Lê Chiêu Thống là vị vua cuối cùng của nhà Hậu Lê, miêu hiệu là Mẫu Đế, là con của cố Thái tử Lê Duy Vĩ, cháu của vua Lê Hiển Tông.
Năm 1771, vì có hiềm khích với chúa Trịnh Sâm nên thái tử Duy Vĩ và 3 người con là Lê Duy Kỳ, Lê Duy Trù và Lê Duy Chi đều bị nhốt vào ngục Đề Lãnh. Năm 1782, sau khi chúa Trịnh Sâm mất, quân lính ở phủ chúa Trịnh làm loạn đã mở cửa ngục đưa Duy Kỳ ra (cha con Duy Kỳ bị nhốt trong ngục trong thời gian hơn 10 năm), ép vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Khải lập Duy Kỳ làm Hoàng Thái tôn, truất ngôi Thái tử của Duy Cận.
Tháng 7 năm 1786, trước khi mất, vua Lê Hiển Tông đã trăng trối truyền ngôi lại cho người cháu trưởng là Duy Kỳ (tức vua Lê Chiêu Thống). Cùng thời gian này, quân Tây Sơn đã đánh đổ chúa Trịnh, Duy Kỳ được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đưa lên ngôi với niên hiệu là Chiêu Thống vào tháng 7 năm Bính Ngọ (1786). Bấy giờ ông đã 20 tuổi.
Khi Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ rút quân về Phú Xuân, Huế thì hào mục ở các nơi nổi dậy cát cứ. Trịnh Bồng (hậu duệ chúa Trịnh Sâm) trở về kinh đô Thăng Long tự lập làm nguyên soái Yến Đô Vương và lấn át nhà vua, làm cho triều chính rối ren. Lê Chiêu Thống kế vị vua Hiển Tông nhưng không chống chọi được thế lực của Trịnh Bồng, phải dựa vào Nguyễn Hữu Chỉnh. Nhờ sự trợ giúp đắc lực của Nguyễn Hữu Chỉnh, Chiêu Thống đánh bại quân của chúa Trịnh, đốt phá phủ chúa. Nhưng kể từ đó, Nguyễn Hữu Chỉnh bắt đầu lộng quyền, trước đó Nguyễn Hữu Chỉnh đã theo Tây Sơn nhưng giờ trở mặt chống lại quân Tây Sơn.
Cuối năm 1787, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc dẹp loạn Nguyễn Hữu Chỉnh, chiêu tập các cựu thần văn võ nhà Lê, lấy Sùng Nhượng Công Lê Duy Cận làm giám quốc. Trước sức mạnh của quân Tây Sơn, Nguyễn Hữu Chỉnh và Lê Chiêu Thống không chống đỡ nổi nên phải chạy sang Quảng Tây cầu viện triều đình Mãn Thanh đưa ngoại bang xâm lược nước ta. Tháng 11 năm 1788, được Lê Chiêu Thống dẫn đường cộng với nội ứng của tàn quân vua Lê, tướng Mãn Thanh là Tôn Sĩ Nghị đã dẫn 29 vạn quân ồ ạt tiến vào Thăng Long và phong cho Chiêu Thống làm An Nam Quốc Vương.
Tết Kỷ Dậu (1789), quân đội Tây Sơn do hoàng đế Quang Trung chỉ huy đã đánh tan 29 vạn quân Thanh. Lê Chiêu Thống đã cùng 25 cận thần thân tín (gồm Hoàng ích Hiểu, Phạm Như Tùng, Lê Hân, Nguyễn Quốc Đổng, Nguyễn Viết Triệu, Lê Văn Trương, Lê Quý Thích, Nguyễn Đình Cẩm, Phạm Đình Thiên, Lê Quýnh) lưu vong ở Trung Quốc.
Bị bạc đãi, hắt hủi, vua tôi Lê Chiêu Thống sống tủi nhục tại nước người. Bọn quan lại nhà Thanh như Hoà Thân, Kim Giản lại trở mặt bắt một số cận thần của Lê Chiêu Thống cho lên xe trâu đày ra xa ngoài 300 dặm để sỉ nhục.
Ngày 16 tháng 10 năm 1793, sau 5 năm sống lưu vong trên đất khách, Lê Chiêu Thống bị bệnh và mất ở Yên Kinh, thọ 28 tuổi. Lê Chiêu Thống là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Hậu Lê, thời gian làm vua ngắn ngủi chỉ khoảng 3 năm, nhưng tên ông luôn gắn liền với tội danh cõng rắn về cắn gà nhà.
Tháng 8 năm Giáp Tý (1804), triều Nguyễn đã đem thi hài Lê Chiêu Thống về nước, chôn tại lăng Bàn Thạch (huyện Thọ Xương, tỉnh Thanh Hoá ngày nay) và đề trên bài vị thờ tại lăng là Nghị hoàng đế.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc