CÁC TRIỀU ĐẠI VIỆT NAM

Thứ hai - 26/08/2024 02:23 19 0

CÁC TRIỀU ĐẠI VIỆT NAM

LÊ UY MỤC (1505-1509)

LÊ UY MỤC (1505-1509)
Niên hiệu: Đoan Khánh

Túc Tông không có con nối nghiệp nên trước khi mất đã truyền ngôi lại cho người anh thứ hai của mình là Tuấn. Tuấn còn có tên huý na là Huyên, sinh ngày 5 tháng 5 năm Mậu Thân (1488), là con của Chiêu nhân Hoàng thái hậu họ Nguyễn, huý là Cận, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc Hà Bắc). Bà lúc nhỏ mồ côi cha, nhà nghèo, tự bán mình cho người ở phủ Phụng Thiên (Hà Nội), vì nhà người ấy có tội, bà lại bị sung làm nô tỳ nhà nước, do đó được đưa vào hầu Quản Ninh hoàng hậu. Khi ấy Hiến Tông còn làm Thái tử, thấy nàng có sắc đẹp, để lòng yêu rồi lấy làm phi. Bà phi này sinh ra Tuấn rồi mất sớm.
Sau khi vua Túc Tông qua đời, trong triều có nhiều phái tranh ngôi báu. Thái hoàng thái hậu (mẹ của Hiến Tông, bà của Túc Tông) thì muốn lập Lã Côi Vương vì bà cho rằng Tuấn là con của kẻ tỳ 
thiếp không xứng đáng được nối ngôi, trong khi đó thì mẹ nuôi của Tuấn là Kính Phi (họ Nguyễn người xã Hoa Lăng, huyện Thuỷ Đường) và nội thần Nguyễn Như Vi muốn lập Tuấn (tức Uy Mục). Ý định của Thái hoàng thái hậu không thành, sau khi lên ngôi Uy Mục sai giết Thái hoàng thái hậu và một loạt đại thần đã không ủng hộ mình như àm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật...
Uy Mục lấy hiệu là "Quỳnh lâm động chủ". Từ lúc lên ngôi Uy Mục trở nên người ham rượu chè, gái đẹp, thích giết người. Phó sứ nhà Minh là Hứa Thiên Tích khi sang sách phong, trông tướng mạo Uy Mục đã đề hai câu:

An nam tứ bách vận vưu trường,
Thiên ý như hà giáng quỉ vương?
(Vận nước An Nam còn dài bốn trăm năm, ý trời sao lại sinh ra vua quỉ?)

Đêm nào Uy Mục cũng vào cung cùng với cung nhân uống rượu vô độ, ai say thì giết. Quyền hành trong triều rơi vào tay họ ngoại. Phía Đông thì làng Hoa Lăng (quê của ẹm nuôi), phía Tây thì làng Phù Chẩn (quê của mẹ đẻ), đều cậy quyền cậy thế, dìm hãm thần liêu, có khi vì tư ý mà giết hại sinh dân, có khi dùng ngón kín mà yêu sách tiền của; phàm súc vật hoa mầu của dân gian đều cướp cả; nhà dân ai có đồ lạ vật quý thì đều đánh dấu chữ vào để lấy. Uy Mục còn ra lệnh cho giết hết những người Chiêm bị bắt làm gia nô trong các điền trang của các thế gia, công thần.
Sự tàn bạo quá đáng của Uy Mục đã gây nên một làn sóng bất bình trong dân chúng và trong hàng ngũ quan lại, dòng dõi họ Lê. Tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1509), được sự giúp đỡ của Nguyễn Văn Lăng (là bà con với Trường lạc Hoàng thái hậu - người đã bị Uy Mục 
cho đánh thuốc độc chết), Giản tu Công Oanh giả xưng là Cẩm giang vương dựng cờ chiêu an. Họ đề cử Lương Đắc Bằng thảo tờ hịch dụ các đại thần và các quan rằng: "Bạo chúa Lê Tuấn, phận con thứ kém hèn, làm nhơ bẩn nghiệp lớn. Lần nữa gần được 5 năm, ti ác đã đến muôn vẻ. Giết hại người xương thịt, dìm hãm các thần liêu... Tước đã hết rồi mà thưởng bậy không ngớt, dân đã cùng rồi mà vơ vét không thôi... Tiêu tiền như bùn đất, bạo ngược ngang với Tần Chính..." Từ Tay Đô, Giản Tu Công Oanh đem quân chiếm lại Đông Kinh (Hà Nội), bắt được và bức Uy Mục tự tử tháng 12 năm Kỷ Tỵ (1509) Giản Tu Công Oanh cho người lấy súng ln, đặt xác Uy Mục vào miệng súng, súng nổ làm tan hài cốt, chỉ lấy tro tàn đem về chôn tại quê mẹ Uy Mục là làng Phù Chẩn, giáng Uy mục xuống làm Mẫn Lệ Công. Đến năm Đinh Sửu (1517) mới được truy tôn là Uy Mục đế.
Như vậy Uy Mục đế ở ngôi 5 năm, thọ 22 tuổi. Sử thần triều Lê bàn rằng: Mẫn Lệ Công tôn nhiệm ngoại thích, bạo ngưc vô đạo, giết hại tôn tht, tàn hại nhân dân, tự chuốc hoạ diệt vong, chẳng cũng đúng sao!

LÊ TƯƠNG DỰC (1510-1516)
Niên hiệu: Hồng Thuận

Lê Tương Dực hút là Oánh, lại có tên nữa là Trừ, là cháu nội Lê Thánh Tông, con thứ hai của Kiến vương Tân. Ông sinh ngày 25 tháng 6 năm Ất Mão (1455). Mẹ là Huy từ kiến hoàng thái hậu, họ Trịnh huý Tuyên, người làng Thủy Chú, huyện Lôi Dương (tức Thọ Xuân, Thanh Hoá). Dưới thi vua Hiến Tông, ông được phong là Giản Tu Công. Đến khi Uy Mục đế giết hại công thần và người tôn thất, ông cũng bị bắt giam, nhưng may trốn thoát chạy vào Tây Đô (Thanh Hoá). Tháng 11 năm 1509, ông cùng với Nguyễn Văn Lăng và các quần thần đem quân ra Đông Kinh giết Uy Mục rồi tự lập làm vua. Sau khi lên ngôi tháng Giêng năm Canh Ngọ (1510), bàn công những người ứng nghĩa, ông cho Nguyễn Văn Lăng làm Nghĩa Quốc công, những người khác như Nguyễn Hoàng Dụ, Trịnh Huy Đại và Trịnh Duy Sảo cũng được phong chức tước khác nhau.
Một việc làm đáng chú ý duy nhất của vua Tương Dực là ban "Trị bình bảo phạm", gồm 50 điều vào tháng 4 năm Tân Mùi (1511), trong đó nêu lên việc củng cố kỷ cương, giáo hoá, cẩn thận hình phạt để ngăn ngừa lòng dân, khắc phục tình trạng rối loạn mục nát do đời Đoan Khánh gây ra. Song ngoài việc làm trên, Lê Tương Dực không thi thố thêm được việc gì cụ thể để khắc phục tình trạng đất nước ngày càng thêm hỗn loạn. Các cuộc nổi dậy của các lực lượng phong kiến địa phương ngày cáng lan rộng...
Không những thế, bản thân Lê Tương Dực cũng lao vào con đường ăn chơi trụy lạc. Chẳng thế mà tháng Giêng năm Quý Dậu (1513) chánh sứ nhà Minh là Trần Nhược Thuỷ và phó sứ là Phạm Hy Tăng sang phong cho Tương Dực làm An Nam quốc vương đã thấy Tương Dực mà nhận xét: "Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lệch, tính thích dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không bao lâu!"
Quả vậy, tháng 5 năm Giáp Tuất (1514) vua nghe lời tâu của Hiệu uý Hữu Vĩnh, giết chết 15 vương công, cho gọi các cung nhân của Mẫn lệ công và triều trước vào để gian dâm. Năm Bính Tý (1516) vua cho đắp thành mấy nghìn trượng, bao vây cả điện Tường Quang, quán Trần Vũ, chùa Thiên Hoa... Chắn ngang sông Tô Lịch... Lại làm điện hơn trăm nóc, đóng thuyền chiến, sai bọn nữ 
sử cởi truồng chèo thuyền ở Hồ Tây cùng vua chơi đùa, lấy làm thích thú.
Bấy gi, trước tình hình đó, các thế lực phong kiến địa phương như Trần Cảo nổi lên. Trịnh Duy Sản nhiều lần can ngăn, vua không nghe lại còn đem Sản ra đánh bằng trượng. Duy Sản bàn cùng với một số quần thần khác như Lê Quảng Độ, Trịnh Chế Sâm mưu việc phế lập. Tháng 4 năm Bính Tý (1516), Trịnh Duy Sản sai người đâm chết Tương Dực, đem thiêu xác. Khâm Đức Hoàng hậu cũng tự nhảy vào lửa mà chết. Quân sỉ đem quan tài về chôn ở lăng Ngự Thiên, giáng Tương Dực xuống làm Linh Ẩn vương.
Như vậy Tương Dực ở ngôi được 7 năm, thọ 24 tuổi.
Sử thần bàn rằng: Linh Ẩn vương gian dâm với vợ lẽ của cha, để tang cha mẹ ít, mượn tên của anh để cướp nước, xa hoa dâm dục quá độ, hình phạt thuế khoá nặng nề, giết hết các thân vương, giặc cướp nổi dậy khắp nơi, đương thời gọi là vua lợn, điềm nguy vong đã hiện ra vậy!

LÊ CHIÊU TÔNG (1516-1522)
Niên hiệu: Quang Thiệu

Vua huý là Y, lại có tên nữa là Huệ, cháu bốn đời của Lê Thánh Tông, cháu đích tôn của Kiến vương Tôn, con trưởng của Cẩm Giang vương Sùng. Mẹ là Hoàng hậu Trịnh Thị Loan, người xã Phi Bạo, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Ông sinh ngày 4 tháng 10 năm Bính Dần (1506). Khi Tương Dực đế bị giết năm Bính Tý (1516) không có con nối, quan đại thần là Lê Nghĩa Chiêu, Trịnh Duy Sản phải rước vua vào Tây Kinh. Trần Cảo thấy kinh thành bỏ không đã chiếm lấy và tự xưng làm vua. Thấy vậy triều đình sai Trịnh Duy Sản, Nguyễn Hoàng Dụ, Trịnh Tuy… vây đánh Trần Cảo. Trần Cảo phải chạy lên đất Lạng Nguyên (Lạng Sơn)
Triều Lê sau khi dẹp tan được loạn Trần Cảo thì nội bộ lại càng lục đục, đánh giết lẫn nhau. An Hoà hầu Nguyễn Hoàng Dụ và Vĩnh Hưng Bá Trịnh Tuy đem quân đánh nhau liên miên. Dân chúng khổ sở cảnh loạn lạc, đầu rơi máu chảy: "Giặc bên ngoài chưa yên, các quyền thần đánh lẫn nhau, giết nhau dưới cửa khuyết, máu dây đầy chốn kinh sư, mặt trời vàng tối, vận nước ngày một suy".
Trước tình hình đó, Nho giáo ngày một suy vị, nhường chỗ cho Phật giáo và Đạo giáo cùng các thứ ma thuật ngày càng phát triển.
Trong số các thế lực phò lập vua, mỗi người đều có những mưu đồ riêng. Càng về sau, bằng tài năng quân sự nổi bật và sự khôn khéo thâu tóm quyền hành, Mạc Đăng Dung đã ngày càng trở thành một nhân vật cột trụ trong triều. Vua Lê Chiêu Tông phải tự thân hành đến phủ đệ của Mạc Đăng Dung gia phong cho ông làm Thái phó... Quyền uy của Mạc Đăng Dung ngày một lớn, người người đều hướng về họ Mạc. Đăng Dung cho con gái nuôi vào hầu vua thực ra để dò xét coi gi. Con trưởng của Đăng Dung là Đăng Doanh làm chức Dục Mỹ hầu trông coi điện Kim Quang. Từ đó Đăng Dung đi bộ thì che lọng phượng dát vàng, đi thuỷ thì dùng thuyền rồng dây kéo, ra vào cung cấm như đi vào chỗ không người, không kiêng sợ gì...
Trước tình cảnh ấy, vua Chiêu Tông mưu ngầm với Trịnh Tuy tìm cách triệt hạ thế lực của họ Mạc. Kế hoạch bại lộ, vua bỏ chạy khỏi kinh thành. Mạc Đăng Dung bèn cùng với các quần thần khác lập em của Chiêu Tông tên là Xuân lên ngôi vào ngày 1 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (1522). Chiêu Tông thì bị giáng xuống làm Đã Dương

vương rồi bị giết. Như vậy Chiêu Tông ở ngôi được 7 năm, thọ 26 tuổi.

LÊ CUNG HOÀNG (1522-1527)
Niên hiệu: Thống Nguyên

Vua mới có tên là Xuân, còn có tên nữa là Khánh, cháu bốn đời của Thánh Tông, là em cùng mẹ với Chiêu Tông, sinh ngày 26 tháng 7 năm Đinh Mão (1507). Khi Chiêu Tông chạy khỏi Hoàng cung, Mạc Đăng Dung lập ông lên làm vua, lúc đó mới 16 tuổi. Vì sợ Chiêu Tông ở ngoài hiệu triệu binh mã về đánh nên Mạc Đăng Dung không dám đóng tại kinh thành mà đón Hoàng Đệ Xuân về Gia Phúc (Hải Dương) và chuyển hết của báu trong thành về đấy, phong quan tiến tước cho các quan. Sau khi đánh bại các cánh quân Cần vương của Chiêu Tông, mùa xuân năm Quý Mùi (1523) Đăng Dung đưa vua Cung hoàng về đóng ở hành dinh Bồ Đề, cho các quan vào chầu. Năm đó, triều đình vẫn cho mở tiệc thi hương, thi hội ở bãi giữa sông Nhị. Vua ra đầu đề "Về đạo làm vua làm thầy". Nhưng bất chấp đạo làm tôi, tháng 7 năm đó, Đăng Dung dùng chiếu lệnh của Cung đế, phế bỏ vắng mặt Chiêu Tông xuống tước Đà Dương vương. Năm sau, giáp Thân (1524) Đăng Dung tự mình thăng lên tước Bình Chương quân quốc trọng sư Thái phó Nhân quốc công. Tháng 10 năm Ất Dậu (1525) Đăng Dung tự làm đô tướng dẫn tất cả thuỷ và lục quân vào đánh Thanh Hoá. Vua Chiêu Tông bị bắt đưa về kinh sư, và bị giết vào tháng 12 năm Bính Tuất (1526).
Sau sự kiện bi thảm đó, Đăng Dung rút lui về Cổ Trai nhưng trong thực tế vẫn chế ngự triều đình. Năm Đinh Hợi (1527), Đăng Dung tự thăng tước Thái sư An Hưng vương, gia thêm cửu tứ.
Tháng 4 năm Đinh Hợi (1527), Cung hoàng sai Trùng dương hầu Vũ Hữu, Lan xuyên bá Phan Đình Tá và Trung sứ Đỗ Hiếu Đễ cầm cờ mao tiết mang kim sách và mũ áo ô lọng, đai ngọc, kiệu tía, quạt vẽ, tán tía đến làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương tấn phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng vương. Đăng Dung đón tiếp sứ bộ của nhà vua, ở bến đò An Tháp huyện Tân Minh (Tiên Lãng, Kiến An ngày nay). Vua còn tặng Đăng Dung bài thơ "Chu công giúp Thành Vương" có ý khuyên Đăng Dung hãy giúp vua và triều đình theo gương Chu công đời xưa.
Mặc dù được vua ân sủng hậu đãi và giao phó trọng trách, Mạc Đăng Dung vẫn không chịu dừng lại ở tước vương, mà vẫn kiên quyết chớp thời cơ giành ngôi đế cho họ Mạc. Ngày 15-6 năm Đinh Hi (1527), Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào kinh bắt vua phải nhường ngôi, giáng vua Lê xuống làm Cung vương, bắt giam vua cùng với Hoàng thái hậu ở cung Tây Nội, sau đó vài tháng buộc Thái hậu và Cung vương phải tự tử. Trước khi chết, Thái hậu khấn trời rằng: "Đăng Dung là kẻ bề tôi, manh tâm cướp ngôi, lại giết mẹ con ta, con cháu mày ngày sau cũng thế". Đăng Dung sai đem xác hai mẹ con nhà vua bày ra quán Bắc Sơn, rồi đem về chôn ở lăng Hoa Dương huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Mỹ Xá, huyện Hưng Hà, Thái Bình) theo nghi lễ của Thiên tử và Hoàng hậu. Như vậy là Cung Hoàng ở ngôi được đúng 5 năm, thọ 21 tuổi.
Nhận xét về ông vua này, sử thần triều Lê đã viết: Lúc ấy vận nước đã suy, lòng người đã lìa, tài vua lại vào hạng kém, có thể dẹp yên sao được.
Như vậy là triều Lê kể từ Lê Thái Tổ lên ngôi (1428) đến Cung Hoàng (1527) gồm 10 đời vua, cả thảy đúng 100 năm. Nếu tính cả thời gian Lê Lợi dấy quân xưng là Bình Định vương năm Mậu Tuất 
(1418) cộng là 110 năm. Đây là thời kỳ các vua Lê nắm được trọn quyền cai trị đất nước. Các nhà sử học gọi là thời tiền Lê (hay Lê sơ) để phân biệt với Lê Trung Hưng về sau.
Các đời vua Triều Lê sơ đã trải qua:
1. Lê Thái Tổ (1428-1433)
2. Lê Thái Tông (1434-1442)
3. Lê Nhân Tông (1443-1459)
4. Lê Thánh Tông (1460-1497)
5. Lê Hiến Tông (1497-1504)
6. Lê Túc Tông (1504)
7. Lê Uy Mục (1505-1509)
8. Lê Tương Dực (1510-1516)
9. Lê Chiêu Tông (1516-1522)
10. Lê Cung Hoàng (1522-1527)

Còn tiếp

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,612
  • Tổng lượt truy cập808,526
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây