Nguồn gốc Họ Nguyễn Duy làng Nghìn

Thứ tư - 15/11/2023 07:09 430 0

Nguồn gốc Họ Nguyễn Duy làng Nghìn

Họ Nguyễn Duy làng Nghìn, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình 
“Chim có tổ người có tông”, “Cây có cội, nước có nguồn”, những câu ca dao nói lên đạo lý của con người Việt Nam chúng ta đã lưu truyền bao đời nay dẫu cho xã hội có nhiều biến động, thay đổi. Vì vậy việc truy tìm nguồn gốc tổ tiên, chăm lo mồ mả ông bà, là những điều gần như nằm trong tiềm thức của mỗi một con người Việt Nam.
Cụ Nguyễn Duy Thuần sau đổi thành Nguyễn Duy Hòa, hiệu Ngạn Khê tiên sinh; cụ sinh năm Bính Thìn (1496); Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa thi năm Ất Mùi, Mạc Đại Chính thứ 6 (1535) triều Mạc Đăng Doanh (1530-1540), đồng khoa và sau Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hai bậc. Chức vị làm quan cho triều đình Mạc Đăng Doanh, giữ chức Quan Lộc Tự khanh, sau thăng chức Đô Tổng Binh, trấn thủ đạo Ninh Sóc (bao gồm: Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên ngày nay). Chính sự nhà Mạc, vào giai đoạn cuối triều Mạc Phúc Hải (1541-1546) đầu triều Mạc Phúc Nguyên (1546-1561) dần dần suy yếu, mâu thuẫn nội bộ trong triều ngày càng rõ nét, trước tình cảnh triều chính suy vi, chiến sự liên miên, cộng thêm nỗi buồn con trai cả mất, mặt khác do tuổi cao ông cáo quan xin nghỉ vào quãng năm 1550 và được vua nhà Mạc chấp thuận, ông trấn thủ ở đạo Ninh Sóc được 13 năm. Về quê, ông sống cùng người con thứ hai là Nguyễn Duy Tân, ông dựng nhà mở lớp dạy học. Chiến tranh Nam - Bắc giữa nhà Mạc và nhà Lê - Trịnh (1559-1562), quân Lê - Trịnh chiếm được vùng Sơn Nam (trong đó có quê cụ), nhưng quan quân nhà Lê - Trịnh rất kính trọng ông là bậc danh nho tiết tháo, nghĩa khí trung quân nên không bắt tội ông, vẫn để ông sông yên ổn. Ông tạ thế ngày 30 tháng 7 năm Đinh Sửu (ngày 13 tháng 8 năm 1577) tại quê nhà, phần mộ an táng tại Đồng Rưa;
Lăng Đức Thủy tổ Hoàng Giáp Nguyễn Duy Hòa (1496 - 1577)
Theo tài liệu Từ điển Thái Bình - NXB Văn hóa Thông tin, năm 2010; Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình 1927-1954; Lịch sử Đảng bộ huyện Quỳnh Phụ 1927-1954 viết ông Nguyễn Duy Hòa (thế kỷ XVI): Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Ất Mùi, Mạc Đại Chính thứ 6 (1535), đồng khoa và sau Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hai bậc; quê xã Đông Đại Linh (nay là thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ). Nguyễn Duy Hòa được bổ vào Hàn lâm viện, sau vua Mạc giao ông làm Tổng binh Thiêm sự kiêm Trấn thủ Cao Bằng, hàm Quang Lộc Tự khanh. Ở Cao Bằng, Nguyễn Duy Hòa đã cùng em là Nguyễn Quý Lương (đốc học Cao Bằng), lo liệu bố phòng biên giới, mở mang giáo hóa cho dân, xây dựng Cao Bằng thành điểm tựa vững chắc của nhà Mạc, nhờ đó khi bị mất Thăng Long, nhà Mạc còn trấn giữ Cao Bằng được gần 70 năm. Nguyễn Duy Hòa mất tại Cao Bằng, vua Mạc gia ban cho ông mỹ tự Đại phu.
Theo cuốn “Các triều đại Việt Nam” của Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng, nhà xuất bản Thanh niên năm 2001, viết:…như vậy họ nhà Mạc từ Mạc Đăng Dung (1527-1529) đến Mạc Mậu Hợp (1562-1592), truyền ngôi được 5 đời thì mất, tổng cộng được 66 năm. Sau đó con cháu nhà Mạc rút lên Cao Bằng. Theo sấm Trạng Trình, họ Mạc còn kéo dài được đến 96 năm nữa mới bị mất hẳn. Về sau con cháu nhà Mạc không sưng đế mà chỉ trấn thủ ở vùng núi phía bắc.
Theo Luận văn tốt nghiệp đại học của thí sinh Nguyễn Thị Nguyệt - Chuyên ngành lịch sử văn hóa, lớp 48B1 lịch sử, khóa (2007-2011) trường Đại học Vinh nghiên cứu:... “Như vậy, họ Nguyễn Duy lấy tổ Nguyễn Duy Thuần làm thủy tổ đời thứ nhất thì có nghĩa là họ Nguyễn Duy có nguồn gốc ở làng Đông Linh. Con cháu họ Nguyễn Duy dù sinh sống, lập nghiệp ở đâu nhưng cũng đều không thể quên được nơi sinh ra tổ tiên mình. Đó chính là làng Đông Linh. Tổ đời thứ nhất: Tên húy là Duy Thuần, sau đổi thành Duy Hòa. Cụ sinh năm 1496, sau khi trấn thủ Cao Bằng 13 năm, cụ xin trí sĩ về quê. Cụ mất ngày 30/7 (âm lịch) năm Ất Hợi, được táng tại xứ Đồng Rưa phía Bắc làng Đông Linh. Thủy tổ Duy Thuần sau khi thi đỗ ông ra làm quan triều Mạc, giữ chức Cao Bằng Sứ đô tổng binh khuông mỹ doãn tán trị đại phu. Ông kết hôn với bà họ Nghiêm quê xã Tây Mỗ huyện Từ Liêm, sinh được ba người con trai. Con trai thứ nhất cụ đặt tên là Duy Riễn, con trai thứ hai và thứ ba là hai cụ song sinh Duy Tân và Duy Trạch. Đời thứ hai: Tổ Duy Riễn sinh năm Kỷ Mão (1519), cụ thi hương đỗ giải nguyên năm Qúy Mão (1543). Năm 1546, cụ đưa mẹ và hai em lên Cao Bằng quần tụ gia đình và ra làm quan cùng cha trấn thủ Cao Bằng giữ chức phó tướng. Cụ hi sinh trong khi chiến đấu bảo vệ thủ phủ Cao Bằng lúc vợ đang có mang. Khi bố chồng cùng các em về quê thì bà Riễn đã xin ở lại để hương khói cho mẹ chồng và chồng. Đến đầu năm Tân Hợi, bà Riễn sinh con trai. Như vậy, chi cả của đời thứ hai dòng họ Nguyễn Duy đã ở lại Cao Bằng, con cháu ngày càng đông, văn hào cũng nhiều và vẫn phát huy được truyền thống văn hiến, hiếu học của cha ông. Tổ Duy Tân sinh năm 1525, sau khi theo cha về quê thì được cử lên làm trưởng. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Duy “kim truyền trưởng thứ nhị chi”, con trai thứ được cử lên làm trưởng có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ và hương khói, thờ cúng tổ tiên. Do hoàn cảnh lịch sử, đến nay quá trình phát triển của chi trưởng không biết được một cách chi tiết. Qua cây phả hệ của chi trưởng được lập một cách sơ sài ta chỉ có thể biết rằng chi trưởng đến nay đã được 16 đời với nhiều ngành, nhánh khác nhau, con cháu đông đúc. Tổ Duy Trạch là em song sinh với cụ Duy Tân. Qua ba đời chỉ có độc đinh thuộc thế hệ thứ hai, ba và bốn. Đến nay chi thứ đã được 17 đời, cũng có nhiều ngành, nhánh lớn bé khác nhau. Đặc biệt chi thứ phát triển mạnh không chỉ về số lượng con cháu mà còn phát triển về kinh tế, văn hóa, trình độ học vấn, nhiều người giữ chức vụ quan trọng trong triều đình phong kiến xưa và trong xã hội nay. Con cháu đã nối tiếp truyền thống hiếu học của cha ông làm rạng danh tổ tiên, dòng họ”.
Nhà thờ Tổ (1920 -2018)
Nhà thờ Tổ họ Nguyễn Duy làng Nghìn (1920 - 2018)
Ông tổ dòng họ Nguyễn Duy chúng ta đến lập nghiệp tại làng Nghìn (Đông Linh) xã An Bài, huyện Phụ Dực (Quỳnh Phụ), tỉnh Thái Bình hơn 500 năm về trước. Các bậc tiền bối họ Nguyễn Duy cần cù lao động với mong muốn gây dựng cho con cháu đời sau một tiền đồ sáng lạn hơn. Đất nước trải qua nhiều binh biến, các bậc tiền nhân và con cháu họ Nguyễn Duy chúng ta cũng đã sả thân vì đại nghĩa. Tất cả những điều đó là những tấm gương sáng để con cháu học tập noi gương, tiếp tục truyền thống của gia đình và dòng họ để phấn đấu xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho chính bản thân mình và góp phần xây dựng cộng đồng xã hội.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Tổng số điểm của bài viết là: 95 trong 19 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 19 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,126
  • Tổng lượt truy cập808,040
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây