Khu lăng mộ Đức Thủy Tổ Hoàng Giáp Nguyễn Duy Hòa
Gia đình:
Là một thiết chế xã hội gồm những thành viên khác giới thông qua hôn nhân mà có và qua gia đình để thực hiện các chức năng sinh đẻ, kinh tế, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng …
Dòng họ là một thiết chế xã hội cổ truyền, gồm nhiều gia đình cùng huyết thống, có từ lâu ở nước ta. Họ của các dân tộc không giống nhau do điều kiện lịch sử, kinh tề, xã hội, tập quán khác nhau.
Khi có con cái thì các thành viên liên kết nhau bằng các quan hệ hôn nhân và di truyền, Hôn nhân là ngẫu nhiên, di truyền là tất yếu. Gia đình là một phạm trù lịch sử, thay đổi và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội.
Về hôn nhân:
Quần hôn (cha mẹ chung) và hôn nhân cá thể. Có gia đình mẫu hệ, gia đình phụ hệ, tiểu gia đình (hai thế hệ) và đại gia đình (ba thế hệ trở lên). Tiểu gia đình vừa là đơn vị kinh tế vừa là tế bào xã hội.
Từ khi chuyển qua chế độ phụ quyền có sự bất bình đẳng nam nữ. Xã hội có giai cấp, sự bất bình đẳng nầy càng nặng nề, phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, và yêu cầu phải được giải phóng. Hiện nay có sự quan hệ tình dục không cần hôn nhân, không xây dựng gia đình, nguy cơ đồng tính luyến ái, bệnh AIDS, sinh con theo phương pháp “vô tính”, theo quan điểm hiện nay, là vi phạm đạo đức.
Lành mạnh hóa gia đình gắn với lành mạnh hóa dòng họ, xây dựng gia đình văn hóa gắn với việc xây dựng dòng họ văn hóa. Kế hoạch hóa gia đình là một quốc sách.
Luât Hôn nhân và Gia đình (1986), luật Dân sự, luật Bảo vệ Trẻ em là những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng gia đình-dòng họ kiểu mới: “Tiến bộ - một vợ một chồng - nam nữ bình đẳng- bảo đảm hạnh phúc con cái”. Ta nêu thêm: “Kính trọng, tôn thờ tổ tiên và tạo phúc lâu dài!”
Dựng gia phả, phục hồi ngành gia phả là biện pháp tích cực góp phần xây dựng gia đình - dòng họ văn hóa, phải nâng nó lên cho đúng tầm với xã hội ngày nay.
Dòng họ:
Một ít dân tộc Việt Nam là theo họ mẹ, còn hầu hết theo họ cha. Người cùng một họ, có vị tổ chung gọi là “thần chủ tổ tiên”. Một ít trường hợp là sống tập trung, đa số các gia đình cư trú xen với các gia đình, dòng họ khác trong một làng, xóm. Đây cũng là tổ quán của dòng họ..
Dòng họ không phải là đơn vị kinh tế, tuy nhiên dòng họ có phần ruộng, gọi là ruộng hương hỏa, ruộng ky. Có nơi có nhà thờ họ chung. Người ba đời trong họ không được lấy nhau, (trừ triều Trần có tập tục nội hôn, cho lấy nhau để bảo vệ ngai vàng)
Dòng họ có nghĩa vụ đoàn kết, tương trợ nhau và có nghĩa vụ thờ phụng tổ tiên mình.
Họ tộc có nhiều Chi, Phái, Tiểu chi, có Trưởng họ. Người con trưởng của Chi trưởng làm trưởng họ, nếu chết, người con trưởng chi kế thay.
Mỗi họ có nhà thờ họ, nhà thờ chung gọi là từ đường, nhà thờ tổ. Họ lớn có nhiều chi, mỗi chi có nhà thờ chi. Cũng có nhiều họ không có nhà thờ. Hằng năm có một ngày giỗ tổ, thường gọi là ngày giỗ họ, giỗ tổ...
Mỗi họ có hoặc không có gia phả, tộc phả. Hiện nay đang có phong trào rất quí là đi tìm, kết nối nhận họ và dựng phả ở từng dòng họ, chi họ, với mục đích vĩnh tồn tôn thống, giáo dục truyền thống gia đình-dòng họ, Chúng ta kiến nghị với Nhà nước, ngành văn hóa, ủng hộ phong trào nầy một cách tích cực, mạnh mẽ hơn nữa..
Làm gia phả trước hết phải hiểu thấu đáo dòng họ.
Các họ ở Việt Nam hiện nay: Chế, Lang, Man, Thiên, Ôn, Ông, Ma…gốc Chăm; Danh, Thạch, Sơn …gốc Campuchia; Duôn, Du, Dham, Nie từ Êdê. Hiện nay ta chưa có thống kê đầy đủ, song có thể nói có trên 300 họ của Việt Nam, hay hơn nữa.
Họ Việt Nam có từ thời cổ.
Việc đặt tên, chữ lót:
- Húy (tên đẻ): tên cha mẹ đặt để ghi vào sổ sách, gia phả, con cái không được gọi.
- Thụy (hèm): khi chết do vua đặt hoặc do người trước khi chết dặn đặt.
- Hiệu: tên riêng tự chọn.
- Tự: tên theo tập quán từng vùng. Tên tước do vua ban..
- Bí danh: do đi kháng chiến đặt.
Khái niệm gia phả là gì?
Gia phả là quyển sách, quyển tập ghi chép tên tuổi, kỷ sự (tiểu sử thu gọn), ghi ngày sinh, ngày tử, vị trí phần mộ và ngày lập mộ (đã chết)…của từng người trong họ, theo thứ tự các đời.
Từ điển Hán-Việt Đào Duy Anh định nghĩa gia phả là: “Sách ghi thế hệ trong họ và lịch sử tổ tiên”.
Gia phả xuất hiện ở phương Đông và phương Tây từ xưa. Trung Quốc: thời Chiến Quốc với quyển “Thế bản”. Thời Ngụy, thời Tần phát triển mạnh. Việt Nam: năm 1026, vua Lý Thái Tổ ra lệnh soạn Ngọc điệp (Phả Vua). Các tư gia, thế gia vọng tộc cũng biên soạn gia phả.
Nội dung gia phả gồm có:
Chính phả: có phả ký, phả hệ và phả đồ.
Ngoại phả: ghi nhà thờ tổ, việc cúng bái, văn khấn, ghi khu mộ, ghi danh sách học vị các thành viên đỗ đạt, ghi tiểu sử một số thành viên nổi bật, ghi quan hệ hôn nhân cưới gả với dòng họ nào….
Phụ khảo: ghi địa chí thôn, xóm, đình miếu, chợ búa, bến đò….
Nghiên cứu gia phả là khoa học, thực hành gia phả là thiêng liêng. Phải công phu, nghiêm túc trong việc dựng phả. Gia phả là tư liệu quí giá cho dòng họ, nhà sử học, dân tộc học.