CÁC TRIỀU ĐẠI VIỆT NAM

Thứ ba - 27/08/2024 02:58 18 0

CÁC TRIỀU ĐẠI VIỆT NAM

CHIÊU TỔ KHANG VƯƠNG TRỊNH CĂN (1682-1709)

CHIÊU TỔ KHANG VƯƠNG TRỊNH CĂN (1682-1709)

Trịnh Căn là con trưởng của Trịnh Tạc. Lúc còn nhỏ có tội phải giam vào ngục. Về sau nhờ khạo vận động Trịnh Căn được tha.
Dưới thời Trịnh Căn, chiến tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài đã tạm dừng. Vì thế, chúa Trịnh cũng có điều kiện để củng cố bộ máy cai trị ở Đàng Ngoài.
Giúp cho việc cai trị của chúa Trịnh lúc đó nhiều người đỗ đạt cao, danh vọng lớn như Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Tông Quai, Đặng Đình Tường... Ở Trung Quốc, nhà Thanh đã lên cầm quyền, muốn mở rộng ảnh hưởng ban đầu xuống phía Nam. Họ tỏ ra có nhiều thân thiện với triều đành Lê-Trịnh: Tháng 9 năm Quý Hợi (1683) nhà Thanh sai sứ sang ban cho vua Lê dòng đại tự "trung hiếu thủ bang" (có lòng trung thành hiếu kính để giữ 
nước). Đây là sự tri ân nhà Lê đã từ chối không cứu viện cho Ngô Tam Quế, bầy tôi phản nghịch chống nhà Thanh. Vua Thanh còn sai sứ ban lễ phẩm cho việc tế Huyền Tông và Gia Tông. Trịnh Căn đã làm được một số việc đáng chú ý:
Năm Giáp Tý (1684) hạ lệnh cho quan lại vi hành thị sát dân tình. Trong lệnh chỉ chúa Trịnh viết:
"Thương yêu dân chúng là việc đầu tiên trong chính sự. Dân chúng có người vì quan sở tại hà khắc, bọn quyền quý ức hiếp, có người vì oan ức phải phiêu tán tha hương, họ cần được vỗ về thương yêu mới phải".
Bằng nhiều cố gắng ngoại giao, chúa Trịnh đã buộc nhà Thanh trả lại một số thân ấp vùng biên giới. Mặc dù vậy, lợi dụng chiến tranh Trịnh-Nguyễn, vùng biên giới nước ta không được chú ý đến, quan lại trấn thủ và thổ hào từ bên kia biên giới xâm lấn khá nhiều đất đai. Trịnh Căn đã bắt đầu có ý thức đòi lại đất, nhưng chưa được bao nhiêu.
Năm Quý Dậu (1693) chúa Trịnh cũng bắt đầu chỉnh đốn lại thể văn thi ở các khoa trường và bắt đầu đặt chức quan quản lãnh công việc ở Quốc Tử giám, làm sổ "tu tri" để quản lý mọi mặt các xã thôn trong nước.
Trịnh Căn cũng rất quan tâm đến việc chuẩn bị cho người kế nghiệp, nhưng về việc này, chúa gặp nhiều lận đận: Năm Giáp Tý (1684), Trịnh Căn phải phong cho con thứ là Bách làm tiết chế thay cho con cả là Vĩnh đã chết, Bách được quyền mở phủ đệ riêng và chuẩn bị thay thế cha. Không may, năm Đinh Mão (1687) Trịnh Bách lại chết sớm. Trịnh Căn lại phong cho Trịnh Bính là cháu nội đích tôn (con Trịnh Vĩnh). Sau 6 năm, năm Quý Mùi (1703), Trịnh Bính cũng 
chết, Trịnh Căn lại phải phong cho chắt nội (con cả của Trịnh Bính) là Trịnh Cương làm tiết chết An Quốc công, lúc vừa 18 tuổi. Việc truyền ngôi cho dòng đích này được các quan đại thần như Nguyễn Quý Đức và Đặng Đình Tường ủng hộ. Song cũng vì thế mà phủ chúa lại một phen lục đục. Tháng 3 năm Giáp Thân (1704), Trịnh Luân và Trịnh Phất làm phản mưu giết Tiết chế Trịnh Cương lấy lý rằng Luân và Phất là con Trịnh Bách tiết chế đã chết, có quyền nối ngôi, huống chi Cương chỉ là chắt. Sau nhờ sự mật tâu kịp thời của Nguyễn Công Cơ nên qua được, Luân và Phất bị giết. Nguyễn Công Cơ được thăng Hữu thị lang bộ Công.
Năm Kỷ Sửu (1709) Trịnh Căn mất. Chắt là Trịnh Cương lên nối ngôi. Trịnh Căn giữ phủ chúa 28 năm. Nhiều sử gia đương thời bình rằng: "Về chính trị, thưởng phạt rõ ràng, mối rường chỉnh đốn, sửa sang nhiều việc". Dưới thời Trịnh Căn, nhiều danh sĩ, người tài ở Bắc Hà được trọng dụng. Đời tư của Trịnh Căn cũng không có gì đáng chê. Mất lúc 77 tuổi, truy tôn là Khang Vương, hiệu là Chiêu tổ.

HY TỔ NHÂN VƯƠNG TRỊNH CƯƠNG (1709-1729)

Trịnh Cương là con trưởng của Tấn Quan vương Trịnh Bính, là chắt của Trịnh Căn, được chọn để nối nghiệp chúa. Sự lựa chọn này vừa theo nguyên tắc trực hệ vừa do hai đại thần có tiếng thời Lê-Trịnh là Nguyễn Quý Đức và Đặng Đình Tường tiến cử. Năm Kỷ Sửu (1709), Trịnh Căn mất, Trịnh Cương nối ngôi gia phong là Nguyên soái tổng quốc chính An Đô vương.
Tháng 9 năm Giáp Ngọ (1714) Trịnh Cương lại được tiến phong Đại Nguyên soái tổng quốc chính Thượng sư An vương.

Nhân dịp tiến phong, Trịnh Cương vào bái yết Thái miếu và chầu vua Lê ở điện Vạn Thọ. Đây là cử chỉ tỏ ra Trịnh Cương là người biết giữ mối quan hệ vua Lê chúa Trịnh, không quá mức lấn quyền như các chúa trước. Đáp lại, Lê Dụ Tông kính trọng Cương khác thường, cho tấu sớ không phải đề tên.
Thời kỳ ở chúa, Trịnh Cương rất chăm chỉ lo toan việc trị nước. Chúa trọng dụng ba đại thần rất trẻ và có tài là Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Cơ và Nguyễn Công Hãng. Cùng với các quan này, đặc biệt là với Nguyễn Công Hãng, Trịnh Cương bàn định và ban hành hàng loạt cải cách về thuế khoá: áp dụng phép thuế Tô Dung Điệu học của Trung Quốc, nhằm hạn chế bất công trong thuế má để lại từ trước. Sử ghi rằng có lần, nửa đêm, nghĩ đến việc cải cách, Trịnh Cương sai người đến đánh thức hai quan tể tướng là Công Hãng và Anh Tuấn mời vào phủ bàn việc. Cương ngồi đợi hai quan vào bàn việc, có lúc làm việc kéo dài đến quá trưa.
Có lần bàn về nghi thức triều phục cho các quan, quần thần khuyên Trịnh Cương dùng áo màu vàng để tiếp kiến bầy tôi, Cương từ chối vì cho rằng màu vàng chỉ dành cho vua, mình là chúa, dùng màu tía để phân biệt với triều quan là được.
Gia thuộc họ Trịnh đều có quân riêng, Trịnh Cương ra lệnh giải tán, chỉ giữ lại một lực lượng thống nhất do phủ chúa cai quản nhằm đề phòng các thân thuộc đánh nhau tranh giành quyền lực. Sau đó, Trịnh Cương tổ chức lại quân ngũ của phủ chúa, đặt sáu quân doanh, lựa chọn Đinh Tráng từ bốn trấn và binh lính Thanh Nghệ. Mỗi doanh biên chế 800 người, bổ dụng 6 tướng chia nhau thống lĩnh. Đầu năm, 1724, Trịnh Cương được thay nhà vua tế đàn Nam Giao song không đứng vào chỗ vua Lê làm lễ. Người đương thời rất tin phục Cương.
Trịnh Cương rất chú trọng đến việc bổ dụng và làm trong sạch đội ngũ quan lại. Năm Giáp Thân (1724), theo lời bàn của Nguyễn Công Hãng, chúa cho phép dân chúng được yết bảng góp ý kiến quan lại đại phương. Bố cáo gửi các địa phương có ghi rõ: "Những điều yết lên bảng phải xuất phát từ lẽ công bằng, cả loạt đều cùng một giọng. Người nào yết phép theo ý riêng mình, khen chê bậy bạ sẽ bị tội".
Một việc hiếm xảy ra trong chế độ phong kiến là tổ chức thi lại để loại trừ kẻ bất tài nhờ chạy chọt mà đỗ đạt. Năm Bính Ngọ (1726), Nguyễn Công Cơ tâu lên chúa rằng chuyện thi cử có nhiều nhũng lạm, phần lớn con em nhà quyền thế đỗ hương cống, không có thực tài, Trịnh Cương hạ lệnh cho thi lại, đánh hỏng 28 người, trong số đó có con tham tụng Lê Anh Tuấn, con Huân quận công Đặng Đình Giám, con nuôi nội giám Đỗ Bá Phẩm... Bọn này được giao xuống cho pháp đình xét hỏi và trị tội nặng. Nguyễn Công Cơ vì dám nói thẳng, được thăng chức Thiếu bảo.
Tháng 10 năm Đinh Mùi (1727) Trịnh Cương phong cho con là Trịnh Giang làm tiết chế, tước Uy quận công, mở phủ đệ riêng gọi là phủ Điện Quốc. Trịnh Cương còn tự soạn bài văn "bảo huấn" để ban dạy Trịnh Giang.

Về già, Trịnh Cương thường đi tuần du vãn cảnh các nơi, cho sửa dựng nhiều chúa ở núi Độc Tôn và Tây Thiên để tiếp du ngoạn. Cổ Bi cốn là đất nổi tiếng vùng Kinh Bắc, tiếp giáp xã Như Kinh là quê mẹ của Trịnh Cương nên chúa về thăm luôn, chúa còn cho xây phủ đệ mới tại đó, lấy tên là phủ Kim Thành và có ý định đóng phủ chúa ở đấy.
Năm Kỷ Dậu (1729) Trịnh Cương đi chơi chùa Phật Tích rồi Như Kinh, bị bệnh, chết ngay tại đó, quan quân bí mật đưa về phủ phát tang. Vị chúa có nhiều tâm huyết với công cuộc cải cách kinh tế, chính trị này mất ở tuổi 44, cầm quyền 20 năm.
Về sau, con cháu truy tôn chúa là Nhân vương, hiệu là Hi tổ.

Còn tiếp

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,417
  • Tổng lượt truy cập808,331
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây