Hình ảnh Bá Kiến
Bây giờ thì hắn đã thành người không tuổi rồi. Ba-mươi-tám hay ba-mươi-chín? Bốn-mươi hay là ngoài bốn-mươi? Cái mặt hắn không trẻ mà cũng không già; nó không còn phải là mặt người; nó là mặt một con vật lạ, — nhìn mặt những con vật có bao giờ biết tuổi? — Cái mặt hắn vàng vàng mà lại muốn xạm mầu gio; nó vằn giọc vằn ngang, không thứ tự, biết bao nhiêu là sẹo, vết những mảnh chai của bao nhiêu lần ăn vạ kêu làng. Bao nhiêu lần, — hắn nhớ làm sao nổi? — bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại, người ta giao cho hắn làm! Những việc ấy là chính cuộc đời của hắn, cuộc đời mà hắn cũng chả biết đã dài bao nhiêu năm rồi. Bởi vì ngay đến cái thẻ có biên tên tuổi hắn cũng không có, trong sổ làng người ta vẫn khai hắn vào hạng dân lưu-tán, lâu năm không về làng. Hắn nhớ mang máng rằng có lần hắn hai-mươi, rồi hắn đi ở tù, rồi hình như hắn hăm nhăm, — không biết có đúng không? — rồi từ đấy thì đối với hắn không còn ngày tháng nữa. Bởi vì từ đấy, hắn bao giờ cũng say. Những cơn say của hắn tràn cơn này sang cơn khác, thành một cơn dài, mênh mông. Hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say, đập đầu, rạch mặt, chửi bới, dọa nạt trong lúc say, uống rượu trong lúc say để rồi say nữa, say vô tận. Chưa bao giờ hắn tỉnh, và có lẽ chưa bao giờ hắn tỉnh-táo để nhớ rằng có hắn ở đời. Có lẽ hắn cũng không biết rằng hắn là con quỉ dữ của làng Vũ-đại, để tác quái cho bao nhiêu dân làng. Hắn biết đâu hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh-phúc, làm chẩy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương-thiện. Hắn biết đâu vì hắn làm tất cả những việc ấy trong khi người hắn say; hắn say thì hắn làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm. Tất cả dân làng đều sợ hắn, và tránh mặt hắn mỗi lần hắn qua.
Vì thế cho nên hắn chửi hay là chẳng vì cái gì, hắn cũng chửi; cứ rượu xong là hắn chửi. Hắn chửi như những người... say rượu hát. Giá hắn biết hát thì có lẽ hắn không cần chửi. Khổ cho hắn, và khổ cho người, hắn lại không biết hát. Thì hắn chửi, cũng như chiều nay hắn chửi...
Hắn chửi giời và hắn chửi đời. Hắn chửi cả làng Vũ-đại. Hắn chửi tất cả những đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng mặc, ai mà hoài hơi. Tức mình hắn chửi đứa nào đẻ ra chính hắn. Lại càng không ai cần! Và hắn lấy thế làm ức lắm: bởi vì người ta không thể chửi nhau một mình; chửi nhau một mình thì còn văn vẻ gì! Thế là hắn chắc chắn đã có một cớ để mà tức tối, một cớ rất chính đáng để hắn có thể hùng hổ đi báo thù. Phải, hắn phải đi báo thù, báo thù vào bất cứ ai. Hắn phải vào một nhà nào mới được, bất cứ nhà nào. Hắn sẽ rẽ vào bất cứ cái ngõ nào hắn gặp để đập phá, đốt nhà, hay lăn ra mà kêu làng nước. Phải đấy, hắn sẽ rẽ vào bất cứ cái ngõ nào hắn gặp... À, đây kia rồi, mau mau...
Nhưng mà mặt trăng lên, mặt trăng rằm vành vạnh. Và ánh trăng chẩy trên đường trắng tinh. Ồ, cái gì đây, đen và méo mó trên đường trăng nhễ nhại? Nó xệch-xạc về bên phải, nó xệch-xạc về bên trái, thu gọn vào rồi lại giải loang ra, xé rách ra vài chỗ. Nó cứ quấn-quít dưới chân Chí-Phèo. Chí-Phèo đứng lại và nhìn nó, và hắn bỗng nghiêng-ngả cười. Hắn cười ngặt-nghẽo, cười rũ-rượi. Giá hắn cứ chửi lại còn dễ nghe! Cái vật xệch-xạc trên đường là bóng hắn. Thế là hắn cười, và hắn quên báo thù: hắn đi qua cái ngõ đầu tiên kia rồi. Bây giờ thì đến ngõ nhà tự Lãng, một anh thầy cúng có một bộ râu lờ phờ. Chí-Phèo bỗng nẩy ra một ý: tạt vào đây và đập cái đàn chầu văn của lão tự nửa mùa này ra. Bởi vì lão tự này vừa làm thầy cúng lại vừa làm nghề hoạn lợn. Cái đàn của lão lừng-phừng, nghe còn chối tai hơn là lợn kêu. Nhưng lúc vào thì lão tự lại đang uống rượu; lão uống rượu ngay ở sân, vừa uống vừa vuốt râu, vừa rung rung cái đầu. Chí-Phèo đứng lại nhìn, thấy lão cũng hay hay. Hắn thấy tất cả những người uống rượu đều hay hay. Rồi đột nhiên hắn khát, trời ôi! sao mà khát! khát đến như cháy họng... Không do dự, hắn lại bên lão tự, nhắc lấy chai rượu, ngửa cổ, giốc vào mồm, tu. Lão tự duôi cái cổ gà vặt lông ra, trố mắt lên, nhưng không nói gì. Lưỡi lão díu lại rồi, còn nói làm sao được? Lão đã uống hết hai phần chai. Còn một phần thì Chí-Phèo tu nốt. Hắn tu có một hơi, rồi khà một cái, chép chép cái miệng như còn thèm. Rồi hắn nắm lấy mấy cái râu lờ phờ của lão tự, nâng soi lên trăng mà cười. Lão tự cũng cười. Hai thằng say rượu ngả vào nhau mà cười, như một đôi tri-kỷ cuồng. Rồi tự Lãng vào nhà xách hai chai rượu nữa ra; lão còn đúng hai chai nữa. Lão mời Chí-Phèo uống nữa, uống thật say, không cần gì. Cứ việc uống đừng có lo ngại gì đấy! Vợ lão chết đến bẩy tám năm nay rồi, con gái lão chửa hoang bỏ lão đi, lão chỉ có một mình, không còn vợ con nào mè nheo cả Lão muốn uống đến bao giờ thì uống. Cứ uống! cứ uống! cứ uống đi! ông bạn lạc đường ở cung trăng xuống ạ! Uống thật tợn, uống đến đái ra rượu thì mới thích. Nhịn uống để làm gì? có giầu có sang, có làm nên ông cả bà nhớn nữa, chết cũng không ai gọi là « cụ lớn mả »! Lão sống có đến hơn năm mươi năm rồi mà chưa thấy một cụ lớn mả nào sốt! Chỉ có cái mả, cái mả tất. Ai chết cũng thành cái mả, say-sưa chết cũng thành cái mả, lo gì? cứ say!
Chưa bao giờ Chí-Phèo được thỏa-thuê đến thế! Hắn lấy làm lạ sao mãi đến hôm nay mới ngồi uống rượu với thằng cha Tự này. Chúng uống với nhau rất là lâu và rất là nhiều. Người ta tưởng như cả làng Vũ-Đại phải nhịn uống để đủ rượu cho chúng uống.
Đến lúc hết cả hai chai thì tự Lãng đã bò ra sân. Lão bò như cua và hỏi Chí Phèo rằng: « người ta đứng lên bằng cái gì? » Chí-Phèo vần ngửa lão ra, vuốt cái râu lờ phờ của lão mấy cái, rồi để mặc lão thế, hắn lảo đảo ra về. Hắn vừa đi vừa phanh ngực ra mà gãi. Hắn gãi ngực, rồi gãi lên cổ, gãi mang tai và gãi lên cả đầu. Có lúc hắn phải đứng lại giữa đường mà gãi, ghệch chân lên mà gãi. Hắn bứt-rứt quá, ngứa-ngáy quá và chợt nghĩ đến cái bờ sông gần nhà. Bởi vì cái vườn của hắn ở gần một con sông con, nước lặng và trong, khắp bãi trồng toàn dâu, gió đưa đẩy những thân mềm oặt ẹo, cuộn theo nhau thành làn. Duy có vườn nhà hắn trồng toàn chuối, ở một góc vườn có túp lều con. Những đêm trăng như đêm nay, cái vườn bằng-phẳng ngổn-ngang những bóng chuối đen đen như những cái áo nhuộm vắt tung trên bãi. Và những tầu chuối nằm ngửa, ưỡn cong lên hứng lấy trăng, xanh rười rượi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giẫy lên đành đạch như là hứng tình.
Chí Phèo vừa tò mò nhìn những tầu chuối vừa đi xuống vườn. Nhưng hắn không vào cái lều úp xúp mà ra thẳng bờ sông. Hắn định sẽ nhảy xuống tắm cho khỏi ngứa rồi lăn ngay ra vườn mà ngủ: tội gì chui đầu vào lều, bức đến không còn mà thở được. Một thằng như hắn, đập đầu không chết, huống hồ là gió sương... Đến bờ sông, hắn dừng lại, vì hình như có người. Có người thật, và hắn ngây ra nhìn.
Hắn nhìn giữa hai lọ nước và tựa lưng vào gốc chuối, một người đàn bà ngồi tênh hênh. Chính là người đàn bà, hắn biết vậy là nhờ mớ tóc dài buông xõa xuống vai trần và ngực... Hai tay trần của mụ buông xuôi, cái mồm mụ há hốc lên trăng mà ngủ, hay là chết. Đôi chân thì duỗi thẳng ra trước mặt, cái váy đen xộc xệch...; bên kia, có lẽ vì mụ giẫy, cái yếm xẹo xọ để trật ra cái sườn nây nây. Tất cả những cái ấy phơi ra trăng, rười rượi những trăng. Giăng làm trắng những cái có lẽ ban ngày không trắng; giăng làm đẹp lên. Chí-Phèo tự nhiên thấy ứ đầy miệng bao nhiêu là nước dãi, mà cổ thì lại khô; hắn nuốt ừng ực. Hắn thấy cái gì rộn-rạo ran khắp người. Bỗng nhiên hắn run run. Ồ, sao lại như thế được? Đáng nhẽ chính người đàn bà khốn nạn kia phải run mới phải, cái người đàn bà dại dột đã nằm ềnh-ệch mà ngủ ngay gần nhà hắn này.
Nhưng người đàn bà ấy lại là thị Nở, một người ngẩn-ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỉ hờn. Cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang hơn bề giài; thế mà hai má lại bóp vào mới thật là tai hại: nếu má phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng ở trên cổ người. Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành; bành bạnh muốn chen lấn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi; có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như dạn ra. Đã thế, thị lại ăn giầu thuốc, hai môi dầy được bồi cho dầy thêm một lần, cũng may, quết trầu xánh lại, che được cái mầu thịt trâu xám ngoách. Đã thế những cái răng rất to lại chìa ra; ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu. Đã thế thị lại dở hơi; đó là một ân huệ đặc biệt của thượng-đế chí công: nếu sang suốt thì người đàn bà ấy sẽ khổ sở ngay từ khi mua cái gương thứ nhất. Và thị lại nghèo; nếu trái lại, ìt nhất đã có một đàn ông khổ sở. Và thị lại là giòng giống của một nhà có mả hủi: cái này khiến không một chàng trai nào phải phân-vân. Người ta tránh thị như tránh một vật nào rất tởm. Ngoài ba mươi tuổi, thị vẫn chưa có chồng. Ở cái làng Vũ-đại này, người ta kết bạn từ khi lên tám, và có khi có con từ lúc mười lăm; không ai đợi đến năm hai mươi mới đẻ đứa con thứ nhất. Cứ tình hình ấy thì ta nói quách: thị Nở không có chồng. Mà thị cũng không còn ai thân-thích, trừ một người cô đã có thể gọi được là già, và đã không chồng như thị. Số giời định thế: để không ai phải trơ-trọi trên đời này. Người cô làm thuê cho một người đàn bà buôn chuối và trầu không xếp tầu đi Hải-Phòng, có khi ra tận Hòn-Gay Cẩm-Phả. Còn thị, sống bằng những nghề lặt-vặt ở làng. Hai cô cháu ở trong một cái nhà tre cách vườn của Chí-Phèo bởi con đê: hắn ở ngoài bãi, hai người ở trong xóm. Có lẽ chính vì thế mà thị Nở không sợ cái thằng mà cả làng sợ ấy. Gần gũi lâu cũng sinh quen, mà quen thì ít khi còn sợ. Những người trông coi vườn Bách Thú thường bảo rằng hổ báo hiền y như mèo. Vả lại có lý gì để thị sợ hắn đâu? Người ta không ai sợ kẻ khác phạm đến cái xấu, cái nghèo, cái ngẩn-ngơ của mình, mà thị thì chỉ có ba cái ấy. Một phần nữa cũng bởi Chí-Phèo ít khi ở nhà, mà khi hắn ở nhà lại hiền lành: ai có thể ác trong khi ngủ? hắn chỉ về nhà để ngủ.
Ngày nào thị Nở cũng phải qua vườn nhà hắn hai ba lần. Là vì qua vườn nhà hắn có một lối đi nhỏ ra sông; trước kia, cả xóm vẫn dùng cái ngõ ấy để ra sông tắm giặt hay kín nước. Nhưng từ khi hắn đến, người ta thôi dần, tìm một lối đi khác xa hơn. Trừ thị Nở: thì đã bảo thị là người dở hơi, thị không thích làm như kẻ khác. Quá tin ở người, quá tin ở mình, liều lĩnh, bướng bỉnh hay có lẽ chỉ vì không chịu rời thói quen. Nhưng hãy biết thị cứ đi ngõ ấy, và vẫn chẳng làm sao cả. Thế rồi quen đi. Có lần trong lúc Chí-Phèo ngủ, thị vào cả nhà hắn để rọi nhờ lửa nữa, có lần thị xin của hắn một tí rượu để về bóp chân; hắn mải ngủ càu nhàu bảo thị rằng: ở xó nhà ấy, muốn rót bao nhiêu thì rót, để yên cho hắn ngủ. Và lắm lúc thị ngạc-nhiên: sao người ta ghê hắn thế?
Chiều hôm ấy thị Nở cũng ra sông kín nước như mọi chiều. Nhưng chiều hôm ấy, giăng lại sáng hơn mọi chiều, giăng tỏa trên sông và sóng gợn biết bao nhiêu gợn vàng. Những gợn vàng ấy rung rung, mới trông thì đẹp, nhưng trông lâu mỏi mắt. Gió lại mát như quạt hầu. Thị Nở thấy muốn ngáp mà mi mắt thì nặng dần, toan díp lại. Thị vốn có một tật không sao chữa được: có lúc đột nhiên muốn ngủ, bất cứ ở đâu hay đang làm gì. Bà cô thị bảo thị là một người vô tâm. Ngáp một cái thị nghĩ bụng: hãy khoan kín nước, hãy để lọ xuống, ngồi nghỉ đây. Bởi vì thị đã luật quật đập đất từ trưa tới giờ. Mà mấy khi được một nơi mát thế, mát rợn da, rợn thịt, sung-sướng quá! mát y như quạt hầu. Thị cởi áo ra và ngồi tựa vào gốc chuối, dáng ngồi không kín đáo, nhưng không bao giờ thị biết thế nào là lả-lơi. Con người vô tâm, không hay nghĩ xa xôi mà. Vả lại ở đây chẳng có ai. Chí-Phèo đã về đâu, mà hắn có về thì cũng say khướt đã ngủ từ nửa đường và tới nhà tức khắc chúi đầu vào ngủ nốt. Hắn ra làm gì đây, cho có ra nữa thì đã sao? Thị không thể sợ hắn có thể phạm đến thị bởi cái lẽ rất dản-dị là thị chưa thấy ai phạm đến thị bao giờ. Thật ra thì thị cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều đến thế. Tuy óc thị đã có một cái bóng đen lan rồi. Thị không ngồi thì không chịu được.
Ngồi một lúc, thị thấy rằng: nếu cứ ngồi mãi thì ngủ mất. Nhưng thị đã ngủ đến hai phần rồi. Và thị nghĩ: ừ thì ngủ, ngủ thì đã làm sao! Về nhà thì cũng chỉ ngủ, ngủ ngay đây cũng vậy. Bà cô đi theo hàng ít ra cũng dăm hôm mới về. Thị cứ ngồi đây cho mát. Và thị ngủ. Thị ngủ ngon lành và say-sưa...
Chí-Phèo vẫn say-sưa nhìn và vẫn run run. Bỗng nhiên hắn rón rén lại gần thị Nở: lần đầu tiên hắn rón rén, từ khi về làng. Thoạt tiên, hắn hãy xách hai cái lọ để ra xa; rồi hắn lẳng-lặng ngồi xuống bên sườn thị...
Và thị Nở giật mình. Thị mới kịp giật mình thì thằng đàn ông đã bám bíu lấy thị... Thị vùng vẫy để ra, thị mở mắt, thị tỉnh hẳn, thị nhận ra Chí-Phèo. Thị vừa thở, vừa vật nhau với hắn, vừa hổn-hển: « Ô hay... buông ra... Tôi kêu... Tôi kêu làng... Buông ra... Tôi kêu làng lên bây giờ ». Thằng đàn ông phì cười. Sao thị lại kêu làng nhỉ? Hắn vẫn tưởng chỉ có hắn mới kêu làng; sao người ta lại kêu tranh của hắn; bỗng nhiên hắn la lên, kêu làng. Hắn kêu như một kẻ bị đâm, vừa kêu vừa dằn người đàn bà xuống. Thị Nở trố ra hai mắt, ngây ra nhìn. Thị kinh-ngạc: sao hắn lại kêu làng nhỉ? Mà hắn vẫn chưa chịu thôi kêu làng. Cũng may người quanh đấy không ai lạ gì tiếng hắn: mà khi hắn kêu làng thì không ai cần động giạng; họ lạu bạu chửi rồi lại ngủ; hắn kêu làng cũng như người khác buồn hát ngao. Đáp lại hắn, chỉ có lũ chó cắn xao lên trong xóm.
Thị Nở bỗng nhiên bật cười. Thị vừa rủa, vừa đập tay lên lưng hắn. Nhưng đó là cái đập yêu, bởi vì đập xong, cái tay ấy lại rúi lưng hắn xuống. Và chúng cười với nhau...
Bây giờ thì chúng ngủ bên nhau... Đứa trẻ bú no thì ngủ. Người ta ngủ sau khi làm việc yêu. Chúng ngủ như chưa bao giờ đuợc ngủ. Trăng vẫn thức, vẫn trong trẻo... Trăng rắc bụi trên sông, và sông gợn biết bao nhiêu vàng...
Nhưng gần đến sáng, bỗng Chí-Phèo trống một tay xuống đất, ngồi lên một nửa. Hắn thấy người nôn nao, chân tay bủn rủn, như đến ba ngày nhịn đói. Thế mà bụng lại phinh phích đầy. Hình như bụng hơi đau Còn hình như gì nữa, thôi đúng đau bụng rồi. Đau thật! đau mỗi lúc một dữ! nó cứ cuồn cuộn lên. À mà giời lành lạnh. Hễ có gió thì kinh kinh. Mỗi lần gió, hắn rươn rướn người. Hắn muốn đứng lên. Sao đầu nặng quá, mà chân thì bẩy rẩy. Mắt hắn hoa lên. Bụng quặn lại, đau gò người. Hắn oẹ. Hắn oẹ ba bốn cái. Oẹ mãi. Giá mửa ra được thì dễ chịu Hắn cho một ngón tay vào móc họng. Hắn oẹ một cái to hơn, ruột hình như lộn lên. Nhưng cũng chỉ nhổ ra toàn nước rãi. Hắn nghỉ một tý rồi lại cho tay vào mồm. Lần này thì mửa được, trời ôi! mửa thốc, mửa tháo, mửa ồng ộc, mửa đến cả ruột. Đến nỗi người đàn bà phải dậy. Thị ngồi nhỏm dậy và ngơ ngác nhìn. Cái óc nặng-nề ấy phải lâu mới nhớ ra và lâu-mới hiểu.
Bây giờ thì Chí Phèo đã mửa xong Hắn mệt quá, lại vật người ra đất. Hắn đờ hai mắt ra khẽ rên; hắn chỉ còn đủ sức để rên khe khẽ. Từ đống mửa bay lại một mùi gì thoang-thoảng như mùi rượu; hắn bỗng nhiên rùng mình.
Thị Nở xích lại. đặt bàn tay lên ngực hắn (thị suy nghĩ đến bây giờ mới xong). Thị hỏi hắn:
— Vừa thổ hả?
Mặt hắn đảo lên nhìn thị, nhìn một loáng rồi lại đờ ra ngay.
— Đi vào nhà, nhẻ?
Hắn làm như gật đầu. Nhưng cái đầu không động-đậy, chỉ có cái mí mắt là nhích thôi.
— Thì đứng lên.
Nhưng hắn đứng lên làm sao được. Thị quàng tay vào nách hắn, đỡ cho hắn gượng ngồi. Rồi thị kéo hắn đứng lên. Hắn đu vào cổ thị, hai người lảo đảo đi về lều.
Không có giường, chỉ có một cái chõng to. Thị để hắn nằm lên, và đi nhặt-nhạnh tất cả các manh chiếu rách đắp lên cho hắn. Hắn hết rên. Hình như hắn ngủ. Thị cũng lim-dim chực ngủ. Nhưng trong nhà nhiều muỗi quá. Muỗi nhắc cho thị cái áo quên ngoài vườn. Thị ra vườn. Đôi lọ nhắc cho thị việc đi kín nước. Thị mải mốt mặc áo, kín nước, rồi xách đôi lọ nước đi về nhà.
Giăng chưa lặn, không chừng giời còn khuya. Thị lên giường định ngủ. Nhưng thị lại nhớ lại việc lạ-lùng tối qua. Thị cười. Thị thấy không buồn ngủ, và thị cứ lăn ra lăn vào.
Còn nữa
Ý kiến bạn đọc