Số đỏ
XIII
MỘT CUỘC ÐIỀU TRA BẰNG SINH LÝ HỌC
NGÔN NGỮ CỦA MỘT VỊ CHÂN TU
XUÂN TÓC ÐỎ CẢI CÁCH PHẬT GIÁO
Khi ông đốc tờ Trực Ngôn đã lên gác trên thăm bệnh cho cậu Phước thì Xuân còn lảng vảng ở nhà dưới với bọn gia nhân. Bọn này đả động đến cậu con Giời con Phật ấy. sở dĩ họ dám xử thân với Xuân là bởi tuy không rõ Xuân là hạng gì trong xã hội nhưng được bà chủ trọng đãi như thế, thì họ cũng phải kính trọng Xuân, và tuy Xuân ở địa vị cao hơn họ, song nhũng tiếng rất bình dân mà Xuân hay điểm vào câu chuyện: “Mẹ kiếp! Chẳng nước mẹ gì cả!” vân vân... đã khiến cho họ thấy Xuân dễ dãi, không khinh người, nhất là không khinh người!
Cũng như bọn gia nhân biết tự trọng khác, nghĩa là những lúc nhàn rỗi thì phải nói xấu chủ cho khỏi phí thì giờ, bọn này quay quần nhau lại nói đến cái chuyện “bà chúa phải gai”. Người tài xế kêu:
- Rõ lắm của có khác! Ðộng tí thì nhặng lên! Làm như sắp chết ấy! Sự thật thì thằng bé chẳng sao cả! Chỉ vẽ chuyện! Có thế cũng cuống quýt lên mời đốc tờ! Chả biết rồi làm nên tướng gì cho bõ!
Người vú nuôi của cậu Phước cũng nghĩ vu vơ ngay đến cuộc chiến tranh giai cấp bằng cách phê phán:
- Chả bù với con nhà nghèo! Ðến ăn cũng không có thì ra chẳng bao giờ ốm, mà có ốm thì cũng ốm no bò dậy!
Nhưng người bếp lại ác khẩu hơn. Người này nhất quyết chủ trương cái thuyết là con Giời hay con Phật mặc lòng cậu Phước cũng chỉ là một người, mà lại một cậu bé đến tuổi dậy thì, đã được những cao lương mỹ vị tẩm bổ khí huyết cho phương cường thì lại càng gớm hơn, càng có vẻ con Giời con Phật! Muốn dẫn những chứng cớ chính xác, người bếp lại nói:
- Ðấy cứ để ý mà xem thì biết! Những lúc nó cứ “em chã” rồi vạch yếm vú em ra mà sờ vú, rồi lại giả vờ bú ấy! Thế là dâm đến nơi cũng như mẹ nó chứ không thì còn là cái cóc khô gì! Nhất là những lúc nó bắt vú em cõng nó rồi nhong nhong cưỡi ngựa đủ biết! Rau nào sâu ấy, phương ngôn đã có câu...
Xuân Tóc Ðỏ hai tay đút túi quần, một chân gác lên bệ đá, làm ngay một câu như một nhà đạo đức cay nghiệt:
- Mẹ kiếp, con Giời với lại con Phật!
Nhưng người vú nuôi chữa thẹn cho mình bằng cách cãi cho Phước thế này:
- Cứ nói nhảm thế, chứ cậu ấy còn bé dại như thế, đã biết quái gì!
Người tài xế hỏi:
- Tôi biết chán, vì tôi để ý đến trẻ con lắm. Trẻ con bây giờ là hư thân mất nết sớm lắm chứ không như ở thời các cụ nhà ta đâu... Ranh con nít mắt ra đã có nhân tình rồi, đã rủ nhau đi săm rồi! Cậu cả nhà này tuy chưa biết gì thật nhưng mà cứ như thế thì đã đến lúc c6àn lấy vợ đấy! Cứ như cái thói dâm dật của bà mẹ thì con nào mà không hư? Những lúc cậu cả cứ ngồi lỳ lỳ cái mặt ra thì chỉ nghĩ đến cái dâm thôi chứ chẳng phải sắp “đòi về” gì, mà cũng chẳng thần thánh nào lôi thôi gì...
Nghe đến đây thôi, Xuân quay lên, sau khi thấy rằng bọn ấy nói mà đúng. Nó lên xem ông đốc tờ Trực Ngôn có tìm ra căn bệnh của cậu con cầu tự ấy không...
Lúc ấy, quan bác sĩ đứng tần ngần trước mặt cái cậu bé đã cỡi trần ra thì không muốn mặc quần áo vào nữa, và trước cái mặt đầy những lo âu của bà mẹ hiền của cậu ấy. Ông rất lấy làm phân vân. Ông thấy hình như cậu bé không có bệnh tật gì cả, vậy mà bà mẹ cậu cứ bảo cậu mới mắc bệnh thì tất nhiên cậu phải có bệnh.. Ông chưa tìm ra bệnh thì vừa lúc Xuân Tóc Ðỏ bước vào xem... Ông Văn Minh cũng nói:
- Tôi tưởng cậu Phước chả ốm đau gì cả.
Bà Phó Ðoan chưa kịp giận câu nói quở quang ấy, ông đốc tờ Trực Ngôn cũng đã nói:
- Thật thế! Dễ thường cậu đến tuổi dậy thì cho nên nhiều khi cậu ngồi ngẩn mặt ra đấy thôi. Nếu lấy vợ sớm cho cậu thì...
Xuân Tóc Ðỏ nói ngay:
- Thưa ngài, ngài nói rất đúng! Tôi đã có dịp để ý đến con trẻ lắm, nhất là vào thời buổi như là thời buổi này.
Ông đốc tờ Trức Ngôn rất lấy làm hân hạnh mà giơ tay ra bắt tay ông Xuân như gặp người tri kỷ. Rồi ông nói một thôi dài như những nhà khoa học không biết riêng những sự không nên nói...
- Thật vậy đó! Thưa bạn đồng nghiệp, vậy thì có phải bạn đồng nghiệp cũng công nhận những lý thuyết của Freud đó không? Caí triệu chứng nào của thần kinh hệ cũng là do quả thận, quả cật mà có, lắm khi thiên biến vạn hoá rất kỳ kỳ quái quái...
Vẫn hay bác sĩ Trực Ngôn nói thế là đúng, song cái việc kỳ kỳ quái quái hơn nữa, là Xuân Tóc Ðỏ cứ đứng vênh váo ưỡn ngực ra nhận cái chức đồng nghiệp với ông đốc tờ. Nó lại gật gù mà rằng:
- Chỗ anh em mình với nhau cần gì còn phải giảng giải.
Bà Phó Ðoan tuy chỉ hiểu lỗ mỗ, cũng muốn nổi giận lắm, con bà là con Giời con Phật, có lẽ nào thế - nhưng khi thấy cả mấy người cùng một luận điệu thì bà lại phải lặng thinh. Xuân Tóc Ðỏ vỗ vai rất thân mật ông đốc tờ Trực Ngôn, nháy ông ta ra cửa sổ để thì thào:
- Tuy tôi không được mời đến khám bệnh như ngài, nhưng tôi biết rõ cậu bé lắm. Này ngài, chỗ anh em mình với nhau, thì tôi xin mách ngài rõ rằng quà là cậu đến tuổi dậy thì đấy mà thôi. Lắm lúc cậu cứ vòi vĩnh bắt vú nuôi cậu vạch vú ra bú giả vờ như trẻ con lên ba, thế không là dâm thì còn là gì?
Ông đốc tờ Trực Ngôn để tay lên miệng, khẽ đáp:
- Tôi xin cảm tạ ngài lắm! Ngài đã đi đến khoa học sinh lý học. Sụu thật là thế thì ta nói thế chứ sao ta lại khiêng? Một lần nữa, ngài đã cho thấy rằngFreud, ông thầy của chúng ta, đã tìm ra chân lý. Cậu bé đã có nhũng triệu chứng về cái tuổi dậy thì vì tại ăn ngon, mặc đẹp lắm, vật chất đầy đủ quá, cái xác thịt được nâng niu phiẻnh nịnh quá thì người tất nhiên cái dâm dục cũng tăng... Vã lại hoàn cảnh... ngài có đồng ý với tôi về vấn đề hoàn cảnh không?
Thằng Xuân đã nhìn ra cửa sổ, hai lỗ tai đã chán những lời nói mà nó không hiểu nên không để ý đến nữa. Vừa lúc ấy, ở ngoài vườn, mấy giống cầm thú cũng đương làm cái việc hoan lạc của tình dục. Trên một mái kẽm thì là một đôi chim bồ câu... Dưới sân thì hai con chó Nhật Bản xinh xắn đương vờn nhau... Trong vườn gà thì con gà trống trên lưng con gà mái... Tình cờ cùng một lúc, mấy thứ c6àm thú ấy cắt nghĩa rõ cái lẽ âm dương của tạo hoá nhiệm mầu. Thằng Xuân đương tần ngần nhìn sự ấy thì vừa lúc ông đốc tờ hỏi lại nó:
- Ừ, có phải kể đến hoàn cảnh không?
Nó choáng người lên, ngẩn mặt ra, vô tâm hỏi lại:
- Hoàn cảnh ấy à? Hoàn cảnh gì?
Rồi nó trỏ tay ra ngoài cửa sổ... Ông đốc tờ Trực Ngôn quay ra nhìn, thấy cảnh cầm thú yêu nhau rồi, lại rối rít lên bắt tay nó, vỗ vai nó. Lần này ông lại nói to:
- Chà! Ông bạn thânc ủa tôi! Ngài đã để ý đến những điều r6át nhỏ nhoi mà ảnh hưởng rất sâu xa đến loài người. Thật là chứng cớ đích xác của thực tế chứ không phải là lý thuyết viễn vong gì nữa. Trẻ con đương tuổi dậy thì mà cứ trước mắt những cái ấy là rất nguy hiểm.
Xuân Tóc Ðỏ nói luôn:
- Phải thay hoàn cảnh đi mới được!
Ông đốc tờ quay lại, dõng dạc nói với cả mấy người bằng một giọng ngạnh trực sổ sàng như cái tên hiệu của ông ta đã nói rõ cái tính nết của ông:
- Chính thế! Tôi cũng không biết nói gì khác nữa! Ấy ông bạn tôi đây đã kết luận giúp tôi rồi đó. Thưa các ngài, loài người chỉ lôi thôi vì một cái dâm mà thôi! Ðứa trẻ mới đẻ miệng bú mẹ, một tay mân mê một cái vú ấy cũng là dâm rồi! Vậy thì một cậu bé trên mười tuổi, đương tuổi dậy thì...
Xuân Tóc Ðỏ nói len vào:
- Dù là con Giời con Phật thì cũng có thể dâm như mọi người, có khi lại hơn mọi người!
- Tôi không phải chữa bệnh, vì cậu bé không có bệnh gì cả! Cậu chỉ cần lấy vợ. Nếu sợ là tảo hôn thì phải giáo dục cho cậu, thế thôi. Việc giáo dục ấy rất là tỉ mỉ, khó khăn, nhưng mà một người như ông bạn tôi đây đã đủ tư cách cáng đáng việc ấy lắm.
Bà Văn Minh nói ngay:
- Thưa dì, vậy thì nên nhờ ông Xuân ở luôn ngay đây trông nom em Phước, giáo dục em Phước và tránh hoàn cảnh không tốt cho em Phước.
Bà Phó Ðoan đáp:
- Nếu một khi quan bác sĩ đã bảo gì thì tất chúng tôi phải chịu lệnh. Ðể tôi cho dọn một cái phòng riêng cho ông Xuân.
Thế là vợ chồng Văn Minh cùng ông đốc tờ Trực Ngôn ra về. Ông đốc tờ Xuân Tóc Ðỏ ở lại, điều ấy không cần phải nói... Không lo lắng nữa, bà Phó Ðoan về phòng riêng để ra mọi lệnh cho gia nhân, Xuân Tóc Ðỏ còn đương đi lại, vẻ mặt tư lự thì có người nói sau lưng:
- Có nhà không thế này? A Di Ðà Phật! Kính chào ngài!
Xuân Tóc Ðỏ quay lại thì đó là một ông sư. Ông này cũng tân thời Âu hoá theo văn minh vì ông có ba cái răng vàng trong mồm, cái áo lụa Thượng Hải nhuộm nâu, đi đôi dép làng đế cao su, và nhất là đẹp giai lắm, trông phong tình lắm.
Xuân Tóc Ðỏ hất hàm hỏi:
- Ông hỏi gì? Mời ông ngồi!
- Bần tăng xin phép... Thưa ngài, bần tăng đã cam chịu khổ hạnh, vất vả đến nỗi bần tăng lại còn làm chủ nhiệm một tờ báo nữa, tờ báoGõ mỡ... A Di Ðà Phật!
Xuân Tóc Ðỏ ngồi xuống, hỏi đùa:
- BáoGõ mõ à? Sao không dạy người ta đi hát cô đầu có được không?
Sư ông đỏ mặt, ấp úng:
- Bẩm ngài đi hát cô đầu cũng chỉ là đi dưỡng tinh thần, vì đó là thuộc kinh torng tứ thư ngũ kinh của đức Khổng. Tăng ni chúng tôi mà có đi hát thì cũng không bao giờ phạm đến sắc giới vì chúng tôi chỉ hát chạy thôi chứ không khi nào ngủ lại cả đêm ở nhà chị em. Vả lại... đến pháp luật của chính phủ bảo hộ cũng bênh vực cho sư đi hát nữa là! Ðấy ngài xem, anh chủ cái báo gì ấy dám công kích sư đi hát mà bần tăng kiện tại toà cho phải thua hộc máu mồm ra đâý!
- À à! Thế kia à? Ghê nhỉ?
- Ấy nói thế để ngài rỏ bần tăng có nhiều thế lực. Những quan đại thần như cái vị toàn quyền, thống sứ, đốc lý cũng là ân nhân báoGõ mõ... của bần tăng. Ở tờ báo có đầy đủ những chân dung to tướng của các vị... Ồ, Phật giáo là cao thâm huyền bí lắm.
Xuân Tóc Ðỏ bèn hỏi một điều khó khăn của đạo Phật:
- Thế thì sao đã đi tướng côngmà lại còn mở báo cạnh tranh với ai làm gì nữa?
- Bẩm đó không phải là vô duyên cớ ạ. Duyên do xứ ta mới có hội Phật giáo mới lập, cũng mở báo cạnh tranh... Sợ tỗn hại đến quyền lợi nhà chùa, bần cùng là bần tăng phải cho ra đờiGõ mõ...
Hiểu nổi một điều thần bí của đạo Phật rồi, Xuân Tóc Ðỏ liền phê bình:
- Gớm, các nhà sư quản cáo cạnht ranh nhau thế thì cũng gần bằng “Vua Thuốc Lậu” cạnh tranh nhau!
Vị chânt u ấy sốt sắng cắt nghĩa:
- A Di Ðà Phật! Ở trong bộ biên tập báoGõ mõ cũng có một ông vua thuốc lậu! Cho nên việc quảng cáo nhà chùa cũng do đó mà lan rộng đến chúng sinh. Mà thưa ngài, ngài đừng tưởng nhầm rằng sự mà làm báo thì không hiểu gì là nghề báo, vì là bút chiến đâu nhé? Những ông làm báo trần tục thì chỉ đến công kích nhau là dốt nát, là vô học thức, là bất tài, nhưng mà bọn tín đồ nhà Phật chúng tôi thì lại bút chiến nguyền rủa nhau là ghẻ, ghẻ ruồi, ghẻ Tầu, ghẻ Lào, hắc lào, hoá hủi, cụt chân, chụt tay, thế cơ!
- Như thế thì chắc đắt hàng lắm?
- Bẩm, chính thế đấy ạ. Từ độ bầnt ăng cho ra đời báoGõ mõ thì số thiện nam tín nữa cũng có tăng số đặt đàn chay, đội bát nhang, đốt mã, cúng vái, gửi quan tài hoặc đem con đến bán khoán cửa Phật cũng lên gấp bội phần... Bẩm phải như thế mới là đầy đủ bổn phận của kẻ chân tướng côngdốc lòng mộ đạo... Chắc đức Phật Tổ cũng chứng minh những điều ấy cho bần tăng lắm, cho nên mặc lòng hội Phật giáo gây nên sự hầm hè đến thế nào thì bần tăng cũng... tăng phú (bất chấp).
Ðến đây Xuân Tóc Ðỏ bèn đứng dậy, dõng dạc hỏi:
- Ồ, thế nhưng mà sư ông đến đây làm gì? Ðịnh hỏi cái gì? Nếu để mời mua báoGõ mõ thì tôi không mua đâu, vì tôi chỉ thích đập trống. Nhất là khi nào được làm một chầu chạy cùng các vị chân tu thì hay lắm.
Sư ông nháy mắt cho Xuân Tóc Ðỏ mà rằng:
- Dễ lắm! Nếu ngài sẵn lòng cổ động cho bần tăng, cho báoGõ mõ của bần tăng, nghĩa làm cho đạo Phật... Chẳng nói giấu gì ngài, bần tăng đến đây vì cậu Phước, cậu con đức Phật chùa hương...
- Thì sư ông định làm gì cậu ấy?
- Bần tăng săn sóc đến cái linh hồn của cậu ấy... A Di Ðà Phật!
Xuân ưỡn ngực lên, dõng dạc nói:
- Còn tôi, thì tôi đang giáo dục cái xác thịt cho cậu ấy, và cả bà mẹ cậu ấy!
Sư ông lấm lét nhìn trộm Xuân rồi gãi tai như một sư ông hợp thời trang:
- Bẩm... Xin lỗi ngài, vậy nếu ngài cho biết quý danh và chức nghiệp?
Xuân Tóc Ðỏ bèn lên giọng trịch thượng:
- Me sừ Xuân, nguyên sinh viên trường thuốc, giáo sư quần vợt, giám đốc hiệuÂu Hoá, phụ nữ tân thời!
- Bẩm thế chắc ngài giao thiệp rộng lắm?
- Còn phải ngôn!
- Bẩm thế thì xin ngài giúp cho bần tăng... Nếu chùa của bần tăng mà đông khách thì xin ngài cứ hưởng ba mươi phần trăm đúng! Chúng tôi buôn bán đúng đắn chứ không thèm giở những thói cạnh tranh bất chính như hội Phật giáo ạ. Nếu ngài cổ động cho báo, hoặc thiện nam tín nữ đến đông...
Xuân Tóc Ðỏ nghĩ ngợi hồi lầu rồi phán:
- Cái việc tướng của sư ông xem ra còn khuyết điểm cần phải cải cách... Nếu không thì, sẽ không hợp thời, mà không hợp thời thì ắt bị thải. Thời buổi tối tân này, Phật mà không biến tiến hoá theo văn minh thì cũng chết nhăn răng ra.
- Ấy bẩm chính thế đấy ạ! Nếu ngài đã học hỏi thạo đời như thế thì nên giúp bần tăng một tay... Thí dụ việc bà Phán đây với cậu Phước thì ngài tán thành vào cho bần tăng vẽ ra chuyện gì thì họ cũng gật cả!
- Ấy, cái ấy thì đã đành! Cái đảng của ông xoàng lắm! Ấy ông cứ xem như cái đảng Phật giáo thì biết mỗi một đám ma thì lại có dăm bảy ông sư và số đông hội viên đi đưa thì có phải họ làm tiền giỏi lắm không? Nếu tôi giúp một tay thì tôi cải cách hết mọi sự cỗ lỗ!
- Bẩm thế thì tiền đồ đạo Phật trông cậy cả vào ngài! A Di Ðà Phật!
- Nhưng mà phải trả cho tôi mỗi việc năm mươi phần trăm.
- Ấy ngài đừng tính đắt với Phật mà phải tội.
Xuân Tóc Ðỏ đập tay xuống bàn mà rằng:
- Không thì tôi bỏ tiền ra, tôi chỉ mượn tiếng báoGõ mõ, tôi, tôi nhận hết mọi việc và để cho sư ông hưởng 20 phần trăm.
Sư ông lại xoa hai bàn tay:
- Ấy ngài chớ giá rẻ nhà chùa mà phải tội.
Hai bên còn đương cò kè bớt một thêm hai, thì bà Phó Ðoan đã vận được cái áo dài lối cổ để tiếp sư ông...
- A Di Ðà Phật! Lạy thầy ạ! Cậu Phước chặp tay chào thầy đi, mẹ xem có ngoan không nào!
Từ đấy trở đi, Xuân Tóc Ðỏ ngồi im cho nhà sư vẽ những chuyện tốn tiền cho bà vợ Tây để cúng bái cho cậu Phước, bằng những lý luận hùng hồn của một vị sư tân thời và chân tướng công.
Ý kiến bạn đọc