LÊ NHÂN TÔNG (1443-1459)
Niên hiệu: - Đại Hoà (1443-1453)
- Diên Ninh (1454-1459)
Vua Lê Thái Tông mặc dù mới có 20 tuổi, nhưng khi mất đi đã kịp để lại bốn người con trai do bốn bà vợ sinh ra: Bà Chiêu Nghi họ Dương sinh ra lệ Đức hầu Nghi Dân; Bà Thần Phi họ Nguyễn sinh ra hoàng tử Bang Cơ (sau là vua Nhân Tông); bà Tiệp Dư họ Ngô sinh ra Tư Thành (sau là vua Thánh Tông) và một bà vợ khác sinh ra Cung vương Khắc Xương.
Như vậy vua Lê Nhân Tông cũng không phải là con trưởng của vua Thái Tông. Ông huý là Bang Cơ, là con trai thứ ba của Thái Tông. Mẹ là Tuyên từ hoàng thái hậu họ Nguyễn (sau này mới phong), huý là Anh, người làng Bố Vệ huyện Đông Sơn (Thanh Hoá). Bang Cơ sinh ngày 9 tháng 6 năm Tân Dậu (1441), đến ngày 16 tháng 11 năm Tân Dậu (1441) được lập làm Hoàng thái tử, và ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442) được lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Thái Hoà. Khi lên ngôi vua mới lên 2 tuổi, Thái hậu phải buông rèm nghe chính sự, tạm quyết đoán việc nước. May thay Thái hậu là người tận tâm bảo hộ, tín nhiệm đại thần, theo dùng phép sẵn có, trong khoảng hơn 10 năm giúp ấu chúa, trong nước bình yên.Tháng 11 năm Quý Dậu (1453), vua lên 12 tuổi, có thể tự coi được chính sự, Thái hậu trả lại quyền chính cho vua rồi lui về ở cung riêng. Khi tự mình ra coi chính sự, vua đổi niên hiệu Diên Ninh, đại xá cho thiên hạ. Người đời bấy giờ hết lời ca ngợi đức độ và tài năng của vua và Thái hậu. Bài văn bia Mục Lăng do Nguyễn Bá Kỷ có ghi: vua thần sắc anh tuấn, dung dáng đúng đắn, mỗi khi tan chầu, thân đến Kinh Diên đọc sách, mặt trời xế bóng về tây mới thôi. Khi đó thân coi chính sự thì tế thần kỳ, thờ tôn miếu, đối với Thái hậu dốc lòng hiếu lễ, đối với anh em hết lòng thân yêu, hoà thuận với họ hàng, kính lễ với đại thần, tôn chuộng nho thuật, xét lời gần, nghe lời xa, chăm sóc chính sự, cẩn thận thưởng phạt, trọng việc nông tang chuộng nghề gốc rễ, hết lòng thương dân, không thích xây dựng, không ham săn bắn, không gần thanh sắc, không ham tiền của, hậu đối với người, bạc đối với mình, bên trong yên tĩnh, bên ngoài thuận lòng, răn cấm tướng ngoài biên không gây hấn khích. Đến khi Chiêm Thành hai lần cướp Hoá Châu thì sai tướng đem quân đi đánh, giết được vua Chiêm là Bí Cai, nước lớn sợ uy, nước nhỏ mến đức. Phàm chính sự đều noi theo phép cũ, đều có sẵn phép, sai đình thần họp bàn tất cả rồi mới thi hành; cho nên chính trị hay giáo hoá tốt, khắp ra bốn biển, trăm họ mến đức, đời được thái bình".
Chính dưới thời vua Nhân Tông, năm Quý Hợi (1455), lần đầu tiên triều đánh sai Phan Phu Tiên biên soạn Đại Việt sử ký, viết tiếp quyển sử của thời Trần từ Trần Thái Tông cho đến khi người Minh về nước.
Nhưng mặc dù là một ông vua sáng và nhân từ, nhưng vì không tuân theo nguyên tắc dòng đích nên mùa đông năm Kỷ Mão (1459), Lạng Sơn Vương Nghi Dân (là anh vua Nhân Tông) đang đêm bắc thang vào tận trong cung cấm, vua và Tuyên từ Hoàng thái hậu bị giết. Khi đó vua mới 19 tuổi, ở ngôi được 17 năm.
Nghi Dân tự lập làm vua, nhưng chỉ 8 tháng sau lại bị các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa giết bọn phản nghịch, giáng Nghi Dân xuống tước hầu rồi tìm lập một người con khác của Thái Tông lên làm vua, đó là vua Lê Thánh Tông.
Còn tiếp
Ý kiến bạn đọc