Bốn danh nhân văn hóa, văn sỹ nổi tiếng Việt Nam viết về người Thái Bình, đất Thái Bình

Chủ nhật - 29/10/2023 18:36 134 0

Bốn danh nhân văn hóa, văn sỹ nổi tiếng Việt Nam viết về người Thái Bình, đất Thái Bình

Bốn danh nhân văn hóa, văn sỹ nổi tiếng Việt Nam viết về người Thái Bình, đất Thái Bình

Xưa nay có nhiều người viết về “người Thái Bình, đất Thái Bình” trong đó có 4 danh nhân văn hóa, danh sĩ đã làm rể hoặc từng tá túc ở Thái Bình viết về chủ đề trên, đó là: Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380-1442), Nguyễn Du (1765-1820), danh sĩ Ngô Thì Nhậm (1746-1803), Phạm Thái (1777-1813).
Trong số ấy chỉ có Nguyễn Trãi không sống ở Thái Bình, còn Nguyễn Du sống tới 10 năm, Ngô Thì Nhậm 5 năm và Phạm Thái cũng có nhiều năm sống và yêu con gái Thái Bình. Chưa thấy Nguyễn Du viết về người vợ đã có với ông 4 mặt con nhưng ông viết về nơi ông đã từng sống, ba người còn lại đã viết về những người mình yêu, viết về vùng đất mình đã sống với những tình cảm chan chứa yêu thương, kính trọng…xin giới thiệu về các ông và một số sáng tác của các ông về “người Thái Bình, đất Thái Bình”.
1. Nguyễn Trãi (1380-1442)
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, quê làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), ông đỗ Thái học sinh năm Canh Thìn (1400) thời Hồ Quý Ly, rồi ra làm quan với nhà Hồ. 

Ban thờ Danh nhân văn hóa, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Năm 1407, giặc Minh xâm lược, ông bị bắt, bị giam lỏng ở thành Đông Quan (Hà Nội), chính trong dịp này ông đã gặp Nguyễn Thị Lộ (1390-1442), người làng Hải Triều (làng Hới) huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Cuộc gặp giữa hai người đã để lại một giai thoại văn học truyền đời, gặp cô gái bán chiếu, Nguyễn Trãi đặt câu hỏi:
Cô ả từ đâu bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân thu mấy độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa, hỏi mấy con?
Ông được cô gái trả lời bằng những vần thơ họa lại chính những câu thơ của ông:
Thiếp ở Hải Hồ bán chiếu gon.
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân thu nay mới đôi mươi lẻ
Chồng chòn chưa có hỏi chi con?
Cuộc gặp đã giúp ông bà nên vợ, nên chồng, rồi Nguyễn Trãi đưa Nguyễn Thị Lộ vào Lam Sơn cùng tham gia giúp Lê Lợi chống giặc Minh. Ở Lam Sơn, Nguyễn Thị Lộ dạy các nghĩa sĩ học chữ, Nguyễn Trãi làm tham mưu cho Lê Lợi và giúp Lê Lợi thảo các văn thư gửi tướng giặc Minh. 
Sau mười năm “nếm mật nằm gai” Lê Lợi đánh thắng giặc minh, Nguyễn Trãi viết Bình ngô đại cáo công bố chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta, nền độc lập dân tộc được khôi phục.
Đánh thắng giặc Minh, Lê Lợi lên làm vua (1428), Nguyễn Trãi được ban tước Quan Phục hầu, giữ chức Thừa chỉ, được ban Quốc tính (Lê Trãi). Nguyễn Trãi giúp Lê Lợi xây dựng chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa…Lê Lợi mất, Lê Thái Tông lên thay (1433), Nguyễn Thị Lộ được vời vào cung, phong làm Lễ nghi học sĩ, người nữ học sĩ đầu tiên ở Việt Nam.
Hai ông bà hết lòng giúp vua Lê Thái Tông trị nước. Nguyễn Trãi để lại cho đời các tác phẩm Bình Ngô đại cáo, Quân Trung từ mệnh tập, Ức Trai dư địa chí, Ức Trai di tập, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Ngọc Đường di cảo… Ngoài những vần thơ đối đáp trong ngày đầu gặp gỡ, Nguyễn trãi còn có thư gửi Nguyễn Thị Lộ, người thiếp mà ông tâm đồng ý hợp nhưng phải xa cách khi ông về ở ẩn Côn Sơn, còn bà vẫn ở trong triều. Bài thơ tỏ rõ nỗi lòng của ông khi xa vợ, khuyên bà giữ trong trắng:
… Có kẻ tình ngoại giết chồng nào sợ tuổi xanh lồng lộng
Có người mê chơi, bỏ nghĩa, chẳng hay vầng nhật sáng choang
Giữa trần ai, ai biết người quân tử
Trong đám ngọc, ai biết đá vũ phu
Thân không chính lấy thân, khổ thay khi duyên tủi phận
Nghĩa chẳng còn là nghĩa, chỉ toan oán trời, trách người!
Trách kẻ lòng sơ!
Riêng ta bền chí
Luống than thở mà rằng:
Nói, làm tương ứng vốn người quân tử bản tâm
Chí khí trưng cầu, thật kẻ trượng phu ý nguyện
Thời vốn có sau, có trước,
lý không sau không trước
Đời vẫn có xưa, có nay, lòng không xưa, không nay.
Năm 1442 sau cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông, những kẻ vốn hiềm khích với Nguyễn trãi đã tạo dựng vụ án “Lệ Chi viên” đưa đến cái chết thảm khốc của ông bà và những người thân thuộc (tru di tam tộc). Hai mươi năm sau (1442-1463) vua Lê Thánh Tông và triều đình lúc đấy mới giải cứu được nỗi oan, khôi phục chức tước cũ cho ông.
2. Nguyễn Du (1765-1820)
Cuộc đời của Nguyễn Du từ buổi thiếu thời đã có nhiều mối tình nhưng mối tình thực sự của nhà thơ là cô gái làng Hải An (láng Hới), tổng Tang Giá, huyện Quỳnh Côi (nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ). Đây là mối tình môn đăng hộ đối giữa con quan tả tướng quốc Nguyễn Nghiễm và con quan Thiêm Đô ngự sử Đoàn Nguyễn Thục (khi mất được truy phong Đô ngự sử).
Các tài liệu có được về cuộc chung sống của Nguyễn Du với Đoàn Thị rất ít, ta chỉ hiểu Đoàn Thị qua thái độ ứng xử của Nguyễn Du đối với bà.
Việc Nguyễn Du về quê vợ ở 10 năm (1786-1796) có người cho rằng Nguyễn Du “chạy loạn”, có người cho rằng để ông quên đi mối tình với cô lái đò sông Nhị. Song có một thực tế là Nguyễn Du sống ở Thái Bình 10 năm, trong thời gian ấy, bà Đoàn Thị đã sinh cho nhà thơ 4 người con (ba gái, một trai) nhưng cả 3 lần sinh đầu đều chết yểu, đến lần thứ tư (1792), bà sinh cho ông một người con trai, đặt tên là Nguyễn Tứ, hiệu Hạo Như.
Hạo Như học giỏi, thông minh, năm 1813 khi sang sứ nhà Thanh ông đã cho con trai cùng đi. Năm 1795 bà Đoàn Thị qua đời, năm 1796, Nguyễn Du rời Thái Bình tìm về Hà Tĩnh nơi quê cha đất tổ.
Mười năm sống ở Thái Bình của Nguyễn Du là 10 năm sống nghèo đói, bệnh tật, các nhà nghiên cứu, các nhà thơ xưa gọi là “Thập tải phong trần” nhưng chính cuộc sống ấy đã giúp ông viết nên những vần thơ, những tác phẩm văn học để đời về lòng thương cảm của ông với những người cùng cảnh ngộ, những kiếp người bị đầy đọa, trong đó có “Truyện Kiều”, tác phẩm đã đưa ông lên hàng “Danh nhân văn hóa thế giới”.
Những năm ở Thái Bình, Nguyễn Du đã có những sáng tác về Quỳnh Hải (huyện Quỳnh ở biển) như “Quỳnh Hải nguyên tiêu” (Đêm nguyên tiêu ở Quỳnh Hải. Lời thơ có thoáng một gợn buồn nhưng vẫn tràn đầy ánh trăng rằm tháng giêng trên bầu trời cùng như trên sân nhà vợ
Nguyên tiêu sân vắng nguyệt đầy trời
Vẫn thế Hàng Nga sắc chẳng phai
Muôn dặm Quỳnh Châu tròn bóng ngọc
Một bầu xuân tứ rớt nhà ai?
(bản dịch của Đào Duy Anh)
Bài “Xuân nhật ngẫu hứng” (Ngẫu hứng ngày xuân) cũng viết ở Quỳnh Hải, hai câu cuối bài thơ chứng tỏ Nguyễn Du rất thân với người và cảnh nơi đây. Ông viết:
Miếu làng tất tưởi ông hàng xóm
Uống rượu, ăn cam, say chẳng về=
3. Ngô Thì Nhậm (1746-1803)
Ngô Thì Nhậm quê ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội). Ông đỗ tiến sỹ năm 1775, làm quan trải hai triều Lê và Tây Sơn. Ngô Thì Nhậm vừa giỏi văn, vừa giỏi võ, ông từng nói “Không thể tách văn ra khỏi võ, văn võ là một”.
Tài năng của ông được thể hiện khi gần 30 vạn quân Thanh ồ ạt sang xâm lược nước ta, ông đã tham mưu đưa quân về Tam Điệp (Ninh Bình) chốt giữ, đợi Quang Trung đưa quân từ miền Trung ra mới phản công đánh bại quân Thanh. Dưới triều Quang Trung ông làm Thượng thư bộ Lễ, từng được cử sang sứ nhà Thanh, có nhiều công lao với vương triều Quang Trung.
Ngô Thì Nhậm làm rể họ Đinh ở xã Đông Nhuế, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương (nay là xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương), trong lúc triều đình Lê - Trịnh hỗn loạn, anh em họ Trịnh (Trịnh Cán, Trịnh Tông) đánh lẫn nhau, Ngô Thì Nhậm đã chạy về quê vợ. Tại quê vợ ông đã đến thăm chùa Vân Môn (Vũ Vân, Vũ Thư), ông lấy cảnh chùa để nói lên cảnh triều đình lúc ấy:
“Bếp oan rêu đã phủ đầy, nhà sư không còn đó.
Mưa hắt vào ướt cửa Phật, Phật vẫn ngồi lặng thinh
Đêm khuya canh vắng khách lui tới nhiều ít.
Đôi mắt trí tuệ của Phật có nhìn thấy lũ côn đồ không?”
Ông có đến ở am Lệ Trạch (nay thuộc xã Việt Thuận) và viết sách “Xuân Thu quản kiến”. Trong lời tựa sách, ông viết: “Tôi gặp buổi gian nan, lánh đời 5 năm” như vậy, Ngô Thì Nhậm đã ở Đông Nhuế năm năm, đọc scahs và ngẫm sự đời, sau đó ông đã đến với Nguyễn Huệ, phục vụ triều đình Quang Trung, ông là một nhà trí thức đến với Nguyễn Huệ sớm nhất.
Ngô Thì Nhậm có bài thơ Nhớ vợ:
Hối chẳng chồng cày, vợ xách cơm
Giàu sang chi để lụy nàng ôm
Thẹn xưa lầm bước ta vướng nạn
Thương buổi lên đường mẹ ẵm con!
Tháng 8 trăng thu treo mái vắng
Canh ba sông Hán chếch song dòm
Về Huề trọn nghĩa xuân thu ấy
Một mảnh tình chung sắt với son.
(Khương Hữu Dụng dịch)
4. Phạm Thái (1777-1813)
Trương Quỳnh Như người làng Thanh Nê, tổng An Bồi, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương (nay là thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương), con gái tiến sỹ Trương Đăng Quỹ (1773-1813), một người nổi tiếng chính trực, thanh liêm. Quỳnh Như đẹp người, đẹp nết có tài làm thơ, được nhiều người biết đến qua truyện “Sơ kính tân trang” (lược gương đồ trang sức mới) của Phạm Thái.
Phạm Thái là bạn của Trương Đăng Thụ, anh trai Quỳnh Như, vì Trương Đăng Thụ đột ngột qua đời khi đang làm quan ở Lạng Sơn, Phạm Thái về Thanh Nê viếng bạn, vì mến tài của Phạm Thái, Trương Đăng Quỹ đã giữ Phạm Thái ở lại làm gia sư.
Trong thời gian ấy, Phạm Thái đã gặp Trương Quỳnh Như và hai người đã yêu nhau nhưng vì mối tình không “môn đăng hộ đối” nên mẹ Trương Quỳnh Như đã không cho hai người lấy nhau, Quỳnh Như đã tìm đến cái chết để phản kháng, để nói lên lòng chung thủy của mình. Quỳnh Như chết, Phạm Thái bỏ đi ở chùa và ông viết Sơ kính tân trang, kể lại mối tình của ông và Trương Quỳnh Như. Qua truyện, Quỳnh Như được miêu tả là người con gái đẹp đến mức “chim sa cá lặn”:
Chiều cá nhẩy, vẻ nhạn sa
Mắt long lanh nguyệt, tóc rà rà mây
Và:
Thị thành đã mấy ai đâu
Nguyệt vi kém giá, xuân lâu ít tàn
Chính vì mối tình với Phạm Thái đã thúc đẩy Quỳnh Như sáng tác. Những vần thơ nàng viết cho Phạm Thái không chỉ là tâm trạng riêng mà là tâm tư chung của những người phụ nữ đương thời muốn được yêu, muốn được phá bỏ mọi ràng buộc của lễ giáo phong kiến vì vậy Quỳnh Như được đánh giá là một nữ sĩ. Sách “nữ lưu văn học sử” chép 12 bài tả về nỗi nhớ người yêu của Trương Quỳnh Như qua 12 giờ trong ngày và đêm theo cách tính: Tý, Sửu… đến Hợi. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là hiện tượng “có một không hai” trong xã hội lúc bấy giờ. Quỳnh Như chết, Phạm Thái khóc nàng với bao đau đớn. 
Quỳnh Như chết, Phạm Thái khóc nàng với bao đau đớn: “Nương tử ơi, đau thương ấy bởi vì đâu? Cho đến nỗi hoa rơi, lá rụng, ngọc nát, châu chìm! Chua xót cũng bởi vì đâu, não nuột cũng bởi vì đâu?” (Văn tế Trương Quỳnh Như do Phạm Thái viết).
















 

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,178
  • Tổng lượt truy cập808,092
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây