Cuộc đời và tình sử của Vua Bảo Đại

Chủ nhật - 17/12/2023 18:55 121 0

Cuộc đời và tình sử của Vua Bảo Đại

Vua Bảo Đại: tên gọi là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, Thân Phụ: Vua Khải Định, Thân Mẫu: Từ Cung Hoàng Thái Hậu.
Ông sinh ngày 22/10/1913 tại cố đô Huế, mất  31/7/1997 tại Paris, Pháp, ông là vị vua thứ 13 của triều đại nhà Nguyễn, cũng là vị vua cuối cùng trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.
Trị vì: 6/11/1925, Thoái vị: 25/8/1945.
28/4/1922, khi lên 9 tuổi Vĩnh Thụy được tấn phong làm Đông Cung Hoàng Thái Tử.
Vua Bảo Đại mặc lễ phục trong dịp tấn phong Đông Cung Hoàng Thái Tử.
Năm 1922 ông được vua cha Khải Định đưa đi cùng trong chuyến công du sang Pháp dự hội chợ thuộc địa Marseille, được vợ chồng cựu Khâm sứ Trung Kỳ Jean François Eugène Charles nhận làm con nuôi và bắt đầu quá trình học tập theo chương trình giáo dục Pháp.
Hoàng tử Vĩnh Thụy, tới Pháp năm 1922 (Ảnh: T. Do Khac).
Ngày 6/11/1925 vua cha Khải Định qua đời tại Huế, Ngày 8/1/1926 Đông Cung Hoàng Thái Tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy chính thức lên nối ngôi vua cha, lấy niên hiệu là Bảo Đại. Vừa mới lên ngôi ông lại tiếp tục qua Pháp vào tháng 3/1926 để theo học tại trường Sciences Po một trường về khoa học chính trị, công việc trong nước giao lại cho các đại thần phụ trách.
Vua Bảo Đại ngồi trên ngai vàng trong Điện Thái Hòa.
Bảo Đại trong trang phục dạ hội tại Pháp vào năm 1932 (Ảnh: Agence Mondial).
Sau mười năm theo học tại Pháp, vua Bảo Đại về nước vào ngày 16/8/1932, trị vì Việt Nam tại Huế cho đến năm 1945.
Bảo Đại được biết đến là một người cưỡi ngựa điêu luyện như một kỵ sỹ. Ông cũng yêu thích và hâm mộ nhiều môn thể thao thời thượng, quý tộc thời đó như golf, tennis, bơi thuyềnBảo Đại đặc biệt thích chơi tennis. Vì vậy sau khi về nước ông đã cho xây dựng một sân quần vợt “tiêu chuẩn quốc tế” ngay tại kinh thành Huế, khiến nhiều du khách hiện nay tới thăm di tích Cố đô Huế vẫn nghĩ đó là một công trình hiện đại được xây sau này!
Cách mạng tháng Tám thành công, Bảo Đại quyết định thoái vị và trở thành “công dân Vĩnh Thụy”. Trong bản Tuyên ngôn Thoái vị, ông có câu nói nổi tiếng “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ“.
Tháng 9/1945, ông được chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội nhận chức “Cố vấn tối cao Chính phủ Lâm thời Việt Nam”. Đến ngày 6/1/1946, ông  được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bảo Đại chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Ảnh: T. Do Khac).
Ngày 16/3/1946, cố vấn Vĩnh Thụy tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh thăm viếng Trung Hoa, nhưng ông không trở về mà viết thư về nước xin từ chức. Sau thời gian dài lưu vong ở Hồng Kông rồi Pháp, Bảo Đại về nước vào tháng 3/1949 để 4 tháng sau đó lên làm Quốc trưởng Chính phủ Lâm thời Quốc gia Việt Nam do thực dân Pháp dựng lên.
Bảo Đại làm Quốc trưởng đến tháng 10/1955 thì bị Ngô Đình Diệm phế truất. Ông sau đó sang Pháp sống lưu vong tại Paris cho đến cuối đời.
Vua Bảo Đại trên trang bìa tạp chí Pháp Paris Match, số ra tháng 9/1953, (Ảnh: Walter Carone/Paris Match).
Cựu hoàng Bảo Đại qua đời vào 5 giờ sáng ngày 31 tháng 7 năm 1997 tại Quân y viện Val-de-Grâce, hưởng thọ 85 tuổi. Đám tang Bảo Đại được tổ chức vào lúc 11 giờ ngày 6 tháng 8 năm 1997 tại nhà thờ Saint-Pierre de chaillot, số 35 đại lộ Marceau, quận 16 Paris và linh cữu được mai táng tại nghĩa địa Passy trên đồi Trocadero.
Tình sử
Do tiếp xúc, sống và học tập cùng văn hóa phương Tây từ nhỏ, Bảo Đại trưởng thành giống với một cậu trai Pháp bảnh bao hơn là một vị vua của một nước phong kiến châu Á. Vị vua cuối cùng của Việt Nam có vóc dáng cao lớn (1m82), gương mặt điển trai, lối sống phóng khoáng, phong độ, vì vậy mà có đời sống tình cảm khá phức tạp.
1. Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan (Nam Phương Hoàng Hậu)
Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan xuất thân trong một gia đình Công giáo giàu có bậc nhất miền Nam những năm đầu của thế kỷ 20. Năm 14 tuổi, cô được gia đình gửi sang Pháp, học trường dòng Couvent des Oiseaux ở Paris. Nguyễn Hữu Thị Lan là người nổi tiếng xinh đẹp, từng ba năm liền đạt giải hoa hậu Đông Dương, nhưng bà mang quốc tịch Pháp và theo Công giáo.
Năm 1933 khi vua Bảo Đại lên nghỉ mát tại Đà Lạt, trong một buổi dạ tiệc tại khách sạn La Palace tại Đà Lạt do toàn quyền Đông Dương và viên Đốc lý thành phố sắp đặt, Nguyễn Hữu Thị Lan và Bảo Đại đã gặp nhau.
Vẻ đài các quý tộc Tây Phương của Nam Phương Hoàng Hậu.
Về mối tình duyên đó, Bảo Đại có viết trong cuốn Con rồng Việt Nam Le Dragon d’ Annam:
“Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng. Các vị Tiên Đế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam”.
Vẻ đẹp chim sa cá lặn của Nam Phương Hoàng Hậu.
Hoàng hậu Nam Phương cũng nhắc lại:
“Về sau, khi đã trở thành vợ chồng, Ngài mới cho tôi biết hôm đó Ngài rất chú ý cách phục sức đơn sơ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi được nhà vua lưu ý một phần do trong suốt buổi dạ tiệc chỉ có tôi là người đàn bà Việt Nam duy nhất nói tiếng Pháp và theo hành lễ đúng cung cách lễ nghi Âu tây đối với Ngài”.
Nam Phương Hoàng hậu được vua Bảo Đại tấn phong ngay sau khi cưới.
Ngày 20/3/1934, vua Bảo Đại làm đám cưới với Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan. Cô dâu năm ấy 19 tuổi, với nhan sắc mặn mà, một vẻ đẹp đậm chất Á Đông, Nam Phương hoàng hậu được liệt vào danh sách “5 vị hoàng hậu đẹp nhất” thời bấy giờ..
Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu.
Bà và vua Bảo Đại đã có 5 người con, Nam Phương Hoàng Hậu có 12 năm sống tràn đầy hạnh phúc, 16 năm sống cô đơn trong cuộc đời lưu vong nơi đất Pháp. Năm 1963, bà qua đời ở Pháp.
Nam Phương Hoàng Hậu và 5 công chúa hoàng tử con vua Bảo Đại ăn mặc theo phong cách Pháp.
2. Thứ Phi Bùi Mộng Điệp
Sinh năm 1924 tại Bắc Ninh, bà Bùi Mộng Điệp từng có một đời chồng và một con trai. Nhưng nhan sắc mặn mà của người phụ nữ Kinh Bắc đã khiến cựu hoàng vội quên lời hứa “một vợ một chồng” với hoàng hậu Nam Phương. Nếu Nam Phương hoàng hậu đại diện cho vẻ đẹp ‘chim sa, cá lặn’ thì thứ phi Mộng Điệp lại là vẻ đẹp có nhan sắc ‘nghiêng nước nghiêng thành’, tiêu biểu của xứ Kinh Bắc làm đắm say biết bao nhiêu chàng trai.
 
Mộng Điệp khi còn trẻ.
Được biết, Mộng Điệp được một người sắp xếp gặp mặt Bảo Đại trên sân tennis. Lúc đó mặc dù đã có vợ là Nam Phương Hoàng hậu nhưng ngài Bảo Đại rất si tình trước nhan sắc Mộng Điệp, chẳng mấy lúc hai người phải lòng nhau, Mộng Điệp trở thành thứ phi. Mặc dù trước đó, Bảo Đại từng có thời thề son sắc một chồng một vợ với Nam Phương. vài năm sau đó, họ chuyển về sống tại Đà Lạt.
Khi Bảo Đại không còn làm vua nữa, đất nước chiến tranh nên Mộng Điệp sang Pháp sinh sống.
Bà có với vua Bảo Đại 3 người con nhưng không may, 2 con trai lại mất khi tuổi đời còn quá trẻ.
Sau cái chết của người con thứ hai, thứ phi Mộng Điệp trở nên sống khép kín hơn, bà thu mình trong không gian nhỏ bé của ngôi nhà ở thủ đô Paris không tiếp đón bất kì một vị khách nào.
Thứ Phi Mộng Điệp trong trang phục hoàng gia.
Ngày 26-6-2011, sau ca giải phẫu tim không thành công, bà Mộng Điệp qua đời tại bệnh viện Saint Antoine vào lúc 12 giờ trưa Chủ nhật cùng ngày, thọ 87 tuổi.
3. Bà Phi Ánh
Bà Phi Ánh con nhà lành, giàu có, thuộc dòng họ danh giá. Sinh thời, bà cũng là một tuyệt sắc giai nhân nên được Bảo Đại yêu thương, tặng một biệt thự sang trọng. Bà sinh cho Bảo Đại 2 người, một gái, một trai. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, bà Phi Ánh ở lại sinh sống cho đến cuối đời tại Sài Gòn Việt Nam. Con gái là Phương Minh, lấy chồng Pháp và sang lập nghiệp ở Hoa Kỳ.
Bà Phi Ánh thời xuân sắc.
“Công Chúa” Phương Minh và “Hoàng Tử” Bảo Ân bên cạnh mẹ trong thời gian thơ ấu ở Ðà Lạt.
4. Lý Lệ Hà
Lý Lệ Hà là một cô gái nông thôn nghèo ở Thái Bình đoạt giải hoa hậu Áo lụa Hà Đông vào năm 1930. Hoa hậu Lý Lệ Hà có hàm răng rất đẹp, như những hạt ngọc. Người đẹp mặc áo lụa Hà Đông là nguồn cảm  hứng để  nhà  thơ Nguyên  Sa sáng tác bài  thơ “Áo Lụa Hà Đông” và được người nhạc sĩ trẻ tài hoa Ngô Thuỵ Miên phổ thơ thành nhạc. Cô là người tình của Bảo Đại trong thời gian ông sống ở Hà Nội, làm Cố Vấn Tối Cao của Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam, cũng là thời kỳ ông sống với Mộng Điệp còn bà Nam Phương đang ở Huế…
5. Cô gái Trung Hoa Hoàng Tiểu Lan
Năm 1946, khi sống lưu vong ở Trung Hoa, Bảo Đại thương yêu một cô gái Tàu lai Tây, tên Hoàng Tiểu Lan (Jenny Woong) và đã có với cô một đứa con gái. Sau này ông cũng đưa bà về Đà Lạt và tặng bà một biệt thự.
6. Bà Vicky
Khi sống lưu vong ở Pháp, Bảo Đại mải ăn chơi, săn bắn, bài bạc, các lâu đài và tài sản lần lượt ra đi. Khi mua một trang trại ở Alsace, ông sống với cô vợ “hờ” người Pháp tên là Vicky mấy năm và sinh hạ được một con gái đặt tên là Phương Từ thì hai người chia tay. Bảo Đại phải rời khỏi Alsace bỏ lại nhà cửa đồ đạc cho Vicky.  
7. Cô Clément
Chia tay Vicky, Bảo Đại càng lâm vào trầm uất và thất vọng. Có lần cảnh sát và người thân bắt gặp ông tại nhà cô vũ nữ Clément làm ở nhà hàng Le Moulin Rouge.
8. Monique Baudot
Khi toàn bộ tài sản đã đội nón ra đi, Bảo Đại gặp và chung sống với Monique Baudot, một phụ nữ Pháp sinh năm 1946 tại Lorraine, kém ông 30 tuổi. Bảo Ðại vào đạo Thiên Chúa, có tên thánh là Jean-Robert. Khi kết hôn với cựu hoàng Bảo Đại bà đổi tên thành: Princess Monique Vĩnh Thụy.
Monique Baudot khi còn trẻ.
Cựu Hoàng Bảo Đại và vợ Hoàng Phi Monique Vĩnh Thụy.
Về tiểu sử của Monique có nhiều nguồn tin khác nhau. Báo chí Pháp viết cô từng làm tùy viên báo chí trong một tòa đại sứ. Nhưng bạn bè lại kể cô làm việc dọn phòng trong một khách sạn. Một người bạn đã đi thuê cho ông một căn hộ trong cao ốc 29 Fresnel, quận 16 – Paris. Chính nhờ làm bồi phòng ở cao ốc 29 Fresnel nên Monique Baudot mới biết được có một ”ông vua lưu vong” bệnh tật không người chăm sóc, cô đến giúp đỡ và trở thành người thân cận nhất của cựu hoàng suốt mấy thập niên cuối đời. Dù mặn nồng trong nhiều năm chung sống, nhưng hai người không có con.
Bảo Đại chụp cùng vợ Monique Vĩnh Thụy tại Paris vào năm 1992.
Cựu hoàng Bảo Đại qua đời vào 5 giờ sáng ngày 31 tháng 7 năm 1997 tại Quân y viện Val-de-Grâce, hưởng thọ 85 tuổi. Trả lời BBC về sự kiện này, bà Monique nói: “Ngày hôm nay tôi rất đau buồn. Dĩ nhiên rồi, trước hết và trên hết là vì chồng tôi vừa qua đời. Nhưng hôm nay trang sử của triều Nguyễn Việt Nam cũng được chấm dứt. Tôi cầu nguyện cho chồng tôi“.
Có thể thấy, ông hoàng Bảo Đại dù có cuộc đời và sự nghiệp long đong do sinh thời trong giai đoạn lịch sử nước nhà và thế giới có nhiều biến động và phức tạp. Tuy nhiên, trong tình trường, ông lại là một người đào hoa hết sức với 2 người vợ (có đám cưới hoặc kết hôn), rất nhiều người tình và 13 người con. Những người tình của ông đều là những bóng hồng xinh đẹp nổi tiếng một thời, và cho dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc đời mình, ông vẫn luôn tìm được những người phụ nữ rất mực thủy chung và yêu thương ông sâu sắc.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay1,426
  • Tháng hiện tại48,379
  • Tổng lượt truy cập809,293
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây