Bạch công tử - Lê Công Phước là công tử giàu có nổi tiếng. Nhưng cuối đời ông lại rơi vào cuộc sống đầy bi thảm, không có một ai thân thích ở bên cạnh lúc lâm chung.
Người đời vẫn thường truyền miệng về 2 vị công tử miền Tây với những màn ăn chơi trác táng khiến ai cũng há hốc mồm ngạc nhiên. Tuy nhiên, hậu vận của Hắc công tử lại hoàn toàn khác xa so với Bạch công tử.
Sinh ra trong một gia đình quyền thế với cha làm quận trưởng, Bạch công tử tên thật là Lê Công Phước. Ông sinh tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, Mỹ Tho, nay là phường 3, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang. Là con trai thứ 4 của Đốc phủ Lê Công Sủng, ông được cha vô cùng yêu thương và chiều chuộng ngay từ thuở mới lọt lòng.
Trong một lần được sang Pháp dự hội chợ năm 1909, Đốc phủ Lê Công Sủng đã đưa Bạch công tử du học tại đây với hy vọng có thể tiếp thu kiến thức và văn minh từ phương Tây, học hành thành tài để làm rạng danh gia đình. Tuy nhiên ông không thể ngờ rằng chuyến du học này lại mở ra một thời kỳ ăn chơi quên ngày tháng của cậu con trai.
Nhà của Bạch công tử năm xưa
Đặt chân đến nước Pháp, Bạch công tử ngỡ ngàng trước một nền văn minh hoàn toàn xa lạ. Không có ai kèm cặp, ông như con chim sổ lồng, tối ngày chỉ chuyên tâm vào chuyện ăn chơi.
Hàng tháng nhận tiền chu cấp thừa mứa của cha, Bạch công tử nhanh chóng kết thân với giới quý tộc ở Pháp sau những buổi tiệc linh đình và xa hoa. Thậm chí ông còn được những người bạn tại đây đặt một cái tên rất Tây: George Phước và được tôn sùng như “ông hoàng”.
Olga - một trong những tình nhân của Bạch công tử khi ông đi du học
Nhiều giai thoại kể lại, Lê Công Phước thường xuyên ở tại những khách sạn đắt đỏ nhất kinh đô ánh sáng. Từ ăn đến mặc, ông đều sử dụng những thứ sành điệu nhất, đẳng cấp nhất. Vây quanh ông là những bóng hồng trong những bữa tiệc xa xỉ tại những hộp đêm.
Phong lưu đa tình là vậy nhưng Bạch công tử nhanh chóng trúng “tiếng sét ái tình” từ cô đào Phùng Há (NSND Phùng Há). Sau này, ông về nước, lập ra gánh Phước Cương, sau đó rời bỏ và lập một gánh hát khác có tên Huỳnh Kỳ do chính người vợ là bà Phùng Há quản lý.
NSND Phùng Há khi chuẩn bị lên sân khấu
Tiền đầu tư không bao giờ phải nghĩ, cùng với sự dẫn dắt tài tình của người vợ, gánh hát Huỳnh Kỳ nhanh chóng nổi tiếng và có quy mô lớn nhất toàn Lục tỉnh Nam Kỳ thời bấy giờ. Cuộc sống hôn nhân của ông cũng khá êm đềm khi hai người có 2 đứa con là cậu con trai Paul Lộc và cô con gái Suzane.
Những tưởng sau những ngày tháng phong lưu, Bạch công tử đã yên bề gia thất thì thói ăn chơi vẫn chứng nào tật nấy. Sau 7 năm, ông quay về cờ bạc, rượu chè, bỏ bê mọi công việc của gánh hát. Vợ của ông một mình chăm con, một mình quán xuyến cả gánh hát nên suy sụp. Con ốm, chồng mải mê đi theo các cô đào khác, bà quyết định ly dị sau 7 năm chung sống. Hai con của ông sau đó cũng mất vì bệnh tật, còn bà tự mình xây dựng lại sự nghiệp.
NSND Phùng Há (ngoài cùng bên phải) là người phụ nữ có ảnh hưởng lớn đến Bạch công tử
Của cải cha ông để lại nhanh chóng “đội nón” ra đi với thói ăn chơi quên ngày tháng của Bạch công tử. Từ chỗ thiếu gia ăn sung mặc sướng, giờ đây ông chẳng còn gì trong tay. Những năm tháng cuối đời, ông phải sống một mình trong căn phòng trọ tồi tàn. Lòng tự trọng trỗi dậy, ông nhất quyết không nhờ vả ai, để rồi qua đời trong vòng tay của một người em nuôi tên Nguyễn Hoàng Phi.
Mộ phần của Bạch công tử (thứ hai từ ngoài vào)
Sinh thời ông tiêu tiền như nước thế nào, khiến người đời ngưỡng mộ ra sao thì những giây phút cuối đời của ông lại đầy bi kịch bấy nhiêu. Ngày nay, mộ phần của ông nằm chơ vơ giữa những khóm dừa hiu quạnh. Ai cũng ngậm ngùi, tiếc nuối cho một vị đại gia nếu biết dừng lại đúng lúc thì đã không có kết cục thảm như vậy.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm
Nguồn tin: sưu tầm
Ý kiến bạn đọc