Giữ gìn bản sắc nhờ Thờ Dòng họ

Thứ ba - 02/04/2024 18:38 432 0

Giữ gìn bản sắc nhờ Thờ Dòng họ

Cần phải giữ gìn bản sắc nhà Thờ Họ?
Trước đây, nhà thờ họ Nguyễn Duy ở xóm Đồng Bến, cạnh ngòi nước gần bến Đài Thần. Nhà được làm bằng cột gỗ tạp, mái tranh tre, tường vách đất.
Năm Nhâm tý (1902), cụ bà Nguyễn Duy Chiêu (đời thứ 11) đã cúng tiến hơn một sào đất tại xóm Đồng Lâu. Đến năm Ất Mão (1905), họ Nguyễn Duy chuyển nơi thờ từ xóm Đồng Bến về xóm Đồng Lâu và xây dựng miếu thờ ở đây. Lại đến năm Tân Dậu (1911) họ Nguyễn Duy đem bán thửa đất ở xóm Đồng Bến cho họ Vũ lấy tiền quyên góp vào mua ngôi nhà gỗ lim 3 gian cũ là nhà khách ở xứ nhà Chung xã Lai ổn về xây làm nhà bái đường. Đến năm Giáp Tuất (1994), nhà bái đường bị hư mục nên được con cháu trong họ gom góp nhân tài vật lực trùng tu lại.
Công trình kiến trúc nhà thờ họ Nguyễn Duy được kết cấu theo kiểu hình chữ nhị (=). Trải qua hàng trăm năm với những biến động lịch sử và sự tác động của thiên nhiên, nhà thờ không còn nguyên hiện trạng, song các hạng mục kiến trúc cũ vẫn còn. Các hạng mục ở đây trừ nhà hậu cung được xây dựng từ năm 1905, các công trình khác như nhà bái đường, sân di tích, sân lộ thiên được con cháu trùng tu xây dựng lại. Di tích nhà thờ bao gồm các công trình: sân, nhà bái đường, nhà hậu cung. Tất cả được bố trí hài hòa trong một khuôn viên khoáng đạt.
1. Bố cục cảnh quan
- Tường bao di tích: Được xây bằng gạch đỏ hình chữ nhật, cao 1,8m bao khép kín toàn bộ khuôn viên di tích.
- Sân: Qua một chiếc cổng nhỏ là đến sân hình chữ nhật dài 9m; rộng 4,80m được lát gạch đỏ hình chữ nhật. Ở phía trước sân là một am thờ nhỏ được xây một cách đơn giản. Có vai trò như là người bảo vệ ngôi nhà thờ khỏi sự tấn công của các thế lực vô hình.
- Vườn: Bao quanh ngôi nhà thờ là thế giới của cây xanh. Những hàng cau được trồng thẳng hàng, điểm xuyết vào đó là những cây hoa mẫu đơn. Những khoảng trống khác được con cháu tân dụng để trồng hoa màu, mùa nào thức nấy tạo không gian thoáng đãng cho ngôi nhà thờ, hài hòa với cảnh quan.
- Sân lộ thiên: Việc bố trí sân lộ thiên ở giữa nhà bái đường và nhà hậu cung đã tạo nên ánh sáng cho di tích, đồng thời có khoảng không gian trống để trồng cây xanh. Sân lộ thiên hình chữ nhật dài 8,1m; rộng 2,7m, nền sân được lát bằng vữa tam hợp. Ở giữa sân là một hàng gồm 4 cây cau quanh năm xanh tốt. Hai góc sân được trồng hai cây hoa đào, tạo nêm sự hài hòa của thiên nhiên. Bao quanh sân lộ thiên là hệ thống tường bao. Phía trên của bốn góc tường được đắp hình trụ, tường cao 1,5m được con cháu xây dựng đã lâu qua thời gian đã bị rêu phủ tạo nên sự cổ kính cho nhà hậu cung ở phía sau.
Tóm lại, bố cục cảnh quan của di tích chưa có gì đặc sắc lắm, nhưng nó phù hợp với thực tế cảnh quan và không gian di tích, các bộ phận được bố trí một cách đăng đối, có trước có sau.
2. Nhà bái đường
Từ sân bước qua hai bậc cầu thang là lên thềm nhà bái đường. Thềm được lát gạch đá hoa vuông màu đỏ. Phía trước thềm ở chính giữa là bồn hoa, bên trái là cây đinh lăng, bên phải được trồng cây cau cảnh tạo nên sự hài hòa về không gian cho ngôi nhà bái đường.
Nhà bái đường dài 8,60m; rộng 5,20m gồm ba gian, với diện tích 44,72m2, được kết cấu theo kiểu tứ trụ - lòng thuyền với bốn vì kèo bằng gỗ, mái lợp ngói mũi, rải rui bản, nền lát gạch đá hoa vuông màu đỏ.
Phần đỡ mái là một tấm gỗ dài được bào nhẵn chạy suốt ba gian nhà. Tương ứng với bốn vì kèo là bốn thanh bảy được trạm trổ hình đầu rồng, cùng với sáu thanh tàu tạo nên sự chắc chắn cho phần đỡ mái. Mái rải rui bản, lợp ngói mũi, trang trí hệ mái đơn giản, bờ dải, bờ nóc được xây và phủ áo vôi vữa. Các kìm nóc ở hai đầu hồi được thể hiện bằng các trụ vuông theo kiểu hồi văn ba đấu. Các trụ tường chắn mái được xây đơn giản, thân trụ thẳng, đỉnh trụ là cây đèn được xây bằng vữa tam hợp, phía nóc trụ được đắp hình hoa lựu. Ở mặt trước và ngang của trụ là hai dòng chữ Hán đắp nổi:
 Mặt tiền: “Lỗi lang chính khí tồn cung nhượng
                 Thanh bạch rư khương dẫn tử tôn”.
Nghĩa là: Lẫy lừng chính khí lưu trời đất
                           Thanh bạch phúc dày dẫn cháu con.
Mặt ngang: “Anh hào gián xuất thiên nhân tuấn
                           Phiệt duyệt tràng lưu bách thế hương”.
Nghĩa là: Anh tài hiếm gặp ngàn người trội
              Hiền tộc lưu dài vạn thuở thơm.
Hai vì kèo ở giữa kết cấu kiểu chồng đấu, giá chiêng kẻ chuyền cổ nghé được bào trơn đánh bóng. Mỗi vì kèo có một hàng cột tiết diện tròn gồm một cột cái (0,66m) và hai cột quân (0,60m). Đỡ kê chân cột bằng bê tông hình bầu dục cao 0,25m. Hai vì kèo ở hai gian trái, phải kết cấu hình tam giác nhưng được tạo bởi những hình đầu rồng được trạm trổ công phu, giữa để ô trống hình thang cân, mỗi vì kèo có một hàng cột tiết diện tròn gồm hai cột cái đường kính 0,62m và hai cột quân (0,58m). Đỡ kê chân cột bằng bê tông hình bầu dục cao 0,22m. Tổng cộng toàn nhà bái đường có 6 cột cái cao 3,50m và 8 cột quân cao 2,40m. Điều đặc biệt trong kết cấu của ngôi nhà đó là hai vì kèo của gian giữa mỗi vì kèo chỉ gồm một cột cái và hai cột quân theo kiểu lòng thuyền đã tạo nên không gian rộng và thoáng hơn cho ngôi nhà. Liên kết các vì kèo là hệ thống xà thượng, xà hạ, hoành tại, thượng lương bằng hệ thống sàm mộng tạo cho khung nhà chắc khỏe chống chọi được sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Phía trước nhà mở ra 3 cửa bằng gỗ, mỗi cửa gồm hai cánh, hình vòm cuốn, cánh cửa gồm ba phần phía trên cùng hình vòm cuốn, ở giữa là chấn song con tiện, phía dưới được trạm trổ các họa tiết tùng, cúc, trúc, mai. Cửa giữa cao 2m, rộng 1,2m; hai cửa hai bên cao 1,96m, rộng 1,0m. Phía sau, cửa để trống thông với sân lộ thiên.
Nhìn chung trang trí kiến trúc nhà bái đường tương đối đơn giản, phần lớn các chi tiết kiến trúc trên gỗ được bào trơn, đánh bóng chỉ giá trị nghệ thuật làm tôn thêm vẻ thần thế, uy linh của nơi thờ phụng.
- Bài trí nội thất nhà bái đường: Nhà bái đường gồm ba gian, là nơi bái đường tiên tổ, đây cũng là nơi con cháu quây quần vào những ngày tế lễ. Bởi thế trang trí nội thất nhà bái đường tương đối đơn giản, tạo không gian thoáng rộng.
Ở gian giữa từ ngoài vào đặt một bàn thờ được xây bằng vữa tam hợp một cách đơn giản. Bàn thờ dài 2,2m; rộng 1,24 m; cao 0,78 m. Trên bàn thờ đặt một lư hương bằng sứ cao 0,35m chấm hình hai con rồng chầu mặt nguyệt; 2 đài diệu, 2 ống hương bằng gỗ, 2 ống hương bằng sứ, 2 cây đèn bằng gỗ và đôi lục bình bằng sứ. Ở chính giữa hương án còn có một long ngai sơn son thiếp vàng. Phần tay ngai được trạm rồng, chim phượng. Đỉnh ngai trạm nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt. Chạy dọc thân ngai là dây truyện cổ, phần đế có kết cấu kiểu chân quỳ dạ cá. Khoảng giữa của đế được chạm trổ hình hai đầu rồng ngoảnh vào nhau theo thế đăng đối, thân rồng uốn lượn và kết thúc bằng hai đuôi choái ra một cách mềm mại. Trên long ngai đặt hai đài diệu và hai cây đèn cầy bằng đồng ở hai bên, ở chính giữa đặt một đài diệu.
Phía bên trái của gian giữa treo bảng học vị và chức tước của các bậc tiền bối của dòng họ, bảng dài 1,1m; rộng 0,76m. Phía bên phải treo một cái chuông bằng đồng cao 0,45m.
Phía bên phải gian giữa đặt một cái bàn hình chữ nhật màu nâu đen, bàn có chiều dài 1,25m; rộng 0,64m; cao 0,88m. Các mép bàn được xoi viền sống khế công phu tỉ mỉ. Bàn là nơi để các vật phẩm trong các dịp tế lễ của dòng họ.
Như vậy, bài trí nội thất nhà bái đường khá đơn giản, tạo không gian rộng và thoáng cho nơi thờ tự và tế lễ.
3. Nhà hậu cung
Bước qua sân lộ thiên là đến nhà hậu cung. Nhà hậu cung mang dáng dấp của kiến trúc cận đại. Nhà cao 2,68m; rộng 2,15m; dài 2,2m với diện tích 4,73m2. Nhà chỉ có một gian theo kiểu chuôi vồ, 3 mặt được xây tường bịt đốc. Nhà hậu cung được mở một cửa ra vào hình vòm cung bằng gỗ cao 1,64m; rộng 1,05m. Nền nhà lát gạch đá hoa vuông màu đỏ (0,4m x 0,4m). Xà nhà bằng gỗ lim, rải rui bản. Điều đặc biệt trong cách lợp ngói của nhà hậu cung là phía trong có màn bằng gạch, gạch bát ở trên, gạch thất ở dưới. Trên mái lợp ngói mũi.
Điểm đặc sắc là ở phần kiến trúc phía trên mái. Mái phía trước được đắp một cuốn thư. Hai bên cuốn thư phía ngoài cùng là hình tượng hai con cá chép, tiếp đến là hai cây bút, trên cây bút là hai thanh kiếm. Ở chính giữa cuốn thư là hai chữ Hán:“Như Tại” (Nghĩa là: tổ tiên luôn ở tại đây). Cuốn thư không chỉ góp phần vào kiến trúc của hệ mái mà còn có ý nghĩa sâu sắc thể hiện tài văn - võ song toàn của cụ thủy tổ.
Hai bên nhà hậu cung còn có Chính Đông và Chính Tây được nối với hệ thống tường bao giữa nhà bái đường và nhà hậu cung. Đây như là hai người bảo vệ phía đông và phía tây ngôi nhà, tạo nên sự trang nghiêm cho nhà hậu cung.
- Bài trí nhà hậu cung: Từ ngoài vào là đôi câu đối bằng chữ Hán được đắp nổi trên hai trụ quyết phía trước nhà hậu cung:
                 “Báo quốc đan tâm huyền nhật nguyệt
                 Truyền gia thanh khản đai vân nhưng”.
Tạm dịch: Báo quốc lòng son treo nhật nguyệt
                 Truyền gia thanh sử dạy cháu con.
Từ cửa vào là một chiếc bàn gỗ dài 1,8m; rộng 0,55m; cao 0,77m. Chiếc bàn không sơn son, cũng không chạm trổ nhưng trên bốn chân và các thang dọc ngang của bàn đều được xoi viền sống khế rất công phu. Trên bàn có đặt một chiếc hòm bằng gỗ với dòng chữ thành tâm phụng tổ. Đây được coi như một chiếc hòm công đức ghi nhận tấm lòng của con cháu đối với thủy tổ.
Tiếp sau chiếc bàn là một án thư bằng gỗ dài 1,0m, rộng 0,55m, cao 0,96m để cọc sơn khảm xà cừ, không trạm trổ nhưng trên bốn chân và các thang dọc ngang của án thư đều được xoi viền sống khế một cách tỉ mỉ. Trên án thư ở chính giữa đặt một lư hương bằng sứ cao 0,22m, lư hương này được đặt trên một kệ đỡ bằng sành cao 0,10m chấm hình cá chép vượt vũ môn. Phía sau là một đỉnh hương bằng đồng có 5 bộ phận gồm: đỉnh, miệng, thân, tai và chân đế. Trên đỉnh hương là hình một con nghê bằng đồng ngoảnh mặt về phía trước, chân trái giơ lên trông rất uy nghi. Miệng đỉnh hương có hình tròn, trên miệng đỉnh hương có khắc nổi dòng chữ cụ thủy tổ Nguyễn Duy Thuần. Đến đoạn thắt cổ chai là phần thân đỉnh hương được trang trí trạm khắc rất tỉ mỉ. Phần tai đỉnh hương cũng được trang trí trạm khắc rất công phu. Đỉnh hương có ba chân, được đặt trên đế hình tròn. Hai bên án thư còn bày hai con hạc ngậm hoa sen, hai cọc đèn và hai chiếc đèn cầy, tất cả đều bằng đồng.
Phía trong cùng là bàn thờ được xây bằng vữa tam hợp rất đơn giản. Điểm thu hút trong nhà hậu cung là chiếc long ngai có niên đại khoảng 400 năm, từ thời nhà Mạc. Sau khi thủy tổ Nguyễn Duy Thuần qua đời, để ghi nhớ công ơn của cụ đối với nhà Mạc, vua Mạc đã ban tặng cho ông chiếc long ngai này để con cháu thờ phụng. Long ngai được đặt trên bàn thờ, đây là cổ vật có giá trị rất lớn. Long ngai được sơn son thiếp vàng rất đẹp. Long ngai gồm ba bộ phận: tay ngai, bệ, và thân ngai. Tay ngai có chạm đầu rồng trong tư thế vươn ra phía trước. Hai bên thân ngai được chạm khắc rất tinh xảo điêu luyện với các đề tài tùng cúc trúc mai. Thần chủ cũng được chạm trổ công phu với đề tài tùng cúc trúc mai và được để trống hai bên, đây là nét khác biệt so với các long ngai khác, đồng thời phần thân, tay ngai được thiếp vàng, một màu vàng độc nhất tạo nên vẻ thanh thoát của long ngai. Các mặt của bệ được trạm trổ nho sóc phù dung con trĩ rất công phu thể hiện bàn tay khéo léo của các nghệ nhân xưa. Trên long ngai đặt một mâm ngũ quả và một bộ ấm chén.

Nhà hậu cung trước khi trùng tu năm 2018
Nhà hậu cung sau khi trùng tu năm 2022
Bàn thờ nhà Hậu cung trước khi trùng tu
Bàn thờ nhà Bái đường truốc khi xây mới
Bàn thờ nhà Bái đường sau khi xây dựng mới năm 2022
Vì kèo gian giữa nhà bái đường
Vì kèo gian trái/phải nhà bái đường
Nhà thờ Tổ (1920 - 2018)
Nhà thờ Tổ năm 2022

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Tổng số điểm của bài viết là: 75 trong 15 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 15 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,611
  • Tổng lượt truy cập808,525
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây