Trong quá trình nghiên cứu về dòng họ Nguyễn Duy, chúng tôi thấy rằng: Dòng họ Nguyễn Duy có hai danh nhân có đóng góp đáng kể trong lịch sử dân tộc. Song, xét về nguồn gốc của hai nhân vật này thì còn có nhiều tranh cãi. Và hiện nay, bản thân con cháu dòng họ Nguyễn Duy đời sau và nhiều nhà nghiên cứu vẫn thừa nhận hai ông thuộc dòng dõi Nguyễn Duy ở Đông Linh. Tuy nhiên, trong tộc phả họ Nguyễn Duy lại không thấy tên của hai danh nhân này. Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin trích dẫn một số cứ liệu liên quan đến hai quan điểm nhận định nêu trên. Và vì đây là vấn đề còn nhiều tranh cãi, nên chúng tôi không đưa vào nội dung chính của khóa luận này. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và làm rõ về hai nhân vật này ở những công trình nghiên cứu tiếp sau.
1. Nguyễn Doãn Khâm:
Nguyễn Doãn Khâm sinh năm Kỷ Dậu (1489) triều Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 20.Cụ đỗ Hoàng Giáp khoa Giáp Tuất (1514) triều Lê Tương Dực niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 khi 26 tuổi. Thi đỗ xong cụ ra nhận chức Hàn lâm viện triều Lê. Làm việc vài năm cụ thấy chính sự rối ren bèn xin về dạy học ở Quốc Tử Giám. Khi nhà Mạc lên cầm quyền có chiếu vời cụ ra làm quan, cụ giữ chức Lại bộ thượng thư tả thị lang. Khi tuổi già hưu quan về quê dạy học. Tháng mười năm Giáp Thân (12/1584) khi cụ đã 95 tuổi vua Mạc lại vời ra và cử đi xứ bộ Trung Quốc. Ngày 14 tháng 1 năm Qúy Tỵ (5/3/1593) gia đình cụ chạy theo vua Mạc Kính đến huyện Chí Linh thì bị Tiết chế Trịnh Tùng bắt được cùng hàng trăm quan quân triều Mạc. Ngày 27 tháng 1 bị giết tất cả ở Thảo Tân, riêng cụ cao tuổi nên được tha nhưng cụ cũng chết vì uất ức. Nguyễn Doãn Khâm là đóa hoa thơm về tấm lòng trung nghĩa xứng đáng là tấm gương cho đời sau noi theo.
2. Nguyễn Qúy Lương:
Nguyễn Qúy Lương tự La Khê, sinh năm Kỷ Mùi (1499) triều Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Thống thứ hai. Ông đỗ đồng tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1529) khoa thi đầu tiên của nhà Mạc. Sau khi thi đỗ ông được bổ chức Gíao thụ kiêm tham chính xứ Cao Bằng từ năm 1530 đến năm 1536. Sau đó ông lại được cử về trấn thủ Tuyên Quang nhiều năm, trong thời gian làm quan của mình ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, có công lao to lớn trong việc mở mang giáo hóa cho nhân dân và lập lại kỷ cương ở Cao Bằng. Không những thế ông còn là một ông quan có đức, nhân hậu và thanh liêm. Ông được Mạc Đăng Doanh gia tăng hàm Đại phu. Khi hưu quan về quê ông lại làm nghề dạy học, sống cuộc sống thanh bạch.
3. Về nguồn gốc của hai cụ:
Do gia phả gốc của dòng họ Nguyễn Duy bị đốt cháy trong cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu (1741 - 1751), mãi đến những năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX cháu đời thứ bảy của cụ thủy tổ Nguyễn Duy Thuần mới phụng soạn lại gia phả thì chỉ còn nghi chép lại được từ đời cụ Nguyễn Duy Thuần và lấy đây là đời thứ nhất. Vì vậy vấn đề nguồn gốc dòng họ Nguyễn Duy đến nay vẫn còn nhiều điều cần làm sáng tỏ, đặc biệt là về thân thế của hai cụ Nguyễn Doãn Khâm và Nguyễn Qúy Lương. Trong những năm qua, trong dòng họ Nguyễn Duy tồn tại hai ý kiến đối lập nhau về thân thế của hai cụ. Mỗi ý kiến lại có những cơ sở riêng:
- Một số đông con cháu công nhận hai cụ Nguyễn Doãn Khâm và Nguyễn Qúy Lương thuộc dòng họ Nguyễn Duy.
Những người theo lập trường này đã mất nhiều năm đi tìm những chứng cứ để chứng minh vấn đề trên. Tiêu biểu là các ông Nguyễn Duy Ứng, Nguyễn Duy Tứ, Nguyễn Duy Phồn… đại diện cho những người con có nhiệt huyết đối với vấn đề nguồn gốc của dòng họ. Với một lòng nhiệt huyết họ đã vượt qua biết bao khó khăn để tìm ra một số chứng cứ chứng minh mối quan hệ ràng buộc giữa hai cụ Nguyễn Doãn Khâm và Nguyễn Qúy Lương với dòng họ Nguyễn Duy.
Trong “Trạng nghè ở Thái Bình”, phần viết về Hoàng giáp Nguyễn Duy Hoà có đoạn viết: “Tại Cao Bằng, ông cùng em ruột là Nguyễn Qúy Lương (người đỗ sớm nhất triều Mạc ở Thái Bình) dốc sức vào lo liệu bố phòng biên giới và mở mang giáp hóa cho nhân dân” [15, tr.54].
Trong “Ngàn năm đất và người Thái Bình” có viết: “Hai anh em Nguyễn Qúy Lương và Nguyễn Duy Hòa từng vác lều chõng lên kinh thi khi Mạc Đăng Dung chưa tiếm ngôi nhưng “nấu sử sôi kinh” chưa chín nên chưa chiếm được võng giá vua ban để vinh quy và phải dự kỳ thi đầu tiên do nhà Mạc tổ chức” [18, tr.82].
Dựa vào hai tài liệu trên ta có thể thấy được mối quan hệ ruột thịt giữa hai cụ Nguyễn Duy Hòa và Nguyễn Qúy Lương.
Lại theo tộc phả họ Vũ Đình ở làng Tô Xuyên (xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) thì cụ Nguyễn Doãn Khâm không có con trai nên nhận nuôi con trai của người anh ruột là Nguyễn Doãn Khâm. Cụ Nguyễn Doãn Khâm cũng không có con trai mà chỉ có hai người con gái. Người con gái lớn là bà Nguyễn Thị Kỳ lấy ông Vũ Ảm – người họ Vũ Đình ở Tô Xuyên. Khi hai cụ mất, do không có con trai nên họ Vũ Đình đã thờ phụng hai cụ. Đến đời thứ tám họ Vũ Đình đã cử ông Vũ Tiến Thận lên Đông Linh làm nhà thờ phụng hai cụ, vì cụ Nguyễn Qúy Lương vẫn còn mảnh đất 10 miếng ở ngay bên cạnh từ đường họ Nguyễn Duy.
Trích gia phả họ Vũ Đình ở làng Tô Xuyên
Như vậy, từ các chứng cứ trên đã đi đến kết luận: Hai cụ Nguyễn Doãn Khâm và Nguyễn Qúy Lương là người trong dòng họ Nguyễn Duy là có căn cứ. Hơn nữa trong quá trình tìm hiểu gia phả dòng họ Nguyễn Duy tôi có thấy một trường hợp đặt tên lót không phải là chữ Duy mà là chữ Qúy. Đó là trường hợp cụ Nguyễn Qúy Vũ (cháu đời thứ 6). Tuy trường hợp này không nhiều nhưng theo tôi cũng là một minh chứng về mối liên hệ giữa cụ Nguyễn Qúy Lương với dòng họ Nguyễn Duy.
Trích gia phả họ Nguyễn Duy - chi thứ ngành trưởng.
- Đối lập với ý kiến trên thì lại cho rằng hai cụ không thuộc dòng họ Nguyến Duy. Bởi vì tên hai cụ không có trong gia phả của dòng họ.
Việc xác định thân thế của hai cụ Nguyễn Doãn Khâm và Nguyễn Qúy Lương là một vấn đề nhạy cảm và cần thiết để có thể trả lại vị trí xứng đáng cho hai cụ. Tuy nhiên, đây là một công việc cần nhiều thời gian cũng như công sức để có thể đưa ra được những chứng cứ xác thực và thuyết phục hơn nữa đối với tất cả thành viên trong dòng họ Nguyễn Duy.
Bàn thờ hai cụ Nguyễn Doãn Khâm và Nguyễn Qúy Lương