Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Phạm Quang Lễ vinh dự tham gia đoàn đại biểu thay mặt Hội Việt kiều tại Pháp đến trực tiếp thăm Người. Trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân và các tổ chức chính trị – xã hội, nhiều nhà hoạt động chính trị các nước Tây, Bắc Âu, Mỹ và các nước thuộc địa Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ ý chí độc lập, tự do và thống nhất của dân tộc Việt Nam, thiện chí hòa bình và hợp tác của Việt Nam với Pháp trên cơ sở tôn trọng nền độc lập của Việt Nam, đồng thời bày tỏ tình cảm hữu nghị của nhân dân ta đối với nhân dân Pháp và nhân dân các nước khác.
Để cứu vãn hòa bình sau khi Hội nghị Fontainebleau diễn ra không đạt kết quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký kết Tạm ước 14/9. Tuy nhiên, ở trong nước, thực dân Pháp vẫn liên tục gây hấn, nguy cơ chiến tranh ngày càng đến gần. Trong tình hình căng thẳng đó, Người đã bí mật gặp và lắng nghe nguyện vọng của Phạm Quang Lễ.
“Hồ Chủ tịch ân cần hỏi ông:
– Nguyện vọng của chú lúc này là gì?
Quá cảm động vì sự giản dị và quan tâm một cách sâu sắc của Bác, ông nói luôn điều mình đang ấp ủ:
– Kính thưa Cụ, nguyện vọng cao nhất là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần.
– Bây giờ ở nhà cực khổ lắm, chú có chịu nổi không? Bác Hồ hỏi.
– Tôi chịu nổi.
– Bây giờ ở nhà kĩ sư và công nhân về vũ khí không có, máy móc thiếu liệu chú có làm được không? Hồ Chủ tịch tiếp lời.
– Thưa, tôi tin là làm được vì tôi đã chuẩn bị 11 năm ở bên Pháp”[1].
Trong những ngày gần gũi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Paris, Phạm Quang Lễ lại càng hiểu sâu sắc hơn về tài đức của Người. Ông đã trình bày với Người nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khoa học quân sự, về những hiểu biết xung quanh Chiến tranh thế giới thứ hai. Và ông quyết định từ bỏ chức vụ kỹ sư trưởng ở Hãng nghiên cứu chế tạo máy bay Concord với mức lương tương đương 22 lạng vàng một tháng để theo Bác Hồ về nước.
Những gì ôm ấp bấy nay giờ được dịp thổ lộ, như “cá gặp nước”, ông lập tức chuẩn bị cho ngày rời Pháp. Trước khi về nước, ông còn tập trung thu thập hàng trăm cuốn sách liên quan đến nhiều lĩnh vực mà phần lớn là để phục vụ chiến tranh.
Giữa tháng 9/1946, Phạm Quang Lễ cùng đoàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh rời nước Pháp về Việt Nam. Chuyến về nước lịch sử cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại trong lòng ông những kỷ niệm sâu sắc, những ấn tượng khó quên. Ông và các trí thức cùng đi được Người trực tiếp giảng dạy với những lời chân thành, sâc sắc. Ông gọi đó là “khóa đại học ngắn nhất trong đời” của ông[2].
Sau khoảng 40 ngày lênh đênh trên biển của chuyến tàu Dumont D’ Urville, một chiếc tàu của hải quân Pháp, ngày 20/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh và Phạm Quang Lễ cập cảng Hải Phòng.
Hơn 1 tháng sau khi về nước, ngày 5/12/1946, Phạm Quang Lễ nhận được lệnh gấp về Bắc Bộ phủ gặp Hồ Chủ tịch. Bác nói “Kháng chiến đến nơi rồi. Hôm nay Bác quyết định giao cho chú nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới. Chú sẽ chăm lo vũ khí cho bộ đội. Việc của chú làm là việc đại nghĩa, vì thế từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ gia đình, bà con chú còn ở trong Nam”[3].
Bác giải thích ý nghĩa cái tên: “Một là họ Trần, là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nuớc. Đại Nghĩa còn là chữ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo. Chú có ưng bí danh đó không?”[4].
Từ đó, cái tên Trần Đại Nghĩa đã gắn với ông trọn đời. Để tạo điều kiện thuận lợi, Bác đã giao cho ông toàn quyền hành động trong việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí mà không phải thông qua bất kỳ một cấp nào khác.
Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhu cầu bảo đảm vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang rất cấp bách. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các biện pháp tạo nguồn vũ khí đã được quân và dân ta tích cực thực hiện. Ngoài việc đóng góp bằng tiền của, nhân dân các địa phương còn tích cực tìm kiếm, thu gom phế liệu, quyên góp đồ dùng trong nhà (nồi, mâm đồng, chảo gang, cả đồ thờ cúng như đỉnh, lư hương đồng) để giao cho các xưởng sản xuất vũ khí.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Trần Đại Nghĩa với tư cách là một lãnh đạo và một nhà khoa học, ông đã cùng với các đồng chí của mình và hàng nghìn công nhân kỹ thuật trong cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất vũ khí cho quân đội Việt Nam. Những công trình khoa học kỹ thuật chế tạo vũ khí như súng Bazôka, súng đại bác không giật (SKZ), đạn bay… thực sự là những kỳ tích của Trần Đại Nghĩa và các cộng sự của ông. Thành công này đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Ngày 3/3/1947 trở thành một mốc son của ngành Quân giới Việt Nam trong việc chế tạo thành công súng Bazoka, góp phần bẻ gẫy cuộc tấn công của Pháp ra vùng Chương Mỹ, Quốc Oai[5].
Đạn Bazoca có tầm xa tới 600m, phạm vi sát thương tới 50m, nhưng không làm hỏng vũ khí đối phương. Vì vậy chúng ta đã tịch thu được nhiều súng đạn của giặc sau mỗi trận thắng. Từ khi đưa vào sử dụng, Bazoca đã gây cho địch nhiều tổn thất rất lớn.
Chiến sự ngày càng ác liệt, ngoài Bazôca chiến trường cần phải có thêm vũ khí hạng nặng. Trần Đại Nghĩa lại đêm ngày nghiên cứu. Tiếp đó là súng SKZ (súng không giật) ra đời. Loại này mạnh hơn Bazoca, đó là loại súng rất nhẹ (chỉ 20kg), đầu đạn lõm cỡ 160mm, dùng để bắn vào những cứ điểm kiên cố của địch, đầu đạn xuyên thủng các bức tường lô cốt bêtông dày 600-1.000mm.
Chỉ sau SKZ của Mỹ mấy năm, SKZ Việt Nam xuất hiện lần đầu trong trận Phố Lu.
Sau này, trong cuốn “Chiến tranh Đông Dương” xuất bản tại Paris năm 1963, ký giả Lucien Bodart viết: “Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bêtông dày 60cm là những quả đạn SKZ. Chỉ cần vài quả là đã tiêu diệt được lô cốt của chúng tôi”.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Cục Quân giới chuyển vào chiến trường 10 khẩu SKZ và 100 quả đạn. Số súng đạn này đã góp phần tiêu diệt nhiều lô cốt địch.
Lòng yêu nước của Trần Đại Nghĩa không chỉ thể hiện rõ nét trong chiến tranh mà còn được thể hiện sâu sắc cả trong thời bình. Ông luôn mong muốn đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Do đó, Trần Đại Nghĩa đã dành nhiều công sức cho việc nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế. Ông muốn giáo dục thế hệ thanh niên Việt Nam phải luôn phấn đấu, khơi dậy trong thanh niên Việt Nam “lòng yêu nước trong xây dựng kinh tế”.
Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa
Trong một lần gặp gỡ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng đã hỏi Trần Đại Nghĩa: “Kinh tế Việt Nam có phát triển nhanh được không”? Trần Đại Nghĩa trả lời: “Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh được khi bà con có lòng yêu nước về kinh tế. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đất nước ta còn nghèo, nhưng nhân dân ta có lòng ái quốc nồng nàn, nên chúng ta thắng được đế quốc lớn. Trong kinh tế cũng vậy, mọi người điều nâng niu hàng hoá của mình, biết hổ thẹn khi sản phẩm của ta kém hơn hàng nước ngoài và điều quan trọng hơn là làm ăn thua lỗ, dù một đồng của Nhà nước hay của mình cũng phải biết xót đau”[6]. Do đó, cần làm cho thanh niên Việt Nam thấy sự hèn kém của của một quốc gia nghèo để đặt cho mình làm việc đến nơi đến chốn, nhằm xây dựng xã hội giàu mạnh và văn minh.
Một điều Trần Đại Nghĩa vô cùng trăn trở, nó cũng là một trong những rào cản, cản trở sự phát triển kinh tế đất nước đó là vấn nạn tham nhũng. Ông mong muốn Đảng, Nhà nước sớm đề ra biện pháp chống tham nhũng có hiệu quả, cũng như có biện pháp giáo dục và kiểm soát chặt chẽ “sự liêm chính” của các cán bộ, để không phụ lòng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và bức xúc của đồng bào; đồng thời, củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Khi nghe trực tiếp qua báo đài các vụ án tham nhũng lớn, giáo sư thường thở dài và rất đau lòng. Ông thường nói: “Cán bộ cũng là con người, không phải thần thánh. Cho nên phải có biện pháp giáo dục và kiểm soát tốt để ngăn ngừa nạn sử dụng công quỹ để ăn chơi sa đoạ, làm tăng gánh nặng chi phí của dân đóng góp cho ngân sách nhà nước”[7].
Luật sư Phan Anh nhận xét rằng: Trần Đại Nghĩa đã làm tròn nghĩa vụ của mình đối với quê hương đất nước “Hai chữ Đại Nghĩa mà Bác Hồ đặt tên cho anh đã sáng lên trong suốt hơn 40 năm qua, đã thực sự là ngọn lửa kêu gọi lương tâm của ta: Hãy đoàn kết lại vì sự nghiệp lớn lao của Tổ quốc, của đồng bào”[8].
Năm 1948, trong danh sách 11 người được phong hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội quốc gia Việt Nam (từ năm 1950 là Quân đội nhân dân Việt Nam) có tên một trí thức trẻ – nhà khoa học tài năng Trần Đại Nghĩa. Nhắc đến ông là nhắc đến một con người dám từ bỏ công việc với lương tháng tương đương 22 lạng vàng để theo Bác Hồ về nước phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, dám từ bỏ cuộc sống sung sướng nơi Paris hoa lệ, chấp nhận khó khăn thiếu thốn nơi rừng sâu Việt Bắc để thỏa nỗi ước mong luôn canh cánh bên lòng là được nghiên cứu chế tạo vũ khí góp phần đánh đuổi quân xâm lược Pháp.
Nhắc đến ông là nhắc đến người Cục trưởng quân giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những người đặt nền móng cho nền công nghiệp quốc phòng non trẻ Việt Nam.
Nhắc đến ông là nhắc đến một vị anh hùng, một nhà bác học uyên thâm, một vị tướng thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ.
Ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, Trần Đại Nghĩa ghi vào cuốn sổ tay của mình một câu: “Đã hoàn thành nhiệm vụ!”. Lúc sinh thời ông từng nói: “Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả”. Với ông được phụng sự, được đóng góp cho Tổ quốc, cho nhân dân là lý tưởng cả cuộc đời mình.
Năm 1996, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh với công trình: “Nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo súng Bazoka, súng SKZ, đạn bay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954”. Trước đó, ông cũng được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Ba và Huân chương Quân công hạng Nhất.
Giáo sư Trần Đại Nghĩa được Đảng và Nhà nước tin tưởng, lần lượt đảm trách những chức vụ quan trọng: Cục trưởng Cục Quân giới; Cục trưởng Cục Pháo binh; Thứ trưởng Bộ Công nghiệp; Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết Nhà nước; Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Việt Nam ngày nay. Năm 1983, ông nhận nhiệm vụ vận động đội ngũ trí thức trong tất cả các ngành khoa học và công nghệ thành lập Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội). Giáo sư Trần Đại Nghĩa trở thành Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp hội, nhiệm kỳ 1983-1988.
Từ tinh thần yêu nước của một trí thức, được Bác Hồ cảm hóa, vũ trang bằng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, Phạm Quang Lễ – Trần Đại Nghĩa từ một “trí thức yêu nước”, trở thành người “chiến sĩ cộng sản” chân chính. Ông đã góp phần cùng với đồng đội chế tạo ra nhiều loại vũ khí, được sử dụng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những chiến thắng lừng lẫy của quân đội, làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam khắp năm châu bốn bể, cũng có một phần đóng góp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã làm cho cả thế giới phải khâm phục.
Cả cuộc đời, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã được Đảng và Nhà nước giao nhiều việc lớn, đảm trách các cương vị quan trọng khác nhau. Dù ở cương vị và nhiệm vụ nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc, để lại những tình cảm tốt đối với các sỹ quan, các nhà quân sự của đất nước, cũng như giới trí thức của 2 miền. Ông là một nhà khoa học lớn rất yêu nước, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết và thiết tha với sự nghiệp khoa học. Cả cuộc đời, ông đã luôn chăm lo, bồi dưỡng và đặt nhiều kỳ vọng vào lớp trí thức trẻ góp sức làm vinh quang cho Tổ quốc.
Đánh giá những đóng góp to lớn của ông, trong một bài viết đăng trên báo Nhân dân ngày 12/6/1952 với tiêu đề “Dân tộc anh hùng và anh hùng của dân tộc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh C.B, đã viết: “Là một đại trí thức, đi học ở châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt thành về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến, đó là Anh hùng lao động trí óc Trần Đại Nghĩa”[9]. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Đại Nghĩa thật xứng đáng và vẻ vang với đánh giá đó.
[1] Nguyễn Văn Đạo: Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr. 133.
[2] Trần Đương: Những người được Bác Hồ đặt tên, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.110.
[3] Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Trí thức Việt Nam xưa và nay, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2006, tr. 1500.
[4] Nguyễn Văn Đạo: Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Sđd, tr. 140
[5] Sáng 3/3/1947, bộ đội ta bố trí dọc đê tại chùa Trầm, quân Pháp sử dụng 4 xe tăng mở đường, tiến ra vùng Chương Mỹ, Quốc Oai. Súng Bazoca của bộ đội ta đã bắn cháy hai xe tăng địch. Sự xuất hiện của một loại vũ khí mới đã khiến chúng bất ngờ và hoang mang.
[6] Nhiều tác giả: Người mang tên Đại Nghĩa, Nhà xuất bản Cửu Long, 1992, tr. 96-97
[7] Hàm Châu: “Sáng tạo vì nghĩa lớn”, báo Tuổi Trẻ, ngày 17/8/1997
[8] Nhiều tác giả: Người mang tên Đại Nghĩa, Sđd, tr. 46
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 506
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm
Nguồn tin: sưu tầm
Ý kiến bạn đọc