10. TRIỀU TRẦN (1225-1400) TRẦN THÁI TÔNG (1225-1258)
Niên hiệu: - Kiến Trung (1225-1231)
- Thiên Ứng Chính Bình (1232-1250)
- Nguyên Phong (1251-1258)
Trần Cảnh sinh năm Mậu Dần (1218) cùng tuổi với Lý Chiêu Hoàng. Nhờ Trần Thủ Độ thu xếp, Lý Chiêu Hoàng đã nhường ngôi cho Trần Cảnh tức là vua Trần Thái Tông. Chiêu Thánh Hoàng hậu lấy Thái Tông đã được 12 năm, tức là đã 19 tuổi mà vẫn chưa có con, trong khi triều Trần cần kíp phải có Hoàng tử. Bởi vậy, Trần Thủ Độ bắt vua Thái Tông bỏ Chiêu Thánh, giáng xuống làm công chúa rồi đem người chị của Chiêu Thánh, vợ của Trần Liễu, đã có thai vào làm Hoàng hậu. Trần Liễu tức giận đem quân làm loạn. Vua Thái Tông cũng đang đêm bỏ trốn lên chùa Phù Vân, núi Yên Tử (Quảng Ninh) tỏ ý phản đối. Trần Thủ Độ đem quần thần tới đón về. Thái Tông từ chối, nói rằng:
- Trẫm còn nhỏ dại, không kham nổi việc to lớn, các quan nên chọn người khác để cho khỏi nhục xã tắc.
Nói mãi không chuyển, Thủ Độ ngoảnh lại nói với các quan:
- Hoàng thượng ở đâu là triều chính ở đấy.
Nói đoạn, truyền lệnh xây cung điện ở chùa Phù Vân. Vị quốc sư ở chùa vào van lạy Thái Tông về triều. Thái Tông bắt đắc dĩ theo xa giá về kinh. Được ít lâu, Trẫn Liễu biết không địch nổi, đang đêm giả làm người đánh cá lẻn lên thuyền ngự xin hàng. Hai anh em ôm nhau mà khóc. Thủ Độ hay tin, tuốt gươm xông đến toan giết Trần Liễu. Thái Tông lấy thân che cho anh, xin Thủ Độ tha cho Trần Liễu. Trần Thủ Độ quẳng gươm xuống, nói:
- Ta là con chó săn thôi. Chưa biết anh em bay ai thuận ai nghịch.
Vua Thái Tông tha cho Trần Liễu, cắt cho đất An Sinh làm thái ấp và phong cho làm An Sinh vương.
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông đầu năm Mậu Ngọ (1-1258), Thái Tông biết dựa vào Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn (tức Hưng Đạo Vương, con của Trần Liễu) để lãnh đạo nhân dân Đại Việt quyết chống giặc. Bản thân Thái Tông cũng tự làm tướng đi đốc chiến, xông pha tên đạn.
Tháng 12 năm Mậu Ngọ (21-1-1258), vua Thái Tông cùng Thái tử Hoảng đã chỉ huy quân Trần phá tan quân Nguyên ở Đông Bộ Đầu, giải phóng Thăng Long.
Trần Thái Tông đã trở thành ông vua anh hùng cứu nước. Nhưng Thái Tông được sử sách lưu truyền còn bởi ông là một nhà Thiền học, một triết gia có những tư tưởng sâu sắc, một cốt cách độc đáo, là tác giả Khoá hư lục, một cuốn sách xưa nhất hiện còn giữ được trong kho thư tịch cổ nước ta.
Trong một văn bản Khoá hư lục cò bài "Tự Thiền tông chỉ nam" của Trần Thái Tông viết. Ông kể lại sự việc năm 1236 đang đêm bỏ cung điện vào núi và là do trở về. Ấy là khi Thái sư Trần Thủ Độ thống thiết nói:
- "Bệ hạ ở tu cho riêng mình thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Vì để lời nói suông mà báo đời sau thì sao bằng lấy chính thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ? Do đấy, trẫm cùng các vị quốc lão về kinh, gắng lại lên ngôi".
Có lẽ ít thấy trong lịch sử Phật giáo nước nào lại nêu vấn đề "quốc gia xã tắc" lên trên hết, trước hết như thế. Thái độ đối với "quốc gia xã tắc" là thước đo giá trị mỗi người, bất kể họ ở cương vị nào. Nghe theo quốc gia xã tắc, Trần Thái Tông đã trở về triều để 22 năm sau đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt phá tan quân Nguyên. Trần Thái Tông quả là người có tính cách đặc biệt. Lúc làm vua thì thân làm tướng đi đánh giặc "xông vào mũi tên hòn đạn", làm vua nhưng xem thường vinh hoa phú quý, có thể từ bỏ ngai vàng không chút luyến tiếc. Ông là gương mặt văn hoá đẹp và lạ đến khác thường trong lịch sử Việt Nam.
Mùa xuân năm Mậu Ngọ (1258), Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Hoảng, một cách tập sự cho Thái tử quen việc trị nước. Triều đình tôn Thái Tông lên làm Thái Thượng hoàng để cùng coi việc nước.
Thái Tông trị vì được 33 năm, làm Thái Thượng hoàng 19 năm thì mất, thọ 60 tuổi.
TRẦN THÁNH TÔNG (1258-1278)
Niên hiệu: - Thiệu Long (1258-1273)
- Bảo Phù (1273-1278)
Vua Thái Tông có 6 người con: Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang, Thái tử Hoảng, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và các công chúa Thiều Dương, Thuỵ Bảo.Mùa xuân năm Mậu Ngọ (1258), Thái tử Hoảng lên nối ngôi lấy hiệu là Thánh Tông.
Thánh Tông là vị vua nhân từ, trung hậu. Vua hay nói với tả hữu:
- Thiên hạ là của cha ông để lại nên để cho anh em cùng hưởng phú quý.
Bởi vậy, trừ các buổi thiết triều vua mới phân biệt trên dưới, còn thường ngày vua cho các hoàng thân vào điện ăn cùng mâm, năm cùng chiếu, thật hoà hợp thân ái.
Đối nội, vua dốc lòng xây dựng đất nước thái bình, thịnh trị. Vua quan tâm đến việc giáo hoá dân, khuyến khích việc học hành, mở những khoa thi chọn người tài và trọng dụng họ. Do vậy, dưới triều vua Thánh Tông, không chỉ có các ông hoàng hay chữ mà còn có những trạng nguyên tài giỏi như Mạc Đĩnh Chi. Bộ Đại Việt Sử bộ quốc sử đầu tiên của nước ta, được Lê Văn Hưu hoàn thành vào năm Nhâm Thân (1272).
Vua còn quan tâm đến dân nghèo bằng việc ra lệnh cho các vương hầu, phò mã chiêu tập những người nghèo đói lưu lạc để khẩn khai ruộng hoang, lập trang hộ. Trang điền có từ đấy. Vì vậy, 21 năm làm vua đất nước không có giặc giã. Nơi nơi dân chúng yên ổn làm ăn.
Đối ngoại, lúc này nhà Nguyên đã thôn tính xong nước Tống rộng lớn nhưng chưa đủ sức đánh Đại Việt. Khi vua Thái Tông nhường ngôi cho Thánh Tông. Nhà Nguyên không còn bắt Đại Việt thay đổi sắc phục và rập theo thể chế nhà nước chúng, nhưng lại bắt vua ta cứ 3 năm phải một lần cống nạp nho sĩ, thầy thuốc, thầy bói, thầy tướng số và những nghệ nhân giỏi mỗi loại ba người cùng các sản vật: sừng tê, ngà voi, đồi mồi, châu báu vật lạ khác. Vua Nguyên còn đòi đặt quan Chưởng ấp để đi lại, giám sát các châu quận Đại Việt, thật ra là để nắm tình hình mọi mặt, toan đặt cương thường cho nước láng giềng. Vua Trần Thánh Tông thừa biết dã tâm xâm lược của nhà Nguyên, nên tuy bề ngoài thần phục, nhưng vẫn khẩn trương tuyển mộ binh lương, luyện quân sĩ sẵn sàng đối phó. Năm Bính Dần (1266) sứ sang xin miễn việc cống người và bãi bỏ việc đặt quan giám trị. Vua Nguyên bằng lòng bỏ việc cống người nhưng lại bắt tuân thủ 6 điều khác: Vua phải thân vào chầu, phải cho con hay em sang làm con tin, nộp sổ hộ khẩu, phải chịu việc binh dịch, phải nộp thuế má và cứ giữ lệ đặt quan giám trị.
Vua Đại Việt lần nữa thoái thác không chịu. Năm Tân Mùi (1271) vua Mông Cổ Hốt Tất Liệt nhân đổi quốc hiệu là Đại Nguyên đòi vua Thánh Tông vào chầu. Vua Thánh Tông cáo bệnh không đi. Chúng cho sứ sang tìm cột đồng trụ của Mã Viện trồng ngày trước, vua Thánh Tông trả lời rằng: Cột ấy lâu ngày đã mất.
Nhìn chung, vua Trần Thánh Tông thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo nhưng rất kiên quyết, nhằm bảo vệ danh dự của Tổ quốc, ngăn chặn từ xa mọi sự dòm ngó, tạo cớ xâm lược của nhà Nguyên.
Năm Đinh Sửu (1277) Thái thượng hoàng Trần Thái Tông mất ở phủ Thiên Trường (Tức Mạc). Năm sau, vua Thánh Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Khâm rồi về ở phủ Thiên Trường làm Thái thượng hoàng.
- Vua Thánh Tông trị vì được 21 năm, làm Thái thượng hoàng được 3 năm, thọ 51 tuổi.
Còn tiếp
Ý kiến bạn đọc