LÝ THẦN TÔNG (1128-1138)
Niên hiệu: - Thiên Thuận (1128-1132)
- Thiên Chương Bảo Tự (1133-1137)
Vua Lý Nhân Tông không có con trai, lập con của hoàng đệ là Sùng Hiền hầu Dương Hoán lên làm thái tử, nay kế vị ngoi hoàng đế tức là vua Thần Tông.
Thần Tông vừa lên ngôi liền đại xã cho các tù phạm và trả lại ruộng đất tịch thu của quan dân ngày trước. Vua thực hiện chính sách ngụ binh cư nông, cho binh lính đổi phiên cứ lần lượt 6 tháng một lần được về làm ruộng. Do vậy, sản xuất nông nghiệp phát triển. Dân no đủ nên giặc giã cũng ít. Thần Tông làm vua được 10 năm, thọ 23 tuổi.
LÝ ANH TÔNG (1138-1175)
Niên hiệu: - Thiệu Minh (1137-1139)
- Đại Đinh (1140-1162)
- Chính Long Bảo ứng (1163-1173)
- Thiên Cảm Chí Bảo (1174-1175)
Vua Lý Thần Tông có 2 con trai là Thiên Lộc và Thiên Tộ. Thần Tông mất, triều đình tôn thái tử Thiên Tộ lên làm vua, hiệu là Anh Tông.
Lý Anh Tông kế vị ngôi vua mới có 3 tuổi. Bởi vậy, thái hậu Lê Thị cầm quyền nhiếp chính. Lê Thái hậu lại tư thông với Đỗ Anh Vũ, cho nên mọi việc lớn nhỏ trong triều đều nằm trong tay vị đại thần họ Đỗ nãy cả. Đỗ Anh Vũ được thể ra vào cung cấm, kiêu ngạo, coi thường các đình thần. Thấy Anh Vũ lộng quyền, các quan Vũ Đại, Nguyễn Dượng, Nguyễn Quốc và Dương Tự Minh bàn mưu trừ khử. Việc bại lộ, tất cả bị Anh Vũ giết hại. May thay triều đình lúc đó có nhiều tài giỏi như Tô Hiến Thành, Hoàng Nghĩa Hiền, Lý Công Tín nên tham vọng của Đỗ Anh Vũ đã bị chặn lại. Tô Hiến Thành chẳng những giúp vua đánh Đông dẹp Bắc, giữ cho nước được yên mà còn luyện tập quân lính, kén chọn những người tài giỏi cho làm tướng, coi quân trị dân. Bởi vậy, nước Đại Việt hồi ấy trở nên hùng mạnh.
Năm Tân Mão và năm Nhâm Thìn (1171-1172) vua dầy công đi qua những vùng núi non hiểm trở, quan sát sinh hoạt của dân rồi sai quan làm tập bản đồ nước Đại Việt.
Khi biết mình sức đã yếu, vua phong cho Tô Hiến Thành làm Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự và gia phong tước vương, đồng thời uỷ thác thái tử là Long Cán cho Tô Hiến Thánh giúp dạy.
Anh Tông mất, trị vì được 37 năm, thọ 40 tuổi, đổi niên hiệu 4 lần
LÝ CAO TÔNG (1176-1210)
Niên hiệu: - Trịnh Phù (1176-1185)
- Thiên Tư Gia Thuỵ (1186-1202)
- Thiên Gia Bảo Hựu (1202-1204)
- Trị Bình Long Ứng (1205-1210)
Vua Anh Tông mất, thái tử Long Cán chưa đầy 3 tuổi. Bà Chiêu Linh thái hậu muốn lập con cả của mình tên là Long Xưởng lên làm vua bèn đem vàng bạc đút lót cho vợ Tô Hiến Thành. Nhưng Tô Hiến Thành nhất định không nghe cứ theo di chiếu lập Long Cán, tức vua Lý Cao Tông.
Phò tá được Cao Tông làm vua nhưng vì tuổi già, Tô Hiến Thành luôn đau yếu. Thương ông, có quan Tham tri chính sự là Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ nâng giấc. Đến khi bà Đỗ Thái Hậu (mẹ Cao Tông) đến thăm, hỏi:
- Ông đau yếu nếu có mệnh hệ nào, ai thay được ông?
Tô Hiến Thành tâu:
- Đã có quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá.
Thái hậu ngạc nhiên:
- Vũ Tán Đường hết lòng vì ông, sao không cử ông ta?
Tô Hiến Thành đáp:
- Tâu Hoàng Thái hậu! Nếu Thái hậu hỏi người hầu hạ thì xin cử Tàn Đường, còn hỏi người tài ba giúp nước tôi xin cử Trần Trung Tá.
Mặc dù người đương thời ví Tô Hiến Thành như Gia Cát Lượng đời Tam Quốc bên Tàu nhưng khi ông mất rồi, triều đình không theo lời ông dặn, cứ cử Đỗ Yến Di làm phụ chính và Lý Kính Tu làm đế sư. Triều đình bắt đầu suy.
Đến khi Cao Tông lớn lên, trực tiếp cầm quyền trị nước thì lại ham mê săn bắn, vơ vét của dân xây nhiều cung điện, bắt trăm họ phải phục dịch khổ sở, nên trộm cướp nổi lên như ong.
Năm Bính Thìn (1208) ở Nghệ An có Phạm Du làm phản chiêu nạp bọn côn đồ đi cướp phá của dân. Vua Cao Tông sai quan Phụng ngự là Phạm Bỉnh Di đi dẹp. Bỉnh Di đem quân đánh được Phạm Du, tịch biên gia sản, đốt phá nhà cửa của hắn. Phạm Du cho người về kinh lấy vàng đút lót các quan trong triều rồi vu cho Bỉnh Di làm việc hung bạo, giết hại người vô tội. Triều đình cho Phạm Du vào triều kêu oan. Nghe lời Phạm Du, vua Cao Tông triệu Bỉnh Di hồi triều rồi bắt giam ngay. Hay tin, một bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc đem quân phá cửa thành vào cứu Bỉnh Di. Thấy biến Cao Tông vội cho giết Bỉnh Di rồi đem gia quyến chạy lên vùng Tam Nông (Phú Thọ). Thái tử Sảm thì chạy về Hải Ấp (làng Lưu Xá, Hưng Hà, Thái Bình). Quách Bốc đem xác Bỉnh Di mai táng rồi vào điện tôn hoàng tử Thẩm lên làm vua.
Thái tử Sảm chạy về Hải Ấp vào ở nhà Trần Lý, làm nghề đánh cá. Thấy con gái Trần Lý là Trần Thị Dung khoẻ mạnh, xinh đẹp bèn lấy làm vợ và phong cho Trần Lý tước Minh Tự, Tô Trung Tự, cậu Trần Thị Dung chức Điện tiền chỉ huy sứ.
Anh em họ Trần mộ quân giúp thái tử Sảm khôi phục kinh thành rồi lên vùng Tam Nông rước Cao Tông về cung. Cao Tông về kinh được 1 năm thì mất (1210) trị vì được 35 năm, thọ 38 tuổi, đổi niên hiệu 4 lần, thờ ở đền Đô.
LÝ HUỆ TÔNG
Niên hiệu: Kiến Gia (1211-10/1224)
Thái tử Sảm là con trưởng của vua Cao Tông, sinh năm Giáp Dần (1194) khu vua Cao Tông mất thái tử Sảm lên nối ngôi lây hiệu là Huệ Tông rồi sai quan quân đi đón Trần Thị Dung về phong làm Nguyên phi.
Lúc ấy Trần Lý đã bị quân cướp giết, con thứ là Trần Tự Khánh nắm binh quyền. Huệ Tông bèn phong cho Tự Khánh làm Chương tín hầu và Tô Trung Tự làm Thái uý Thuận Lưu Bá.
Vốn không ưa Nguyên phi Trần Thị Dung, lại thấy họ Trần nắm giữ binh quyền, Đàm Thái hậu, mẹ vua Huệ Tông ra mặt hắt hủi Thị Dung. Trần Tự Khánh thấy em mình bị đối xử tệ bạc, liền đem quân về kinh sư nói rằng xin vua rước đi. Lý Huệ Tông nghi Tự Khánh phản nghịch, giáng Trần Thị Dung xuống làm ngự nữ. Tự Khánh thấy vậy, thân đến quân môn xin lỗi và vẫn xin rước đi. Huệ Tông càng nghi, vội cùng với Đàm Thái hậu chạy lên Lạng Châu (Lạng Sơn). Tự Khánh lại phát binh đi rước về, Huệ Tông sợ hãi, rước Thái hậu về Bình Hợp. Đàm Thái hậu cho rằng họ Trần muốn làm phản thường chỉ mặt Trần Thị Dung xỉ vả và xui Huệ Tông bỏ thuốc độc toan giết Trần Thị Dung. Nhưng mê đắm Thị Dung xinh đẹp bội phần, vua không nghe. Đàm Thái hậu mấy lần bỏ thuốc độc toan giết Thị Dung, nhưng vua đều cản được. Thường đến bữa ăn, vua ăn một nửa, một nửa dành cho người đẹp và ngày đêm giữ luôn bên mình không cho đi đâu. Về sau, Thái hậu làm dữ quá, Huệ Tông đem Trần Thị Dung đi trốn và cho đòi Trần Tự Khánh đến chầu. Tự Khánh đem quân đi hộ giá vua về kinh. Huệ Tông phong cho Trần Thị Dung làm Hoàng hậu, Trần Tự Khánh làm Phụ chính và người của Tự Khánh là Trần Thừa làm Nội thị phán thủ.
Tháng Chạp năm Quý Mùi, Trần Tự Khánh mất, vua Huệ Tông cho Trần Thừa làm Phụ quốc thái úy, và năm sau, giao cho em họ Hoàng hậu là Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ. Từ đó, mọi việc trong triều đều do vị tướng trẻ Trần Thủ Độ định đoạt.
Vua Huệ Tông về cuối đời thường rượu cho say khướt ngủ cả ngày, không quan tâm đến việc triều chính. Vua không có con trai. Hoàng hậu Trần Thị chỉ sinh được 2 công chúa. Người chị là Thuận Thiên công chúa đã gả cho Phụng Kiều vương Trần Liễu, con cả của Trần Thừa. Người em là Chiêu Thánh công chúa tên là Phật Kim, mới 7 tuổi, được lập làm Thái tử.
Tháng 10 năm Giáp Thân (1224), Lý Huệ Tông truyền ngôi cho Chiêu Thánh công chúa rồi vào ở chùa Chân Giáo.
Huệ Tông trị vì được 14 năm.
LÝ CHIÊU HOÀNG (1225)
Niên hiệu: Thiên Chương Hữu Đạo
Chiêu Thánh công chúa còn có tên là Phật Kim, sinh vào tháng Chín năm Mậu Dần (1218) Chiêu Thánh công chúa lên ngôi, tức là Lý Chiêu Hoàng. Vua còn nhỏ nên quyền binh ở cả Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ đưa các cháu con vào cung cấm nắm giữ các chức vụ lớn nhỏ. Trấn Bất Cập làm cận thị thủ lục cục, Trần Thiêm là Chi hậu cục, Trần Cảnh làm Chánh thủ (đội trưởng đội hậu cần). Trần Cảnh là con thứ hai của Trần Thừa, lúc đó mới lên 8, cùng tuổi với Lý Chiêu Hoàng. Một lần Trần Cảnh bưng nước rửa mặt cho vua, Chiêu Hoàng thấy Trần Cảnh đem lòng yêu mến. Từ đó, mỗi khi vui chơi, Chiêu Hoàng đều gọi cho Trần Cảnh đến cùng chơi. Có hôm Trần Cảnh bưng chậu nước đứng hầu, Chiêu Thánh rửa mặt, lấy tay té nước ướt cả mặt Cảnh. Đến khi Cảnh bưng khăn chầu thì vua bà lấy khăn ném cho Trần Cảnh. Khi về nhà Trần Cảnh đã kể riêng với Trần Thủ Độ, Thủ Độ nói:
- Nếu thực như thế thì họ ta làm vua chăng? hay chết cả họ chăng?
Hôm khác Chiêu Hoàng lại lấy khăn chầu ném cho Trần Cảnh. Cảnh quỳ lạy:
- Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh.
Chiêu Hoàng cười:
- Tha cho ngươi! Nay ngươi đã biết nói khôn đó!
Cảnh lại về nói với Thủ Độ. Sợ việc tiết lộ thì bị giết cả, Thủ Độ đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm, sai đóng cửa thành và các cửa cung. Các quan vào chầu đều không được vào. Thủ Độ loan báo:
- Bệ hạ đã có chồng rồi.
Các quan đều nói: Đó là việc tốt, xin cho chọn ngày vào chầu. Thế là ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu có chiếu của Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh và ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu (tháng 1-1225) Chiêu Hoàng thiết triều ở điện Thiên An ngự trên giường báu, các quan mặc triều phục lạy ở sân rồng. Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự, khuyên mời Trần Cảnh lên ngôi vua. Sau 3 lần nhún nhường làm phép, Trần Cảnh ngồi lên ngai vàng chính thức làm Hoàng đế. Nhưng sau đó, bất hạnh đã đến với Chiêu Hoàng, lúc này là hoàng hậu Chiêu Thánh. Nguyên do lấy nhau gần chục năm, Chiêu Thánh vẫn không sinh nở gì. Thủ Độ lo sợ vua Thái TôngTrần Cảnh tuyệt tự, không kẻ nối dõi ngôi vua, bèn lấy Thuận Thiên chị ruột Chiêu Thánh, vợ Trần Liễu (anh ruột Trần Cảnh) lúc này đang có mang ép gả cho Trần Cảnh. Sau đó, Thủ Độ ép Thái Tông phải bỏ Chiêu Thánh mà lập Thuận Thiên làm Hoàng hậu. Chiêu Thánh đau khổ, ẩn trong cung sâu, toan dứt nợ trần tục.
Nhưng may thay 20 năm sau, tròn 40 tuổi, hạnh phúc lại đến với Chiêu Hoàng. Mùng một tết năm Mậu Ngọ (1258), sau khi đánh tan cuộc xâm lược của quân Nguyên lần thứ nhất, vua Thánh Tông đặt lại lễ ở chính điện, có lệnh gả Chiêu Hoàng cho Lê Phụ Trần, một đại tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến vừa qua. Lần này Chiêu Hoàng tìm thấy hạnh phúc thực sự, sinh được 2 người con: Lê Tông sau được phong tước Thượng Vị hầu và Ngọc Khê sau được phong là Ứng Thuỵ công chúa.
Chiêu Hoàng mất năm 60 tuổi. Tương truyền tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như tô son, đôi má vẫn một màu hoa đào.
Triều Lý tồn tại trong 215 năm thì tan rã. Trải qua 9 đời vua:
- Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) 1010-1028 (19 năm)
- Lý Thái Tông 1028-1054 (27 năm)
- Lý Thánh Tông 1054-1072 (17 năm)
- Lý Nhân Tông 1072-1127 (56 năm)
- Lý Thần Tông 1128-1138 (10 năm)
- Lý Anh Tông 1038-1175 (37 năm)
- Lý Cao Tông 1176-1210 (35 năm)
- Lý Huệ Tông 1211-1225 (14 năm)
- Lý Chiêu Hoàng 1225 (1 năm)
Còn tiếp
Ý kiến bạn đọc