Cuộc chiến tranh bí mật của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam (Kỳ 1)

Thứ hai - 15/07/2024 03:08 152 0

Cuộc chiến tranh bí mật của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam (Kỳ 1)

Cuộc chiến tranh bí mật của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam (Kỳ 1)

Từ trước tới nay, khi nói tới cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, ta thường đề cập đến các hoạt động quân sự hay các trận đánh. Tuy nhiên, song song với hành động vũ trang, Mỹ còn sử dụng lực lượng gián điệp và biệt kích để tiến hành một cuộc chiến tranh bí mật chống lại miền Bắc Việt Nam. Tạp chí Phương Đông trích đăng một số chương trong cuốn sách “Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam” (Gián điệp và Biệt kích: Mỹ thua trong cuộc chiến bí mật ở miền Bắc Việt Nam như thế nào) của các tác giả Kenneth Conboy và Dale Andradé, NXB Đại học Kansas ấn hành năm 2000, để bạn đọc tham khảo.
KỲ 1: GIÁN ĐIỆP HOẠT ĐỘNG ĐỘC LẬP
Đầu năm 1955, danh sách các mối đe dọa đối với chế độ non trẻ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm ngày càng dài ra. Ở khắp Nam Việt Nam, các giáo phái, những người dân tộc chủ nghĩa và giới giang hồ, tất cả đều cố tìm cách lật đổ Diệm nhằm bảo vệ lãnh địa của mình. Đến giữa năm, Diệm đã làm cho giới quan sát trong và ngoài nước sửng sốt, khi ông ta đã quét sạch các lực lượng đối địch ở trong và quanh Sài Gòn. Sau khi tranh thủ được sự ủng hộ chắc chắn của Washington, Diệm đã tiến hành một cuộc tổng tuyển cử gian lận vào tháng Mười, xé tan bộ mặt vương giả của Hoàng đế Bảo Đại già nua và lên làm Tổng thống của Việt Nam Cộng hòa.
Mặc dù đã mạnh tay đã loại bỏ được lực lượng đối địch, nhưng Diệm vẫn gồng mình chống lại kẻ thù thực sự hoặc tưởng tượng. Ông ta tiến hành việc đó thông qua không chỉ một mà bốn cơ quan tình báo khác nhau. Đầu tiên là Sở Nghiên cứu Chính trị và Xã hội. Đằng sau cái tên có vẻ vô hại này, Bác sĩ Trần Kim Tuyến, một tín đồ Thiên chúa sùng đạo, một thân tín của Diệm, đã xây dựng một cơ quan do thám có nhiệm vụ thu thập tin tức trong nước liên quan đến những người chống Diệm, những người cộng sản và những người khác.

      Bác sĩ Trần Kim Tuyến

Cơ quan thứ hai là Nha An ninh Quân đội (Military Security Service – MSS), một cơ quan được Lansdale giúp thành lập, có chức năng tình báo và điều tra, xét hỏi. Cơ quan này do Tướng Mai Hữu Xuân đứng đầu. Ông từng là sĩ quan người Việt cao cấp nhất trong Sở Mật thám của thực dân Pháp. Ông ta được Diệm chọn thực thi nhiệm vụ do thám lực lượng vũ trang và chặn trước các âm mưu đảo chính quân sự.
Cơ quan tình báo thứ ba nằm dưới quyền của Tướng Nguyễn Ngọc Lễ là Nha Cảnh sát Quốc gia. Là một người trung thành và được Diệm tin cẩn, Lễ được chọn để điều hành mạng lưới gián điệp nằm vùng ở Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, chiến dịch thâm nhập ra Miền Bắc chưa bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ của một vở diễn phụ, bởi lực lượng cảnh sát của Lễ đã có quá nhiều việc phải làm ở Miền Nam, từ những việc giống như Sở mật thám trước đây của người Pháp, quản lý hành chính ở thành phố, đến việc giám sát hải quan.
Cuối cùng, Quân đội Việt Nam Cộng hòa hiện tại, vốn gọi tắt theo tiếng Pháp là ARVN, cũng tiến hành các hoạt động do thám, thông qua việc cải tổ lại Phòng 6 (Office 6) trong Bộ Tổng Tham mưu. Là một đơn vị phản gián của người Pháp trước đây, ngay từ đầu, Phòng 6 đã vướng phải một sự phiền toái, khi người đứng đầu vốn được Bảo Đại chỉ định, đã chạy sang Pháp vào tháng Mười năm 1954. Để thay thế, Diệm đã đề bạt một người trung thành vào cương vị đó và đổi tên phòng này thành Cục Nghiên cứu Tổng hợp (General Studies Department) thuộc Bộ Quốc phòng. Cũng giống ba cơ quan nói trên, đơn vị quân đội này hoạt động tập trung vào việc thu thập tin tức về những nhân vật chống đối chính trị ở trong nước, bất kể họ theo xu hướng chính trị nào. Với việc cả bốn cơ quan đều cùng tập trung hoạt động do thám, thu thập tin tức, rõ ràng có sự chồng chéo, trùng hợp nhau. Nhưng điều này cũng không làm Diệm lo ngại, ông đã sử dụng các cơ quan khác nhau để do thám lẫn nhau. Trong khi việc sử dụng sai mục đích các cơ quan đó có thể giúp Diệm nắm được trước những âm mưu trong dinh tổng thống, song việc đó lại hầu như không giúp chính phủ kiểm soát được vùng nông thôn đang dần tuột khỏi tay Diệm. Năm 1956, tình hình đã trở nên xấu hơn, sau khi Tổng thống lấy cớ tiến hành chiến dịch “Tố Cộng” bắt bớ hàng ngàn người. Nhiều phần tử chống đối, trong đó có cả những người có cảm tình với cộng sản ở lại Miền Nam một cách bất hợp pháp, vi phạm Hiệp định Geneva, đã đáp trả lại những hành động đó, ám sát quan chức chính phủ của Diệm.
Diệm liền đổ lỗi cho hoạt động ủng hộ bí mật của Bắc Việt Nam gây ra tình hình bạo lực gia tăng ở vùng nông thôn Nam Việt Nam. Bây giờ nhìn lại, ông ta có phần đúng. Sau khi cuộc tổng tuyển cử vào năm 1956 để thống nhất hai miền không được thực hiện, Hà Nội đã đã thử nghiệm sử dụng những biện pháp mạnh hơn để chiếm Miền Nam, trong đó có cả biện pháp ủng hộ cộng sản nổi dậy ở Miền Nam. Ngoài ra, trong những người không cộng sản, bất bình cũng đang tăng lên, họ chống lại biện pháp độc tài và sự ưu ái dành cho những người theo đạo Thiên chúa giữa một xã hội mà dân số chủ yếu là những tín đồ Phật giáo.
Tuy không có bằng chứng trực tiếp khẳng định Hà Nội đã can thiệp, Washington cũng nghi ngờ Bắc Việt Nam. Đối với Mỹ, Bắc Việt Nam cũng tạo ra một mối đe dọa mới, trở thành đường tiến của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xuống phía Nam đến Đông Nam Á lục địa, một tình huống được coi là có thể, thậm chí rất có thể xảy ra, vào thời điểm Chiến tranh Lạnh lên đến đỉnh điểm.
Một nhân tố nữa gây phức tạp cho những kịch bản đen tối là thực tế Washington đã không biết về tình hình ở Bắc Việt Nam. Từ năm 1955, CIA đã cố gắng lấp lỗ trống đó bằng cách khuyến khích chế độ của Diệm tiến hành các hoạt động gián điệp ở Bắc Việt Nam. Các quan chức của CIA muốn công việc này phải do phái dân sự trong chính quyền, Sở Nghiên cứu Chính trị và Xã hội (Office of Political and Social Sciences) của Trần Kim Tuyến, đảm nhận.
Tuy luôn có xu hướng bài ngoại, song Tuyến vẫn sẵn sàng làm việc với Mỹ. Đến năm 1956, ông ta tuyên bố đang điều hành chín mạng lưới gián điệp ở vùng cán xoong của Bắc Việt Nam. Tuy CIA không phải là tổ chức được biết về các hoạt động này nhưng vẫn được phép đọc các bức điện đài được cho là do các điệp viên này gửi về. Washington cảm thấy rất ấn tượng và đã cung cấp ngân quỹ cho Tuyến để đóng một chiếc thuyền máy, phục vụ việc nhanh chóng đưa gián điệp thâm nhập vào và ra Bắc Việt Nam.
Bên cạnh việc hợp tác với cơ quan của Tuyến, năm 1957, chính quyền Eisenhower còn khởi xướng một chương trình viện trợ bí mật, do CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ cùng quản lý, để xây dựng một đơn vị lực lượng đặc biệt của Nam Việt Nam. Tương tự như đơn vị sĩ quan tinh hoa của cảnh sát Thái Lan trước đây được CIA đào tạo trong những năm đầu 1950, đơn vị của Việt Nam được gắn một cái tên vô thưởng vô phạt là Liên đoàn Quan sát Số 1 (First Observation Group), và có vai trò mang tính phòng thủ: hoạt động như các du kích quân đằng sau chiến tuyến của cộng sản, sau khi diễn ra cuộc xâm lược do Trung Quốc đứng đầu.
Để che mắt công chúng, Liên đoàn Quan sát Số 1 được đặt dưới sự chỉ huy của cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng, Cục Nghiên cứu Tổng hợp, một cơ quan cũng đã trải qua hai thay đổi quan trọng trong năm đó. Trước hết, Cục này được đổi tên thành Phòng Liên lạc Phủ Tổng thống – PLO (Presidential Liaison Office), điều đó chứng tỏ việc chuyển cơ quan này từ Bộ Quốc phòng sang để Tổng thống trực tiếp điều hành. Thứ hai, quyền chỉ huy Văn phòng liên lạc này đã được chuyển cho Trung tá Lê Quang Tung. Là một người gốc Huế, tín đồ đạo Thiên Chúa, nói năng nhỏ nhẹ, phong cách như một giáo sư, Tung trước đây đã từng làm việc tại Nha An ninh Quân đội (Military Security Service). Được Tổng thống ưu ái do ngoan đạo và cùng quê, trong vòng hai năm, ông ta đã từ hàm trung úy vọt lên hàm trung tá.

 Trung tá Lê Quang Tung

Với việc tạo ra Liên đoàn Quan sát Số 1, Văn phòng Liên lạc Phủ Tổng thống bỗng nhiên có vai trò điều hành gián điệp còn lưu lại, ngoài việc do thám nội bộ. Hy vọng có thêm nhiệm vụ mới, và rõ ràng là tìm cách cạnh tranh với hoạt động của Tuyến, Liên đoàn Quan sát Số 1 của Tung cũng nhìn ra phía Bắc. Do thiếu kinh nghiệm hoạt động ở Bắc Việt Nam, Tung liền quay sang nhờ cậy vào sự giúp đỡ của Cha Nguyễn Viết Khai, một cố đạo có tư tưởng chống cộng mạnh mẽ, vào Nam năm 1954. Với những phần tử được tuyển mộ trong các tín đồ Thiên Chúa do Cha Khai giúp, những cố gắng ban đầu hầu như không mang lại kết quả nhiều. Trần Gia Lộc, một quan chức của Liên đoàn Quan sát Số 1 hồi tưởng lại:
“Chúng tôi hầu như không có thông tin gì về điều kiện sống ở Miền Bắc Việt Nam, vì vậy chúng tôi muốn đưa gián điệp đóng vai trò như chim bồ câu đưa tin. Thời gian đó, Bắc Việt Nam vẫn cho phép thư từ được gửi qua lại vùng phi quân sự, với điều kiện các thư từ đó không có bất cứ nội dung chính trị gì. Chúng tôi đã tạo ra một hệ thống mật mã, thông qua đó, các điệp viên có thể gửi thông tin cho chúng tôi thông qua những lá thư mang nội dung bình thường. Người đầu tiên đã được huấn luyện và sau đó, anh ta đi ra Bắc qua vùng phi quân sự, trở về quê của mình ở Nam Định, một thành trì mạnh mẽ của đạo Thiên Chúa. Tháng đầu tiên, chúng tôi không nhận được tin tức gì, nhưng đến tháng thứ hai, chúng tôi đã nhận được thư và nhận tiếp một lá thư nữa vào tháng thứ ba”.
Dù phương pháp gửi thư mà Liên đoàn Quan sát Số 1 thực hiện không có gì to tát, song sự việc đó lại xảy ra đúng thời điểm thuận lợi. Đến năm 1957, CIA đã bắt đầu nghi ngờ rằng mạng lưới điệp viên ở Miền Bắc của Bác sĩ Tuyến phần lớn chỉ là bịa đặt. David Zogbaum, một quan chức CIA được cử sang công tác ở Nam Việt Nam lúc đó nói: “Hết tháng này sang tháng khác, chúng tôi chỉ nhận được những báo cáo chung chung như nhau”. David Zogbaum là một người đã tốt nghiệp Đại học Yale, có vợ là người Pháp, đã nhận ra có những điều bất thường trong các báo cáo của Tuyến. “Tôi đã báo cáo về Trụ sở CIA và tôi nghĩ rằng những báo cáo này được viết ra tại Sài Gòn”. Ông ta cuối cùng đã tìm ra bằng chứng trực tiếp khi người của Tuyến trao bản ghi chép nội dung bức điện báo của một điệp viên mà trong đó, họ đã sơ suất ghép tên liên lạc của một trạm phát tín hiệu với một địa điểm không đúng. Đi sâu hơn nữa, CIA phát hiện thấy rằng chiếc thuyền máy mà Tuyến từng nói đang hoạt động ở vùng biển Bắc Việt Nam thực ra đã được cho một công ty đánh cá Nhật Bản thuê.
CIA lập tức thu hẹp quan hệ với Tuyến và quay trở lại làm việc với Tung và Văn phòng liên lạc Phủ Tổng thống. Theo lời một quan chức CIA làm việc ở Sài Gòn lúc đó:
“(Chúng tôi đang) xác định thông tin cơ bản và (hy vọng) có thể liên hệ với các làng xóm có tín đồ theo đạo Thiên Chúa và những đầu mối còn lại liên quan đến các nhóm bất đồng chính kiến, chống chế độ ở đó… cũng như các nhóm dân tộc thiểu số mà trước đây người Pháp đã từng có ảnh hưởng mạnh và có tiềm năng sẽ chống lại chế độ… Tất cả những người tôi biết đều không ai quá ngây thơ cho rằng những thông tin, dữ liệu mang tính chiến lược (liên quan đến kế hoạch và ý đồ) của các nhà lãnh đạo ngoài đó lại chỉ được thu thập thông qua việc tiến hành các hoạt động xâm nhập qua khu phi quân sự; chỉ có thể có được những thông tin, dữ liệu mức độ thấp liên quan đến tình hình xã hội, kinh tế và chính trị nói chung và những thông tin, dữ liệu chính xác hơn liên quan đến “môi trường hoạt động”, từ đó chúng ta sẽ rà soát và đúc kết lại thành các mục tiêu”.
Nhằm đạt những mục tiêu khiêm tốn đó, năm 1958, cơ quan CIA tại Sài Gòn đã xây dựng một bộ phận phụ trách các hoạt động bên ngoài, một bộ phận tương tự như Văn phòng Liên lạc Phủ Tổng thống. Đứng đầu bộ phận này về phía Mỹ là Russell Miller, một sĩ quan CIA đặc nhiệm lâu năm. Vừa trở về từ một nhiệm vụ được thực hiện ở vùng Đèo Khyber (Khyber Pass) ở Pakistan, Miller hoạt động dưới vỏ bọc là một nhà ngoại giao khi theo dõi việc Tung chọn mười hai học viên để thành lập một đơn vị mới. Mười một người trong số này đều là sĩ quan quân đội cấp trung úy, trẻ và hăng hái. Chỉ huy nhóm này là Đại úy Ngô Thế Linh, quê ở Hà Tĩnh, thuộc vùng Bắc Trung bộ Việt Nam. Anh ta đã từng công tác năm năm trong cơ quan tham mưu của quân đội ở Đà Nẵng. Giống như Diệm và Tung, anh ta cũng là một tín đồ đạo Thiên chúa.
Tháng mười một năm đó, nhóm mười hai học viên này bay sang Saipan. Tại đây, họ đã học khóa đào tạo tình báo đặc biệt của CIA, một chương trình kéo dài hai tháng, gồm nhiều nội dung, từ tình báo chiến đấu, kỹ thuật phá hoại, đến điều hành một mạng lưới điệp viên. Cuối năm đó, khi quay trở lại Sài Gòn, Đại úy Linh chính thức được giao phụ trách một phòng mới được thành lập trong Văn phòng Liên lạc Phủ Tổng thống, phòng Bắc Việt Nam, mật danh là Phòng 45.
Mặc dầu chỉ có mười hai người, nhưng Phòng 45 đã đào tạo thêm nhiều người trong những tháng tiếp theo. Vào giữa năm 1959, khóa đào tạo thứ hai gồm năm sĩ quan trẻ đã được cử sang Saipan để theo học một lớp đào tạo cấp tốc trong sáu tuần. Không lâu sau, CIA đã cử một sĩ quan huấn luyện đến Sài Gòn, tiến hành lớp huấn luyện đầu tiên trong hai lớp luân phiên mười hai tuần mỗi lớp. Sau này, ưu tiên huấn luyện được dành cho những sĩ quan trẻ, sinh ra ở Bắc Việt Nam và cả một số người dân tộc thiểu số chủ chốt.
Hoạt động huấn luyện tiếp tục diễn ra cho đến tận cuối năm 1959, Phòng 45 đã vạch các kế hoạch cho những hoạt động đầu tiên của mình. Trong công việc, Phòng 45 đang trong quá trình phát triển đã phải đối mặt với nhiều vấn đề to lớn hơn so với Lansdale gặp phải vào năm 1954. Phái đoàn Quân sự Sài Gòn lúc đó đã tranh thủ thời cơ để chôn cất vũ khí, thiết bị và đặt mật danh cho điệp viên của mình trước khi lực lượng cộng sản tiếp quản. Trái lại, Phòng 45 đứng trước tình hình phải đưa người thâm nhập vào trong một xã hội khép kín mà chính phủ và bộ máy an ninh đã thiết lập sự kiểm soát chặt chẽ trong gần năm năm qua.
CIA cũng biết rằng thành công trong việc đưa người thâm nhập miền Bắc là một công việc đầy thách thức đối với một tổ chức gián điệp. Dẫu cho có nguồn lực to lớn, lịch sử cài cắm gián điệp đơn lẻ của CIA vào bất cứ một nước cộng sản nào ở châu Á đều chỉ kết thúc với thất vọng và thất bại. Thí dụ, trong giai đoạn 1951 – 1953, trong tổng số 212 điệp viên xâm nhập vào Trung Hoa lục địa, người ta cho rằng một nửa số trên đã bị tiêu diệt và nửa còn lại đã bị bắt. Thậm chí, ý định cài cắm người vào Bắc Triều Tiên còn thất bại tồi tệ hơn. Theo một đặc vụ theo dõi hoạt động ở Bắc Triều Tiên thì “chúng tôi chưa có một trường hợp thành công nào khi đưa điệp viên nằm vùng dài hạn vào Bắc Triều Tiên, thông qua nhảy dù hoặc bằng tàu biển. Đưa điệp viên thâm nhập vào một xã hội khép kín là quá khó khăn. Đôi khi thất bại có thể chỉ từ một việc đơn giản, như họ truy vết chân để lại trên tuyết từ bãi biển đi lên”.
Nhiệm vụ đưa điệp viên hoạt động đơn lẻ của Văn phòng Liên lạc Phủ Tổng thống được trao cho Trung úy Đỗ Văn Tiên. Tiên, một người tế nhị, lịch thiệp, mật danh là Francois (các sĩ quan đều được đặt theo tên Pháp hoặc Mỹ, chủ yếu để giải quyết vấn đề khó khăn về ngôn ngữ khi làm việc với các đối tác Mỹ), đã bắt đầu con đường binh nghiệp của mình với tư cách là phiên dịch cho cơ quan tình báo Pháp, sau đó trở thành hạ sĩ quan trong một trung đoàn pháo binh thuộc địa. Đáng lẽ phải luân chuyển cùng đơn vị sang Algeria, nhưng Tiên đã từ chức và trở thành sĩ quan tham mưu ở Sài Gòn. Với hai đặc điểm về gia đình mà Diệm rất thích, đó là theo đạo Thiên Chúa và có quê gốc ở Huế, kinh đô vương triều cũ, chỉ cách Khu phi quân sự 90 cây số về phía đông nam, chẳng lâu sau, anh ta được điều đến làm việc tại Phòng 45.
Điệp viên đơn lẻ đầu tiên mà Francois có thể lựa chọn là một người đào ngũ, người Miền Bắc, tên là Phạm Chuyên. Trước đó, người này từng là một Đảng viên cộng sản khá cao cấp ở tỉnh Quảng Ninh. Năm 1958, Chuyên đã vô cùng thất vọng khi vợ anh bội tình, đi theo một sĩ quan trong lực lượng an ninh Bắc Việt Nam. Buồn bã và chán nản, anh ta đã trốn vào Nam.
Nằm trong một trại tỵ nạn của chính phủ ở tỉnh Gia Định, không xa Sài Gòn, lý lịch chính trị của anh ta đã được nhà đương cục ở Miền Nam chú ý. Trong số những người tỵ nạn Miền Bắc, có rất ít các quan chức cộng sản ở chức vụ này hay chức vụ khác, sự quan tâm đến Phạm Chuyên ngày một nhiều hơn. Nóng lòng muốn tuyển mộ được một người sáng giá, Bác sĩ Tuyến, ông trùm gián điệp đầy tai tiếng của Diệm, người phụ trách Văn phòng Nghiên cứu Chính trị và Xã hội, đã đưa ra một đề nghị. Chuyên đã không vồ vập. Anh ta khinh thường chế độ của Diệm, không khác gì anh ta coi khinh những đồng chí cũ của anh ta ở Miền Bắc, Chuyên lựa chọn tiếp tục ở lại trong trại tỵ nạn.
Hy vọng đánh bại Bác sĩ Tuyến, Trung tá Tung cũng tham gia cuộc đua tranh để tuyển mộ cựu đảng viên cộng sản đang bất mãn này. Ông ta đã cử một trung úy trẻ đang làm việc tại Văn phòng Liên lạc Phủ Tổng thống để bám theo Chuyên trong suốt chín tháng, song Chuyên vẫn nhất mực từ chối lời mời làm việc cho Sài Gòn

 Điệp viên Phạm Chuyên

Không chịu thừa nhận thất bại, Tung đã giao cho Francois nhiệm vụ đưa Chuyên vào tròng. Vừa trở về từ khóa huấn luyện, chưa có kinh nghiệm thực tiễn, Francois được so sánh với Edward Regan, một sĩ quan CIA điển hình. Regan đã ở Miền Nam Việt Nam được một năm, trước khi chuyển sang làm việc cho Miller trong dự án liên quan đến Bắc Việt. Sử dụng tiếng Pháp mà anh ta đã học được trên đường phố Sài Gòn, anh ta đã nhanh chóng phát triển mối quan hệ công tác gần gũi với Francois. Tuy nhiên, sự có mặt của Regan thực ra lại có thể ảnh hưởng đến cơ hội tuyển mộ Chuyên, một người không giấu giếm sự khinh miệt của anh ta với người Mỹ. Vì vậy, Francois đã một mình đi đến trại tỵ nạn ở Gia Định.
“Chuyên có vóc người nhỏ bé, thái độ rất lạnh lùng và cứng rắn”, Francois nhớ lại. “Anh ta không nói nhiều. Sau một vài buổi gặp gỡ, Fancois đã báo cáo với cấp trên của mình cho phép đưa Chuyên ra khỏi trại tỵ nạn để đi xem phim. Vào dịp khác, họ đi vào Sài Gòn, một thành phố nhộn nhịp mà lần đầu tiên anh ta nhìn thấy. “Cuối cùng, sau sáu tháng, anh ta không phản đối mỗi khi tôi đến thăm”, Francois nói. “Sau đó, anh ta đã đồng ý làm việc cho chúng tôi, trở lại Miền Bắc để trả thù. Nhưng tôi vẫn vấp phải một vấn đề là anh ta không thích người Mỹ. Tôi đã nói thẳng với anh ta rằng phải có người nào đó đứng ra lo chi phí cho anh ta quay trở lại Miền Bắc”.
Chuyên đã miễn cưỡng đồng ý gặp Regan. Trong buổi tiếp xúc trong phòng một khách sạn ở Sài Gòn, Francois đã giới thiệu viên sĩ quan CIA với Chuyên. Mọi người đã thở phào nhẹ nhõm khi buổi liên hệ đầu tiên diễn ra tốt đẹp. Sau đó, Chuyên được đưa ra Nha Trang, tại đó anh ta đã trải qua một loạt các kiểm tra tâm lý. Với kết quả mỹ mãn, anh ta lại tiếp tục được kiểm tra ở Sài Gòn và lần thứ ba ở Nha Trang. Cuối cùng, Chuyên bắt đầu khóa huấn luyện về liên lạc kéo dài sáu tháng.
Trong lúc Chuyên đang được huấn luyện, Francois và Regan bắt đầu bận rộn với việc hoạch định kế hoạch để cài cắm điệp viên mới của mình vào Miền Bắc Việt Nam. Vì Chuyên sẽ quay trở lại tỉnh ven biển Quảng Ninh ở vùng đông bắc của đất nước, quê cũ của anh ta, trong vai trò một điệp viên lâu dài, biện pháp phù hợp là đưa anh ta trở lại bằng đường biển. Để bí mật đưa anh ta đi bằng tàu, thuyền, Văn phòng Liên lạc Phủ Tổng thống cần phải có một bến đi từ Đà Nẵng, một thành phố cảng nằm gần phía Bắc nhất. Bay từ Sài Gòn ra, hai viên sĩ quan này đã xem xét các cơ sở, địa điểm và thuê một biệt thự nhỏ, có tường vây xung quanh. Sau này, tất cả các hoạt động xuất phát từ một địa điểm khiêm tốn này đã được gọi bằng mật danh PACIFIC.
Cũng như CIA trước đây đã từng làm việc với Bác sĩ Tuyến, một thuyền đánh cá nhỏ sẽ là phương cách ít nghi ngờ nhất trong việc đưa Chuyên thâm nhập trở lại Bắc Việt Nam. Nhưng việc lựa chọn loại thuyền đánh cá như thế nào lại là một vấn đề. Ở Châu Á, các loại tàu thuyền đánh cá được thiết kế mỗi nơi một khác. Đối với con mắt nhà nghề, sự khác biệt đó giống như dấu vân tay. Vì lý do đó, những nhân viên CIA hoạt động trên biển trong Chiến tranh Triều Tiên đã không dùng các loại tàu thuyền ở địa phương. Nhưng lần này hầu như không có lựa chọn nào khác, vì vậy Văn phòng Liên lạc của Phủ Tổng thống đã cử một sĩ quan đến thành phố Vũng Tàu để liên hệ với một cộng đồng người dân tộc Nùng làm nghề đánh cá. Người Nùng là một dân tộc thiểu số, đã di cư từ Trung Quốc xuống phía Nam vào thế kỷ 16, sau đó đã định cư ở một số địa phương dọc theo biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt ở vùng biên giới tỉnh Quảng Ninh. Được người Pháp cho hưởng chế độ bán tự trị, họ là những người chống Việt Minh rất mạnh. Sau khi Hiệp định Geneva được ký vào năm 1954, ước tính có khoảng mười lăm ngàn người Nùng chạy vào Nam, rất nhiều người sống ở các làng xã ven biển và tiếp tục kiếm sống bằng nghề đánh cá.
Sử dụng tiền do Văn phòng Liên lạc của Phủ Tổng thống cung cấp, một nhóm thợ mộc người Nùng đã đóng một con thuyền với những chi tiết y như các thuyền được sử dụng ở tỉnh Quảng Ninh, ở mũi và đuôi thuyền có gắn súng máy.

(còn nữa)

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại48,295
  • Tổng lượt truy cập809,209
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây