CÁC TRIỀU ĐẠI VIỆT NAM

Thứ ba - 27/08/2024 19:00 30 0

CÁC TRIỀU ĐẠI VIỆT NAM

ĐOAN NAM VƯƠNG TRỊNH TÔNG (1782-1786)

ĐOAN NAM VƯƠNG TRỊNH TÔNG (1782-1786)

Trịnh Tông còn có tên nữa là Trịnh Khải, là con trai đầu cuả Trịnh Sâm và cung tần Dương Thị Ngọc Hoan, người làng Long Phúc, huyện Thạch Hà. Chị của Ngọc Hoan vốn là cung tần của Trịnh Doanh, được Trịnh Doanh rất yêu quý. Nhờ chị mà Ngọc Hoan được kén vào làm cung tần của Trịnh Sâm (con trai Doanh). Từ ngày vào cung, nàng vẫn ngày đêm sống cô quạnh, không được chúa đoái thương như các cung tần khác. Bỗng một đêm, nàng nắm ứng mộng thất có thần cho tấm đoạn có vẽ đầu rồng. Nàng đem chuyện kể lại với Khê Trung Hầu. Viên hoạn quan bàn với nàng đó là điềm sinh con thánh! Thế rồi hoạn quan bố trí đánh tráo nàng Ngọc Khoan yêu quý của chúa công thành nàng Ngọc Hoan, để thực hiện giấc mơ sinh con thánh. Chúa biết nhưng không nỡ đuổi nàng ra. Trận mưa móc của chúa đã để lại cho nàng Ngọc Hoan niềm hạnh phúc vô bờ: một cậu con trai khôi ngô tuấn tú ra đời. Vì có con đầu với chúa nên từ cung tần nàng được phong Quý phi. Song Trịnh Sâm không yêu Ngọc Hoan nên cũng lạnh nhạt với Trịnh Tông. Chúa cho rằng giấc mơ rồng là điềm làm vua nhưng là rồng vẽ không phải rồng thật, rồng vẽ chỉ có đầu không đuôi, nghiệp đế sẽ không bền. Hơn nữa, Trịnh Sâm vốn ác cảm với người làng Long Phúc thường gây loạn như Trịnh Cối, Trịnh Lệ đã thành tiền lệ...
Sâm mất, Huệ và Quận Huy lập Cán lên ngôi chúa thì một bề tôi của Trịnh Tông là Dự Vũ dựa vào kiêu binh nổi dậy lập Tông lên ngôi chúa. Nạn kiêu binh hoành hình khắp kinh kỳ, dân chúng ngày đêm nơm nớp lo sợ.
Tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), đang lúc phủ chúa rối ren là thế thì nghĩa quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ với danh nghĩa "diệt Trịnh phò Lê" kéo ra Bắc Hà. Chống cự lại rất yếu ớt, quân Trịnh tan rã, bỏ chạy. Tướng Hoàng Phùng Cơ, Nguyễn Lệ rút chạy lên phía Bắc. Trịnh Tông mặc nhung phục, ngồi voi, cầm cờ lệnh chỉ huy, quân sĩ nhìn nhau không ai nghe theo.
Chúa Trịnh phải một mình bỏ chạy lên Tây Sơn. Chúa gắp được Lý Trần Quán ở xã Hạ Lôi, nhờ Quán giúp đỡ. Trần Quán nhờ người học trò là Nguyễn Trang nói dối là giúp tham tụng Bùi Huy Bách lánh nạn". Nguyễn Trang biết đích là chúa Trịnh mà Tây Sơn đang truy lùng, liền cùng tay chân bắt Trịnh Tông nộp ngay cho quân Tây Sơn. Trần Quán biết tin chạy đến trách mắng học trò. Trang thản nhiên nói:
- "Sợ thầy không bằng sợ giặc, quý chúa không bằng quý thân mình", xong giải Tông đi.
Trên đường giải đến quân Tây Sơn, Trịnh Tông dùng dao tự tử. Trang đem xác Tông nộp cho Tây Sơn. Nguyễn Huệ sai người 
khâm liệm tống táng Trịnh Tông chu đáo rồi bổ dụng Nguyễn Trang làm trấn thủ Sơn Tây, tước Tráng liệt hầu. Trần Quán lui về nhà trọ, bảo học trò: "Ta là bầy tôi mà làm lầm lỡ chúa, tội chỉ có chết mới giải tỏ được với chúa".
Xong, sai người đào huyệt, mặc đủ mũ áo, tự nằm vào quan tài, nhờ người chôn cất. Trịnh Tông làm chúa chưa được 4 năm thì bị chết, thọ 24 tuổi.

ÁN ĐÔ VƯƠNG TRỊNH BỒNG (9/1786 - 9/1787)

Trịnh Bồng là con Trịnh Giang, bác họ của Trịnh Tông. Lúc đầu Bồng được phong làm Côn luận công. Trịnh Tông thua, Trịnh Bồng lãnh nạn ở huyện Văn Giang (Hải Hưng) chiêu tập binh mã đợi thời cơ. Khi Nguyễn Huệ cùng anh là Thái Đức Nguyễn Nhạc rút về Nam, Trịnh Lệ liền đem quân qua đô Thanh Trì kéo về chiếm lại phủ chúa. Đang đem, Trịnh Lệ cho nổi trống triệu tập triều quan đến bàn việc lập Lệ lên ngôi chúa. Việc hấp tấp, vội vàng đã không thành. Vua Lê, sau khi gắn bó với Tây Sơn không muốn chia quyền cho họ Trịnh như trước nữa. Quan hệ giữa vua Lê và Trịnh Lệ rất căng thẳng, Trịnh Lệ định mưu thoát nghịch.
Giữa lúc ấy, một số người thân cận xui Trịnh Bồng viết biểu xin về chầu vua. Trịnh Bồng bấy giỡ đã 40 tuổi, tính nết hiền từ, khoan hậu, được nhiều người mến mộ. Cuối đời Trịnh Sâm, vì việc con trưởng con thứ khó quyết, có lúc Sâm định lập Trịnh Bồng để trả lại ngôi chúa cho anh con nhà bác. Vì thế Sâm cho Thị Huệ nuôi Trịnh Bồng để phòng thay Cán nếu Cán mệnh mệt. Trịnh Tông lên ngôi, kiêu binh mấy lần muốn phò Côn quận công Trịnh Bồng, đã vào tận 
nhà để thúc ép và đón rước, Bồng đã một mực từ chối. Lúc quân Tây Sơn kéo ra, Bồng chỉ đem theo một đứa ở, một tên lính, lánh vào huyện Chương Đức, có định chuyện đi tu. Biết Trịnh Lệ làm nhiều điều ngang ngược, trái phép, một số quan tìm gặp, khuyên Trịnh Bồng về triều giúp vua. Thấy Trịnh Bồng vào triều, triều thần theo giúp, thanh thế Trịnh Bồng ngày càng lớn. Bồng chưa có ý lấn quyền vua Lê, nhưng do bộ hạ thúc giục nên đã nghe theo.
Bồng đến chầu, vua muốn để Bồng trở về nhà cũ, phong làm Tiết chế thuỷ bộ chủ quân, Bình chương quân quốc trọng sự, Thái uý côn quận công, cấp 3000 tên lính, 5000 mẫu ruộng và 2000 xã dân lộc để phụng thờ họ Trịnh. Bọn Đinh Tích Nhưỡng lại muốn Trịnh Bồng làm vương tại phủ chúa đời chúa trước kia nên đã nhiều lần gan lì sang xin vua phong vương cho Trịnh Bồng. Ngược lại vua Lê kiên quyết từ chối. Cuối cùng do sức ép của Đinh Tích Nhưỡng -kẻ nắm binh quyền, bất đắc dĩ, vua phải y theo, phong Bồng làm Nguyên soái, tổng quốc chính, Yến Đô vương.
Trịnh Bồng nhu nhược, lười biếng, không điều khiển được công việc, do đó chính sự lọt vào tay Đinh Tích Nhưng. Chúng khuyên Bồng lập lại đủ lệ bộ ở phủ chúa như xưa, phủ chúa thành một triu đình riêng. Từ đó, vua và chúa lại càng mâu thuẫn. Vua Lê định cầu viện quân ngoài trấn vào kinh dẹp Trịnh, Trịnh Bồng biết, doạ giết, lập vua khác. Tình thế hết sức nguy khốn. Vua Lê buộc phải cho vời Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An đem quân về giúp. Quân Chỉnh về Thăng Long một cách dễ dàng. Tướng lĩnh Trịnh bỏ chạy, Trịnh Bồng trốn chạy về xã Dương Xá rồi Quế Võ ở Hà Bắc. Rồi từ Bắc Ninh, Trịnh Bồng chạy về Hải Dương, Quảng Yên, Thái Bình, nhờ thổ hào địa phương giúp đỡ quân lương mưu đánh lại Nguyễn Hữu Chỉnh, nhưng mấy lần giao chiến đều thất bại.

Về sau, Bồng chạy về viết biểu gửi vua Lê: "Kiếp này sinh ra lỗi thời, gặp lúc nước nhà lắm nạn, lạm dự vào dòng đích nhà chúa, rất lo cho việc tôn miếu xã tắc. Dâng biểu trần tình, mong được Hoàng thượng cho về triều kiến...
Nhận được biểu Trịnh Bồng, vua Lê ngậm ngùi:
- Tấm lòng thật thà của Bồng, trẫm đã lường biết, chỉ vì không khéo xử sự trong lúc gặp biến cố nên mới đến nỗi như thế. Nếu đã nghĩ lại và biết hối lỗi trẫm sẽ có cách đối đãi, chẳng những giữ được dòng dõi mà cũng không mất địa vị giàu sang. Vua Lê nói rồi sai người đi đón Trịnh Bồng thì quân Hữu Chỉnh đã đánh tan quân của Đinh Tìch Nhưỡng và Phạm Tôn Lân bỏ chúa mà đi, Tích Nhưỡng trong tay không còn quân lính vũ khí gì nữa. Trịnh Bồng không còn ai giúp, phải sống lẩn lút một mình ở ven biển, tình cảnh rất điêu đứng. Trịnh Bồng lúc đó tự nhủ: "Giàu sang ở kiếp phù sinh, đều là cảnh mộng. Bởi vậy ngày xưa đã có người thề xin đời đời đừng sinh vào nhà đế vương... Từ lúc ta ở trọ đất Chương Đức đã có ý nghĩ nương nhờ cửa phật. Bây giờ nên quay lại với Phật là hơn".
Thế rồi Trịnh Bồng gột sạch bụi trần, tự xưng là Hải Đạt thiền sư, dạo khắp các vùng Lạng Sơn, Cao Bằng.
Bấy giờ có người học trò đất Kinh Bắc tên là Kiền, chạy loạn ở Lạng Sơn. Kiền gặp Hải Đạt thiền sư ở chúa Tam giao, liền biết đó là chúa Trịnh, bèn bảo với bọn phiên thần ở vùng đó là Hà Quốc Kỳ và Nguyễn Khắn Trần đến gặp, đón Hải Đạt thiền sư về nhà. Họ bảo nhà sư rằng:
- Chúng tôi nối đời làm bề tôi ở chốn biên cương. Ở xa vẫn mến oai đức của triều đình, thường chỉ nghe vua Lê chúa Trịnh như 
ở trên đời. Nếu như thiên hạ vô sự, bọn chúng tôi làm gì được trông thấy chúa. Chẳng may nhà nước có nạn, xe chúa phải tới nơi biên ải, thần dân ai chẳng đau lòng. Lúc này chính là dịp cho kẻ trung thần nghĩa sĩ ra tài kinh luận. Họ xin được lấy danh nghĩa chúa để triệu tập binh mã quân lương đánh giặc.
Nhà sư nhắm mắt chắp tay khoan thai trả lời:
- Sư già này xuất gia theo Phật, không can dự gì đến việc đời, các ông chớ có nhận lầm, khiến lúc yên lặng, lại sinh ra bao nhiều nỗi phiền não. Trong thiên hạ, ai là chúa, ai là vua, tu hành ở cửa thiền, làm môn đồ đức Phật Như Lai mà thôi!
Vũ Kiều vẫn quả quyết rằng đã có lần trông thấy chúa khi còn học ở kinh kỳ, không thể lầm được, rồi cố gắng thuyết phục chúa bỏ chí tu hành vì mưu sự nghiệp lớn, không nên nản chí. Nhà sư khóc và nói:
- Sức ta đã hết, của không còn mà vẫn không thể giành được với trời, nên đành nín nhịn để giữ lấy mình, đâu còn dám làm càn để lại lầm lẫn nữa?
Chúa đã nói lộ bản tướng, bị mọi người vin lấy danh nghĩa chuaa mà bắt buộc phải truyền lệnh điểm quan thu lương. Bọn Kỳ và Trần đều là những kẻ tầm thường, chỉ lợi dụng danh nghĩa của chúa Trịnh để làm những điều phi pháp. Nhân dân không thể chịu được, bèn nổi lên giết Kỳ vfa Trần rồi đuổi chúa Trịnh đi Hữu Lũng rồi từ đó không ai gặp chúa đâu nữa.
Họ Trịnh từ Thái vương Trịnh Kiểm truyền đến Trịnh Sâm vừa được 8 đời thì xảy ra biến loạn, đúng với lời sấm đoạn về đất phát tích của tổ tiên họ Trịnh: "Chẳng đế chẳng bá, quyền nghiêng thiên 
hạ, truyền được tám đời, trong nhà dấy vạ". Đến Ấn Đô vương Trịnh Bồng thì nghiệp chúa hết. Trước sau 11 đời trải 248 năm.
1. Trịnh Kiểm 1545-1570
2. Trịnh Tùng 1570-1623
3. Trịnh Tráng 1623-1652
4. Trịnh Tạc 1653-1682
5. Trịnh Căn 1682-1709
6. Trịnh Cương 1709-1729
7. Trịnh Giang 1729-1740
8. Trịnh Doanh 1740-1767
9. Trịnh Sâm 1767-1782
10. Trịnh Tông 1782-1786
11. Trịnh Bồng 1786-1787

Còn tiếp

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,346
  • Tổng lượt truy cập808,260
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây