Chúa Nguyễn Hoàng (1525-1613) người mở mang bờ cõi

Chủ nhật - 29/10/2023 18:53 190 0

Chúa Nguyễn Hoàng (1525-1613) người mở mang bờ cõi

Chúa Nguyễn Hoàng (1525-1613) người mở mang bờ cõi
Chân dung Chúa Nguyễn Hoàng 2023
Chúa Nguyễn Hoàng (1525-1613) 
Nguyễn Hoàng (sinh tại Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa) là con trai thứ 2 của Nguyễn Kim (1468 - 1545) và Bà Chính thất Nguyễn Thị Mai, con gái của Nguyễn Minh Biện (quê ở làng Phạm Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương).Theo phả hệ họ Nguyễn ở Gia Miêu, ông là hậu duệ của Nguyễn Bặc. Năm 1527, xảy ra sự biến Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê Cung Hoàng, lúc ấy Nguyễn Hoàng mới lên 2 tuổi. Nguyễn Kim đã phải tránh sang Lào, xây dựng lực lượng, tìm cách khôi phục nhà Lê. Nguyễn Kim để Nguyễn Hoàng lại cho em ruột là Nguyễn Ư Dĩ nuôi dưỡng. Lúc Nguyễn Hoàng 20 tuổi, Nguyễn Ư Dĩ thường khuyên Nguyễn Hoàng lập công danh sự nghiệp. Nguyễn Hoàng làm quan dưới triều Lê, lúc đầu được phong là Ha Khê hầu, cầm quân đánh Mạc Phúc Hải (con trưởng Mạc Đăng Doanh), chém được tướng là Trịnh Chí ở huyện Ngọc Sơn, được vua khen:Thực là hổ phụ sinh hổ tử.
Dưới triều Lê Trung hưng, ông là một tướng tài lập nhiều công lớn, được vua Lê Trung Tông phong tước Thái úy Đoan Quốc Công.
Năm 1545, cha ông là Nguyễn Kim bị Dương Chấp Nhất đầu độc, quyền lực trong triều rơi vào tay anh rể ông là Trịnh Kiểm. Anh cả là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết, do lo sợ bị anh rể lúc đó đang kiểm soát binh quyền của nhà Hậu Lê sát hại đã cho người tìm đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để xin lời khuyên, Trạng Trình đã nhìn hòn non bộ và ngâm rằng: Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân. Hiểu ý câu thơ của Trạng Trình, Nguyễn Hoàng nhờ chị ruột mình là bà Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin với Trịnh Kiểm cho ông được vào trấn thủ ở Thuận Hóa (là khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế ngày nay). Trịnh Kiểm thấy Thuận Hóa là nơi xa xôi, đất đai cằn cỗi nên đồng ý tâu với vua Lê Anh Tông cử Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa (1558).
Năm 1558, Nguyễn Hoàng và gia quyến cùng các tướng Nguyễn Ư Dĩ, Mạc Cảnh Huống, Văn Nham, Thạch Xuyên, Tường Lộc, Thường Trung, Vũ Thì Trung, Vũ Thì An và hàng nghìn đồng hương thân tín Thanh - Nghệ đi vào Thuận Hóa. Khi đến nơi, đoàn thuyền đã đi vào cửa Việt Yên (nay là Cửa Việt), đóng trại tại Gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) và đã chọn nơi này để lập Thủ Phủ gọi là dinh Ái Tử. Đây chính là vùng đất họ Nguyễn bắt đầu khởi nghiệp và bành trướng ở xứ Đàng Trong. Tương truyền: Một hôm, chúa Nguyễn Hoàng đi kinh lý qua ngọn đồi Hà Khê, gặp một cụ bà mặc áo đỏ tay cầm bó nhang đang cháy chỉ đường cho ông tìm đến một vùng đất nhiều sinh khí, sau này, chúa Nguyễn Hoàng đã chọn làm kinh đô Phú Xuân (cố đô Huế bây giờ). Để ghi nhớ công ơn bà Tiên áo đỏ đó, chúa đã xây trên đồi Hà Khê một ngôi chùa đặt tên là chùa Thiên Mụ.
Mùa đông năm 1560, Nguyễn Hoàng cho đặt đồn cửa biển giữ miền duyên hải, do bấy giờ quân Mạc thường theo đường biến vào cướp Thanh Nghệ nên phải đề phòng. Tháng 3 năm 1568, Tổng trấn Quảng Nam là Bùi Tá Hán mất. Vua Lê lấy Nguyễn Bá Quýnh làm tổng binh thay giữ đất ấy. Năm 1569, Nguyễn Hoàng ra Thanh Hóa yết kiến Lê Anh Tông, nộp quân lương giúp Nam triều đánh nhà Mạc, rồi đến phủ Thái sư lạy mừng Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm hài lòng, phong cho ông trấn thủ luôn đất Quảng Nam, thay cho Quận Công Nguyễn Bá Quýnh. Nguyễn Hoàng làm Tổng Trấn Tướng Quân kiêm quản cả Xứ Quảng Nam và Xứ Thuận Hóa. Tháng 1 năm 1570, Nguyễn Hoàng từ Tây Đô về, dời dinh về làng Trà Bát, nằm gần Ái Tử, chếch về phía đông bắc (nay là hai làng Trà Liên Đông, Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong), gọi là Dinh Trà Bát.
Năm 1572, nhân lúc Trịnh Kiểm mới mất, con là Trinh Cối và Trịnh Tùng đánh nhau, nhà Mạc sai đem tướng Lập Bao đem 60 chiến thuyền đánh vào Thuận Hóa, đổ bộ lên làng Hồ-xá và ở làng Lạng-uyển (thuộc huyện Minh-linh) để tấn công Phủ Chúa nhưng đã bị Nguyễn Hoàng thân chinh đi đánh, đóng giữ bên bờ sông Ái Tử. Lập Bạo bị bắt sống và giết chết do mỹ nhân kế. Quân Mạc đầu hàng, Nguyễn Hoàng cho hàng quân ở đất Cồn Tiên đặt làm 36 phường. Năm 1593, ông đưa quân ra Bắc Hà giúp Trịnh Tùng đánh dẹp họ Mạc trong 8 năm trời rồi bị họ Trịnh lưu giữ lại do lo sợ sự cát cứ và thế lực lớn mạnh của ông. Vua Lê phong ông là Trung Quân Đô Đốc Phủ Tả Đô Đốc Chưởng Phủ Sự Thái Uy Đoan Quốc Công. Năm 1600, sau khi từ Bắc trở về, ông dời dinh sang phía đông của dinh Ái Tử, gọi là Dinh Cát.
Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa(1558), phần cực Nam nước Đại Việt lúc bấy giờ là huyện Tuy Viễn (trấn Quảng Nam); bên kia đèo Cù Mông là đất của Chiêm Thành
Năm 1602, Nguyễn Hoàng cho lập dinh Thanh Chiêm (Quảng Nam) giao cho công tử Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ. Dinh Thanh Chiêm có vai trò rất quan trọng với chúa Nguyễn Hoàng cũng như các chúa Nguyễn sau này. Đây được coi như trung tâm điều hành việc phát triển hậu cần, kinh tế, an ninh cho Đàng Trong và thương càng Hội An; góp phần bảo vệ chủ quyền của Đàng Trong chống lại sự tấn công của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài; cũng như việc mở mang bờ cõi về phương Nam.
Năm 1604, Nguyễn Hoàng cho lập phủ Điện Bàn tách ra từ đất của phủ Triệu Phong của xứ Thuận Hóa, lệ thuộc xứ Quảng Nam. Phủ Điện Bàn sát nhập với 3 phủ Thăng Hoa, phủ Tư Nghĩa và phủ Hoài Nhơn để thành lập Dinh Quảng Nam. Phủ Điện Bàn quản 5 huyện: Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu.
Năm 1609, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng Chùa Kinh Thiên trên huyện Lệ Thủy ở Dinh Quảng Bình, Chùa Long Hưng bên cạnh Dinh Trấn Thanh Chiêm trên huyện Diên Phước, Dinh Quảng Nam .
Năm 1578, quân Chiêm Thành kéo đến đánh phá, Nguyễn Hoàng cử Lương Văn Chánh đem quân tiến đến sông Đà Diễn, Hoa Anh đánh chiếm thành An Nghiệp, là một trong những kinh thành đồ sộ và kiên cố nhất trong lịch sử Chăm Pa.
Năm 1597, Lương Văn Chánh đang là tri huyện Tuy Viễn, trấn An Biên, nhận sắc lệnh của chúa Nguyễn Hoàng đưa chừng 4000 lưu dân vào khai khẩn vùng đất phía Nam của Đại Việt từ đèo Cù Mông (bắc Phú Yên) đến đèo Cả (bắc Khánh Hòa). Ông cùng lưu dân từng bước khẩn hoang, lập ấp; từng bước tạo nên những làng mạc đầu tiên trên châu thổ sông Đà Diễn, sông Cái
Năm 1611, do quân Chăm Pa tiếp tục quấy nhiễu vùng biên giới Hoa Anh, Nguyễn Hoàng đã sai Văn Phong đi dẹp quân Chăm Pa. Vua Po Nit của Chăm Pa phải rút quân xuống phía Nam đèo Cả. Sau đó vùng đất Hoa Anh này được lập thành phủ Phú Yên chia làm hai huyện Tuy Hòa và Đồng Xuân. Cho tới khi chúa Nguyễn Hoàng mất, giang sơn họ Nguyễn trải dài từ đèo Ngang, Hoành Sơn (nam Hà Tĩnh) qua đèo Hải Vân tới núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn), gần đèo Cả, bây giờ là vùng cực nam Phú Yên, giáp tỉnh Khánh Hòa. Diện tích 2 xứ Thuận Quảng rộng khoảng 45000 km².
Không rõ vào năm nào, hai gia tướng người Việt gốc Chăm của Tĩnh Công Nguyễn Kim là Vũ Thì An và Vũ Thì Trung đã giúp Nguyễn Hoàng chiếm hữu Bãi Cát Vàng khi còn là một vùng đất vô chủ mà không một nước nào phản đối hay bảo lưu. Chúa Nguyễn Hoàng đã tạo tiền đề để sau này, con trai thứ 6 của chúa Nguyễn Hoàng là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nối ngôi cha- là người có công lớn nhất trong việc mở rộng bờ cõi ra biển đảo bằng việc khai khẩn, thực thi chủ quyền ở 2 đảo Hoàng Sa và Trường Sa; và lập Hải đội Hoàng Sa.
Như vậy, năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng mới chính thức bắt đầu cuộc Nam tiến. Cho đến lúc ông qua đời, một vùng đất rộng lớn từ đèo Cù Mông đến đèo Cả đã được người Việt hoàn toàn làm chủ. Đây cũng là hậu phương vững chắc cho chúa Nguyễn, trong vòng 45 năm (1627-1672) đã có 7 lần đánh lớn với chúa Trịnh. Thực ra, trong 7 lần đánh lớn này thì có đến 6 lần quân Trịnh chủ động tiến công, quân chúa Nguyễn chỉ chủ động tấn công một lần.
Để đưa Đàng Trong phát triển Nguyễn Hoàng đã cho mở mang ngoại thương, hướng tầm nhìn ra biển. Dưới thời Nguyễn Hoàng, "thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn”. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã vượt qua tư tưởng "trọng nông ức thương" thời bấy giờ. Ông quan tâm hơn đến hoạt động ngoại thương tại cảng thị Hội An sau một thời gian suy thoái kéo dài nhờ đường lối mở cửa buôn bán với nước ngoài vào đầu thế kỷ XVII, nên đã cho thành lập Phố Nhật vào năm 1589 và Phố Khách vào khoảng năm 1608 làm cho cảng thị Hội An trở thành thương cảng quốc tế lớn nhất Đông Nam Á thời đó.
Sau một thời gian suy thoái kéo dài đến 150 năm - từ 1306 đến 1558 - trải qua các giai đoạn dưới thời Nhà Trần, Nhà Hồ và Nhà Lê, cảng thị Hội An mới hồi sinh trở lại dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
Để chủ động "xúc tiến thương mại", khuyến khích thương gia Nhật Bản đến buôn bán với Đàng Trong, Nguyễn Hoàng đã viết nhiều thư trao đổi, bàn bạc chuyện buôn bán với chính quyền Tokugawa (chính quyền quân sự ở Nhật Bản). Lời lẽ trong các lá thư ngoại giao vừa sang trọng, lịch lãm, vừa tha thiết, mềm mỏng, có những thư được gửi kèm theo các món quà tặng là những vật phẩm quý như kỳ nam, lôi mộc, khổng tước…
Nguyễn Hoàng nhận một thương gia Nhật Bản là ông Hunamoto Yabeije (Di Thất Lang) làm con nuôi và viết thư báo cho phía Nhật Bản biết về mối giao hảo tốt đẹp này:
Năm 1613, chúa Nguyễn Hoàng lâm bệnh nặng, ông cho gọi người con thứ 6 Nguyễn Phúc Nguyên từ Quảng Nam về và căn dặn:
Nếu Bắc tiến được thì tốt nhất, bằng không giữ vững đất Thuận Quảng và mở mang bờ cõi về phía namĐất Thuận Quảng này phía bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía Nam có núi Hải Vân và Bi Sơn, thật là đất của người anh hùng dụng võ. Vậy con phải biết thương yêu dân, luyện tập binh sĩ để xây dựng cơ nghiệp muôn đời.
Ông cũng nói với các cận thần lúc hấp hối bên giường bệnh:
Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng lên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên cùng lòng giúp đỡ, cho thành công nghiệp.
Ban đầu mộ của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng táng ở vùng núi Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong (nay thuộc huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị), về sau được cải táng lăng mộ chuyển về Núi La Khê tức Khải Vận Sơn (nay thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Năm 1804, vua Gia Long (1780 - 1820) cho dựng Thái Miếu rộng mười ba gian để thờ các Chúa Nguyễn và các công thần đời trước, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cùng Hoàng hậu được thờ ở áng chính giữa.
Như vậy: Chúa Nguyễn Hoàng (hay còn được gọi là Chúa Tiên), trong thời gian trị vì từ 1558 đến 1613, là người tiên phong trong việc mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía nam, mở đầu cho việc hùng cứ phương nam của chín chúa Nguyễn kéo dài 219 năm, và là người đặt nền móng cho việc chọn lựa vùng đất Huế để trở thành Thủ phủ của Đàng Trong, sau này là Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới triều Nguyễn.
Lăng mộ của Chúa Nguyễn Hoàng tại huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm 2016, thành phố Huế đã khởi công Dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích lăng Trường Cơ” do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế làm chủ đầu tư với sự hỗ trợ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị cùng các nhà tài trợ khác có tổng kinh phí gần 3,9 tỷ đồng.
Nguồn:
- Hồn Sử Việt (NXB Lao động, năm 2010).
- Báo Tuổi trẻ 26-9-2013.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,214
  • Tổng lượt truy cập808,128
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây