18 Đời Vua Hùng – Những Bí Ẩn Cần Được Giải Đáp

Thứ tư - 17/04/2024 21:09 694 0

18 Đời Vua Hùng – Những Bí Ẩn Cần Được Giải Đáp

Bàn về 18 đời vua Hùng – Truyền thuyết và những phân tích của sử gia
18 đời vua Hùng kéo dài trong 2622 năm (Từ 2879 TCN đến 258 TCN). Không thể phủ nhận các đời vua Hùng là thủy tổ của người Việt. Nhưng bên trong đó còn rất nhiều giả thuyết và những nghi ngờ về sự chính xác trong đó. Nếu chia 2622 năm kéo dời của 18 đời vua Hùng. Thì mỗi đời có trung bình 145,666 năm. Nó lớn hơn hẳn tuổi thọ trung bình của người Việt thời bấy giờ. Và còn nhiều câu hỏi được đặt ra hơn nữa. Hãy cũng  tìm hiểu hết những câu chuyện, phân tích và giải đáp những thắc mắc về vua Hùng.

18 Đời Vua Hùng – Những Bí Ẩn Cần Được Giải Đáp

Nguồn gốc vua Hùng – truyền thuyết 100 bọc trứng

Nhắc đến nguồn gốc của vua phải kể đến thời Lộc Tục. Lộc Tục còn có hiệu là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương là người cai quản những bộ lạc ở phương Nam. Sau đó ông lấy Thần Long, rồi sinh ra Lạc Long Vương.
Sau đó Lạc Long Quân thay cha cai quản miền đất phía Nam. Nhìn thấy Âu Cơ xinh đẹp, Lạc Long Quân biến thành chàng trai dũng mạnh, rước nàng về làm vợ. Hai người ở với nhau một năm, Âu Cơ sinh ra 100 bọc trứng. 100 bọc trứng nở ra 100 người con trai anh dũng.
Lạc Long Quân nói:”Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp mà lại có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi con trai về Thủy phủ, phân trị các xứ, năm mươi con trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe không được bỏ nhau”.
Minh họa Lạc Long Quân và Âu Cơ
Từ đó, Lạc Long Quân đem 50 người con ra biển. Âu Cơ mang 50 người con lên núi ở tại Phong Châu. Đưa người con trưởng lên làm vua, tự là Hùng Vương.

Phân chia nhà nước thời vua Hùng

Quốc hiệu khi vua Hùng lên ngôi đặt là Văn Lang. Vua Hùng chia Văn Lang thành 15 bộ: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức; đóng đô ở bộ Văn Lang, Phong Châu.
Vua Hùng đặt em thứ làm Tướng võ, Tướng văn. Tướng văn gọi là Lạc Hầu, Tướng võ là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương, quan Hữu ty gọi là Bố chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền nhau cho đến hiệu là Hùng Vương không đổi.
Về ngoại giao vua Hùng có chính sách hòa hữu với Trung Quốc. Ông từng đem nhiều lễ vật sang tặng một số đời vua Trung Quốc.

Sự thật về 18 đời vua Hùng – Chi tiết và nhận định

18 đời vua Hùng trị vì hơn 2622 năm. Xét về mặt thời gian là khó khả thi. Mỗi đời vua sẽ kéo dài trung bình đến gần 150 năm. Điều vô lý này đã gây ra nhiều tranh cãi trên các diễn đàn lịch sử khác nhau. Nhưng nếu nhìn nhận theo một góc độ khác thì nó lại trở nên có lý.
Theo nhận định trong “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyện” do Nguyễn Như Đỗ thời nhà Hậu Lê.  Thì chữ “đời” vua thường hay dùng phải hiểu là chữ “thế” trong Hán tự, nghĩa là không phải là một đời người mà là “một dòng gồm nhiều đời” hay “chi”. “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyện” chép rằng thời đại Hùng Vương kéo dài 2.622 qua 47 đời vua trị vì với 18 chi, mỗi một chi qua mấy đời vua. Mà “chi” đầu tiên lại được chép là Kinh Dương Vương.
18 chi được sắp theo bát quái (8 quái): 1 Càn (trời) (☰), 2 Đoài (đầm) (☱), 3 Ly (hỏa) (☲), 4 Chấn (sấm) (☳), 5 Tốn (gió) (☴), 6 Khảm (nước) (☵), 7 Cấn (núi) (☶), 8 Khôn (đất) (☷) và 10 thiên can Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.
18 chi thời Vua Hùng theo “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyện” lần lượt là:
- Chi Càn: Kinh Dương Vương, sinh năm nhâm ngọ 2919 TCN. Trị vì 86 năm từ Nhâm Tuất 2879 TCN đến Đinh Hợi 2794 TCN.
- Chi Khảm: Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm tức Hùng Hiền Vương. Chi này kéo dài 269 năm từ Mậu Tý 2793 đến Bính Thìn 2525 TCN. Thời kỳ này được truyện cổ tích họ “Hồng Bàng truyền kỳ” gọi là huyền sử Rồng Tiên.
- Chi Cấn: Hùng Quốc Vương tên húy là Hùng Lân kéo dài 271 năm, từ 2524 đến 2253 TCN. Thời kỳ này theo truyền thuyết thì mẹ Âu dẫn 50 con (Tức 50 tộc người Bách Việt) ở lại vùng cao rồi cùng nhau suy cử người con trưởng lên làm vua, lấy hiệu là Hùng vương đóng đô ở Châu Phong. Cũng từ năm 2524 tên nước được đổi thành Văn Lang.
- Chi Chấn: Hùng Hoa Vương tên húy là Hùng Bửu Lang, chi này kéo dài 342 năm.
- Chi Tốn: Hùng Hi Vương tên húy là Bảo Long, chi này kéo dài 200 năm.
- Chi Ly: Hùng Hồn Vương, tên húy là Long Tiên Lang, chi này gồm 2 đời vua, kéo dài 81 năm.
- Chi Khôn: Hùng Chiêu Vương, tên húy là Quốc Lang, sinh năm 1659 TCN, lên ngôi năm 12 tuổi, gồm 5 đời vua, dài 200 năm.
- Chi Đoài: Hùng Vĩ Vương, tên húy là Văn Lang, chi này gồm 5 đời vua kéo dài 100 năm. Thời kỳ này, truyền kỳ lịch sử kể rằng giặc Ân sang đánh nước ta bị Phù Đổng Thiên Vương đánh cho tan tác. Sử Trung Quốc ghi là đời Cao Tông triều Ân đánh nước Quỷ Phương 3 năm đóng quân ở đất Kinh.
- Chi Giáp: Hùng Định Vương, tên húy là Chân Nhân Lang, Chi này gồm 3 đời vua, kéo dài 80 năm.
- Chi Ất: Hùng Uy Vương tên húy là Hoàng Long Lang, gồm 3 đời vua dài 90 năm.
- Chi Bính: Hùng Trinh Vương húy Hưng Đức Lang, chi này gồm 4 đời vua kéo dài 107 năm.
- Chi Đinh: Hùng Vũ Vương tên húy Đức Hiền Lang, gồm 3 đời vua, kéo dài 96 năm.
- Chi Mậu: Hùng Việt Vương, tên húy là Tuấn Lang, chi này gồm 5 đời vua, kéo dài 105 năm.
- Chi Kỷ: Hùng Anh Vương, tên húy là Viên Lang, gồm 4 đời vua, dài 89 năm.
- Chi Canh: Hùng Triệu Vương, tên húy là Chiêu Lang, chi này gồm 3 đời vua, kéo dài 94 năm.
- Chi Tân: Hùng Tạo Vương, tên húy là Đức Quân Lang, chi này gồm 3 đời vua, kéo dài 92 năm. Trong “Hùng Triều Ngọc Phả”, Thần Phả xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc có ghi rõ là đến đời Hùng Vương thứ 16 dời đô xuống Phong Châu Thượng.
- Chi Nhâm: Hùng Nghi Vương, tên húy Bảo Quang, lên ngôi năm 9 tuổi, gồm 4 đời vua, dài 160 năm.
- Chi Quý: Hùng Duệ Vương, tên húy là Huệ Vương Lang, lên ngôi năm 14 tuổi, chi này gồm 3 đời vua, từ năm 337 TCN đến năm 258 TCN, tức là được 79 năm.

Tại sao mùng 10 tháng 3 là ngày giỗ vua Hùng?

Phải chăng vua Hùng đầu tiên mất vào ngày mùng 10 tháng 3? Hay triều đại kết thúc vào mùng 10 tháng 3? Những ghi chép lịch sử ghi nhận lại thì những giả thuyết đó đều không thuyết phục.
- Giả thuyết thứ 1: Trong văn hóa người Việt thì chúng ta được xem là con rồng cháu tiên. Rồng là thìn, mà tháng 3 là tháng của rồng – tháng Thìn. 10 thiên can được đặt tên cho 10 đời vua Hùng vì thế lấy ngày 10 là ngày giỗ.
Giả thuyết thứ 2: Trước đây ngày giỗ vua Hùng không được xác định rõ ràng. Nhiều nơi làm lễ giỗ nhiều ngày khác nhau theo bản mệnh tốt từng vùng. Thường là vào những ngày xuân thu. Lễ cúng Tổ ở địa phương thì lại được cử hành vào ngày 12.3 âm lịch kết hợp với thờ Thổ kỳ. Thường khi con cháu ở xa về sẽ làm giỗ trước một ngày chứ không mở hội lớn với quy mô toàn quốc. Nhận thấy điều này, Tuần phủ Phú Thọ ông Lê Trung Ngọc vào năm 1917 (niên hiệu Khải Định năm thứ nhất) đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định lệ lấy ngày 10.3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế. Từ đó về sau, cứ vào ngày 10.3 nhân dân cả nước lại hướng về vùng đất Cội nguồn – xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ để tôn vinh công lao của các vị vua Hùng.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay5,698
  • Tháng hiện tại135,563
  • Tổng lượt truy cập1,812,696
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây