Là một trong những làng cổ của Thủ đô Hà Nội, theo truyền thuyết, làng Lại Đà xuất hiện cùng thời với kinh thành Cổ Loa. Đến nay, dù trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, làng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét xưa với những công trình mang đậm nét của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Cổng làng Lại Đà được phục dựng lại vào năm 2010 theo kiến trúc cổ, họa tiết đơn giản, không cầu kỳ, phô trương mà toát lên vẻ tôn nghiêm, trang trọng, thể hiện sự nền nếp, kỷ cương của làng
Bước qua cổng làng là hàng trúc tươi tốt, tạo bóng mát cho đường dẫn vào làng. Khu vực này là nơi bà con trong làng nghỉ chân sau khi gánh lúa, hái rau ngoài ruộng về.
Trong ảnh là ngôi nhà của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngôi nhà được xây bằng gạch đá ong với cổng rào tre mang đậm nét đặc trưng làng quê Bắc Bộ.
Làng Lại Đà còn bảo tồn nguyên vẹn không gian văn hóa gồm Đình thờ Nguyễn Hiền, trạng nguyên đầu tiên dưới triều Trần (1247), miếu thờ thánh Mẫu Tiên Dung, người trợ giúp Nguyễn Hiền và ngôi chùa có tên Cảnh Phúc. Ngày 5/9/1989, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng quốc gia cụm di tích kiến trúc nghệ thuật Lại Đà.
Một điểm nhấn cảnh quan tại Lại Đà đó là những đường ngõ nhỏ, hai bên là tường gạch rêu phong dẫn vào khuôn viên mỗi gia đình.
Không khó để tìm được những nhà vẫn còn đủ sân, vườn, nhà gỗ 3 gian lợp ngói, cổng nhà uốn cong, chạm khắc nhẹ nhàng, trên mái ghi dòng chữ đã mờ theo thời gian.
Đi kèm với nét hoài cổ rêu phong là những cổng nhà với nhiều loại cây, hoa đủ màu sắc hài hòa với nhau, tạo nên nét bình dị đong đầy cảm xúc
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc