Huyện Quỳnh Phụ là một minh chứng điển hình

Thứ tư - 18/10/2023 17:53 71 0

Huyện Quỳnh Phụ là một minh chứng điển hình

Tục làm bánh chưng của làng Đông Linh, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ là một minh chứng điển hình.
Là miền quê có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, trong tiến trình phát triển của đất nước, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của Quỳnh Phụ được phát huy và ngày càng khẳng định. Trong số các giá trị văn hóa độc đáo ấy có những hoạt động mang tính tục lệ đã được duy trì nhiều đời trở thành nỗi nhớ của bao thế hệ người con xa quê mỗi khi tết đến xuân về. Và tục làm bánh chưng của làng Đông Linh, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ là một minh chứng điển hình.
Làng  Đông Linh có tên nôm là làng Nghìn nay thuộc thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ với nhiều mỹ tục, trong đó có tục bánh chưng. Bánh chưng được làm ra trước là để dâng lên các vị thành hoàng, sau sẽ được chia đều cho mọi người trong làng. Ngày nay, tục được tiến hành duy nhất trong năm vào rằm tháng hai âm lịch. Việc làm bánh chưng được làng phân công cho từng xóm, riêng làng sẽ phải hoàn thành chiếc bánh lớn nhất ngay tại đình làng. Đình làng Đông Linh nằm giữa khu vực dân cư đông đúc. Đình gồm 3 tòa nhà gồm tòa đại bái, tòa đình trung và tòa cung cấm. Tòa đình trung là chốn linh thiêng để dân làng dâng hương vào ngày mùng 1, ngày rằm và ngày hội làng. Hội làng là không gian thiêng liêng của tục bánh chưng cổ truyền độc đáo.

Bánh chưng làng Nghìn có khá nhiều công đoạn: đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ để làm bánh. Nguyên vật liệu làm bánh gồm có nếp cái hoa vàng, đổ xanh, thịt lợn và các gia vị như tiêu bắc, muối tinh khiết… cùng lá dong và dây lạt. Bánh chưng làng Đông Linh được làm khác bánh chưng thường là có kích cỡ khổng lồ vì thế khi luộc bánh phải dùng loại nồi rất to. Chiếc nồi được cấu tạo làm 3 phần tách rời nhau: phần thân dưới cùng, phần thân trên và vung nồi.
Gói bánh là cả một nghệ thuật. Trước khi bắt tay vào công việc gói bánh, dân làng Đông Linh phải làm thủ tục xin phép và thông báo tới các vị tôn thần. Sau khi làm thủ tục xin phép các vị thần, những dây lạt được đặt xuống ngay ngắn, tiếp theo làng mời một cụ già xếp bốn tàu lá dong quay về bốn hướng để chỉ các phương  Đông - Tây - Nam - Bắc. Lớp gạo trắng được đổ xuống dàn đều, sau đó đến lớp đỗ xanh và cuối cùng là lớp nhân thịt... Từng động tác vuốt lá, xoắn dây được các già làng làm hết sức công phu, cẩn trọng. Bánh chưng gói xong có cạnh vuông vắn, hình dáng khum khum, nặng khoảng 100kg được đặt vào chiếc nồi cực to... Thời gian luộc bánh ước chừng trọn 1 ngày - đêm…
Theo định lệ, sáng ngày 14, sau tiếng trống trong đình vang lên chiếc bánh to nhất được kính cẩn đặt lên ban thờ các vị thần. Việc chia bánh được thực thi ngay tại đình. Bánh chưng làng Nghìn có hương vị thơm ngon rất riêng.
Cùng với nhiều hoạt động trong hội làng ở Đông Linh tục bánh chưng - là di sản văn hóa quý giá của cộng đồng người Thái Bình. Tục mang tính biểu trưng phản ánh nền văn minh  lúa nước; thể hiện sự biết ơn với những vị có công lao với dân, với nước và ước vọng nhân văn của người dân quê lúa. Và những sức bật từ truyền thống, từ những thế mạnh của đất và người Quỳnh Phụ, thị trấn An Bài đã và đang vươn lên giành nhiều thành tựu quan trọng trong thời kỳ hội nhập

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hiền

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,003
  • Tổng lượt truy cập807,917
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây