Ông không phải là người duy nhất chụp được khoảnh khắc “rồng hiển linh”. Cũng tại Đền Đô, vào một buổi tế lễ, đám mây rồng cũng xuất hiện và một người khác đã “chớp” được. Tuy nhiên, bức ảnh của ông Thìn vẫn nổi tiếng hơn cả.
Tương truyền, ngày trước, vua Lý Công Uẩn trong lúc đi thuyền từ Hoa Lư ra thành Đại La đã nhìn thấy rồng vàng bay lên trời. Biết đó là điềm lành, vị vua đầu tiên của nhà Lý đã đặt tên cho Hà Nội ngày nay là Thăng Long (rồng bay lên). Gần 1.000 năm sau, cũng chính tại quê hương của Lý Công Uẩn, vào một ngày trọng đại, “rồng vàng” lại xuất hiện và khoảnh khắc ấy đã được thu vào ống kính máy ảnh, để rồi cho ra đời tác phẩm “Long vân giáng thế” nổi tiếng.
Duyên gặp “Rồng”
Nguyễn Đức Thìn (Đình Bảng - Từ Sơn - Bắc Ninh) là cái tên không mấy xa lạ với mọi người, nhất là những ai đã từng đọc cuốn tiểu thuyết “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng” mà ông là một trong những nhân vật chính. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống, nơi đặt đền thờ 8 vị vua nhà Lý, ông Thìn luôn mang trong mình một niềm tự hào lớn lao.
Ông Thìn kể lại câu chuyện "gặp rồng" của mình.
Câu chuyện về cuộc đời ông có kể cả ngày cũng không hết, có những điều rất thực, nhưng có những điều đến chính bản thân ông cũng không thể lý giải nổi. Ông Thìn chỉ nhủ thầm “mình gặp may”. Ấy là khi ông nói về cái khoảnh khắc mình nhìn thấy “rồng” ngay trên bầu trời quê hương vào một ngày trọng đại. Cái khoảnh khắc đứng dưới sân Đền Đô nơi thờ 8 vị vua nhà Lý - giương ống kính thu lại “hình tượng thiêng liêng” cho đến giờ ông vẫn cho là “khó có cơ hội làm lại”.
"Bát đế hiển linh"
Ông Thìn cho biết chụp được bức ảnh “rồng bay” vào ngày 1/9/1998. Từ mấy hôm trước đó, cánh bô lão của làng nhận được “lệnh” chuẩn bị cho lễ rước kiệu về Hà Nội phục vụ chương trình chào mừng thành phố Sài Gòn tròn 300 năm tuổi.
Rạng sáng 1/9, mọi người có mặt đầy đủ tại sân Đền Đô, ai nấy khăn áo chỉnh tề. Phía trong điện, các cụ chủ lễ đang làm những công việc cuối cùng cho chuyến đi. Hơn 4 giờ sáng, trời se lạnh, mọi người đứng xếp thành hàng nghiêm chỉnh, bên trong cụ thủ từ nổi trống, cụ chủ lễ làm động tác lễ các vị vua, không khí rất trang nghiêm.
Lúc đó, ông Thìn mang theo chiếc máy ảnh len lên trên để ghi lại cảnh lễ. Bất ngờ, bầu trời xuất hiện mảng sáng vàng rực. Ông Thìn ngước lên và bàng hoàng nhận ra một đám mây mầu vàng hình con rồng bay từ hướng Hà Nội về. Không bỏ lỡ cơ hội hiếm có, ông giương ống kính ở chế độ vô cực, tốc độ 30, độ mở 4 và bấm liên tục. Lúc đó, trời còn tối, ông lại đứng khuất sau con voi đá nên chụp xong cũng không dám nghĩ lại thành công. Khi xong việc, ông Thìn mang cuộn phim đi rửa và không ngờ đó lại là bức ảnh “để đời” của ông.
Lúc chụp xong, xúc động quá, ông Thìn “xuất khẩu” ngay một bài thơ theo thể thất ngôn tứ tuyệt: “Một thoáng Đền Đô rồng vàng hiện. Ân tình trời đất tụ khí thiêng. Người về Đình Bảng tâm đức thiện. Rồng hổ tương phùng thoả tâm linh”.
Trầm ngâm, ngắm lại bức ảnh chụp cách đây đúng 10 năm, ông Thìn vẫn bồi hồi: “Lúc chụp, tôi chỉ nghĩ làm sao ghi lại được áng mây “thiêng” ấy. Khi rửa ảnh thì rất bất ngờ bởi bố cục ảnh cũng rất “linh”. Phía dưới là mái đình cổ kính, nơi ngày ngày hương khói cho các vị vua nhà Lý, phía trên, giữa nền trời vàng nhạt một dải mây vàng rực hình con rồng bay, quả đúng là khoảnh khắc vàng”.
Theo lời ông Thìn, ông không phải là người duy nhất chụp được khoảnh khắc “rồng hiển linh”. Cũng tại Đền Đô, vào một buổi tế lễ, đám mây rồng cũng xuất hiện và một người khác đã “chớp” được. Tuy nhiên, bức ảnh của ông Thìn vẫn nổi tiếng hơn cả.

Long vân giáng thế.
Người may mắn
Bức ảnh “Long vân giáng thế” được ông Thìn coi là “kiệt tác” của riêng mình, nhưng đó không phải là bức duy nhất có không khí “linh thiêng” trong cuộc đời cầm máy nghiệp dư của ông. Chính bản thân ông nhiều khi cũng tự hỏi phải chăng mình có số chụp ảnh “hiển linh”?
Số là, cũng vào tháng 8/1998, ông Thìn đã “chộp” được bức ảnh mà sau này ông đặt tên là “Bát đế hiển linh”. Theo ông, thực tế thì những đám mây lạ trên bầu trời như vậy đơn giản là hiện tượng thiên nhiên, nhưng xâu chuỗi những chuyện xảy ra trong thời điểm đó thì quả thực chỉ có thể nói để lại nhiều cảm xúc.
Ngày 26/8/1998 (tức ngày 5/7 năm Mậu Dần) là ngày giỗ của vua Lý Anh Tông, vị vua thứ 6 nhà Lý. Từ sáng, người dân đã đổ về Đền Đô để hành lễ. Không khí uy nghiêm, mùi hương trầm phảng phất cả trong vùng. Ông Thìn có nhiệm vụ chụp ảnh tư liệu về buổi lễ nên đi đâu cũng kè kè chiếc máy ảnh bên mình.
Hơn 8 giờ sáng, trời quang mây tạnh, phía trong điện các cụ trưởng lão bắt đầu hành lễ. Khi chiêng trống nổi lên, cờ xí bay phấp phới, bất giác ông Thìn ngước mắt lên trời. Ngay phía trên đỉnh Thọ Lăng Thiên Đức xuất hiện 11 áng mây, trong giây lát, 3 áng mây tự động tan biến, chỉ để lại 8 áng mây đứng song hành với nhau trên nền trời xanh thẫm. Một cú bấm máy ghi lại khoảng khắc đó khiến ông Thìn đến giờ vẫn còn “ngây ngất”.
Ông nhớ lại, lúc nhìn thấy 8 đám mây trên trời ngay vào thời điểm trong đền các cụ đang hành lễ giỗ vua Lý Anh Tông, trong ông xuất hiện cảm giác rất khó tả, vừa hồi hộp, sung sướng lại xen lẫn chút mãn nguyện và cảm giác linh thiêng. Ông cắt nghĩa, với riêng bản thân mình thì 8 áng mây giống như sự “hiển linh” của 8 vị vua nhà Lý trong thời khắc trọng đại, linh thiêng. Nhiều người xem bức ảnh đó xong, lại nghe câu chuyện ông kể về hoàn cảnh ra đời của nó đều thích thú. Ông Thìn nhớ lại, 8 áng mây ấy đã vần vũ trên nền trời xanh tới gần 1 giờ đồng hồ, cho tới khi buổi lễ kết thúc.
Lần khác, ông đã ghi hình được quả dứa lạ tại chùa Ứng Tâm: quả dứa trổ hoa đúng ngày giỗ của Lý Thánh Mẫu. Duyên cơ hay là sự sắp đặt thế nào, ông luôn may mắn được gặp những kỳ tích của tạo hóa, nhất là khi chiếc máy ảnh mini của ông hàng ngày vẫn “giở chứng”, nhưng những giờ phút “trọng đại” ấy lại rất... ngon lành!
Ông Thìn lật giở những chồng tài liệu cao ngất bằng bàn tay vốn bị dị dạng do hậu quả căn bệnh phong để tìm những thước phim gốc. Hua trên tay thước phim được gói cẩn thận, ông Thìn cười: “Tôi phải lưu thật kỹ những thứ này để mọi người thấy tôi chụp thật chứ không phải dùng kỹ xảo gì”. Với sự may mắn cộng thêm chút tài lẻ, ông Thìn đã có cho riêng mình những bức ảnh “độc nhất vô nhị”.
Giờ đây, khách đến thăm Đền Đô đều được ngắm nhìn bức “Bát đế hiển linh” được phóng to. Nhiều người khi biết “ông hướng dẫn viên già” chính là tác giả của bức ảnh đó, liền tìm đến tận nhà để xin cho được một bức về treo. Còn ông, từ nhiều năm nay vẫn ôm trong mình một niềm mơ ước được lần nữa chứng kiến sự kỳ diệu của tạo hoá, sự linh thiêng của đất trời dù ông đã bắt đầu ở vào cái tuổi xưa nay hiếm.
Giờ ông giáo Thìn không còn phải dùng máy ảnh chụp bằng phim nữa, công nghệ hiện đại đã đem đến cho ông một chiếc máy ảnh kỹ thuật số tiện dụng. Ông bảo: nếu còn may mắn thì có lẽ sẽ không phải là một bức duy nhất như cách đây 10 năm nữa, mà sẽ là rất nhiều bức ở nhiều góc độ khác nhau. Mặc dù không nói ra, nhưng trong ánh mắt người đàn ông bé nhỏ này đang có một suy nghĩ, một khát khao chờ đợi giây phút lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, biết đâu may mắn trong đời lại đến với ông lần nữa./.