CÁC TRIỀU ĐẠI VIỆT NAM

Thứ hai - 26/08/2024 02:03 22 0

CÁC TRIỀU ĐẠI VIỆT NAM

13. TRIỀU LÊ SƠ (1428-1527) LÊ THÁI TỔ (1428-1433) LÊ LỢI

13. TRIỀU LÊ SƠ (1428-1527) LÊ THÁI TỔ (1428-1433) LÊ LỢI
Niên hiệu: Thuận Thiên

Ông tổ dựng nghiệp đầu tiên của họ Lê ở Lam Sơn - Thanh Hoá là Lê Hối. Vốn là một người chất phác, hiền hậu, ít nói nhưng cụ lại là người hiểu biết sâu xa "có thể đoán biết sự việc từ lúc còn chưa hình thành". Lúc đầu gia đình cụ sống ở thôn Như Áng, chuyên làm ruộng và sống khá phong lưu. Một hôm cụ đi dạo chơi trong rừng, thấy có rất nhiều chim tụ họp và bay lượn vòng quanh núi Lam Sơn. Biết đó là nơi "đất lành chim đậu", cụ liền dọn nhà đến ở đấy. Sau ba năm khai phá ruộng vườn, chăm lo cày cấy, cơ nghiệp nhà cụ ngày càng phồn thịnh. Đến đời ông nội rồi đời cha của Lê Lợi cũng tiếp nối và phát triển được cơ nghiệp của tiền nhân. Người cha sinh ra Lê Lợi húy là Khoáng, là người có chí khí và hào hiệp, thường nuôi dưỡng tân khách, thương yêu dân chúng, chu cấp người nghèo, giúp kẻ hoạn nạn khó khăn, vì thế cả vùng đều kính phục cụ.
Lê Lợi sinh ngày mồng 6 tháng 8 năm Ất Sửu (10 tháng 9 năm 1385) là con trai thứ ba và cũng là con út trong nhà. Ngay từ khi còn rất trẻ, Lê Lợi đã tỏ ra là người thông minh dũng lược, đức độ hơn người. Vẻ người ông đẹp tươi hùng vĩ, mắt sáng miệng rộng, sống mũi cao, xương mi mắt gồ lên, bả vai tả có 7 nốt ruồi, bước đi nhẹ nhàng khoan thai, tiếng nói vang như tiếng chuông. Cả nhà đặt hi vọng vào người con trai út này, còn các bậc thức giả biết ngay là một người phi thường. Truyền thuyết kể rằng:

Lớn lên Lê Lợi làm chức Phụ đạo ở Khả Lam, được hồn sư ông mặc áo trắng biểu hiện chỉ cho ngôi huyệt phát "đế vương" ở động Chiêu Nghi. Sau đó một người phường chài là Lê Thận bắt được một lưỡi gươm cũ, khi đưa vào tay Lê Lợi thì thanh gươm không phải mài mà sáng như gươm mới. Trên thanh gươm có khắc hàng chữ triện, Lê Lợi biết là một thanh gươm quý. Hai ngày sau vợ Lê Lợi ra vườn hái rau lại bt được một quả ấn báu cũng khắc mấy chữ lối triện, trên lưng quả ấn khắc tên họ Lê Lợi. Ngày sau nữa lại bắt đưc cái chuôi kiếm ở gốc cây đa, có khắc hành con rồng, con hổ và hai chữ "Thanh Thúy", đem lắp vào lưỡi kiếm đã bắt được thì vừa vặn không sai chút nào.
Từ đó ông càng tin rằng vận nước đã được trao vào tay mình, càng chăm chỉ dùi mài đọc sách vở binh pháp nuôi chí và chờ thời vận.
Lúc đó quân Minh đã đánh bại cha con Hồ Quý Ly, bắt cha con họ Hồ đưa về Kim Lăng, rồi đặt nước ta thành quận huyện. Lê Lợi ngầm có chí khôi phục non sông, nên hạ mình tôn người hiền, bỏ tiền của ra nuôi binh sĩ, chiêu nạp những anh hùng hào kiệt từ khắp nơi. Những hào kiệt thời ấy như Lê Văn An, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng, Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú, Trịnh Vô, Vũ Uy, Lê Liễu và Lê Xa Lôi đều nối tiếp nhau quy phục, Lê Lợi kính cẩn đón tiếp, cùng bí mật mưu khởi nghĩa.

Mùa xuân năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi cùng với nghĩa quân chính thức dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nước kêu gọi nhân dân đồng lòng dưới cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước. Với lực lượng ban đầu không quá 2000 người, "cơm ăn thì sớm tối không được hai bữa, áo mặc thì đông hè chỉ có một manh, khí giới thì thật tay không", phải đối 
địch với một quân đội đông đảo có trang bị đầy đủ của giặc, nghĩa quân nhiều lần bị vây khốn. Có lúc lương cạn hàng tuần, thủ lĩnh Lê Lợi phải cho giết cả voi chiến và ngựa của chính mình để nuôi quân. Có lần bị vậy chặt, Lê Lai đã phải đóng giả Bình Định Vương Lê Lợi để mở đường cứu chúa... Song với lòng tự tin sắt đá vào vận mệnh của dân tộc, tin việc làm của mình là thuận lòng trời", với sự hợp trí hợp mưu của nhân tài cả nước, nghĩa quân đã vượt qua mọi thử thách để duy trì và mở rộng địa bàn. Sau 10 năm chiến đấu gian khổ "nằm gai nếm mật", bằng lối đánh "lấy ít địch nhiều", cả vây thành và diệt viện, bằng những chiến thắng quyết định ở Chi Lăng-Xương Giang, Cần Trạm tiêu diệt hàng chục vạn viện binh giặc, cuối cùng quân đội Lam Sơn đó buộc giặc Minh trong các thành Đông Quan, Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh phải đầu hàng.
Ngày 16 tháng Chạp năm Đinh Mùi (1427), tại một địa điểm ở gần thành Đông Quan, Vương Thông-viên tướng chỉ huy đội quân xâm lược Minh đã phải tuyên thệ: xin rút hết quân về nước. Bình Định Vương Lê Lợi còn cấp 500 chiến thuyền giao cho bọn Phương Chính, Mã Kỳ đi đường thuỷ, 2 vạn con ngựa và lương thực cho bọn Sơn Thọ, Hoàng Phúc dẫn 2 vạn quân đi đường bộ. Trước đó, một chiều mùa đông năm Đinh Mùi (1427), trước khi lên đường, Phương Chính, Mã Kỳ tới đại bản doanh của Lê Lợi ở Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) để xin cáo biệt. Hai viên tướng này lưu luyến ở lại tiếp chuyện với Lê Lợi, Nguyễn Trãi suốt cả một buổi chiều. (Theo "Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn. "Đại Việt sử ký toàn thư" "thi chép" Vương Thông cùng Lê Lợi nói chuyện từ biệt suốt đêm)
Khi chia tay, Bình Định Vương sai sắm trâu rượu, trướng vẽ và lễ phẩm hậu tặng hai viên tướng nước láng giềng. Khi ấy, các tướng sĩ và nhân dân kinh đô đều căm thù sự tàn ác mà người Minh đã 
gây ra, mọi người đều một lời khuyên Lê Lợi nhân dịp này giết chết cả đi, nhưng Bình Định Vương rất bình tĩnh, tỉnh táo mà dụ rằng: "Việc phục thù trả oán, là thường tình của mọi người, nhưng không ưa giết người, là bản tâm của người nhân. Huống chi người ta đã hàng, mà mình lại giết chết, thì còn gì bất tường hơn nữa. Ví bằng giết đi cho hả giận một lúc, để gánh lấy tiếng xấu giết kẻ hàng đến muôn đời, chi bằng hãy cho sống ức vạn mạng người, để dứt mối chiến tranh muôn thuở, công việc sẽ chép vào sử sách, tiếng thơm sẽ truyền mãi tới ngàn thu, há chẳng lớn ư!"
Ngày 29 tháng 12 năm đó, đại binh giặc bắt đầu rút, đến ngày 3 tháng 1 năm Mậu Thân (1428) những bóng dáng cuối cùng của quân Minh đã bị quét sạch khỏi bờ cõi.
Về phía nhà Minh khi đó, ngoài tác động của những trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn, phải kể đến một quyết định tỉnh táo của vua Minh khi ông ta nói với quần thần rằng: "Những kẻ bàn tán, không hiểu ý muốn dứt việc can qua, tất cho rằng nghe theo thỉnh cầu của An Nam là không oai hùng. Nhưng nếu được nhân dân yên lành, thì trẫm không e ngại những lời đó?"
Thế là sau hai mươi năm phải sống dưới ách đô hộ ngoại bang, đất nước lại giành được độc lập.
Trong năm đó, Lê Lợi đã cho dựng ghi lại quá trình phát triển của cuộc khởi nghĩa.
Do sức ép của nhà Minh và cũng là sách lược mềm dẻo của lãnh tụ Lam Sơn, trên danh nghĩa Lê Lợi vẫn phải xin cầu phong cho con cháu họ Trần là Trần Cảo làm vua. Nhưng năm Mậu Thân (1428), Trần Cảo - tự cho mình không có công gì trong cuộc giải phóng đất nước mà lại giữ ngôi vua vẫn thường áy náy không yên, 
bèn cưỡi thuyền ra biển, chạy vào châu Ngọc Ma (Thanh Hoá). Quân của Lê Lợi đuổi kịp dẫn trở về, cho uống thuốc độc chết, triều đình nhà Lê sai làm tang lễ rất hậu theo nghi lễ một ông vua.
Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428) Lê Lợi chính thức lên ngôi vua tại điện Kính Thiên, thành Đông Đô (tức Hà Nội), xưng là "Thuận thiên thừa vận Duệ văn Anh vũ đại vương", đặt tên nước là Đại Việt, đổi niên hiệu, đại xã thiên hạ, ban bài Cáo Bình Ngô. Khi đó ông đã 43 tuổi. Đây là sự mở đầu một thời kỳ độc lập, lâu dài nhất trong lịch sử nước ta. Để không gây sự căng thẳng với nhà Minh, Lê Lợi chưa xưng đế mà chỉ tự xưng vương. Ông nói một cách khiêm nhường: "Những vị vua có công đức lớn như các vua Vũ, Thang, Văn... Thời Tam Đại, mà cũng chỉ xưng vương thôi, huống chi trẫm tài đức mỏng manh, đâu dám nói đến hiệu hoàng đế. Nay chỉ xưng tước vương cũng đã là quá rồi". Nhưng thực ra, đó chỉ là sách lược ngoại giao và lúc đó nhà Minh vẫn sai sứ sang đòi tìm lập con cháu họ Trần. Triều đình của vua Lê đã là một triều đại độc lập với đầy đủ bề thế của bậc đế, nhưng nhà Minh cũng vẫn chỉ phong làm "quyền thủ An Nam quốc sự" mà thôi.
Mặc dù ở ngôi ngắn ngủi được có 6 năm nhưng những việc làm của ông vua này có ý nghĩa đặt nền móng vững chắc cho cả một triều đại và nên độc lập phồn vinh của quốc gia Đại Việt. Việc làm đầu tiên của Lê Thái Tổ là bàn định luật lệnh. Nhà vua ra lệnh cho các quan: Tư Không, Tư Đồ, Tư Mã, Thiếu úy, Hành Khiển bàn định luật lệnh trị quân dân, cho "người làm ở lộ biết mà trị dân, người làm tướng biết mà trị quân, để răn dạy cho quân dân đều biết là phép tắc". Nhờ cố gắng đó, hai năm sau (1430) Lê Thái Tổ đã cho ban hành những điều luật đầu tiên của triều đại mình.

Một công việc khác không thể thiếu được đối với bất kỳ một triều đại mới làn sau hàng chục năm chiến đấu gian khổ để giành độc lập và lập nên vương triều là đại hội các tướng và các quan văn võ để định công ban thưởng, theo công lao cao thấp mà định thứ bậc, ban biểu ngạch công thần. Đáng chú ý là trong đợt phong này, Nguyễn Trãi được làm quan Phục hầu, Trần Nguyên Hãn làm Tả tướng quốc và Phạm Văn Xảo làm thái bo, các ông này đều được cho lấy họ vua.
Từ những đơn vị hành chính theo chế độ quận huyện của nhà Minh, nhà Lê lại chia đơn vị hành chính nước ta thành 5 đạo, đặt các chc vệ quân, tổng quản, hành khiển... ở xã đặt xã quan. Bộ máy hành chính này sẽ ngày càng được hoàn chỉnh vào các đời vua sau, nó thực sự giúp cho việc quản lý và điều hành đất nước.
Một đất nước sống chủ yếu bằng nông nghiệp, việc phục hồi phát triển nông nghiệp cũng được Lê Thái Tổ đặc biệt quan tâm. Ngay từ năm đầu lên ngôi, ông đã cho kiểm kê hộ khẩu, làm sổ điền, sổ hộ, đặt cơ sở để tiến hành chế độ quân điền.
Để tuyển chọn nhân tài và củng cố bộ máy cai trị, nhà Lê không chỉ quan tâm đến việc cầu hiền bằng cách tiến cử mà còn đặt ra các khoa thi. Dưới thời Lê Thái Tổ đã bắt đầu mở cãc khoa thi để lựa chọn những nhân tài. Vua Lê Thái Tổ còn đặc biệt quan tâm đến việc bình định và củng cố miền biên cương phía Bắc và Tây Bắc. Nhà vua từng đích thân cầm quân tiến thẳng vào tận sào huyệt một lực lượng chống đối, đặt đất đó thành châu huyện và ghi vào bản đồ quốc gia.
Về mặt đối ngoại, Lê Thái Tổ nhiều lần cử các đoàn sứ bộ sang Trung Quốc để đặt mối giao bang bình thường với nhà Minh, 
khéo léo giải quyết những sách nhiễu của nhà Minh về việc lập con cháu nhà Trần và vấn đề tù binh chiến tranh...
Là một ông vua sáng nghiệp, đã từng "đích thân phát hết gai góc, bừa phẳng bạo tàn, thường lấy áo giáp làm đồ mặc, nội cỏ làm nhà cửa, trải qua bao nổi nguy hiểm, xông pha trước áo gươm mới quét sạch phong trần, dựng nên cơ nghiệp" nên ông rất lo các con ông "không có công lao như ta mà được hưởng cơ nghiệp của ta" sẽ làm hỏng mất sự nghiệp. Lê Thái Tổ đã từng nói: "Phàm những ông vua nối ngôi, dinh dưỡng trong cung điện thường được yên vui, không biết lập chí...". Bên cạnh ông lúc đó lại có rất nhiều công thần khai quốc vừa có công to vừa có tài năng đã được thử thách và rèn luyện qua gian khổ... Trước tình hình ấy, những năm cuối đời mình, vì quá lo cho người nối nghiệp là ấu chúa mà Lê Thái Tổ đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng:
Nghi kị và sát hại công thần. Đây là sai lầm lớn nhất mà đến trước khi nhắm mắt xuôi tay chính nhà vua cũng đã tự nhận ra và ông đã dặn lại Hoàng thái tử nối ngôi rằng: "Trẫm gặp thời tao loạn, dựng nghiệp gian nan, hơn hai mươi năm mới nên nghiệp lớn, những nỗi đau khổ của nhân dân, thảy đều hiểu biết, những đường gian nan trong thế sự, thảy đều trải qua, thế mà đến khi lên ngôi, lòng người thực hay giả, cũng chưa dễ gì tỏ tường, những việc nghi ngờ, cũng chưa dễ gì phán đoán. Như vậy đạo làm vua không khó ư? Huống chi con, đương thời tuổi trẻ, nối nghiệp gian nan, nghe biết càng nông, tư lường chưa thấu. Vậy nên dốc lòng kính cẩn, như giẫm trên băng mỏng vực sâu, thờ trời đất nên hết lòng, cung phụng tôn miếu nên trên đạo hiếu, thân ái anh em, hoà mục tông tộc, cho tới việc đối xử trăm quan và muôn dân, thảy đều nên nghĩ sao cho phải đạo. Chớ đổi phép cũ của tiên vương; chớ bỏ cách ngôn của 
tiền triết; chớ gần thanh sắt mà chuộng tiền tài; chớ thích đi săn mà ham dâm đãng; chớ nghe lời gièm mà xa người can thẳng; chớ dùng tân tiến mà bỏ cựu thần..." Lời trối của Thái Tổ thật sâu sắc và thấm thía như lời dạy của tất cả những người cha có chí hướng đối với con mình. Sau khi vua trao ấn báu truyền ngôi cho Hoàng thái tử, ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433) nhà vua băng hà ở Tẩm Điện, hưởng thọ 49 tuổi. Vua Lê Thái Tổ có hai người con trai của hai phi Quận cư Vương Tư Tề là con của Trịnh Thần Phi và Hoàng thái tử Nguyên Long là con của Phạm Thị Hiền. Nhà vua truyền ngôi cho con thứ là Hoàng thái tử Nguyên Long.

Còn nữa

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,538
  • Tổng lượt truy cập808,452
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây