Văn tế Đức Thủy Tổ họ Nguyễn Duy

Thứ tư - 08/11/2023 18:36 129 0

Văn tế Đức Thủy Tổ họ Nguyễn Duy

Văn tế Đức Thủy Tổ Hoàng Giáp Nguyễn Duy Hòa, ngày 30 tháng 7 năm Quý Mão

Đọc tại Lễ giỗ Thuỷ  Tổ ngày 30/7, Quý Mão, năm 2023
THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP THỦY TỔ HOÀNG GIÁP NGUYỄN DUY HÒA (1496 - 1577)
Đông Linh, ngày 12/9/2023 
Kính thưa……
- Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ,
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
- Chim có tổ, người có tông, ân đức ấy nhiều đời luôn ghi nhớ.
- Nước nguồn cây cội, truyền thống luân thường chớ lãng quên.
Đó chẳng phải là những lời răn dạy của cha ông ta đã gửi gắm đến chúng ta một ý nghĩa vô cùng sâu sắc rằng: Con người sống trên đời dù có cao sang, phú quý hay thấp kém, nghèo hèn, cũng đều có tổ tiên, như cây phải có gốc, như sông phải có nguồn.
Thưa toàn thể các vị thành viên trong họ!
Đức Thủy Tổ dòng họ Nguyễn Duy ta, tên húy là Nguyễn Duy Thuần, sau đổi là Nguyễn Duy Hòa - tự Dy Lượng - hiệu Ngạn Khê tiên sinh, Người sinh năm Bính Thìn (1496) triều Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 27, trong một gia đình có truyền thống văn học nhiều đời khoa bảng. Đầu thế kỷ XVI họ Nguyễn làng Nghìn có 3 đại khoa, làm quan đồng triều với nhà Mạc, đó là các cụ:
- Nguyễn Doãn Khâm, đỗ Hoàng Giáp khoa Giáp Tuất (1514)
- Nguyễn Quý Lương, đỗ đồng Tiến Sĩ  khoa Kỷ Sửu (1529)
- Đức Tổ Nguyễn Duy Hoà đỗ Hoàng Giáp khoa Ất Mùi (1535)
Khi còn nhỏ Nguyễn Duy Hòa rất ham học, thiên tính thông minh, lớn lên không những văn chương lỗi lạc mà còn tinh thông binh thư, lý số. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm thường đến đàm đạo cùng Người về binh thư, kinh sử và bộ môn lý số trong tập Thái ất thần kinh, cùng phán đoán thời thế thịnh suy, thiên tạo xoay vần. Lúc ấy cuối triều Lê sơ đang suy tàn, triều đình nghiêng ngả, các quần thần đánh lộn nhau trước cửa Vua, cửa cung cấm, các phe phái xung đột cát cứ từng vùng, thiên tai, bão lũ liên tiếp, nhân dân đói khổ giặc cướp nổi lên khắp nơi. Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, giết vua Lê Cung Hoàng.
* Xin được giải thích: Nhà Lê có 2 thời kỳ: từ Lê Lợi đến Lê Cung Hoàng (1428 - 1527) gọi là Lê sơ, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê ở thời Lê sơ; từ Lê Trang Tông đến Lê Chiêu Thống (1533 - 1789) gọi là hậu Lê hay Lê Trung Hưng.
Cụ Nguyễn Duy Hoà không muốn ra thi với triều Lê sơ suy tàn và chê Mạc Đăng Dung bất chính khi quân, vô đạo vì làm bầy tôi nhà Lê mà giết vua cướp ngôi nhà Lê nên không muốn ra thi với triều Mạc. Sau được cụ Nguyễn Doãn Khâm (cùng làng) lúc đó làm quan với nhà Mạc khuyên nên ra thi vì nhà Mạc có nhiều chính sách tiến bộ, quý trọng hiền tài, trọng văn học. Tuổi ngày càng cao chờ thời không gặp, tài đức không được đem ra giúp nước, uổng phí công sôi kinh, nấu sử. Người và Nguyễn Bỉnh Khiêm xem Thái ất thần kinh, thấy vận số nhà Mạc còn đang vượng thế, nên hai người mới bàn định: (chấp kinh có lúc phải tòng quyền, tùy cơ ứng biến nên chọn thời cơ thi lấy danh tiếng khoa giáp ra làm quan một thời rồi về ở ấn lấy đạo lý, nhân nghĩa mở mang trí tuệ giúp cho người đời). Năm Người 40 tuổi và Nguyễn Bỉnh Khiêm 45 tuổi mới chịu dự khoa thi năm Ất Mùi (1535) triều Mạc Đăng Doanh, khoa này Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên được phong Thái phó Trình Tuyên Hầu. Người đỗ Hoàng Giáp được bổ chức Quan Quang lộc tự Khanh tại triều. Năm 1538 với trí tuệ của một vị Hoàng Giáp, lại có tài thao lược binh thư, văn võ kiêm toàn, được Vua Mạc Đăng Doanh tin dùng giao trọng trách lên trấn thủ đạo Ninh Sóc (gồm Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên và một phần của Tuyên Quang, Lạng Sơn ngày nay), thủ phủ tại Cao Bằng, nơi tuyến đầu của Tổ quốc, xây dựng căn cứ, yên dân để chống ngoại xâm, gìn giữ biên cương vững chắc, bảo vệ triều đình ở Đông Kinh. Xây dựng đạo Ninh Sóc thành vùng biên giới vững chắc lúc ấy rất quan trọng với đất nước nên khi Vua Mạc tiễn chân Người lên Ninh Sóc, có tặng Người bài thơ, trong đó có câu: “ Vạn lý dư đồ nãi nhất Khanh”. Tạm dịch là: Nước non muôn dặm trông cậy cả ở Khanh. Tình hình đạo Ninh Sóc trước khi Người lên trấn thủ:
* Về ngoại bang, Minh Thế Tông (kế vị Minh Thành Tổ) quyết tâm thực hiện ý đồ của vua cha, rắp tâm đánh chiếm nước ta làm quận, huyện. Năm 1536 Minh Thế Tông cử Hàm Ninh Hầu Cừu Loan làm Tổng Đốc  quân vụ, Binh bộ Thượng thư Mao Bá Ôn làm Tham tán quân vụ, Hộ bộ Thị lang Hồ Liên và Cao Công Thiều đốc thúc quân lương ở các vùng Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây; một đạo quân lớn áp sát biên giới nước ta, sẵn sàng cho một cuộc chiến binh đao xâm lược.
* Về nội tình trong nước, vào cuối thời kỳ Lê sơ, đầu Triều Mạc ở vùng xa xôi, hiểm trở này, chính sự đổ nát, nhân dân đói khổ, có nhiều dân tộc làm ăn sinh sống: Tày, Nùng, Sán Chỉ, Dao, Mán, Mèo,…lại thêm một số dân bên kia biên giới cư trú. Đời sống quanh năm ăn ngô, khoai sắn, canh tác nương rẫy, ruộng bậc thang, kinh tế tự cung, tự cấp, cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi đều dựa vào rừng núi, dân đói khổ, trộm cướp khắp nơi, các dân tộc tranh giành quyền lực, đánh lộn, chém giết lẫn nhau, dân giáp biên lấn chiếm đất đai tranh chấp rất hỗn loạn.
* Xin nói thêm, đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài 1.150 km, còn đường biên giới đạo Ninh Sóc giáp với Trung Quốc dài bao nhiêu km thì không biết. Theo tài liệu năm 1970 riêng tỉnh Cao Bằng có 1 thị xã, 10 huyện, 173 xã, mỗi xã miền núi đất đai rộng bằng trên dưới một huyện miền xuôi, mật độ dân cư trung bình 35 người/ km2; (chưa sưu tầm được tài liệu nói về Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Lạng Sơn). Không có tài liệu năm 1538; nên ghi lại tài liệu trên đây để hình dung phần nào về đất đạo Ninh Sóc, khi Cụ lên trấn thủ. Khi đến đạo Ninh Sóc, Người đã tổ chức chấn chỉnh từ phủ, huyện, châu đến các bản làng, ổn định tình hình, dẹp tan bọn trộm cướp, tranh giành quyền lực, ngôi vị; chú trọng nâng cao đời sống đồng bào. Giúp đỡ đồng bào các dân tộc, đồng bào di cư, lánh nạn, cấp đất, giúp đỡ phương tiện cày cấy, bố trí nơi ăn chốn ở cho họ làm ăn sinh sống, mở mang vùng dân cư, phát triển dân số và kinh tế, tổ chức các chợ buôn bán các sản phẩm giao lưu trong vùng và đồng bào bên kia biên giới, nên kinh tế, văn hóa các mặt ngày một phát triển, đời sống nhân dân no ấm, yên vui, đồng bào các dân tộc đoàn kết tin yêu nhau, vô cùng kính mến và biết ơn Người. Về mặt quân sự thành lũy kiên cố, tướng sĩ mưu trí, dũng cảm nên vùng biên giới ngày càng ổn định và vững mạnh. Đường biên giới ta và Tầu luôn được bình yên. Đạo Ninh Sóc đã được Người cùng các quần thần của nhà Mạc xây dựng thành một vùng căn cứ vững chắc, hùng cường bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nơi biên cương của Tổ quốc. Do tài cao, đức trọng, chí kiên cường, lòng thương dân vô hạn và công lao, đức độ Người được Vua Mạc Đăng Doanh phong chức Tổng binh thiên sự; sau được phong tiếp Đô tổng binh đạo Ninh Sóc và ban cho tước “Khuông Mỹ Doãn Tán Trị Đại Phu” (hàng Tứ Phẩm). Năm 1593 quân Lê - Trịnh hành quân ra đánh chiếm Đông Kinh, đánh tan quân Mạc, bắt, giết Mạc Mậu Hợp; tàn quân nhà Mạc chạy lên đạo Ninh Sóc, xây dựng căn cứ, thiết lập bộ máy chính quyền, nhưng không xưng đế, giữ vững được 96 năm (1593 - 1688) với 3 đời (Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Vũ) rồi mới mất hẳn. Chứng tỏ Người lên trấn thủ đã ổn định tình hình, xây dựng đạo Ninh Sóc thành căn cứ vững mạnh cả về kinh tế, chính trị, văn hoá và quân sự. Sử sách vẫn ghi danh công đức vị Hoàng giáp - Đô Tổng binh - Nguyễn Duy Hoà.
Lương đống cao khoa, miếu đường vĩ khí,
Văn trường ao bút trận hàn mặc trì danh,
Suý khổn bỉnh nhung mao anh thanh phi trứ
Khải tiên tri công đức bất thiên,
Dụ hậu tri hiếu tư tăng bí.
Tạm dịch là:
Rường nóc tài cao, miếu đường đức trọng
Văn trường đua sức, tài nghiên bút lẫy lừng
Suý phủ phất cờ, uy danh còn vang động
Mở mang trước, công đức ấy không quên
Truyền lại sau, dạ hiếu tư thêm rộng.
Tiến sỹ - Đông nhạc hầu Nguyễn Duy Hợp (đời thứ 7) phụng soạn.
Đức Thuỷ Tổ Nguyễn Duy Hòa vốn có lòng trung nghĩa, tự tôn dân tộc, bác ái, đạo đức thanh cao, liêm chính, không ham phú quý, chẳng màng quan nha, chán cảnh nồi da nấu thịt…, chiến tranh tàn sát lẫn nhau, nhân dân chết chóc lầm than đói khát, khổ cực.
Đức Tổ Nguyễn Duy Hòa trước đã có ý định ra dự thi lấy danh tiếng khoa giáp làm quan một thời gian rồi về ở ẩn. Năm 1540 Mạc Đăng Doanh mất,  Mạc Phúc Hải còn nhỏ tuổi lên nối ngôi. Bọn quyền thần tranh giành địa vị, quyền lợi, làm nhiều điều ngang ngược, triều đình ngày một kém nát - Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ xin chém 18 viên Quan lộng thần nhưng Vua Mạc Phúc Hải không nghe. Trạng Trình liền từ quan về quê. Vua Mạc vẫn nghe theo bọn gian thần xiểm nịnh giết hại hiền tài, triều đình bên trung, bên nịnh. Nội bộ nhà Mạc thì tranh dành quyền bính, ngôi vị. Khi Vua Mạc Phúc Hải chết, con trưởng là Mạc Phúc Nguyên nối ngôi, Từ Dương Hầu Phạm Tử Nghi mưu lập Mạc Chính Trung lên làm vua không thành, đem Chính Trung ra chiếm cứ miền Yên Quảng chống lại nhà Mạc. (Chính Trung là con thứ hai Mạc Đăng Dung). Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, một số quan chức nhà Lê làm quan với nhà Mạc; nay Lê Trung Hưng đánh chiếm Nghệ An và Thanh Hóa, các hào kiệt theo về nhà Lê rất đông, lòng dân nghiêng ngả, một số cựu thần nhà Lê đã chạy theo nhà Lê. Số còn lại làm quan với nhà Mạc cũng không mấy yên tâm vì bọn gian thần xiểm nịnh dễ bị nhà Mạc nghi ngờ. Vua Mạc Phúc Nguyên nghe lời gièm pha của cha con Phạm Quỳnh, Phạm Dao, vua tôi nghi kị lẫn nhau nên Nam Đạo trưởng Thái tể Phùng Quốc Công Lê Bá Ly và con là Phổ Quận Công Lê Khắc Thân cùng văn thân Lại bộ Thượng thư, ngự sử, đô ngự sử, đông các đại học sĩ Quận công Nguyễn Thiến và Nguyễn Luyện, Nguyễn Miễn đều đem binh bộ tiến vào Thanh Hóa hàng nhà Lê. Tình hình đất nước và triều đình nhà Mạc lúc này rất rối. Khi đó Người con cả của Cụ là Nguyễn Duy Riễn, sau khi đỗ Giải Nguyên được cử theo cha lên trấn thủ ở đạo Ninh Sóc và đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, Cụ bà thương tiếc sinh ốm đau và đã tạ thế tại Cao Bằng. Năm Canh Tuất (1550), Đức Tổ 55 tuổi, sau hơn 15 năm tham chính trốn quan trường, nghĩ trung thần không thờ hai Vua, Đức Tổ vin tuổi cao, cáo quan, trao binh quyền và giao nhiệm vụ cho các thuộc tướng và quan chức các phủ, châu, huyện xây dựng, bảo vệ đạo Ninh Sóc. Người về quê mở trường dạy học, mở mang dân trí, để cháu con nối dõi tiền nhân. Lúc đầu tại xóm Đồng Bến, sau chuyển về Đồng Dạ, cuối cùng là xóm Đường Lâu gần nhà thờ Thủy Tổ hiện nayThế lực của nhà Mạc lúc này vẫn còn mạnh, vùng đất Cụ về thuộc nhà Mạc cai trị, là Tướng nhà Mạc trước khi về đã trao quyền cai quản cho các thuộc tướng và quan chức địa phương. Đạo Ninh Sóc vẫn yên ổn nên nhà Mạc vẫn để Cụ được yên thân ẩn dật thanh thản. Sau khi rời cảnh công hầu khanh tướng trở lại đời thường làm nghề dạy học, với 27 năm giáo huấn và rèn luyện con người, học trò Cụ rất đông ở khắp nơi trong vùng, nhiều người đã đỗ khoa bảng ra làm quan và làm lên nghiệp lớn vào hàng rường cột của triều đình. Cụ vẫn sống một cuộc đời thanh cao, liêm khiết đến khi về chầu tiên tổ. Ngôi nhà gỗ thông chạm long vân, Vua Mạc Đăng Doanh ban tặng cho Người khi đỗ Hoàng Giáp để làm nơi thờ cúng Tổ tiên nay không còn; Người ra đi trong mái nhà tranh dựng trên nền đất cũ, tài sản để lại chẳng có gì giá trị, ngoài tủ sách đầy ắp những pho kinh sử.
Thật là:
Một đời nhân nghĩa sáng trong
Cháu con ghi tạc bia lòng không phai
Xem thường vàng bạc cân đai
Chỉ mong để lại đức dài mai sau.
Người tạ thế ngày 30 tháng 7 năm Đinh Sửu (tức ngày13/8/1577) tại quê nhà; Cụ hưởng thọ 82 tuổi. Tang lễ của Người được học trò, bằng hữu, nhân dân cùng con cháu tổ chức theo nghi thức của bậc các quan đại thần quá cố thời ấy; an táng tại "Xài liên xứ" tức Đồng Rưa phía bắc làng Địa Linh cách nhà thờ 300 m, nhìn về Từ Đường, gối đầu lên hướng yên voi nằm theo thế: “đầu gối sơn, chân đạp thuỷ”. Ngày mồng 4 tháng 4 năm 1976, (theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dồn các bãi tha ma nhỏ, rải rác về nghĩa địa lớn); con cháu có ý định rước Cụ về khu Tượng Phúc ở Mả cả xứ cạnh di tích mộ chí của Tổ tiên “ Mộ Phát Tích”, nhưng khi đào sâu xuống gần 3m thấy một khối chạt lớn (do ở độ sâu, đất cát và nước nhiều rất khó tìm và nghĩ là khối chạt rộng hàng chục mét vuông; năm 2013 xây lại Lăng Mộ Thuỷ Tổ mới có điều kiện thăm, thuốn lại và xác định khối chạt chỉ rộng khoảng hơn 1m2). Khối chạt kết cấu bằng vôi, vỏ sò, cát, đường, mật là vật liệu, những chất kết dính khi xưa. Con cháu càng tin tưởng ở gia phả đã ghi chép về thân thế, sự nghiệp của Cụ cùng lịch sử dòng họ. Việc này chứng tỏ Mộ Cụ được an táng cách đây hơn bốn trăm năm chưa hề suy suyển. Con cháu đã quyết định đắp lại, giữ nguyên đất cũ để bảo tồn nơi thiêng liêng của dòng họ. Năm Kỷ Tỵ và đến tháng 9 năm Canh Ngọ (1989 - 1990) mộ Cụ đã được tôn tạo xây dựng thành Lăng bằng gạch, vôi, cát, trát đá rửa (dài = 2,2m, rộng = 1,58m, cao = 2,45m) trong khuôn viên 16m2, nằm giữa ruộng; đường đi không có, lối vào đi theo bờ mương phí sau rất khó khăn. Năm 2011 một số con cháu Tổ gần, xa (gồm 79 cá nhân và gia đình) bảo nhau góp kinh phí mở rộng diện tích, làm đường bê tông vào khu Mộ Tổ. Hai năm sau (2013) cả dòng Tộc chung tay, góp sức cùng nhau dựng Lăng - Mộ của Thuỷ Tổ bằng đá tự nhiên, nguyên khối thật là khang trang, sạch đẹp. Những khối đá sừng sững với đường nét nghệ thuật độc đáo, kỳ vĩ và uy linh để con cháu thường xuyên nhang khói, tưởng nhớ về Người. (Khu Lăng - Mộ của Thuỷ Tổ có thể nói là những tác phẩm nghệ thuật bằng đá với diện tích = 68,88m2, cao = trên 7 m so với mặt ruộng, nằm trong khuôn viên trên 300m2 cùng với cây xanh, cây cảnh xanh tươi, hoa chổ bốn mùa thường xuyên có chim về bay lượn, ca hót….; Năm 2022 và 2023 xây dựng công viên tiểu cảnh và vườn cây sinh thái, mua thêm 343 m2 nữa. Đến nay tổng diện tích khu Lăng -Mộ của Thuỷ Tổ lên tới trên 600m2. Đây cũng là một địa điểm đáng tự hào của dòng họ chúng ta). Ngôi nhà gỗ thông chạm long vân, Vua Mạc Đăng Doanh ban tặng cho Người khi đỗ Hoàng Giáp (1535) để làm nơi thờ cúng Tổ tiên sau này. Do xâm thực của thời gian đã hỏng khi nào không rõ. Cách đây khoảng 150 năm, cụ Tống Thị Lạng là vợ cụ Lý Ba đời thứ 11, con dâu cụ Nguyễn Duy Hương đời thứ 10 mua hơn 400m2 đất, hiến vào để làm nhà thờ. Năm 1902 cụ Nguyễn Duy Cần đời thứ 11 là con cụ Hương lúc đó làm Chánh tổng đứng lên cùng Dòng họ xây dựng am thờ đến nay vẫn còn và vừa được trùng tu tôn tạo năm 2020 rất khang trang sạch đẹp. Khoảng năm 1920 họ nhà mình mua 5 gian nhà chung của xứ đạo Lai Ổn bằng gỗ lim về dựng 3 gian tiền tế và 2 gian nhà khách. Sau do những thăng trầm, biến cố của lịch sử và xâm thực của thời gian, 2 gian nhà khách không có kinh phí duy tu bảo tồn nên nay không còn. Riêng 3 gian tiền tế qua 4-5 lần trùng tu, sửa chữa bảo tồn nhưng vừa qua cũng đã quá cũ nát do thời gian và ẩm dột. Năm 2018 phát động cả họ cùng chung tay góp sức xây dựng lại các hạng mục: Mua 225m2 mở rộng đất thờ tự; xây dựng mới hai ngôi nhà (Tiền đường, Trung đường), trùng tu Hậu cung (Am thờ). Tổng khoảng 150 m2 bằng gỗ lim chắc chắn, bền đẹp, có họa tiết hoa văn theo nét cổ; sân rộng, cổng tam quan chồng diêm ba mái, đồ thờ tế khí, nội thất, ngoại thất rất đẹp và đồng bộ. Đến nay, công trình thế kỷ của Họ ta đã cơ bản hoàn thành, tương đối hoành tráng, thâm cung và uy linh, phần nào đền đáp được công ơn, đức độ của Thủy Tổ cùng các bậc tiền nhân! (Tổng trị giá công trình kể cả chi cholễ khánh thành gần 3 tỷ 500 triệu đồng).
Kính thưa các quí vị! Sự nghiệp của Người thật vinh quang hiển hách, công lao của Người đối với dân với nước to lớn biết nhường nào; Người đã ra đi 446 năm qua nhưng tên húy, tên hiệu của Người vẫn được lưu tại “Lịch triều đăng khoa lục” Văn miếu Quốc Tử Giám và khắc trên (Bản huyện tiên hiền duệ hiệu bia ký) lưu tại Văn chỉ hàng huyện, từ thời Lê Trung Hưng, nay chuyển về Di tích Lịch sử - Văn hoá Quốc gia - Đình Đông Linh. Đặc biệt đã được lắng đọng trong tâm khảm của mỗi con người chúng ta và lưu truyền cho mãi đời sau.
Hoàng Giáp Nguyễn Duy Hòa kết hôn với Cụ bà người họ Nghiêm quê Tây Mỗ xã, Từ Liêm huyện, Sơn Tây tỉnh, (nay thuộc thủ đô Hà Nội). Cụ bà tạ thế tại Cao Bằng, do không thể nhớ ngày Cụ mất nên con cháu lấy ngày 30 tháng 7, ngày Cụ ông mất là ngày giỗ chung của cả hai Cụ.
Hai Cụ sinh được 3 người con.
1. Cụ Nguyễn Duy Riễn
2. Cụ Nguyễn Duy Tân
3. Cụ Nguyễn Duy Trạch
Dòng họ Nguyễn Duy đời đời ghi tạc tấm gương thanh liêm, bình di, trung chính, chí nhân. Một người tài cao, đức trọng với chí kiên cường, lòng thương dân vô hạn. Người đã sinh ra và làm rạng danh cho dòng họ Nguyễn Duy mình. Đó là di sản của Người để lại cho muôn đời sau. Đã 527 năm qua, các thế hệ con cháu luôn tưởng nhớ và nguyện theo gương Đức Tổ, gắng sức phấn đấu vươn lên. Ví thể: cụ Nguyễn Duy Cúc, còn có tên là Nguỵ Nguyễn Công (1710-1769) là Hồng Lô Tự Tự Khanh nghĩa là "Lò lửa hồng dạy dỗ, rèn luyện con người thành tài". Cụ Ng. Duy Hợp, sinh năm 1745, đời thứ 7, đỗ Tam Giáp đồng Tiến sĩ năm 1772 là: (Lê triều Đại tướng, Trấn thủ Sơn Lam). Thiếu tướng Ng. Duy Thái (1914-1995), đời 13, đỗ cử nhân thời Pháp, từng giữ nhiều chức vụ trong quân đội rồi lên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, rồi Thứ Trưởng Bộ Cơ khí luyện kim, Thứ trưởng Bộ Lao động… và là Đại biểu Quốc hội Khoá III. Được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng nhất; nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quý khác… Có 5 Lão thành Cách mạng: cụ Tâng, cụ Lữu, cụ Ngấn, cụ Chuân đời 12 và cụ Ứng đời 13. Cụ Nguyễn Duy Tâng là một trong những người sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình. Đông Linh hiện nay có ba con đường thì cả ba đều mang tên các danh nhân của Dòng họ mình là: Đường Ng. Duy Hòa, Ng. Duy Hợp và Ng. Duy Tâng. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, đến nay đã có 1 phó giáo sư, 13 tiến sĩ, 75 thạc sĩ, 356 cử nhân thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Nhiều người đảm nhiệm cương vị, trọng trách lớn trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và doanh nghiệp lớn. (Có 1 cán bộ cấp thứ trưởng của 2 bộ, 5 cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và huyện, 3 Bí thư Đảng uỷ xã, hàng chục giám đốc, phó giám đốc các nhà máy xí nghiệp và doanh nghiệp nhà nước. Trong LLVT có 1 sỹ quan cấp tướng; 15 đại tá và nhiều sỹ quan cao cấp khác). Người ở quê cần cù, thông minh sáng tạo trong lao động sản xuất xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, gia đình hạnh phúc, thường xuyên chăm lo cho con cháu học hành ngày một tiến lên.
Kính thưa toàn thể các vị thành viên trong họ, tưởng nhớ về Người! Phát huy truyền thống của cha ông, dòng họ chúng ta hãy đoàn kết hơn nữa, chăm lo, nuôi dạy con, cháu thật tốt, noi gương Đức Thuỷ Tổ để góp phần làm nên nghiệp lớn. Xin kính chúc các cụ, các ông bà, cô chú, anh chị em và các cháu mạnh khoẻ, học tập, công tác tốt, lao động sản xuất, kinh doanh thu được nhiều thắng lợi, hạnh phúc, an khang và thịnh vượng.
Kính thưa các cụ, các ông bà, cô bác, anh chị và các cháu!
Cung ruy Thủy Tổ
Lương đống cao khoa miếu đường thụy khí
Văn trường ao bút trận hàn mặc trì danh
Súy khổn binh nhung mao anh thanh phi trứ
Khải tiên tri công đức bất thiên
Dụ hậu tri hiếu tư tăng bí
Tự tại thu nguyên thích lâm nhật húy
Báo bản phản thủy phụng tiên tri lễ số kiền cung
Tuy viễn cảm thời thiết chế chi tôn thân đình tự
Phục vọng giám hâm khúc thùy phúc chỉ.
Cẩn cáo !
Dịch nghĩa: (tạm dịch)
Lòng kính cẩn tưởng nhớ Thủy Tổ,
Người dày công học rộng đỗ cao.
Xưa nay chính khí còn nghi ngút tại Từ đường và Văn miếu
Trên trường văn, cây bút lỗi lạc tên tuổi
Tài thao lược điều binh khiển tướng tiếng tăm lừng lẫy một thời.
Công đức người khai sinh ra dòng họ.
 Sáng chói từ buổi đầu không bao giờ mờ phai.
Hiếu tư là bí quyết soi đường
 dẫn dắt chỉ bảo con cháu các đời sau vẫn sáng ngời.
Hôm nay trời đất thay đổi.
Mùa thu đã đến, nhớ ngày Giỗ Tổ uống nước nhớ nguồn.
Ngoài việc thờ phụng tôn nghiêm và noi gương chí hướng Người.
Con cháu thắp đèn sáng hương thơm,
xum vầy đông đủ trước bàn thờ tưởng niệm Người.
Xin kính dâng lên Người tấm lòng thành kính và hiếu thảo.
Mong người chứng nhận cho.
Cẩn cáo !
  VĂN TẾ THỦY TỔ
Giỗ ngày 30 tháng 7 âm lịch
( Do Tiến sỹ - Đông nhạc Hầu - Nguyễn Duy Hợp cháu đời thứ 7 của Thủy Tổ biên soạn bằng chữ hán, nay ghi lại bằng chữ quốc ngữ.) Người dịch: Cụ Nguyễn Duy Ứng cháu đời thứ 13 của Thủy tổ Hoàng giáp Nguyễn Duy Hoà!
                                     Xin trân trọng cảm ơn!
 

* DANH MỤC TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU VÀ THAM KHẢO:
1. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội năm 1998;
2. Lịch triều Đăng khoa lục;
3. Văn miếu Quốc tử giám;
4. Bản huyện tiên hiền duệ hiệu bia ký, Văn chỉ hàng huyện, thời Lê Trung Hưng (bia đá được lưu giữ tại Di tích Lịch sử - Văn hoá Quốc gia, Đình Đông Linh, An Bài, Quỳnh Phụ, Thái Bình);
5. Hành chính Việt Nam thời Lê sơ (Bách khoa toàn thư);
6. Chính quyền Địa phương thời nhà Mạc của Đinh Khắc Huân, Viện nghiên cứu Hán nôm;
7. Gia phả dòng họ Nguyễn Duy do Cụ Nghè – Tiến sĩ Đông Nhạc Hầu Nguyễn Duy Hợp phụng soạn;
8. Một số tạp chí, sách báo và tài liệu khác./.
* Người viết Nguyễn Duy Nhân, sinh năm Tân Sửu (1961), hậu duệ đời thứ 14, dòng họ Nguyễn Duy, làng Nghìn, An Bài, Quỳnh Phụ, Thái Bình.

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,247
  • Tổng lượt truy cập808,161
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây