Thanh long đao của Mạc Đăng Dung

Thứ tư - 27/12/2023 19:57 343 0

Thanh long đao của Mạc Đăng Dung

Thanh long đao của Quan Vũ thời Tam Quốc nhẹ hơn thanh long đao của Mạc Đăng Dung
Thanh long đao của Quan Vũ thời Tam Quốc nhẹ hơn thanh long đao của Mạc Đăng Dung rất nhiều, nó chỉ nặng chưa đến 2/3 trọng lượng thanh long đao của Mạc Thái Tổ. Nếu như vậy thì Mạc Đăng Dung còn khỏe hơn Quan Vũ rất nhiều lần.
Định Nam đao

Mạc Đăng Dung xuất thân từ gia đình đánh cá ở Kiến Thụy, Hải Phòng ngày nay, ông vốn là người rất khỏe. Dưới thời triều Lê Uy Mục, ông đỗ Võ Trạng nguyên, được vua ban làm Túc vệ quân, sau lên dần đến chức quan to nhất triều là Thái sư, nắm toàn bộ binh quyền trong tay.
Tương truyền trước khi làm quan, ông đi qua một lò rèn nọ, thợ rèn thấy ông sức khỏe vô song, tướng mạo phi phàm, biết rằng ông sau này sẽ dựng nên đại nghiệp, bèn rèn một thanh long đao đem tặng và nói: "Thanh long đao này dành cho người có duyên, sẽ giúp người dựng nên đại nghiệp". Từ đó, thanh long đao này trở thành vật bất ly thThanh long đao của Quan Vũ thời Tam Quốc nhẹ hơn thanh long đao của Mạc Đăng Dung ân, cùng ông chinh chiến bình định phương Nam, nên nó được gọi là Định Nam đao. Sau này ông dựng nên triều Mạc, hiệu là Mạc Thái Tổ.
Trong sách "Các triều đại Việt Nam" có viết về sự kiện vua Lê nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung rằng: Vua Lê hèn kém, đức mỏng, không gánh nổi ngôi trời. Mệnh trời và lòng người hướng về người có đức và người đó, trong thời điểm này, chỉ có Mạc Đăng Dung: "là người tư chất thông minh, đủ tài văn võ, bên ngoài đánh dẹp bốn phương đều phục, bên trong trị nước trăm họ yên vui, công đức lớn lao, trời người đều quy phục".
Sau khi làm vua được 3 năm, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con trai là Mạc Đăng Doanh, tức Mạc Thái Tông, còn ông lui về Dương Kinh (Kiến Thụy, Hải Phòng) làm Thái thượng hoàng. Sau khi ông qua đời, thanh Định Nam đao được thờ trong lăng miếu ở Dương Kinh, và là bảo vật truyền đời.
Sau khi nhà Mạc thất thủ, cháu bốn đời của Mạc Đăng Dung là Mạc Đăng Thuận, người trông nom miếu thờ ở Dương Kinh đã đem theo cây long đao này đến Nam Định sinh sống và đổi sang họ Phạm để tránh bị truy sát.
Năm 1938, dòng họ Phạm (tức họ Mạc sau khi đổi tên họ) ở Xuân Trường, Nam Định trùng tu từ đường, khi đào hồ bán nguyệt thì phát hiện ra thanh long đao này. Trừ phần lưỡi đao đã bị gỉ sét và bị ăn mòn, nhưng vẫn giữ được hình dạng ban đầu. Thế là từ đó thanh Định Nam đao này được thờ ở nhà thờ họ Phạm ở Xuân Trường.
Năm 2010 con cháu họ Phạm (gốc họ Mạc) ở Nam định đem thanh long đao này về thờ tại từ đường họ Mạc ở Kiến Thụy, Hải Phòng, và được cất giữ ở đó cho đến ngày nay.
Năm 1986, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Xuân Quang đã tiến hành đo đạc Định Nam đao (lúc này đang lưu giữ tại từ đường chi họ Phạm gốc Mạc tại Hà Nam Ninh) và mô tả: thanh đao có tổng chiều dài 2,55 m, nặng 25,6 kg, trong đó lưỡi đao dài 0,95m, cán đao bằng sắt rỗng dài 1,60 m; một hình đầu rồng bằng đồng thau che kín phần cuối lưỡi đao tiếp vào cán đao thay thế cho khâu đao, chỗ hình đầu rồng có "cá" chốt chặt lưỡi đao vào cán đao. Một số người ước lượng khi còn mới, thanh đao có thể nặng trên 30kg. Ngoài ra, dọc sống đao có nhiều nét hoa văn lạ đến nay vẫn chưa lý giải được.
Hình ảnh đồ họa phục chế dựa theo nguyên bản thanh Định Nam Đao. (Ảnh: Wikipedia)
Thanh Long Yển Nguyệt đao
Thanh Long Yển Nguyệt đao còn được gọi là Quan đao, tương truyền do Quan Vũ sáng tạo ra, nặng 82 cân. Quan Vũ đã dùng Thanh Long đao này trảm rất nhiều tướng như Hoa Hùng, Nhan Lương, Văn Xú… Ông cũng dùng thanh đao này vượt 5 ải của Tào Tháo mà không ai địch nổi. Sau khi Quan Vũ chết, thanh đao đã bị Phan Chương là tướng lĩnh của Đông Ngô chiếm đoạt. Cuối cùng Quan Hưng con của Quan Vân Trường đã giết Phan Chương để trả thù cho cha và lấy lại chiếc Thanh Long Yển Nguyệt Đao này.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có những đoạn miêu tả về thanh long đao này như sau:
Hồi thứ nhất nói rằng, Lưu Quan Trương có được khối thép tốt nặng 1.000 cân, Quan Vũ dùng để chế tạo Thanh Long Yển Nguyệt đao, còn có tên là Lãnh Diệm Cứ, nặng 82 cân.
Thanh long đao và ngựa Xích thố đã trở thành biểu tượng của Quan Vũ. Trong trận thừa cơ tuyết rơi phá Khương binh có đoạn miêu tả rằng: "Chỉ thấy trong mây khói thấp thoáng có viên đại tướng, mặt như táo đỏ, lông mày như tằm nằm, áo bào xanh giáp vàng, tay cầm Thanh long đao, cưỡi ngựa Xích thố, tay vuốt chòm râu đẹp".
Quan Vũ dùng Thanh long đao trảm rất nhiều tướng, mà màn trình diễn đặc sắc nhất phải kể đến "Chén rượu vẫn còn nóng đã chém đầu Hoa Hùng" như sau:
Thiệu bèn sai Phan Phụng ra đánh. Phụng tay cầm một cái búa to, lên ngựa, ra được một lát, lại bị Hoa Hùng chém chết. Các tướng không người nào còn máu mặt. Thiệu nói rằng:
- Tiếc thay! Danh tướng của ta là Nhan Lương, Văn Sú chưa đến. Giá thử được một trong hai người ấy ở đây thì có sợ gì Hoa Hùng.
Nói chưa dứt lời một người ở dưới thềm, chạy ra, nói to lên rằng:
- Tiểu tướng xin ra chém đầu Hoa Hùng, đem dâng dưới trướng.

Quan Vũ dùng Thanh long đao trảm rất nhiều tướng, mà màn trình diễn đặc sắc nhất phải kể đến "Chén rượu vẫn còn nóng đã chém đầu Hoa Hùng" (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)
Mọi người nhìn xem thấy người ấy mình cao chín thước, râu dài hai thước, mắt phượng mày tằm, mặt đỏ như gấc, tiếng giống chuông kêu. Thiệu hỏi là người nào. Toản thưa:
- Em Huyền Đức tên là Quan Vũ đấy!
Thiệu lại hỏi hiện làm chức gì? Toản thưa:
- Vũ theo Huyền Đức làm tay bắn cung.
Viên Thuật ở trong trướng thét lên:
- Thằng này là thằng nào! Mà dám khinh chư hầu chúng tao không có đại tướng hay sao? Thứ mày là một thằng cung thủ, mà dám nói khoác à? Chúng đâu, đuổi cổ nó ra ngoài kia!
Tào Tháo vội ngăn rằng:
- Công Lộ hãy nguôi cơn giận. Người ấy đã nói mạnh thế, chắc là có dũng lực. Xin hãy thử cho ra, hễ không đánh được, ta sẽ trị tội.
Viên Thiệu nói:
- Sai một tay bắn cung ra đánh, giặc nó có cười cho không?
Tào Tháo nói:
- Người ấy diện mạo oai vệ thế kia. Hoa Hùng biết đâu là tay bắn cung.
Quan Công nói:
- Nếu tôi không đánh được, xin chặt đầu tôi đi!
Tháo sai người rót chén rượu, đưa Quan Công uống trước khi đi. Quan Công nói:
- Xin hãy để chén rượu đấy, tôi đi rồi về ngay!
Nói rồi đi ra, vác long đao nhảy lên lưng ngựa. Được một lát chư hầu nghe thấy ngoài cửa quan tiếng trống đánh, tiếng người reo ầm ầm, tựa hồ như trời long đất lở, núi đổ non nghiêng, ai nấy đều thất kinh đang định sai người ra xem, thì đã thấy tiếng nhạc nhong nhong trở về, ngựa đã vào tới trung quân. Quan Công cầm đầu Hoa Hùng ném xuống đất, chén rượu của Tào Tháo đưa hãy còn nóng.
Đời sau có thơ khen rằng:
Uy Vũ lừng danh đệ nhất công
Nha môn trống trận nổi thùng thùng
Chén rượu rót ra còn nóng hổi,
Vân Trường đã chém chết Hoa Hùng.
Quan Công cầm đầu Hoa Hùng ném xuống đất, chén rượu của Tào Tháo đưa hãy còn nóng.
(Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)
Long đao của Mạc Đăng Dung và Quan Vũ thì thanh nào lợi hại hơn
Trước hết xem qua số liệu hai thanh long đao nổi tiếng này. Định Nam Đao dài 2.55m nặng 30kg, còn Thanh Long Yển Nguyệt đao không xác định được chiều dài, chỉ có trọng lượng 82 cân. Có người cho rằng 82 cân tức là 41kg, nên nói rằng thanh long đao của Quan Vũ lợi hại hơn.
Thực ra cân là đơn vị trọng lượng của các nước Đông Á và Đông Nam Á xưa, Việt Nam gọi là cân ta, bằng 0.605kg, tương đương với cân của Malaysia, Singapore, Hongkong, Maccao, còn cân Nhật là 0.6kg. Thời nhà Thanh Trung Quốc thì một cân bằng 0.597kg, từ năm 1929 đến nay thì 1 cân ở Trung Quốc bằng 0.5kg. Nếu như vậy thì long đao của Quan Vũ nặng đến 50kg, quả là khó mà tưởng tượng nổi.
Tuy nhiên trong lịch sử các triều đại Trung Hoa thì các thời khác nhau có trọng lượng khác nhau. Dựa vào những quả cân tiêu chuẩn các thời đại khai quật được đến nay, cùng những tài liệu lịch sử thì một cân có khối lượng là:
- Thời Chiến Quốc - Tần: 1 cân khoảng 0.256 - 0.266kg
- Thời Tần: 1 cân khoảng 0.233 - 0.252kg
- Thời Tây Hán: 1 cân khoảng 0.250 0. 255kg
- Nhà Đông Hán: 1 cân khoảng 0.225kg
- Nhà Đường: 1 cân khoảng 0.641 - 0.646kg
Như vậy thời Tam Quốc thuộc cuối thời Đông Hán nên thanh long đao của Quan Vũ chỉ là 82 cân x 0.225 = 18.45 kg, nhẹ hơn thanh long đao của Mạc Đăng Dung rất nhiều. Long đao Quan Vũ chỉ nặng chưa đến 2/3 trọng lượng thanh long đao của Mạc Thái Tổ. Nếu như vậy thì Mạc Đăng Dung còn khỏe hơn Quan Vũ rất nhiều lần.
Thanh long đao của Quan Vũ chỉ là 82 cân x 0.225 = 18.45 kg, nhẹ hơn thanh long đao của Mạc Đăng Dung rất nhiều. (Ảnh chụp màn hình)
Giải mã hai thanh long đao nổi tiếng
Trước hết nói về thanh Định Nam đao, hiện nay vẫn chưa tìm thấy có tài liệu lịch sử nào nhắc đến nó. Điều này có vẻ vô lý và 'bất công' đối thanh long đao còn 'oai phong' hơn Thanh Long Yển Nguyệt đạo. Ngay cả Quan Vũ cũng chỉ có thể sử dụng long đao 18kg, thì việc Mạc Đăng Dung sử dụng thanh long đao nặng đến 30kg, dài 2.55m này là điều khó mà tưởng tượng nổi. Thế nên chỉ có thể hai khả năng là thanh đại đao này là binh khí sử dụng để luyện sức mạnh cánh tay, cũng giống như những người học võ thường buộc vật nặng vào chân rồi chạy để luyện sức mạnh đôi chân vậy. Còn trên chiến trường thì họ sử dụng những thanh đao nhỏ hơn, linh hoạt hơn mới có thể giành ưu thế được.
Cũng có thể Định Nam đao chỉ là nghi trượng, là biểu tượng cho sức mạnh Mạc Thái Tổ, được chế tạo sau khi ông đã lên ngôi vua.
Còn Thanh Long Yển Nguyệt đao thì thế nào? Theo tài liệu giàu tính lịch sử là Tam Quốc Chí của Trần Thọ miêu tả Quan Vũ trảm Nhan Lương như sau: "Vũ trông xa thấy Lương ở dưới lọng chỉ huy, liền ra roi quất ngựa xông tới đâm chết Lương giữa vạn quân, chém lấy thủ cấp rồi quay về".
Thanh Long Yển Nguyệt đao sở dĩ có tên như vậy vì lưỡi đao cong cong như trăng lưỡi liềm, mũi nhọn của đao cong lên trên, thế thì không thể dùng để "đâm chết Lương giữa vạn quân" được. Thanh Long Yển Nguyệt đao thời Tam Quốc vẫn chưa xuất hiện, mãi đến thời nhà Đường mới có loại binh khí này. Thế nên Quan Vũ nhiều khả năng không phải dùng đao, vì "đâm chết" Nhan Lương thì không thể là đao được, nếu là đao thì phải là "bổ chết", "chém chết" mới hợp lý.
Cuối thời nhà Hán tuy đã có những người cưỡi ngựa dùng đao tác chiến, nhưng họ đều dùng đoản binh là Hoàn thủ đao, dài khoảng 1 - 1.1m, lưỡi thẳng, là vũ khí tác chiến cự li gần, dùng để chém bằng lưỡi hoặc bổ bằng sống đao dày, còn vũ khí tác chiến cự ly xa thi nổi tiếng nhất và thông dụng nhất thời đó vẫn là mâu và kích.
Sách Đao Kiếm Lục của Đào Hoằng Cảnh nhà Lương thời Nam triều có miêu tả rằng: "Năm Hoàng Vũ thứ 5 (năm 226), Tôn Quyền chế tạo 10 thánh kiếm và vạn thanh đao". Như vậy có thể thấy kiếm thời đó chỉ là binh khí dùng để thưởng thức, còn đao mới là vũ khí mà binh sĩ dùng trên chiến trường. Vậy nên nếu Quan Vũ dùng đao thì cũng là đoản đao mới đúng, còn tác chiến tầm xa thì rất có thể dùng mâu, thứ vũ khí lợi hại tác chiến trên ngựa đương thời. Vì vậy, rất có thể Quan Vũ dùng mâu hoặc kích, và có đeo Hoàn thủ đao để chặt đầu Nhan Lương.
Kiếm thời đó chỉ là binh khí dùng để thưởng thức, còn đao mới là vũ khí mà binh sĩ dùng trên chiến trường. (Ảnh: baike.baidu.com)
Đại đao bản lớn cán dài chỉ xuất hiện vào đời Đường, Tống, được dùng làm vũ khí thao luyện, biểu diễn và trong các nghi lễ chứ không dùng thực chiến. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa thì vũ khí của các mãnh tướng như Hoàng Trung và Ngụy Diên dùng đại đao, Từ Hoảng dùng búa lớn (đại phủ), Hoàng Cái dùng roi sắt, Vũ An Quốc dùng chùy sắt, Lã Bố dùng Phương Thiên Họa kích, cũng giống như Thanh long đao của Quan Vũ, có khả năng là hư cấu sáng tạo nghệ thuật của tiểu thuyết lịch sử mà thôi.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập41
  • Hôm nay1,532
  • Tháng hiện tại48,485
  • Tổng lượt truy cập809,399
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây