống về thành, ông cũng theo về. Nhưng khi bè phái họ Trịnh trở lại và vua Lê Chiêu Thống sang cầu viện nhà Thanh, ông nhìn rõ thời vận nhà Lê đã hết không thể tiếp tục tôn phò được nữa. Nên đầu tháng 10/1787, ông đã treo ấn từ quan, thay đổi họ tên về quê ở ẩn, một lòng trung thành với nhà Lê và không chịu ra làm quan với các vương triều khác.
Ông còn có lòng yêu thương nhân dân hết mực. Tấm lòng ấy chính là kết quả của quá trình được giáo dục trong một gia đình giàu truyền thống Nho học. Sau khi thi đỗ, ông được triều đình cấp cho hai mẫu điền thổ cắm lăng và làm cho ba gian nhà thờ làm bằng gỗ dừa chạm long vân. Gặp năm thiên tai đói kém, không có tiền thóc cứu tế cho dân, ông đã cho bán ngôi nhà đi để lấy tiền giúp nhân dân cứu đói. Nhiều nơi đến thăm nhưng đều chê không mua vì làm đình thì quá nhỏ, làm nhà thì phạm luật quốc cấm, cuối cùng ông đành phải bán cho ngư dân Diêm Điền bổ củi hun thuyền. Khi bổ củi ông dặn để lại một mảnh gỗ chạm long vân làm kỷ vật lưu niệm cho con cháu các thế hệ đời sau, nhưng do bảo quản không tốt mảnh gỗ đó đã bị hư mục, thất lạc.
Khi Nguyễn Huệ lên làm vua, do kính trọng ông nên đã cho ông thu tô ba huyện là Quỳnh Côi, Vĩnh Lạc, Tứ Kỳ làm bổng lộc nhưng ông đã miễn thuế cho nông dân ba huyện này, giúp cho đời sống của nông dân ở ba huyện này có phần sung túc hơn.
Cuộc đời Nguyễn Duy Hợp tuy giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình vào hàng rường cột. Nhưng với tấm lòng yêu nước thương dân, sống cuộc sống thanh bạch, liêm chính nên đến cuối đời ông vẫn sống một cuộc sống hàn vi, trong sạch, ông mở trường dạy học làm kế sinh nhai. Con cháu đời sau đã ca ngợi ông:
…Ơn cao như núi Thái Sơn
Nghĩa rộng như nước về nguồn biển Đông
Đương thời chí khí hào hùng
Tận trung với nước, hết lòng vì dân
Trọn đời “liêm, chính, kiệm, cần”
Gian nan, nhưng lòng một phân chẳng dời
Dọc ngang, ngang dọc một thời
Anh minh để tiếng muôn đời mai sau” [6, tr.30]
Khi Tôn Thất Thuyết thay mặt vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương, Phụ Dực là một trong những huyện có phong trào Cần Vương sôi nổi, dòng họ Ngyễn Duy có gần mười người tham gia mộ binh ứng nghĩa, tấn công chiếm phủ lỵ Thái Bình, bị phục kích ở chợ Trực Nội (Đồng Xuân nay). Nhiều người bị bắt, lưu đày, hay thương vong, tử trận, tên tuổi còn lưu trong tộc phả, tinh thần khí khái bình Tây.
Đến những năm 1928-1930, dòng họ Nguyễn Duy có ông Nguyễn Duy Tâng được giác ngộ cách mạng, tham gia và trở thành yếu nhân của tổ chức Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên ở Phụ Dực. Tháng 5/1930, chi bộ cộng sản Phụ Dực được thành lập do đồng chí Nguyễn Duy Tâng làm bí thư. Ông là người đầu tiên đưa phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo về làng, về xã. Do đó làng Đông Linh được coi là cái nôi của cách mạng. Khi nông hội đỏ ra đời, dòng họ Nguyễn Duy có 13 người tham gia, trong đó có hai Đảng viên đảng cộng sản. Từ đó đến nay, dòng họ Nguyễn Duy có nhiều người phục vụ trong quân đội, giữ những cương vị quan trọng như Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thiếu tướng Nguyễn Duy Thái, Đại tá Nguyễn Duy Bang…
Hiện nay, trong họ có hơn 40 Đảng viên. Cả dòng tộc Nguyễn Duy trọn niềm tin với Đảng, thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước, không có thành viên nào trong họ vi phạm pháp luật. Tất cả những điều đó đã chứng minh truyền thống yêu nước của dòng họ Nguyễn Duy.
3.3. Truyền thống giáo dục
Truyền thống giáo dục của dòng họ Nguyễn Duy không chỉ thể hiện ở việc hiếu học, quỹ khuyến học, nghề dạy học mà còn được thể hiện bằng việc tuyên truyền giáo dục cho con cháu truyền thống của dòng họ.
- Truyền thống dạy học:
Theo gia phả dòng họ còn ghi chép lại, chúng tôi thấy hầu hết các chi của dòng họ Nguyễn Duy đều có người làm nghề dạy học, từ “ông đồ” Nho học cho đến giáo viên các cấp sau này. Đây là kết quả của truyền thống nhân nghĩa, yêu nước, hiếu học của dòng họ Nguyễn Duy.
Cụ thủy tổ Nguyễn Duy Hòa trước khi thi đỗ đã có nhiều năm vừa dùi mài kinh sử vừa dạy học. Do đó ông vừa tinh thông sử sách văn chương, vừa có nhiều học trò theo học. Đỗ đạt, ông ra làm quan với triều Mạc, sau khi về trí sĩ ông lại mở trường dạy học, trở lại với sự nghiệp rèn luyện đào tạo nhân tài. Tuy chỉ sống trong ba gian nhà tranh, tài sản chỉ có một tủ sách đựng đầy các pho kinh sử, nhưng với tấm lòng nhân hậu và vốn kiến thức của mình, học trò theo học ông rất đông. Không chỉ có học trò trong làng mà còn có cả học trò các làng các xã ngoài cũng tìm đến theo học ông. Trong số đó nhiều người học rộng đỗ đạt cao làm nên sự nghiệp, giữ những chức vụ quan trọng vào hàng rường cột trong triều đình, cuộc sống giản dị, thanh bạch và gian khổ nhưng trong sáng của ông đã là tấm gương sáng ngời cho con cháu đời sau noi theo. Chính vì vậy mà truyền thống dạy học đã được con cháu tiếp nối cho đến ngày nay.
Ông Nguyễn Duy Cúc sinh năm Canh Dần trong một gia đình nhà nho nghèo. Tuy học vị không cao nhưng ông có tri thức học vấn uyên thâm. Sự nghiệp giáo dục con người thì vô cùng to lớn, sự nghiệp giáo dục của ông không chỉ có nhiều học trò theo học mà đặc biệt ông đã một mình nuôi dạy người con trai duy nhất của mình là Nguyễn Duy Hợp khôn lớn, đỗ tiến sĩ năm 1772. Khi Nguyễn Duy Hợp đỗ đạt, vua Lê cảm động trước công lao của ông đã phong cho ông tước Hồng Lô Tự Tư Khanh. Hiện nay, sắc phong này vẫn được lưu giữ trong nhà thờ chi thứ - ngành trưởng dòng họ Nguyễn Duy. Tên ông được khắc trong hai bia đá Cư Nhân làng Đông Linh. Đây là niềm tự hào của dòng họ.
Hiện nay, dòng họ cũng có nhiều người dạy học ở các cấp từ mầm non cho đến đại học. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh đã có nhiều năm công tác và có nhiều đóng góp cho trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
- Giáo dục lịch sử truyền thống của dòng họ:
Cũng như nhiều dòng họ ở Thái Bình, dòng họ Nguyễn Duy, tộc phả, gia phả gốc đã bị mất, mãi tới đầu thế kỷ XIX mới truy xét mà chép lại truyền cho con cháu. Hội đồng gia tộc đã nghiên cứu bản gia phả thời Nguyễn cùng với các tài liệu bi ký đã hoàn chỉnh gia phả của dòng họ từ thế kỷ XVI đến nay. Việc biên soạn gia phả dòng họ Nguyễn Duy gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc truy xét từ cụ thủy tổ đầu tiên trở về trước nhưng với sự kiên trì và đầu tư nhiều công sức, đến nay con cháu trong họ đã có cái nhìn tương đối tổng thể về dòng họ. Cùng với quá trình truy xét và chép lại gia phả là quá trình giáo dục cho con cháu trong họ hiểu được chi trên, ngành dưới, thúc bá, huynh đệ, tạo ra một phong thái ứng xử kính trên nhường dưới, lễ phép, tôn ti trật tự, tránh hiện tượng “cá mè một lứa”, “đánh nhau vỡ đầu mới nhận ra họ” của con cháu đời sau.
Trong ngày giỗ tổ 30/7 âm lịch hàng năm, tại nhà thờ đại tôn, con cháu trong dòng họ tập trung trước bàn thờ tổ tiên. Cụ Chủ tịch Hội đồng gia tộc nói về truyền thống của dòng họ Nguyễn Duy.
Nguyễn Duy là một dòng họ có học phong nổi trội giữa vùng quê văn hiến An Bài, đó là các tấm gương: cụ thủy tổ Nguyễn Duy Hòa, Nguyễn Duy Cúc, Nguyễn Duy Hợp… Truyền thống yêu nước tiêu biểu như các cụ Nguyễn Duy Hòa, Nguyễn Duy Hợp, Nguyễn Duy Tâng… Tấm gương liêm chính của tiến sĩ Đông nhạc hầu Nguyễn Duy Hợp được thờ tại chi thứ - ngành hai và bài minh khắc trên chuông chùa làng Phong Xá cùng xã là biểu hiện khí tiết cao thượng và tư tưởng tiến bộ của một tri thức đại khoa trong bối cảnh lịch sử cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX của dân tộc. Nghề thuốc đặc dụng của cụ cử nhân Nguyễn Duy Thục là những tư liệu quý có sức thuyết phục con cháu lấy chính đạo làm gương, lấy nhân nghĩa làm gốc của giềng mối tộc phong, tình làng nghĩa nước. Những tấm gương hiếu đễ, tiết nghĩa, thủy chung của các bậc tiền nhân đã được kể thành chuyện, thành vè, dễ nghe dễ hiểu và dễ nhớ. Một điều đặc biệt trong việc giáo dục truyền thống của dòng họ đó là, vào dịp 30/7 âm lịch hằng năm, con cháu trong các gia đình ở Hà Nội đã tập trung trước tấm bia có tên cụ Hoàng giáp Nguyễn Duy Hòa tại Văn Miếu, thắp hương tưởng niệm và ôn lại tiểu sử sự nghiệp của cụ. Đây là một việc làm hiếu kính và có ý nghĩa giáo dục rất cao.
Cùng với việc tuyên truyền giáo dục truyền thống của dòng họ, Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Duy đã khẳng định cương lĩnh hoạt động của gia tộc là tinh thần đoàn kết: “đoàn kết trong dòng tộc, đoàn kết với các dòng họ khác trong làng, ngoài làng” [20, tr.88] vì dòng họ Nguyễn Duy nhận thức được rằng họ kết thành làng, các họ có đoàn kết thì làng mới vững mạnh. Họ Nguyễn Duy luôn giáo dục các thành viên biết vui cái vui của làng, biết chia sẻ cái buồn thương của người khác. Phong cách ứng xử điềm đạm, hòa nhã, tránh cục bộ coi thường họ nhỏ, kèn cựa đua tranh lẫn nhau tạo nên sự đoàn kết trong làng.
- Truyền thống khuyến học:
Là một dòng họ có truyền thống hiếu học, có nhiều người học rộng tài cao, phò vua giúp nước. Truyền thống ấy đã được dòng họ phát huy từ trước cho đến nay. Làm nên truyền thống đó có sự đóng góp không nhỏ của quỹ khuyến học dòng họ. Dòng họ có quỹ khuyến học trước khi Nhà nước đưa ra quỹ khuyến học. Lúc đó dòng họ gọi là “quỹ động viên học tập”. Qũy khuyến học nhằm động viên con cháu cố gắng học tập tiếp nối truyền thống hiếu học của ông cha. Hội đồng gia tộc xác định khuyến học bằng tinh thần là chủ yếu, vật chất chỉ là khích lệ, động viên.
Hàng năm vào dịp 30/7 âm lịch, nhân ngày giỗ tổ, gia tộc tổ chức trước nhà thờ đại tôn, động viên tinh thần học tập của con cháu trong độ tuổi đến trường và vào các trường đại học được tổ chức rất long trọng nhưng không cầu kỳ có sự góp mặt của các thành viên trong họ. Các cháu học phổ thông trung học, tiểu học đạt học sinh giỏi cấp huyện trở lên, các cháu thi vào đại học đỗ từ một đến hai trường là đối tượng được dòng họ tuyên dương và có phần thưởng động viên. Trước bàn thờ tổ tiên, trưởng tộc nói với con cháu về truyền thống hiếu học của tổ tiên.
Các vị tiến sĩ, hoàng giáp vinh quy bái tổ là nhờ đức hiếu học, vượt khó sôi kinh nấu sử, như: Cụ tổ Nguyễn Duy Hòa, cụ Duy Hợp. Nhiều cụ nhà nghèo nhưng thi giật giải nguyên như cụ Duy Trạch, Duy Tân. Trong lễ khuyến học ấy, căn cứ vào mức độ đạt giải mà có phần thưởng cho con cháu theo cấp độ, phần thưởng giá trị kinh tế không đáng là bao (từ 30.000 - 40.000 đồng) nhưng con cháu phấn khởi, là niềm vinh dự trước tổ tiên.
Một việc làm nữa cũng rất có ý nghĩa, đó là trong ngày trao thưởng cho các cháu đạt thành tích cao trong học tập, trước bàn thờ tổ tiên, Hội đồng gia tộc đặt hòm khuyến học. Các thành viên, người nhiều, người ít tùy tâm đóng góp quỹ khuyến học động viên con cháu. Do đó nguồn quỹ khuyến học lúc nào cũng rất dồi dào. Hội đồng gia tộc còn quyết định trợ cấp động viên con cháu học tập dưới hình thức cho vay đối với các gia đình và các cháu có hoàn cảnh khó khăn nhưng ham học và học giỏi theo năm bằng quỹ của gia tộc. Nhờ quỹ này mà nhiều gia đình nghèo khó nhưng vẫn nuôi được con học đại học. Truyền thống này đã là niềm tự hào của dòng họ, tiếng tăm đồn khắp trong xã, ngoài làng. Dòng họ đã nhiều lần được UBND xã An Bài và UBND huyện Quỳnh Phụ trao tặng giấy khen và bằng khen.

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại46,984
  • Tổng lượt truy cập807,898
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây