Sơ lược về họ Nguyễn và Đại tộc Nguyễn Duy

Thứ hai - 08/01/2024 19:30 215 0

Sơ lược về họ Nguyễn và Đại tộc Nguyễn Duy

Họ Nguyễn là một dòng họ lớn ở Việt Nam, đã có công to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước
Họ Nguyễn là một dòng họ lớn ở Việt Nam, đã có công to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm nay của ông cha ta. Về việc ghi tộc phả thành văn, cho đến nay chúng ta mới chỉ biết được hệ thống tộc phả và gia phả được ghi bắt đầu từ Nguyễn Bặc – người được coi như là Đức Thái thủy tổ của dòng họ Nguyễn
Đời 1. Đức Thái thủy tổ Nguyễn Bặc
Theo sách “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục”, Nguyễn Bặc (chữ Hán: 阮匐; sinh năm 924 – mất 15 tháng 10, 979 âm lịch) con trai Nguyễn Thước, một bộ tướng của Dương Đình Nghệ (triều Nam Hán cho làm An Nam Tiết độ sứ từ năm 931 đến năm 937) và của Ngô Quyền (939-944), là người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, Đại Cồ Việt (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Thuở nhỏ, Ngài cùng kết bạn với Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Trịnh Tú và Lưu Cơ. Ngài là một trong những người có công lớn nhất giúp Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) dẹp loạn 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối. Năm 971, Ngài được Đinh Tiên Hoàng phong là Định Quốc Công, chức Thái tể (như Tể tướng), trông coi việc Nội Giáp (nội chính). Ngài là vị tể tướng đầu tiên trong lịch sử nước ta.
Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại. Nghe tin, ngài khóc mãi ba ngày đêm đến hai mắt chảy máu và râu tóc trắng như tuyết. Ngài cùng đình thần tìm bắt Đỗ Thích đem giết rồi cùng Đinh Điền và Lê Hoàn tôn Vệ Vương Đinh Toàn (lúc đó mới 6 tuổi) lên ngôi. Ngài và Đinh Điền làm Phụ Chính đại thần, Lê Hoàn làm Nhiếp Chính. Sau đó Lê Hoàn tự xưng là Phó Vương.
 Lo sợ Thập đạo tướng quân Phó vương Lê Hoàn chuyên quyền, đe dọa sự an nguy của Đinh Toàn – con nhỏ của Đinh Tiên Hoàng vừa mới được lập lên ngôi, Nguyễn Bặc bèn cùng Đinh Điền, Phạm Hạp khởi binh chống lại, một lòng phò tá nhà Đinh. Việc không thành, Ngài bị Lê Hoàn sát hại ngày15 tháng 10 năm 979 âm lịch.
Năm Đinh Dậu – 1917, Định Quốc công Nguyễn Bặc được vua Khải Định sắc phong là Hộ Quốc Tướng Công Trác Võ Thượng Đẳng Phúc Thần.
Mộ Nguyễn Bặc tại xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình. Ảnh Internet.
Ngày nay, ở sách Bồng, thôn Đại Hữu, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, Ninh Bình, vẫn còn di tích đền thờ Thái Thủy tổ (Khởi nguyên đường). Mộ của Định Quốc công Nguyễn Bặc và khu mộ của tổ tiên Ngài, phát tích cho cả dòng họ Nguyễn ở nước ta. Khu mộ này nằm trên núi Hổ, hướng phương Nam đối diện khu mộ phát tích của họ Đinh nằm trên núi Kỳ Lân hướng phương Bắc. (Nguyễn Thanh Hoàng, nguyenvan.vn, làng Nông Sơn, Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam).
Đền thờ họ Thái thủy tổ Khởi Nguyên Đường có đôi câu đối đánh dấu việc thiên cư của dòng tộc, nói lên sự nối tiếp vẻ vang của dòng họ Nguyễn và đề cao Nguyễn Bặc:
   “Duệ xuất Gia Miêu vương tích hiển
    Khánh lưu Đại Hữu tướng môn quang”
     Tạm dịch:
    Cửa tướng phúc dày làng Đại Hữu
    Dòng Vương nối ở đất Gia Miêu.
Đức Thái thủy tổ Định Quốc Công Nguyễn Bặc sinh được 2 trai là Nguyễn Đệ (Đê) và Nguyễn Đạt.
Đời thứ 2
Sau khi cha bị sát hại, Nguyễn Đệ (Đê?) cùng em là Nguyễn Đạt trốn sang Bắc Giang, dần dần lập nên hai chi họ ở Hà Bắc và Hà Đông. Ông dự định tổ chức báo thù cho cha, nhưng hai năm sau (981) quân Tống xâm lược, ông gác thù nhà, hợp tác với Lê Hoàn để chống giặc Tống xâm lược. Sau khi chống giặc Tống thắng lợi, ông  được Lê Hoàn trọng dụng. Khi Lê Hoàn mất (1005), con trai là Lê Long Đĩnh lên ngôi, là một ông vua tàn bạo, sa đọa (Lê Ngọa triều), ông cùng một số đại thần và nhà sư có uy tín tìm cách đưa Lý Công Uẩn, một người tài đức và là bạn của ông lên làm vua, lập ra triều Lý. Ông được nhà Lý tin cậy phong chức Đô Hiệu Kiểm, tước hầu, là trọng thần của triều đình.
 Cuối đời ông dời cư vào Gia Miêu.  
Gia Miêu ngoại trang là một trang ấp có từ xa xưa. Trang là làng, ấp nhưng ở tiếp giáp với núi, nằm trong thung lũng nhỏ sông Tống Giang, có Long Khê chảy qua ở phía tây bắc huyện Tống sơn tức huyện Hà Trung, Thanh Hóa bây giờ.
Gia Miêu là quê gốc của nhiều dòng họ Nguyễn. Từ xa xưa, nhiều người họ Nguyễn đã từ đây chuyển cư đi khắp mọi miền đất nước và thành lập những dòng họ rất lớn ở Bắc, Trung, Nam. Dòng họ ở đây là con cháu Định quốc công Nguyễn Bặc, nhưng từ đầu đời Lê đã tách ra làm ba họ Nguyễn: Họ Nguyễn Đình thờ vị tổ là Bình Ngô khai quốc công thần  Nguyễn Lý. Họ Nguyễn Hữu thờ vị tổ là bình Ngô khai quốc Công thần Nguyễn Công Duẩn. Dòng họ Nguyễn Văn thờ Thịnh Quận công Nguyễn Chữ. Vì họ to và họ xa phải tách ra làm ba họ Nguyễn để con cháu có điều kiện kết hôn với nhau. Trong làng còn có họ Mai là họ ngoại của họ Nguyễn. Từ xa xưa, đình làng Gia Miêu chỉ có thờ bốn vị tiên hiền là tổ của bốn vị tổ họ Nguyễn Hữu, Tổ họ Nguyễn Lý, Tổ họ Nguyễn Văn và Tổ họ Mai. Từ trước 1945, ở Gia Miêu  chỉ có 4 họ trên. Trong thời Nguyễn, không thể có họ nào khác lọt vào sống ở đây.
 (Ba thi hào họ Nguyễn cùng chung một dòng máu: Nguyễn Trãi – Nguyễn Du – Nguyễn Đình Chiểu ! – Thái Doãn Hiểu)
Nguyễn Đệ sinh được ba người con: Nguyễn Lợi, Nguyễn Viễn và Nguyễn Phúc Lịch. Nguyễn Lợi sau này giữ chức Hoa quốc công, sinh được Đại tự Đô Nguyễn Quốc, Nguyễn Quốc sinh ra tiến sĩ Công Giới (sau này làm Binh bộ thượng thư).
Đời thứ 3
Nguyễn Viễn là con thứ hai của Nguyễn Đệ, làm quan triều Lý, tham gia cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống lần thứ hai (1075-1077), có công và được phong chức Tả tướng quốc, Tham tri chính sự. Nguyễn Viễn sinh ra Nguyễn Phụng.
Đời thứ 4
 Nguyễn Phụng làm quan thời Lý, tham gia tổ chức đắp đê Cơ Xá sông Hồng. Đời Lý Anh Tông, được phong chức Tả Đô đốc. Nguyễn Viện là người trung trực, sau khi chống lại bọn nịnh thần Đậu Anh Vũ không thành, ông cáo quan về ở ẩn. Nguyễn Phụng sinh ra Nguyễn Nộn.
Đời thứ 5
Nguyễn Nộn (? – 1219 hoặc 1229) sinh ra trong thời kỳ suy vong của triều Lý. Vua Lý ăn chơi vô độ, một người quan trong họ là tăng phó Nguyễn Thường đã chỉ trích: Nay dân loạn, nước nguy, chúa thượng chơi bời không độ, chính sự dối loạn, lòng dân oán hận, đó là điều bại vong. Nguyễn Nộn đã cùng cha và những người anh em khác tham gia vào cuộc đấu tranh của nhân dân vùng Bắc Giang chống lại bọn quan lại trong triều mọt nước hại dân như Đậu Anh Vũ, Đỗ Yến Di, Đàm Dĩ Mông.
Sau khi triều Trần thay thế triều Lý năm 1225, Nguyễn Nộn được nhà Trần phong tước Vương Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương và gả công chúa Ngoạn Thiềm.  Nguyễn Nộn sinh được 5 con trai, con trưởng là Nguyễn Thế Tứ.
Đời thứ 6
Nguyễn Thế Tứ là con trưởng Nguyễn Nộn, tham gia cả 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, lập nhiều công tích, được phong chức Đô hiệu kiểm, Nguyễn Nộn sinh ra Bình Man đại tướng quân Nguyễn Nạp Hòa.
Đời thứ 7
Nguyễn Nạp Hòa (? – 1377) là con trưởng của Đô Hiệu Kiểm Nguyễn Thế Tứ. Dưới triều vua Trần Duệ Tông, được giữ chức Bình Man Đại Tướng Quân. Vào thời điểm này, quân Chiêm Thành thường sang cướp phá kinh thành Thăng Long. Năm Đinh Tị (1377), ông theo vua Duệ Tông vào đánh Chiêm Thành. Trong trận đánh tại cửa Thị Nại (Quy Nhơn), vua Duệ Tông và ông đều tử trận.
 Ông không rõ năm sinh, mất ngày 24 tháng Giêng năm Đinh Tị (tức 4 tháng 3 năm 1377). Nguyễn Nộn sinh ra Nguyễn Công Luật.
Đời thứ 8
Nguyễn Công Luật (? – 1388) làm quan cuối triều Trần, từng nắm giữ các chức quan Giám Quân Thiên Trường, Hữu Hiệu Điểm, v.v… Ông theo Trần Phế Đế chống lại sự lộng quyền của Hồ Quý Ly. Việc bại lộ, ông bị Hồ Quí Ly giết vào năm Mậu Thìn 1388. Nguyễn Công Luật sinh ra Nguyễn Minh Du.
Đời thứ 9
Nguyễn Minh Du làm Quản quân thiết Hồ đời Trần Phế Đế, cũng như cha, ông là người trung trực, chống lại sự lộng hành của Hồ Quý Ly nên bị nhà Hồ tìm cách sát hại, cùng nhiều thân quyến trong vụ thảm sát hàng trăm người năm 1399 (1390?). Nguyễn Minh Du sinh ra Nguyễn Ứng Long.
(Theo http://dongtocnguyenduy.com, tính từ Nguyễn Bặc trở đi đến đời thứ 14:
 Đời thứ 14: Có ông Nguyễn Phi Loan (hiệu là Phúc Lâm), làm Chánh quản giáp trại Chi Ngại. Là người nhân từ, thường giao du với nhiều khách, trong đó có khách phương Bắc, ân tình nồng hậu. Ông khách đã chỉ cho một huyệt để cải táng mộ thân phụ vào đấy “ngôi mộ ở phía trước có rùa vàng làm án, phía sau có sao vàng, bên phải trái có đầm nước bao quanh”, thực là một huyệt quý. Ông thọ 87 tuổi. Sinh con trai là Nguyễn Đạt.
Đời thứ 15: Nguyễn Đạt (tự là Phi Hổ) hiệu là Vân Sơn. Thi đỗ Nho sinh. Ông là người thông minh, nhưng buồn vì mấy lần đi thi không đậu. Ông làm thầy lang chữa bệnh cứu người. Là người thật thà nhân đức nên được mọi người tín phục, giúp giải quyết mọi việc bất hòa trong làng xóm. Khi lâm chung ông cho gọi con cháu đến cạnh gường và nói. “Ta bất hạnh thi mấy lần không đậu, chết không nhắm được mắt. Các con phải cố gắng học tập đi thi, khi có tin đậu đạt thì ở dưới suối vàng ta sẽ ngậm cười”. Ông thọ 87 tuổi. Sinh con trai là Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh). 
Đời thứ 10
Nguyễn Phi Khanh (chữ Hán: 阮飛卿, tên thật là Nguyễn Ứng Long (阮應龍), sinh năm 1355 (hay 1336?), mất năm 1428 (hay 1429?) là Hàn lâm học sĩ nhà Hồ. Ông quê xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (nay là phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Sau dời về xã Ngọc Ổi, huyện Thường Tín, nay thuộc Hà Nội.
Khi ra làm quan cho nhà Hồ, ông đổi tên là Nguyễn Phi Khanh. 
 Một số tài liệu, căn cứ vào gia phả họ Nguyễn cho rằng ông là con trai của Nguyễn Minh Du và có hai người anh tên là Nguyễn Sùng và Nguyễn Thư. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng việc chép ông là con của Minh Du là do sau này, gia đình con Nguyễn Phi Khanh là Nguyễn Trãi bị họa tru di tam tộc nên các cháu chắt ông, khi trốn tránh đã chép lẫn gia tộc ông vào họ Nguyễn ở Gia Miêu, Tống Sơn, Thanh Hóa để khỏi bị truy tìm. Thực chất ông không có quan hệ họ hàng với Nguyễn Minh Du.
Ông từng thi đỗ Nhị giáp tiến sĩ năm Long Khánh thứ 2, đời vua Trần Duệ Tông, tức năm 1374 nhưng không được triều đình bổ dụng nên về quê dạy học. Đại Việt sử ký toàn thư không ghi rõ ông đỗ Thái học sinh năm nào, nhưng có viết về việc ông đỗ Thái học sinh trong các sự kiện của năm 1385, sau khi thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã tổ chức kỳ thi Thái học sinh năm Xương Phù thứ 8 (1384). Sau khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, ông ra làm quan cho nhà Hồ dưới triều Hồ Hán Thương, được bổ nhiệm giữ chức Hàn lâm học sĩ rồi lần lượt thăng lên Thống chương Đại phu, Đại lý tự khanh kiêm Trung thư Thị lang, Tư nghiệp Quốc tử giám.
Năm 1407, khi quân nhà Minh xâm lược nước Việt, Nguyễn Phi Khanh bị Trương Phụ bắt và giải về Trung Quốc, Nguyễn Trãi theo cha ra đến ải Nam Quan. Phi Khanh quay lại bảo Nguyễn Trãi quay về Thăng Long nuôi chí diệt giặc mới là làm tròn đạo hiếu. Quả nhiên sau này Nguyễn Trãi đã theo Lê Lợi đánh bại được quân Minh.
Nguyễn Phi Khanh mất tại Trung Quốc, thọ 73 tuổi. Quan thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc do cảm ân nghĩa Nguyễn Trãi đã tha chết khi quân Minh thua trận nên tìm cách cho con ông là Nguyễn Phi Hùng (em Nguyễn Trãi, theo cha ở lại Trung Quốc) đưa hài cốt về an táng tại núi Đá Bạc. Người đời sau gọi núi đó là núi Báo Ân hay núi Báo Đức, hoặc còn gọi là núi Bái Vọng (Báo Vọng), thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay. Mộ chí nay vẫn còn.
Gần đây, sách “Nhìn lại lịch sử” dẫn bài của tác giả Đinh Công Vĩ, có nghiên cứu gia phả Phạm Anh Vũ (tức Nguyễn Anh Vũ – con Nguyễn Trãi, cháu Nguyễn Phi Khanh, phải đổi sang họ mẹ khi trốn tránh vì gia đình bị tru di tam tộc) nêu thông tin khác về kết cục của Nguyễn Phi Khanh. Theo đó, Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh giải đi Trung Quốc, có cả anh em Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Hùng đi theo. Tới Vạn Sơn Điếm (Hồ Bắc) một thời gian thì quân Minh thả cho Nguyễn Phi Khanh về. Ông sống ở Côn Sơn tới khi mất chứ không phải mất ở Trung Quốc. Mộ táng tại đỉnh cao nhất của núi Bái Vọng, phía Đông Bắc Côn Sơn, là di tích văn hóa, lịch sử hiện nay. 
Vợ Nguyễn Phi Khanh là bà Trần Thị Thái, hiệu Ngọc Điền là con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán (1326 – 1390). Bà sinh được 6 người con trai, con trưởng là Nguyễn Lý làm quan tới chức Đại Uy Vũ; con thứ hai là Nguyễn Trãi; thứ ba là Phi Hùng; con thứ tư là Phi Bảo; con thứ năm là Phi Ly; con thứ sáu là Phi Bảng. Năm Ất Sửu (1385), Trần Nguyên Đán cáo quan về ở ẩn tại động Thanh Ngưu, Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương. Bà Thái đem các con về đây, ít lâu sau thì mất. 
Theo ông Nguyễn Khắc Minh – Trưởng ban Ban quản lý di tích Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương):
Nguyễn Phi Khanh lấy bà Trần Thị Thái hiệu là Ngọc Điền, con quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán. Bà sinh được 4 người con trong đó có Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Phi Ly. Cụ bà Trần Thị Thái mất sớm (năm 1490). Cụ Nguyễn Phi Khanh lấy bà vợ kế người họ Nhữ ở xã Mộc Nhuận, nay là xã Đông Yên, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Bà sinh được hai người con trai tên là Nguyễn Nhữ Soạn. Ông là một trong số ít người tham gia tiền khởi nghĩa Lam Sơn. Trong khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Như Soạn là vị tướng tài ba lập nhiều công được vua Lê phong là Binh Ngô Khai quốc công thần. Sau khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi và Nguyễn Như Soạn cùng làm quan đông triều, anh là quan văn, em là quan võ làm rạng tổ tông.”
(Nguồn: http://giaphatphcm.com/giapha/chitietkienthuc.php?id=8)
Đời thứ 11
Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai, sinh năm 1380, quê quán làng Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (nay là phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Sau dời về xã Ngọc Ổi, huyện Thường Tín, nay thuộc Hà Nội.
Nguyễn Trãi
Ông là con thứ hai của Nguyễn Phi Khanh. Năm 6 tuổi, mẹ mất, ông phải về Côn Sơn ở với ông ngoại là quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Năm 1390, quan Tư đồ cũng mất, ông theo cha trở về sống ở làng Nhị Khê.
Tuổi thơ Nguyễn Trãi thanh bần nhưng ông vẫn quyết chí gắng công học tập, nổi tiếng là người có kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực, có ý thức về nghĩa vụ của một kẻ sĩ yêu nước thương dân.
Năm 1400 ông thi đỗ Thái học sinh triều Hồ.
 Năm 1407, giặc Minh sang xâm lược, nhà Hồ kháng chiến thất bại, Hồ Quý Ly cùng nhiều người trong triều bị bắt đem về Trung Quốc, trong số đó có Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi đã theo cha lên cửa ải và tỏ ý muốn đi theo hầu hạ, nhưng Nguyễn Phi Khanh không đồng ý, khuyên ông nên về lo cứu nước báo thù nhà. Sau đó ông bị giặc giam nơi thành Ðông Quan suốt mười năm trời.
Năm 1416, ông tìm đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, dâng cho Lê Lợi tác phẩm Bình Ngô sách. Từ đó, ông gắn bó với phong trào khởi nghĩa Lam Sơn, tham gia xây dựng đường lối quân sự, chính trị và đảm đương những nhiệm vụ quan trọng như soạn thảo thư từ địch vận, tham mưu, vạch ra chiến lược chiến thuật cho nghĩa quân.
 Ngày 16/12/1427 Đinh Mùi, Vương Thông đầu hàng, cuộc kháng chiến chống Minh hoàn toàn thắng lợi. 
Đầu năm 1428, ngay cả khi chưa chính thức lên ngôi vua, Bình Định Vương Lê Lợi đã đại hội các tướng và các quan văn võ, định công ban thưởng. Nguyễn Trãi được ban cho quốc tính (họ Lê) và tước Quan phục hầu, tiếp tục giữ chức Nhập nội Hành khiển như cũ, được khắc tên trên biển Khai quốc công thần. Ngày 29 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi làm lễ lên ngôi ở điện Kính Thiên tại Đông Kinh, đại xá thiên hạ, giao cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo để bố cáo với cả nước về việc chiến thắng quân Minh.
Tuy nhiên, tài năng và đức độ của ông cũng bắt đầu bị bọn quyền thần ganh ghét. Ðặc biệt, sau vụ Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo bị bức tử, Nguyễn Trãi bị bắt giam một thời gian ngắn. Thời kỳ này, ông bắt đầu cay đắng nhận ra sự độc ác của miệng đời:
Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn
Lòng người quanh nữa nước non quanh
                             (Bảo kính cảnh giới 9)
Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, an táng ở Vĩnh Lăng tại Lam Sơn. Lê Thái Tông nối ngôi, xuống sắc chỉ sai Nguyễn Trãi, với tư cách là Vinh lộc Đại phu Nhập nội Hành khiển tri Tam quán sự, soạn văn bia Vĩnh Lăng thần đạo bi.
 Khoảng cuối năm 1437, đầu năm 1438, do những bất đồng với quan lại trong triều, Nguyễn Trãi xin về hưu trí ở Côn Sơn – nơi trước kia từng là thái ấp của ông ngoại Trần Nguyên Đán – chỉ thỉnh thoảng mới vâng mệnh vào chầu vua.
Năm 1439, Lê Thái Tông mời ông ra làm quan, ban cho chức tước là Vinh lộc Đại phu, Nhập nội Hành khiển Môn hạ sảnh Tả ty Hữu Gián nghị Đại phu kiêm Hàn Lâm viện Học sĩ Tri Tam quán sự Đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự. Ông cũng được giao cho việc coi giữ sổ sách, xét án kiện quân dân ở Tây đạo và Bắc đạo. Nguyễn Trãi nhận mệnh vua, dâng biểu tạ ơn hết sức xúc động và lại hăng hái ra giúp nước, chỉnh đốn kỷ cương, đào tạo nhân tài. Đây là những năm đắc chí nhất của Nguyễn Trãi.
Năm 1442, xảy ra vụ án Lệ Chi viên. Nguyễn Trãi bị can tội giết vua. Ngày 19 tháng 9 năm 1442 (tức ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất), ông và gia quyến  bị tru di tam tộc. Vị khai quốc công thần đã kết thúc cuộc đời ở tuổi 63 trong một hoàn cảnh bi phẫn và oan khuất.
 Tháng 8 năm 1464, sau 22 năm oan khuất, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu chiêu tuyết cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước hiệu là Tán Trù bá, rồi lại truy tặng tước hiệu Thái Sư Tuệ Quốc Công, bãi bỏ lệnh truy sát của triều đình với gia quyến Nguyễn Trãi và ra lệnh bổ dụng con cháu ông làm quan.
Đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương. Ảnh Internet.
Nguyễn Trãi có 5 bà vợ (Bà Phạm Đỗ Minh Hiển, Bà Phùng Thị, Bà Nguyễn Thị Lộ, Bà Phạm Thị Mẫn, Bà Trần Anh Minh) và 7 người con trai: Nguyễn Khuê (con bà Trần Thị), Nguyễn Ứng (con bà Trần Thị), Nguyễn Phù (con bà Trần Thị), Nguyễn Bảng (con bà Phùng Thị), Nguyễn Tích (con bà Phùng Thị), Nguyễn Anh Võ (con bà Phạm Thị) và ông tổ chi họ Nguyễn ở Quế Lĩnh, Phương Quất, huyện Kinh Môn, Hải Dương (con bà Lê Thị).
Sau vụ án Lệ Chi viên, gia quyến Nguyễn Trãi lưu tán. Theo gia phả họ Nguyễn Nhị Khê, em trai Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Hùng chạy về Phù Khê, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Nguyễn Phù – một người con của Nguyễn Trãi – chạy lên Cao Bằng, đổi họ sang họ Bế Nguyễn. Bà vợ thứ năm của Nguyễn Trãi là Lê thị, đang mang thai, phải trốn về Phương Quất, huyện Kim Môn, Hải Dương. Đặc biệt, bà vợ thứ tư của Nguyễn Trãi là Phạm Thị Mẫn, lúc đó cũng đang mang thai, được người học trò cũ của chồng là Lê Đạt giúp chạy trốn vào xứ Bồn Man, sau về thôn Dự Quần, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Tại đây, bà sinh ra Nguyễn Anh Vũ (Võ). Để tránh sự truy sát của triều đình, Nguyễn Anh Vũ đổi sang họ mẹ là Phạm Anh Vũ.
Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Công lao và sự nghiệp của Nguyễn Trãi là huy hoàng, vĩ đại. Công lao quý giá nhất và sự nghiệp vĩ đại nhất của Nguyễn Trãi là tấm lòng yêu nước yêu dân tha thiết và sự nghiệp đánh giặc cứu nước vô cùng vẻ vang của ông. Ông đã đem hết tâm hồn, trí tuệ, tài năng phục vụ lợi ích của dân tộc trong phong trào khởi nghĩa Lam Sơn và những năm đầu của triều Hậu Lê.
Năm 1980, UNESCO công nhận ông là Danh nhân Văn hóa thế giới.
Đời thứ 12
Nguyễn Anh Vũ là con trai Nguyễn Trãi và bà Phạm Thị Mẫn. Sau vụ thảm sát 1442, bà Phạm Thị Mẫn được thân tướng đem trốn sang xứ Bồn Man (vùng đất nằm giữa phía đông Lào và tây Nghệ An ngày nay), không kịp mang theo con gái Nguyễn Thị Đào và đang mang thai Anh Vũ được 3 tháng. Anh Vũ lớn lên trong sự chở che, nuôi dưỡng của nhà họ ngoại ở Bùi Khê, Thanh Oai, Hà Đông.
Năm 19 tuổi, ông thi đỗ Hương Cống (cử nhân). Năm Giáp Thân 1464, Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan, ông được bổ nhiệm làm Tri huyện Tân Châu Nam Định, được cấp ruộng tế tự, làm quan đến chức Tham chính. Ông sinh được 7 người con.
Người con cả là Nguyễn Giám (Tô Tạc) thi đậu Tiến sĩ, làm Thừa chính sứ An Bang (Quảng Ninh), được cử đi sứ ở Trung Quốc, sau đó có tin nói ông bị chết đuối giữa hồ Động Đình – Trung Quốc. Nguyễn Giám sinh ra Nguyễn Tư Thiện, về Quỳnh Lưu, Nghệ An, lập nên chi họ ở Quỳnh Liên, Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Con thứ 2 là Nguyễn Kiên thi đỗ nho sinh, ấm thụ tước Mẫu Lâm Lang – về Nhị Khê thờ phụng từ đường.
Con thứ ba là Nguyễn Bá Quân làm Thừa tuyên, tri huyện Tĩnh Gia, sinh được hai người con là Nguyễn Bá Cương cùng cha ở Như Xuân, Tĩnh Gia, Thanh Hóa và Nguyễn Bá Ký rời vào Nghệ An, Nghi Công, Nghi Lộc (?).

Con thứ bảy Nguyễn Châu Phương di cư về quê ngoại Hà Tây, xã Nam Hồng, huyện Phú Xuyên…

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 4.9 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,143
  • Tổng lượt truy cập808,057
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây