Bức ảnh hiếm hoi của ông Công giới thiệu với phóng viên tại cửa “kho báu” |
Sau khi nắn hai con suối cạn chảy về hai hướng phía trên, họ đã cải tạo lòng khe thành một đường hào sâu 18m, dài 100m... Từ 9m trở lên chắn ngang 5 dãy đá, mỗi dãy dày 5m, cao 9m đè ngang lên dãy đá chặn dọc phía dưới, mỗi dãy đá chắn ngang dài 50m. Sau đó họ lấp đất đá ngang bằng với mặt bằng tự nhiên của sườn khe và phủ lên 1m đất…” - mô tả kho báu của ông Nguyễn Hồng Công trong tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Bình, đề nghị phối hợp mở cửa kho báu năm 2011.
Bỏ Sài Sòn lên rừng Minh Hóa tìm kho báu
Câu chuyện ông Nguyễn Hồng Công, một cựu quân nhân Biên phòng, từng đứng chân ở Cha Lo (Minh Hóa, Quảng Bình) rời bỏ Sài Gòn đô hội, một mình đến khu vực rừng núi hoang vu Hóa Sơn miệt mài tìm kho báu vua Hàm Nghi làm tốn không ít giấy mực của báo chí một thời. Thậm chí không dưới 2 lần, chính quyền Bình - Trị - Thiên (nhập tỉnh) và Quảng Bình (chia tỉnh) đã cử đoàn lên Hóa Sơn để phối hợp mở cửa kho báu theo đề nghị của ông Nguyễn Hồng Công.
Chuyện ông Nguyễn Hồng Công ròng rã 31 năm tìm vàng vua Hàm Nghi không một người dân Hóa Sơn nào không biết, nhưng có lẽ rành rọt nhất vẫn là ông Phan Văn Chương (SN 1956) - người nhiều năm nuôi cơm và cho ông Công ở trong nhà để tìm vàng. Và ông Chương cũng là người đầu tiên phát hiện ông Công chết trong chiếc lán xiêu vẹo, hoang lạnh giữa rừng sâu sau gần chục ngày không ai hay biết.
Nhà ông Chương ở ngay cửa rừng, cạnh lối mòn lên núi Mã Cú, cách nơi ông Công đào bới tìm vàng chừng 500m. Ngồi ở hiên nhà, mắt xa xăm nhìn lên phía núi, ông Chương thở dài nói: “Cũng không biết ông Công đúng hay sai, nhưng niềm tin của ông ấy là tuyệt đối. Ông ấy đã qua đời trong đói khát, cô độc khi chưa tìm thấy một mẫu vàng nào của vua Hàm Nghi”.
Ông Chương kể: Ông Công người gốc tỉnh Thanh Hóa, là một cựu quân nhân Biên Phòng, có nhà và vợ con ở TP Hồ Chí Minh. Khoảng năm 1980, ông Công ra vùng rừng Minh Hóa tìm trầm, trong một trận sốt rét, ông đã lưu lạc về Hóa Sơn và được người dân ở đây cứu chữa. Trong quá trình lưu lại ở đây để chữa bệnh, ông Công được nghe nhiều chuyện về nghi vấn kho báu của vua Hàm Nghi và cả những huyền thoại như “vàng lên ăn sáng cả góc rừng” trong đêm khuya thanh vắng khiến ông Công mê đắm.
Sau khi lành bệnh, ông Công trở về nhà ở Sài Gòn và năm 1982, ông trở lại Hóa Sơn mang theo tiền bạc và quyết định của UBND tỉnh Bình - Trị - Thiên cho phép ông tìm kiếm kho báu vua Hàm Nghi tại vùng Hóa Sơn. Địa điểm ông Công tìm kiếm là một con khe cạn trên núi Mã Cú, cách nhà ông Chương chừng 500m. Để tiện cho việc khai quật, ông Công đã xin tá túc tại nhà ông Chương. Ông Công thường xuyên nói với dân làng, rằng ông có anh trai đi tàu viễn dương và sau một chuyến sang Pháp đã mang về biếu ông một tấm bản đồ chỉ nơi giấu vàng của vua Hàm Nghi.
“Tôi biết rất rõ ông Công chỉ tin vào những câu chuyện của người dân Hóa Sơn kể mà chẳng có tấm bản đồ nào cả. Ông Công bịa ra câu chuyện mình có tấm bản đồ là để dễ dàng xin phép chính quyền và tạo niềm tin trong dân chúng để ông ấy dễ dàng huy động nhân lực cùng đào bới tìm kho báu với ông ấy mà thôi” - ông Chương nhận định.
Ba lần công bố “chạm cửa kho báu”
Theo Tiến sỹ Sử học Nguyễn Khắc Thái, năm 1987, sau 5 năm đào bới, ông Nguyễn Hồng Công gửi công văn lên UBND tỉnh Bình - Trị - Thiên báo cáo là đã tìm thấy kho báu. Ngày đó, UBND tỉnh Bình - Trị - Thiên đã tổ chức một cuộc họp có đầy đủ ban ngành, báo chí để nghe ông Công thuyết trình về quá trình tìm kho báu và những chỉ dấu cho thấy “kho báu” đã phát lộ. Những gì ông Công nói lúc đó đủ thuyết phục tỉnh cử một đoàn đầy đủ các thành phần lên Hóa Sơn chứng kiến việc mở cửa kho báu và để đưa... vàng về. Sau gần nửa tháng trèo đèo lội suối, đoàn cán bộ của tỉnh Bình - Trị - Thiên về tay không.
Năm 1989, Bình - Trị - Thiên chia làm ba tỉnh, Quảng Bình trở về địa giới cũ, ông Nguyễn Hồng Công lại xin phép Quảng Bình tiếp tục tìm kiếm kho báu. Năm 1997, ông Công lại gửi lên UBND tỉnh Quảng Bình báo cáo về việc đã phát hiện khó báu. Bản báo cáo chủ yếu đề nghị mức độ “ăn chia” giữa Nhà nước và cá nhân ông Công. Thế nhưng, một lần nữa, đoàn cán bộ liên ngành được cử lên “mở cửa kho báu” phải lắc đầu quay về tay không.
Giữa tháng 6/2011, ông Công lại một lần nữa gửi báo cáo lên UBND tỉnh Quảng Bình, cho rằng mình đã “chạm tay vào kho báu”. Nhưng lần này ông Công đổi hướng, cho rằng kho báu này không phải của vua Hàm Nghi thất lạc mà là công trình tích trữ nguồn lực chuẩn bị kháng Pháp từ thời vua Tự Đức.
Báo cáo ông Công viết: “Nhưng thực ra đây là công trình xây dựng, nơi cất giấu kho báu của vua Tự Đức trước khi quân Pháp xâm chiếm ba tỉnh miền Đông, Sài Gòn - Gia Định. Đây là công trình có sự chuẩn bị chu đáo, được lựa chọn và lợi dụng vào một hẻm núi do hai khe nhỏ tạo nên. Sau khi chuyển hai con suối cạn chảy về hai hướng phía trên, họ đã cải tạo lòng khe thành một đường hào sâu 18m, dài 100m. Miệng hai bờ sông rộng 50m, đáy rộng 2m, phía dưới đáy xếp đá hộc, có kẽ hở để thoát nước và sát vách bên phải từ ngoài vào để hở 3x5 cm. Từ 9m trở lên chắn ngang 5 dãy đá, mỗi dãy dày 5m, cao 9m đè ngang lên dãy đá chặn dọc phía dưới, mỗi dãy đá chắn ngang dài 50m. Sau đó lấp đất đá ngang bằng với mặt bằng tự nhiên của sườn khe và phủ lên 1m đất. Sau đó toàn bộ bề mặt 5.000 mét vuông đất được lợp phía trên một lớp đá hộc. Những hòn đá được gắn dày 0,5m tạo cho giống đá tự nhiên...”.
Sau phần mô tả nơi cất giấu kho báu, ông Công không quên nhắc đến phần ăn chia: “Qua nhiều năm trời ròng rã, suy ngẫm, nghiên cứu, đào bới, tìm kiếm, nay tôi đã tự giải mã và tìm ra được nơi cất giấu kho báu. Để trả lời được bí ẩn công trình này, tôi đã phải trả giá gần 30 năm và tiêu tốn gần 2 tỷ đồng (thời giá lúc đó là rất lớn). Vậy để đảm bảo được công sức và tiền của đầu tư gần 30 năm qua, tôi đề nghị tỉnh cho phép tôi được hưởng 20% tổng trị giá của kho báu. Trong thời hạn 50 ngày phải thanh toán xong kể từ ngày lấy được tài sản kho báu chuyển về kho của tỉnh”.
Mặc dù báo cáo lần này ông Công viết rất chi tiết nhưng UBND tỉnh Quảng Bình không còn tin vào những gì ông Công nói và không cử đoàn lên mở cửa kho báu như hai lần trước, mà chỉ giao UBND xã Hóa Sơn theo dõi tình hình, đảm bảo an ninh trật tự nếu thông tin ông Công báo cáo tìm thấy kho báu lộ lọt ra ngoài.
“Cũng không biết ông Công đúng hay sai, nhưng niềm tin của ông ấy là tuyệt đối. Ông ấy đã qua đời trong đói khát, cô độc khi chưa tìm thấy một mẫu vàng nào của vua Hàm Nghi”. Ông Phan Văn Chương.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc