CÁC TRIỀU ĐẠI VIỆT NAM

Thứ bảy - 24/08/2024 21:30 18 0

CÁC TRIỀU ĐẠI VIỆT NAM

LÝ NHÂN TÔNG (1072-1127)
 
 

LÝ NHÂN TÔNG (1072-1127)
Niên hiệu: - Thái Ninh (1072-1075)
                                  - Anh Võ Chiêu Thắng (1076-1084)
                   - Quảng Hữu (1085-1091)
                - Hội Phong (1092-1100)
              - Long Phù (1101-1109)
                                - Hội Tường Đại Khánh (1110-1119)
                            - Thiện Phụ Duệ Võ (1120-1126)
                         - Thiên Phù Khánh Thọ (1127)

Vua Lý Thánh Tông chỉ sinh được Thái tử Càn Đức, con Nguyễn phi Ỷ Lan. Thánh Tông mất, Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi lấy hiệu là Lý Nhân Tông.
Vua Nhân Tông còn nhỏ nhưng nhờ có Thái phi Ỷ Lan làm nhiếp chính, lại thêm Thái sư Lý Đạo Thành và Phụ quốc thái úy Lý Thường Kiệt, những khối óc lớn thời ấy giúp sức, nên nước Đại Việt trở nên hùng mạnh.
Về đối nội, vua Nhân Tông đã cho đắp đê Cơ Xá, khởi đầu việc đắp đê ngăn lũ ở nước ta, nhằm giữ cho kinh thành khỏi lụt ngập.
Năm Ất Mão (1075) vua mở khoa thi tam trường, còn gọi là Minh kinh bác học để chọn người có tài văn học vào làm quan. Khoa thi ấy là khoa thi đầu tiên ở nước ta chọn 10 người, thủ khoa là Lê Văn Thịnh. Về sau, Lê Văn Thịnh làm đến chức Thái sư (tể tướng), tỏ rõ là người có tài năng xuất chúng. Cuối đời, vua nghi ngờ Lê Văn Thịnh làm phản, Thịnh bị đày lên Thao Giang (Tam Nông, Phú Thọ) và đã chết oan tại đó.

Năm Bính Thìn (1076), vua cho lập - trường đại học đầu tiên ở nước ta, chọn những nhà khoa bảng tài giỏi vào dạy. Đến năm Bính Dần (1086) mở khoa thi chọn người có tài văn học vào Hàn lâm viện. Khoa ấy có Mạc Hiển Tích đỗ đầu, được bổ Hàn lâm học sĩ.
Năm Kỷ Tị (1089) vua Nhân Tông định quan chế, chia văn võ làm 9 phẩm. Quan đại thần có Thái sư, Thái phó, Thái úy và Thiếu sư, Thiếu úy. Ở dưới những bậc ấy, về văn ban có Thượng thư, tả hữu Tham trị, tả hữu Gián nghị đại phu, Trung thư thị lang, Bộ thị lang. Về võ ban có Đô Thống, Nguyễn Súy, Tổng quản khu mật sứ, Khu mật tả hữu sứ, Kim ngô thượng tướng, Đại tướng, Đô tướng, Chư vệ tướng quân v.v..
Ở các châu quận, văn thì cí Tri phủ, Tri châu; võ thì có Chư lộ trấn, lộ quan.
Năm Đinh Tị (1077), khi Tống triều cử Quách Quỳ, Triệu Tiết đem đại binh sang xâm lược, với toàn quyền điều khiển. Triều đình Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và Phụ quốc thái úy Lý Thường Kiệt đã huy động được cả dân tộc vào trận, tạo cho thế nước ở đỉnh cao ngàn trượng đè bẹp quân thù. Nưc Đại Việt đã rời khỏi cuộc chiến tranh với hào quang chiến thắng quanh vương miện để bước nhanh trên con đường cường thịnh, văn hiến.
Vua Lý Nhân Tông làm vua đến năm Đinh Mùi (1127) thì mất, trị vì được 56 năm, thọ 63 tuổi.

NGUYÊN PHI Ỷ LAN

Nói đến triều Lý không thể không nói về Ỷ Lan, một trong những danh nhân có tài trị nước của dân tộc. Tên thật của Ỷ Lan là Lê Thị Yến, quê ở làng Thổ Lỗi sau đổi thành Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh) nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội. Vì mẹ mất từ lúc 12 tuổi, cha lấy vợ kế nên thân phận Ỷ Lan khổ như cô Tấm trong chuyện cổ. Sử ghi, Ỷ Lan là cô Tấm lộ Bắc, hay gọi đền thờ Ỷ Lan ở Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội) là đền thờ Bà Tấm là vì thế.
Năm ấy, vua Lý Thánh Tông 40 tuổi chưa có con trai nối dõi nên về chùa Dâu cầu tự. Vua và quần thần vãn xem phong cảnh trong vùng, chợt thấy trong ngày hội vui, mà trên nương vẫn có một người con gái vừa hái dâu va hát, vua vời xuống hỏi sự tình. Thấy Lê Thị Yến bội phần xinh đẹp, lại đối đáp lưu loát, vua cảm mến đưa về triều, rồi phong làm Nguyên phi, cho xây một cung riêng, đặt tên là cung Ỷ Lan để nhớ lại sự tích cô gái tựa gốc cây lan buổi đầu gặp gỡ.
Khác với các hậu phi, Ỷ Lan không lấy việc trau chuốt nhan sắc, mong chiếm được tình yêu của vua mà quan tâm đến hết thảy mọi công việc trong triều đình. Ỷ Lan khổ công học hỏi, miệt mài đọc sách, nghiền ngẫm nghĩa sách nên chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người đều kinh ngạc trước sự hiểu biết uyên thâm về nhiều mặt của Ỷ Lan. Triều thần khâm phục Ỷ Lan là người có tài. Một lần vua Lý Thánh Tông hỏi Ỷ Lan về kế trị nước. Ỷ Lan tâu:
- Muốn nước giàu dân mạnh, điều hệ trọng là biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm. Thuốc đắng uống khó chịu nhưng chữa được bệnh. Điều hệ trọng thứ hai là phải xem quyền hành là một thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự mình tu đức để giáo hoá dân thì sâu hơn mệnh lệnh, dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật. Nước muốn mạnh, Hoàng đế còn phải nhân từ với muôn dân. Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo. Hội đủ những điều ấy, nước Đại Việt sẽ vô địch.
Nghe Ỷ Lan tâu, vua phục lắm. Bởi thế, năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân cầm quân đi đánh giặc, đã trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Cũng ngay năm ấy, nước Đại Việt không may bị lụt lớn, mùa màng thất bát, nhiều nơi sinh loạn. Nhưng nhờ có kế sách trị nước đúng đắn, quyết đoán táo bạo, loạn lạc đã được dẹp yên, dân đói đã được cứu sống. Cảm cái ơn ấy, cũng là cách suy tôn một tài năng, nhân dân đã tôn thờ Ỷ Lan là Quan âm nữ, lập bàn thờ Ỷ Lan. Vua đánh giặc lâu không thắng, bèn trao quyền binh cho Lý Thường Kiệt, đem một cánh quân nhỏ quay về. Đến châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hải Dương) hay tin Ỷ Lan đã vững vàng đưa đất nước vượt qua muôn trùng khó khăn, giữ cảnh thái bình, thịnh trị, vua hổ thẹn quay ra trận quyết đánh cho kỳ thắng mới về.
Năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, triều Lý không tránh khỏi rối ren. Nhưng khi Ỷ Lan trở thành Hoàng thái hậu nhiếp chính và Lý Thường Kiệt nắm quyền Tể tướng thì nước Đại Việt lại khởi sắc, nhanh chóng thịnh cường. Ỷ Lan đã thi hành những biện pháp dựng nước yên dân, khiến cho thế nước và sức dân đã mạnh hẳn lên.
Năm Đinh Tị (1077), Tống triều phát đại binh sang xâm lược. Để Lý Thường Kiệt rảnh tay lo việc trận mạc, Thái hậu Ỷ Lan đã bỏ qua hiềm khích cũ, điều Lý Đạo Thành từ Nghệ An về, trao chức Thái sư như cũ, để cùng mình điều khiển triều đình, huy động sức người sức của vào trận. Nhờ vậy, nước Đại Việt đã làm nên chiến thắng hiển hách. Quân giặc hùng hổ toan làm cỏ nước Đại Việt đã phải cam chịu thất bại, lủi thủi rút quân về nước.
Làm nên chiến thắng này, công Thái hậu Ỷ Lan thực lớn. Nhưng trong đời Ỷ Lan không phải không có tì vết. Sau khi vua Lý Thánh Tông qua đời, Hoàng hậu Thượng Dương dựa vào thế lực 
của Thái sư Lý Đạo Thành, đã gạt Ỷ Lan ra khỏi triều đình. Mãi 4 tháng sau, có Lý Thường Kiệt giúp sức, Ỷ Lan mới trở lại nắm quyền nhiếp chính. Bà đã bắt giam Hoàng hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ vào lãnh cung, bỏ đói cho đến chết. Vì tội trạng ấy, sử sách phong kiến đã xóa sạch mọi công lao của bà đối với dân nước, mà quên mất rằng, trong sự nghiệp làm chính trị, đó là chuyện thường thấy.

Còn tiếp

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,858
  • Tổng lượt truy cập808,772
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây