Thành Cổ Quảng Trị, miền cỏ cháy vang khúc tráng ca bất tử

Thứ năm - 30/05/2024 02:44 363 0

Thành Cổ Quảng Trị, miền cỏ cháy vang khúc tráng ca bất tử

Thành Cổ Quảng Trị, miền cỏ cháy vang khúc tráng ca bất tử

1. Giới thiệu chung về di tích Thành Cổ Quảng Trị
Thành Cổ Quảng Trị (hay còn được gọi là Cổ thành Quảng Trị) tọa lạc ở thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Vào thời Nguyễn, nơi đây là lỵ sở của triều đình và là thành luỹ quân sự trên địa hạt Quảng Trị. Đến thời Pháp thuộc, Thành Cổ là trung tâm của tỉnh Quảng Trị. Cho tới Cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1972, cả thế giới đã biết tới cuộc chiến suốt 81 ngày đêm đầy khốc liệt và hào hùng của dân tộc Việt Nam ngay tại nơi này.
Ngày 09/12/2013, Thành Cổ Quảng Trị đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt và trở thành một điểm tham quan không thể bỏ qua trong chuyến du lịch Quảng Trị.

Cổng chính vào Thành cổ Quảng Trị

2. Lịch sử Thành Cổ Quảng Trị
Thành Cổ Quảng Trị được xây vào thời vua Gia Long, ban đầu được đặt tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đến năm 1809 nhà vua cho dời thành đến vị trí như ngày nay. Giai đoạn này thành vẫn được đắp bằng đất, tới năm 1837 thì vua Minh Mạng đã cho xây lại thành bằng gạch. Bên trong thành là các công trình phục vụ việc ở và làm việc của các cơ quan thuộc bộ máy hành chính thời bấy giờ, bao gồm: Hành cung, Kỳ đài, Dinh Tuần phủ, Dinh Án sát, Dinh Bố chính, Dinh Lãnh binh, Nhà kiểm học, Trại quân, Nhà bếp, Nhà Kho, Khám đường, Ngục thất.
Đầu thế kỷ XX, sau khi đặt chính quyền "bảo hộ" lên Quảng Trị, thực dân Pháp đã xây dựng thêm bên trong thành hàng loạt công trình phục vụ bộ máy cai trị như nhà tù, đồn cảnh sát, sở chỉ huy…
Dưới chế độ VNCH, nơi đây được sử dụng như một doanh trại quân đội và khu nhà ở cho binh lính. Năm 1972, phần lớn kiến trúc của thành đã bị bom đạn phá hoại nặng nề và gần như bị san phẳng, chỉ còn sót lại cửa Đông cùng một số đoạn tường thành và giao thông hào.

Sơ đồ thành Quảng Trị năm 1889, sau khi thực dân Pháp xây dựng các công trình phục vụ cai trị bên trong thành. Bởi Lieutenant Porton (Nguyễn Thứ vẽ lại năm 1914)

Thành cổ và một góc thị xã Quảng Trị năm 1967

Thành cổ Quảng Trị ngày nay

3. Khám phá kiến trúc đặc biệt của khu di tích Thành Cổ
Sau chiến tranh, khu di tích đã được phục chế các đoạn đường đi và tường thành bị đạn. Bốn cổng chính được làm lại. Khu vực trung tâm Thành Cổ được xây một đài tưởng niệm và ngôi mộ chung cho hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng nằm lại đất mẹ. Góc tây nam thành cổ được dựng lên một bảo tàng để trưng bày những di vật, hiện vật và tái hiện những khung cảnh khốc liệt của cuộc chiến tranh.
Thành Cổ Quảng Trị được xây theo lối kiến trúc thành trì Việt Nam quen thuộc. Thành có dạng hình vuông với chiều cao hơn 4m, chân thành dày 12m và chu vi tường hơn 2km. Bao quanh thành là hệ thống hào kiên cố, bốn góc thành là 4 pháo đài nhô hẳn ra ngoài. Tường thành được xây kiên cố bằng gạch nung cỡ lớn, kết dính bằng hỗn hợp vôi, mật mía và một số phụ gia khác. Các phía Đông, Tây, Nam, Bắc trổ ra bốn cửa chính.
Đường dẫn vào khu di tích và sân bên trong thành được tráng xi măng cùng các ô trồng cỏ. Phía tây Thành Cổ là con đường dẫn từ cửa hữu của thành ra thẳng bờ sông Thạch Hãn, song song là các công trình tháp chuông, khu công viên và quảng trường rộng lớn và bến thả hoa đăng hai bên bờ sông.
Tòa tháp chuông được khánh thành vào ngày 29/04/2007. Tháp cao gần 10 mét, ở trên treo quả chuông đồng có chiều cao 3.9 mét và đường kính 2.15 mét, khối lượng gần 9 tấn. Chuông được đánh vào các ngày lễ, ngày rằm… để vọng tưởng linh hồn các liệt sĩ.
Đài tưởng niệm nằm ở khu trung tâm di tích đồng thời cũng là ngôi mộ chung, được thiết kế theo quan niệm triết lý âm dương với hình bát giác tượng trưng cho bát quái, với bốn lối đi lên tượng trưng cho tứ tượng và một tầng lưỡng nghi để dâng hương. Phía trên tầng lưỡng nghi là mái đình cách điệu với thiết kế bình thái cực truyền thống. Đài tưởng niệm có 81 bậc thang để đi lên tượng trưng cho 81 ngày đêm đỏ lửa tại Thành Cổ. Ngoài ra, để đi lên đài tưởng niệm, du khách phải đi qua tổng cộng 81 bậc thang, tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu rực lửa tại Thành Cổ Quảng Trị.
Phía Tây Nam di tích là Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị được dựng lên để lưu giữ, trưng bày những di vật lịch sử, những lá thư người lính trẻ gửi về cho gia đình và những bức tượng tái hiện lại khung cảnh chiến tranh khốc liệt.

Đài tưởng niệm ở trung tâm Thành Cổ

Bến thả hoa đăng bên bờ sông Thạch Hãn

Hành trang của người chiến sĩ năm ấy được trưng bày tại Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị

Đoàn CBVC & NLĐ Bệnh viện Nhi Thái Bình, viếng tại Đài tưởng niệm ở trung tâm Thành Cổ (năm 2018)

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay3,165
  • Tháng hiện tại137,522
  • Tổng lượt truy cập1,814,655
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây