Tác phẩm Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng

Thứ bảy - 05/10/2024 20:35 13 0

Tác phẩm Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng

Tác phẩm Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng: Chương 13

Chương 13

Thế nào, chú Tư-lập-lơ, lão hàng lợn ấy mất tiền với chú chứ?
- Thôi em van chị, chị cứ trêu em mãi!
- Ơ kìa! Tôi đâu dám trêu chú, và này chú cho tôi tiêu chung với nào?
Tư-lập-lơ đưa mắt trách Tám Bính, vừa bảo Năm Sài Gòn:
- Chị ấy bây giờ ghê gớm lắm anh ạ, chẳng kém anh tý nào. Chưa bao giờ tôi thấy một "bỉ vỏ" nào "sừng kền"(2) như thế.
Tư uống nốt chén chè nói tiếp:
- Tôi nghĩ vừa bực vừa phục chị ấy. Anh tính lão
_________________________
1. Đi đọ: đi đày. Thường tòa án hay kết án đi đày không thời hạn những kẻ cắp nhiều lần can án.
2. Sừng kền: cái sừng bằng kền
hàng lợn buông tay nhận mười lăm đồng hàng thịt ra, chỉ sểnh mắt tôi độ một phút đồng hồ đã tru tréo ầm lên mất tiền rồi. Tôi đi lùng khắp chợ, tra xem đứa nào "hiếc" thì "tiểu yêu" đều bảo chị. Gớm quá! Hóa ra lúc chị ấy chuyện hươu chuyện vượn với lão đó trong hàng nước là lúc chị đưa "so khọm"(1) vào "xiếc".
Bính cười to:
- Im đi, chính chú lấy mà còn cứ vờ...
Tư bực nhưng vẫn phải cười:
- Thôi em lạy chị rồi, biết chị lắm rồi!
Tư mải cãi quên cả hút thuốc phiện. Năm giục hắn:

- Nhà tôi nó trêu chú đấy, chú đừng cãi cho mỏi miệng. "Trô"(2) mau đi còn sang Hạ Lý "quấy" chứ.
Bính phát mạnh vào lưng Năm, nũng nịu nói:
- Có thì chết với tôi!
Năm hất hàm:
- Tôi cứ đi thì mình làm gì tôi nào?
Tám Bính dỗi, bảo Tư-lập-lơ:
- Đấy, chú cứ rủ nhà tôi đi, tôi máy "cớm" bắt chú cho mà xem.
- Càng hay chị ạ, dạo này tôi "đét" quá, được vào tù ngồi ăn không phải lo còn gì sướng bằng.
- Chú thách chứ?
- Thách đấy.
Tư-lập-lơ chực nói nữa, Ba Bay đã dí đầu dọc tẩu vào miệng, Tư vội đón lấy, so hẳn vai lên kéo một hơi thật dài.
_________________________
1. So khọm: thằng già
2. Trô: hút.
Điếu thuốc cháy sèo sèo trên chiếc chụp đèn thủy tinh ám khói vang lên những tiếng vo vo đều đều như tiếng sáo diều, rải trong cái không khí tờ mờ một hương thơm phảng phất, cái hương thơm đầy những đê mê mà kẻ nghiện muốn lúc nào cũng âm ỷ trong phủ tạng, trong tâm hồn.
Những cặp mắt sắc của Năm Sài Gòn, Tư-lập-lơ và Ba Bay bắt đầu lờ đờ giống khói thuốc phiện mơ hồ. Ngọn đèn dầu lạc hơi rung tự nhiên sáng ngời lên. Qua những tia sáng huyền ảo ấy, cả ba đều thấy hiển hiện bao hình ảnh lạ lùng chập chờn như cảnh thần tiên vậy.

Ba Bay tưởng tượng ra một ngày kia, tình cờ hắn gặp một người đàn bà rất xinh, rất lẳng. Chỉ sau vài phút chuyện trò, người đàn bà nọ liền lả lơi cười với hắn. Ba Bay thấy thế liền ôm lấy ngay. Hắn vuốt ve, hắn hôn hít. Nhìn bầu vú hạt cau phập phồng dưới chiếc áo cánh lụa, hắn rạo rực như bị cắn rứt. Rồi hết giờ ấy sang giờ khác hai cái các thịt bừng bừng không rời nhau một giây đồng hồ.
Bỗng, buông xong những tiếng cười khanh khách, người đàn bà bỏ chiếc khăn vuông ra. Tức thì, trước ánh đèn - vẫn ánh đèn dầu lạc lung linh - một khuôn mặt hiển hiện rõ ràng, da hồng hồng, mắt lóng lánh quầng thâm, môi mỏng không cần tô son nhưng nổi bật đường cong ướt, hai hàm răng cắn chỉ thở những hơi thở nhẹ và thơm. Kỳ dị! Chính là khuôn mặt Tám Bính, người đàn bà đã mê đắm Năm Sài Gòn, người đàn bà bấy lâu Ba Bay mơ ước khát khao.
Khói thuốc phiện vẫn mơ màng.
Cũng như Ba Bay, Tư-lập-lơ nhìn bằng đôi mắt không đắm đuối, say sưa.
Phút chốc, gian nhà lá nhỏ, xóm Chợ con lúc nhúc những người cùng khổ của thành phố Hải Phòng "tứ chiếng" biến thành một tòa nhà nguy nga, có hồ rộng, có vườn cây, một tỉnh rất thoáng đãng ở đây, Tư-lập-lơ có ô tô chạy khách, có xà lan chở hàng thuê sống một đời rất nhàn hạ sung sướng.
Ai dám tin Tư-lập-lơ có ước mong ấy?
Khói thuốc phiện vẫn mơ màng. Cũng như Ba Bay và Tư-lập-lơ, Năm Sài Gòn nhìn đắm đuối say sưa.
Năm mơ thấy đời mình lại thay đổi. Năm thôi làm trùm chạy vỏ, nắm một oai quyền to tát nhiều lợi và nguy hiểm hơn. Các sòng bạc lớn nhất, nhiều khách sang nhất Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và mấy tỉnh miền thượng du xứ Bắc kỳ đều đứng tên Năm. Đứng tên Năm đây không phải là Năm khai tên tuổi lấy môn bài làm ăn và Năm luồn lọt mấy nhà tai mắt để mưu sự làm ăn của mình. Không, Năm không chịu quỵ lụy ai hết, Năm xếp đặt cách làm ăn rất khéo léo với những tay chân vây cánh và tai mắt đặc biệt của Năm. Năm quyết chống lại với mọi sức mạnh của pháp luật mà sống một đời như đế vương.
Bấy giờ Tám Bính chỉ có việc ăn xong thì ngồi xếp bằng trên sập khảm mà
nhận tiền "hồ" các sòng dồn lại. Còn Năm Sài Gòn chỉ rong ô tô nay Sầm Sơn, mai Tam Đảo, kia Huế, kia Sài Gòn, Hồng Kông, Thượng Hải, tiêu tiền như rác cho tiếng tăm lừng lẫy.
Khói thuốc phiện từ từ tan rồi tắt mất. Trên lò than tầu đỏ rực hắt lên mặt vách quét vôi xanh nhạt, làn ánh sáng chập chờn hồng hồng, ấm nước sôi réo rồi trào bọt xuống hỏa lò cháy xèo xèo. Bính giật mình nhắc nắp ấm ra và khẽ gọi:
- Ba quan ơi! Có quan nào dậy để tôi pha nước uống không? à mà có lẽ ngủ say cả rồi đấy.
Không thấy ai đáp, Bính xách ấm nước sôi rót vào bình tích. Rót xong, Bính lay người Năm:
- Mình ơi có hút nữa không? Không thì thu xếp lại chứ, khuya lắm rồi!
Năm chỉ ừ ào, Bính quay sáng kéo Tư-lập-lơ và Ba Bay:
- Hai chú ngủ lại đây hay về nhà?
Cả hai mở choàng mắt, Tư vội nói:
- Về nhà! Về nhà!
- Tôi gọi xe nhá?
Tư ngáp dài. Tám Bính nhắc:
- Tôi gọi xe có bằng lòng không?
Tư lắc đầu:
- Đừng chị ạ.
- Thế từ Chợ con về chùa Đỏ, chú cuốc bộ được à?
- Chứ sao! Chị tính chả cuốc bộ thì làm thế nào? Một trinh mẹ không có, nhảy lên xe đi cho lột áo à?
- Thôi đi đừng "pha", chú mà lại "đét" thế ư?

Tư thở dài nói:
- Thật đấy, dạo này em "đét" quá! ấy hôm nọ có món lão già là bở nhất thì chị tiêu hộ ngay mất.
Tám Bính nhìn nét mặt Tư rầu rĩ. Bính ngẫm nghĩ một lúc rồi trườn người móc cái ví ở túi áo Năm, lấy ba đồng bạc đưa cho Tư:
- Đây chú cầm tạm mà tiêu.
Tư sượng sùng cầm lấy, Ba Bay vội nguýt Tư:
- Mày tồi quá! Lấy của chị ấy làm gì?
Tám Bính bảo Ba:
- Có là bao chú Ba, chú Tư chú ấy có túng thì tôi mới đưa, vậy việc gì phải giữ kẽ.
Bính tưởng lầm, Ba Bay trách Tư không phải vì tiền tài đâu mà vì hắn ghen với Tư còn trai trẻ sáng sủa hơn hắn.
Ba Bay tấm tức, chờ Bính sắp sửa đóng cửa, cười nhạt chào Bính:
- Thôi chị Tư à chị Năm đi nghỉ nhé.
Bính thản nhiên chào lại, gài cửa xong quay vào nhà.
Sáng hôm sau, dọn cơm nước xong, Bính gọi Năm dậy. Không cần vợ đánh thức, Năm kéo tay Bính:
- Mình ngồi xuống đây tôi hỏi cái này.
- Thì hẵng ra ăn kẻo canh nguội hết. Bữa nay canh cài nấu giò ngon lắm.
Năm gật đầu, dịu Bính ngồi xuống bên mình:
- Khoan đã, mình lấy ba đồng bạc trong ví anh đấy chứ?
- ừ, mà làm sao?

- Để sắm gì đấy?
Bính vui vẻ thuật lại cho Năm nghe khi Bính hỏi Tư-lập-lơ có đi xe về nhà không thì hắn lắc túi, buồn bã. Bính đưa cho hắn ba đồng, hắn còn giùng giằng mãi sau mới dám nhận. Bính nói hết câu, Năm cau mày hỏi:
- Dạo tôi "nhỡ" Tư-lập-lơ có năng đi lại đây không?
- Có mình ạ. Mà nó tử tế hơn hết. Khi mình vừa bị bắt, nó đến ngay nhà bào tin, và không đợi em hỏi, nó đưa luôn tiền cho em bảo là tiền "bồi", em không bằng lòng trả lại nó, nó tưởng chê ít liền giục Mười Khai đưa thêm nữa. Rồi hôm nó thấy em gánh gạo ra chợ Vườn hoa bán, nó níu gánh em lại, nhưng em nhất định không nghe. Suốt ba tháng không ngày nào nó không cho trẻ con đem lại hàng em quà bánh và thức ăn, em không thể nào từ chối phải nhận để nó bằng lòng.
Năm Sài Gòn lắng tai nghe xong gật đầu nói:
- ừ anh biết Tư nó khá lắm, vả lại dạo ấy dễ làm tiền, tiêu hơn thế cũng chẳng bõ bèn gì.
Năm nói xong, nét mặt trở nên buồn bã khác thường. Bính ngạc nhiên băn khoăn không hiểu tại sao mấy hôm nay Năm hay ngủ li bì, kém ăn kém hút. Hay là vì Năm thấy sự nguy hiểm gì sắp đến, nên lo âu như thế. Bính dịu dàng:
- Này mình, sao mình buồn thế! Hay mình giận em về sự cho tiền Tư đấy?
Năm lắc đầu, đăm đăm nhìn Bính:
- Không phải. Tư tử tế, mình giúp nó là phải, anh nào có để tâm đến điều ấy. Anh...
Năm ngừng lại toan bỏ dở nhưng sau một phút im lặng thấy cần phải than thở với Bính, tuy biết thế sẽ làm Bính nao núng và là một điều hèn nhục cho mình, Năm nắm chặt lấy tay Bính ấp lên ngực nói tiếp:
- Anh buồn chỉ vì mấy tháng nay "cớm" săn anh riết quá, anh không đi đâu được mà để em đi thì anh thương hại, phấp phỏng cho em lắm.

- Không mình đừng lo!
Năm vẫn dằn giọng nói:
- Chẳng những thế, mình làm có được là bao, khi năm đồng, khi bảy đồng, số tiền đó trước kia anh chỉ trả tiền xe chơi mát mấy tối cũng thiếu.
Bính hích đùi vào người Năm"
- Anh nói "phách" lạ!
- Thật đấy, mà nào có lâu la gì, mới năm ngoái thôi.
Bính căn vặn hỏi sao Năm biết "cớm" săn riết và "trõm" hắn ở những đâu thì Năm bảo:
- Mình cứ luôn luôn lên chợ Sắt xem, mình sẽ thấy một người có hai cái nốt ruồi ở mé mắt bên phải, lúc mặc áo the, lúc quần là ống sớ, áo vải tây vàng, lảng vảng khắp chợ. Đấy là "so" Chuyên. ở bến tầu Nam, bến tàu Quảng Yên có "so" Phụng, cái thằng có hai răng vàng và "cớm cộc" Thiều lác thay đổi nhau canh gác. Sáu kho có "cớm chùng" Tùy Cò hương, còn Đầu Cầu, phố Khách, phố Ba Ty chả lúc nào vắng bọn thằng Vinh rỗ hay thằng Miện mũi đỏ đạp xe.
Nói đến đây Năm thở dài:
- Đấy mình xem cơ màu này anh đi thì trôi sao được, huống chi anh lại có "bùng"(1) mới đáng lo.
Tám Bính siết chặt lấy tay Năm:
- Thì nào em có bảo mình "đi", mình nằm nhà mặc em xoay.
Năm Sài Gòn âu yếm nhìn Bính:
- Khó lắm! Có đứa mách "cớm" và "cớm" để ý tới em rồi đấy.
_________________________
1. Bùng: án biết xứ. Thường thường Bắc kỳ người có án biệt xứ không được lai váng tới năm thành phố này: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hải
dương và Hà đông.
Tám Bính vênh mặt, nũng nịu:
- Khi nào cớm mó được đến người em.
Năm Sài Gòn lườm yêu Bính:
- Mình chỉ kiêu ngạo thôi, tài giỏi sảnh sỏi như Tư-lập-lơ còn "cáy" không dám làm tiền nữa là mình thứ vị gì.
- Nhưng em...
- Em là "bỉ" chứ gì?
Tám Bính ngả người trên lòng Năm. Năm nằm yên nhìn Bính. Một sự sung sướng nhẹ nhàng không hiểu tự đâu thoáng qua tâm trí Năm, Năm liền quàng tay qua Bính, kéo mặt Bính sát tận mặt mình, thều thào:
- Em gái nhỏ tôi "te"(1) quá.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,165
  • Tổng lượt truy cập808,079
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây