ĐẶC ĐIỂM KIẾN TRÚC CÁC NHÀ THỜ
CỦA DÒNG HỌ NGUYỄN DUY LÀNG NGHÌN
Là một dòng họ lớn ở Đông Linh, Nguyễn Duy có lịch sử phát triển lâu đời với ba chi và nhiều ngành, nhánh khác nhau. Mỗi một chi, ngành đều có hướng phát triển riêng trong tổng thể chung của dòng họ. Con cháu của dòng họ đã quan tâm đến việc tu bổ và tôn tạo lại mộ tổ và nhà thờ họ. Hiện nay dòng họ Nguyễn Duy ở Đông Linh có ba nhà thờ lớn thuộc chi trưởng và chi thứ.
1. Nhà thờ họ Nguyễn Duy - Chi trưởng
Trước đây, nhà thờ họ Nguyễn Duy chi trưởng ở xóm Đồng Bến, cạnh ngòi nước gần bến Đài Thần. Nhà được làm bằng cột gỗ tạp, mái tranh tre, tường vách đất.
Năm Nhâm tý (1902), cụ bà Nguyễn Duy Chiêu (đời thứ 11) đã cúng tiến hơn một sào đất tại xóm Đồng Lâu. Đến năm Ất Mão (1905), họ Nguyễn Duy chuyển nơi thờ từ xóm Đồng Bến về xóm Đồng Lâu và xây dựng miếu thờ ở đây. Lại đến năm Tân Dậu (1911) họ Nguyễn Duy đem bán thửa đất ở xóm Đồng Bến cho họ Vũ lấy tiền quyên góp vào mua ngôi nhà gỗ lim 3 gian cũ là nhà khách ở xứ nhà Chung xã Lai ổn về xây làm nhà bái đường. Đến năm Giáp Tuất (1994), nhà bái đường bị hư mục nên được con cháu trong họ gom góp nhân tài vật lực trùng tu lại.
Công trình kiến trúc nhà thờ họ Nguyễn Duy chi trưởng được kết cấu theo kiểu hình chữ nhị (=). Trải qua hàng trăm năm với những biến động lịch sử và sự tác động của thiên nhiên, nhà thờ không còn nguyên hiện trạng, song các hạng mục kiến trúc cũ vẫn còn. Các hạng mục ở đây trừ nhà hậu cung được xây dựng từ năm 1905, các công trình khác như nhà bái đường, sân di tích, sân lộ thiên được con cháu trùng tu xây dựng lại. Di tích nhà thờ bao gồm các công trình: sân, nhà bái đường, nhà hậu cung. Tất cả được bố trí hài hòa trong một khuôn viên khoáng đạt.
1.1. Bố cục cảnh quan
- Tường bao di tích: Được xây bằng gạch đỏ hình chữ nhật, cao 1,8m bao khép kín toàn bộ khuôn viên di tích.
- Sân: Qua một chiếc cổng nhỏ là đến sân hình chữ nhật dài 9m; rộng 4,80m được lát gạch đỏ hình chữ nhật. Ở phía trước sân là một am thờ nhỏ được xây một cách đơn giản. Có vai trò như là người bảo vệ ngôi nhà thờ khỏi sự tấn công của các thế lực vô hình.
- Vườn: Bao quanh ngôi nhà thờ là thế giới của cây xanh. Những hàng cau được trồng thẳng hàng, điểm xuyết vào đó là những cây hoa mẫu đơn. Những khoảng trống khác được con cháu tân dụng để trồng hoa màu, mùa nào thức nấy tạo không gian thoáng đãng cho ngôi nhà thờ, hài hòa với cảnh quan.
- Sân lộ thiên: Việc bố trí sân lộ thiên ở giữa nhà bái đường và nhà hậu cung đã tạo nên ánh sáng cho di tích, đồng thời có khoảng không gian trống để trồng cây xanh. Sân lộ thiên hình chữ nhật dài 8,1m; rộng 2,7m, nền sân được lát bằng vữa tam hợp. Ở giữa sân là một hàng gồm 4 cây cau quanh năm xanh tốt. Hai góc sân được trồng hai cây hoa đào, tạo nêm sự hài hòa của thiên nhiên. Bao quanh sân lộ thiên là hệ thống tường bao. Phía trên của bốn góc tường được đắp hình trụ, tường cao 1,5m được con cháu xây dựng đã lâu qua thời gian đã bị rêu phủ tạo nên sự cổ kính cho nhà hậu cung ở phía sau.
Tóm lại, bố cục cảnh quan của di tích chưa có gì đặc sắc lắm, nhưng nó phù hợp với thực tế cảnh quan và không gian di tích, các bộ phận được bố trí một cách đăng đối, có trước có sau.
1.2. Nhà bái đường
Từ sân bước qua hai bậc cầu thang là lên thềm nhà bái đường. Thềm được lát gạch đá hoa vuông màu đỏ. Phía trước thềm ở chính giữa là bồn hoa, bên trái là cây đinh lăng, bên phải được trồng cây cau cảnh tạo nên sự hài hòa về không gian cho ngôi nhà bái đường.
Nhà bái đường dài 8,60m; rộng 5,20m gồm ba gian, với diện tích 44,72m2, được kết cấu theo kiểu tứ trụ - lòng thuyền với bốn vì kèo bằng gỗ, mái lợp ngói mũi, rải rui bản, nền lát gạch đá hoa vuông màu đỏ.
Phần đỡ mái là một tấm gỗ dài được bào nhẵn chạy suốt ba gian nhà. Tương ứng với bốn vì kèo là bốn thanh bảy được trạm trổ hình đầu rồng, cùng với sáu thanh tàu tạo nên sự chắc chắn cho phần đỡ mái. Mái rải rui bản, lợp ngói mũi, trang trí hệ mái đơn giản, bờ dải, bờ nóc được xây và phủ áo vôi vữa. Các kìm nóc ở hai đầu hồi được thể hiện bằng các trụ vuông theo kiểu hồi văn ba đấu. Các trụ tường chắn mái được xây đơn giản, thân trụ thẳng, đỉnh trụ là cây đèn được xây bằng vữa tam hợp, phía nóc trụ được đắp hình hoa lựu. Ở mặt trước và ngang của trụ là hai dòng chữ Hán đắp nổi:
Mặt tiền: “Lỗi lang chính khí tồn cung nhượng
Thanh bạch rư khương dẫn tử tôn”.
Nghĩa là: Lẫy lừng chính khí lưu trời đất
Thanh bạch phúc dày dẫn cháu con.
Mặt ngang: “Anh hào gián xuất thiên nhân tuấn
Phiệt duyệt tràng lưu bách thế hương”.
Nghĩa là: Anh tài hiếm gặp ngàn người trội
Hiền tộc lưu dài vạn thuở thơm.
Hai vì kèo ở giữa kết cấu kiểu chồng đấu, giá chiêng kẻ chuyền cổ nghé được bào trơn đánh bóng. Mỗi vì kèo có một hàng cột tiết diện tròn gồm một cột cái (0,66m) và hai cột quân (0,60m). Đỡ kê chân cột bằng bê tông hình bầu dục cao 0,25m.
Hai vì kèo ở hai gian trái, phải kết cấu hình tam giác nhưng được tạo bởi những hình đầu rồng được trạm trổ công phu, giữa để ô trống hình thang cân, mỗi vì kèo có một hàng cột tiết diện tròn gồm hai cột cái đường kính 0,62m và hai cột quân (0,58m). Đỡ kê chân cột bằng bê tông hình bầu dục cao 0,22m.
Tổng cộng toàn nhà bái đường có 6 cột cái cao 3,50m và 8 cột quân cao 2,40m. Điều đặc biệt trong kết cấu của ngôi nhà đó là hai vì kèo của gian giữa mỗi vì kèo chỉ gồm một cột cái và hai cột quân theo kiểu lòng thuyền đã tạo nên không gian rộng và thoáng hơn cho ngôi nhà.
Liên kết các vì kèo là hệ thống xà thượng, xà hạ, hoành tại, thượng lương bằng hệ thống sàm mộng tạo cho khung nhà chắc khỏe chống chọi được sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Phía trước nhà mở ra 3 cửa bằng gỗ, mỗi cửa gồm hai cánh, hình vòm cuốn, cánh cửa gồm ba phần phía trên cùng hình vòm cuốn, ở giữa là chấn song con tiện, phía dưới được trạm trổ các họa tiết tùng, cúc, trúc, mai. Cửa giữa cao 2m, rộng 1,2m; hai cửa hai bên cao 1,96m, rộng 1,0m. Phía sau, cửa để trống thông với sân lộ thiên.
Nhìn chung trang trí kiến trúc nhà bái đường tương đối đơn giản, phần lớn các chi tiết kiến trúc trên gỗ được bào trơn, đánh bóng chỉ giá trị nghệ thuật làm tôn thêm vẻ thần thế, uy linh của nơi thờ phụng.
- Bài trí nội thất nhà bái đường: Nhà bái đường gồm ba gian, là nơi bái đường tiên tổ, đây cũng là nơi con cháu quây quần vào những ngày tế lễ. Bởi thế trang trí nội thất nhà bái đường tương đối đơn giản, tạo không gian thoáng rộng.
Ở gian giữa từ ngoài vào đặt một bàn thờ được xây bằng vữa tam hợp một cách đơn giản. Bàn thờ dài 2,2m; rộng 1,24 m; cao 0,78 m. Trên bàn thờ đặt một lư hương bằng sứ cao 0,35m chấm hình hai con rồng chầu mặt nguyệt; 2 đài diệu, 2 ống hương bằng gỗ, 2 ống hương bằng sứ, 2 cây đèn bằng gỗ và đôi lục bình bằng sứ. Ở chính giữa hương án còn có một long ngai sơn son thiếp vàng. Phần tay ngai được trạm rồng, chim phượng. Đỉnh ngai trạm nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt. Chạy dọc thân ngai là dây truyện cổ, phần đế có kết cấu kiểu chân quỳ dạ cá. Khoảng giữa của đế được chạm trổ hình hai đầu rồng ngoảnh vào nhau theo thế đăng đối, thân rồng uốn lượn và kết thúc bằng hai đuôi choái ra một cách mềm mại. Trên long ngai đặt hai đài diệu và hai cây đèn cầy bằng đồng ở hai bên, ở chính giữa đặt một đài diệu.
Phía bên trái của gian giữa treo bảng học vị và chức tước của các bậc tiền bối của dòng họ, bảng dài 1,1m; rộng 0,76m. Phía bên phải treo một cái chuông bằng đồng cao 0,45m.
Phía bên phải gian giữa đặt một cái bàn hình chữ nhật màu nâu đen, bàn có chiều dài 1,25m; rộng 0,64m; cao 0,88m. Các mép bàn được xoi viền sống khế công phu tỉ mỉ. Bàn là nơi để các vật phẩm trong các dịp tế lễ của dòng họ.
Như vậy, bài trí nội thất nhà bái đường khá đơn giản, tạo không gian rộng và thoáng cho nơi thờ tự và tế lễ.
1.3. Nhà hậu cung
Bước qua sân lộ thiên là đến nhà hậu cung. Nhà hậu cung mang dáng dấp của kiến trúc cận đại. Nhà cao 2,68m; rộng 2,15m; dài 2,2m với diện tích 4,73m2. Nhà chỉ có một gian theo kiểu chuôi vồ, 3 mặt được xây tường bịt đốc. Nhà hậu cung được mở một cửa ra vào hình vòm cung bằng gỗ cao 1,64m; rộng 1,05m. Nền nhà lát gạch đá hoa vuông màu đỏ (0,4m x 0,4m). Xà nhà bằng gỗ lim, rải rui bản. Điều đặc biệt trong cách lợp ngói của nhà hậu cung là phía trong có màn bằng gạch, gạch bát ở trên, gạch thất ở dưới. Trên mái lợp ngói mũi.
Điểm đặc sắc là ở phần kiến trúc phía trên mái. Mái phía trước được đắp một cuốn thư. Hai bên cuốn thư phía ngoài cùng là hình tượng hai con cá chép, tiếp đến là hai cây bút, trên cây bút là hai thanh kiếm. Ở chính giữa cuốn thư là hai chữ Hán:“Như Tại” (Nghĩa là: tổ tiên luôn ở tại đây). Cuốn thư không chỉ góp phần vào kiến trúc của hệ mái mà còn có ý nghĩa sâu sắc thể hiện tài văn - võ song toàn của cụ thủy tổ.
Hai bên nhà hậu cung còn có Chính Đông và Chính Tây được nối với hệ thống tường bao giữa nhà bái đường và nhà hậu cung. Đây như là hai người bảo vệ phía đông và phía tây ngôi nhà, tạo nên sự trang nghiêm cho nhà hậu cung.
- Bài trí nhà hậu cung: Từ ngoài vào là đôi câu đối bằng chữ Hán được đắp nổi trên hai trụ quyết phía trước nhà hậu cung:
“Báo quốc đan tâm huyền nhật nguyệt
Truyền gia thanh khản đai vân nhưng”.
Tạm dịch: Báo quốc lòng son treo nhật nguyệt
Truyền gia thanh sử dạy cháu con.
Từ cửa vào là một chiếc bàn gỗ dài 1,8m; rộng 0,55m; cao 0,77m. Chiếc bàn không sơn son, cũng không chạm trổ nhưng trên bốn chân và các thang dọc ngang của bàn đều được xoi viền sống khế rất công phu. Trên bàn có đặt một chiếc hòm bằng gỗ với dòng chữ thành tâm phụng tổ. Đây được coi như một chiếc hòm công đức ghi nhận tấm lòng của con cháu đối với thủy tổ.
Tiếp sau chiếc bàn là một án thư bằng gỗ dài 1,0m, rộng 0,55m, cao 0,96m để cọc sơn khảm xà cừ, không trạm trổ nhưng trên bốn chân và các thang dọc ngang của án thư đều được xoi viền sống khế một cách tỉ mỉ. Trên án thư ở chính giữa đặt một lư hương bằng sứ cao 0,22m, lư hương này được đặt trên một kệ đỡ bằng sành cao 0,10m chấm hình cá chép vượt vũ môn. Phía sau là một đỉnh hương bằng đồng có 5 bộ phận gồm: đỉnh, miệng, thân, tai và chân đế. Trên đỉnh hương là hình một con nghê bằng đồng ngoảnh mặt về phía trước, chân trái giơ lên trông rất uy nghi. Miệng đỉnh hương có hình tròn, trên miệng đỉnh hương có khắc nổi dòng chữ cụ thủy tổ Nguyễn Duy Thuần. Đến đoạn thắt cổ chai là phần thân đỉnh hương được trang trí trạm khắc rất tỉ mỉ. Phần tai đỉnh hương cũng được trang trí trạm khắc rất công phu. Đỉnh hương có ba chân, được đặt trên đế hình tròn. Hai bên án thư còn bày hai con hạc ngậm hoa sen, hai cọc đèn và hai chiếc đèn cầy, tất cả đều bằng đồng.
Phía trong cùng là bàn thờ được xây bằng vữa tam hợp rất đơn giản. Điểm thu hút trong nhà hậu cung là chiếc long ngai có niên đại khoảng 400 năm, từ thời nhà Mạc. Sau khi thủy tổ Nguyễn Duy Thuần qua đời, để ghi nhớ công ơn của cụ đối với nhà Mạc, vua Mạc đã ban tặng cho ông chiếc long ngai này để con cháu thờ phụng. Long ngai được đặt trên bàn thờ, đây là cổ vật có giá trị rất lớn. Long ngai được sơn son thiếp vàng rất đẹp. Long ngai gồm ba bộ phận: tay ngai, bệ, và thân ngai. Tay ngai có chạm đầu rồng trong tư thế vươn ra phía trước. Hai bên thân ngai được chạm khắc rất tinh xảo điêu luyện với các đề tài tùng cúc trúc mai. Thần chủ cũng được chạm trổ công phu với đề tài tùng cúc trúc mai và được để trống hai bên, đây là nét khác biệt so với các long ngai khác, đồng thời phần thân, tay ngai được thiếp vàng, một màu vàng độc nhất tạo nên vẻ thanh thoát của long ngai. Các mặt của bệ được trạm trổ nho sóc phù dung con trĩ rất công phu thể hiện bàn tay khéo léo của các nghệ nhân xưa. Trên long ngai đặt một mâm ngũ quả và một bộ ấm chén.
1.4. Các hiện vật thờ tự
Các hiện vật tại nhà thờ ngày xưa rất phong phú, nhưng do thời gian, chiến tranh nên các hiện vật bị hư hỏng và thất lạc đi nhiều. Hiện nay di tích còn những hiện vật sau:
TT |
Tên hiện vật |
Số lượng |
Chất liệu |
Ghi chú |
1 |
Câu đối |
3 đôi |
Vữa tam hợp |
2 đôi mới, 1 đôi cổ |
2 |
Hương án |
1 cái |
Gỗ |
Mới |
3 |
Lư hương |
3 cái |
2 gỗ, 1 đồng |
Mới |
4 |
Chuông |
1 cái |
Đồng |
Mới |
5 |
Lục bình |
1 đôi |
Sứ |
Mới |
6 |
Đài diệu |
7 cái |
Gỗ |
Mới |
7 |
Long ngai |
2 cái |
Gỗ |
1 mới, 1 cổ |
8 |
Ống hương |
6 cái |
Sứ, gỗ |
Mới |
9 |
Cọc nến |
4 cái |
Gỗ |
Mới |
10 |
Hạc |
2 con |
Đồng |
Mới |
11 |
Đèn cầy |
4 cái |
Đồng |
Mới |
12 |
Mâm ngũ quả |
1 cái |
Nhựa |
Mới |
13 |
Bàn |
2 cái |
Gỗ |
Mới |
14 |
Bảng học vị |
1 cái |
Gỗ |
Mới |
15 |
Ấm chén |
1 bộ |
Sứ |
Mới |
1.5. Lăng mộ
Thủy tổ Nguyễn Duy Hòa một đời trung thành và có công rất lớn đối với nhà Mạc, cụ là người có tấm lòng trung nghĩa, là cuốn sách quý, là đóa hoa thơm, là tấm gương sáng cho con cháu các thế hệ tiếp sau ghi nhớ công ơn và nối tiếp truyền thống tốt đẹp đó.
Theo gia phả bằng chữ Hán của dòng họ Nguyễn Duy, cụ thủy tổ mất ngày 30/7 (âm lịch) tức ngày 29/8/1577). Lễ tang cụ diễn ra theo nghi thức các quan đại thần. Linh cửu táng tại xứ Sài phía Bắc làng Đông Địa Linh, nhìn về từ đường gối vào yên voi. Mộ được đắp đất và có một bia đá cổ làm dấu.
Ngày 5/3 năm Bính Thìn (tức ngày 4/4/1976), con cháu trong họ quyết định rước cụ về quần tụ tại Mã Cả, cạnh mộ tổ phát tích xa xưa. Nhưng khi đào sâu gần 4m thì gặp một khối chạt mặt phẳng hình chữ nhật dài 3m; rộng 2m. Kết cấu cốt liệu vôi, vỏ sò, cát, đường mật và các chất kết dính thảo mộc thời xưa. Con cháu quyết định đào một góc khối chạt này thì thấy có mùi thơm khác hoàn toàn với các ngôi mộ khác. Con cháu xem xét kỹ lưỡng càng thêm tin tưởng vào gia phả cũ để lại là hoàn toàn chính xác và khẳng định phần mộ Hoàng giáp Nguyễn Duy Hòa được an táng cách đây hơn 400 năm vẫn còn nguyên vẹn. Đến tháng 9 năm Kỷ Tỵ (10/1989), con cháu Nguyễn Duy đã xây lăng và dựng bia trên phần mộ cũ này, ở dưới mộ có để chìm bia đá cổ.
Ngày nay, con cháu Nguyễn Duy coi đây là một niềm tự hào của dòng họ và tự nhắc nhở phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và hương khói (dẫn đến ảnh 2.13 phần phụ lục).
2. Nhà thờ họ Nguyễn Duy - Chi thứ ngành trưởng
Đây là nhà thờ cổ nhất trong các nhà thờ họ Nguyễn Duy ở Đông Linh. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Duy ghi chép thì mảnh đất ngôi nhà thờ này đã tồn tại tới nay được gần 500 năm, từ cụ thủy tổ thi Đình năm Ất Mùi (1535). Nhà thờ gốc gồm ba gian, do một thầy địa lý người Tàu lấy hướng, với mục đích mong con cháu thành đạt, ấm no. Từ đó con cháu dòng họ Nguyễn Duy ngày càng phát đạt. Nhà thờ hiện nay được xây dựng từ đời thứ 9 do 3 anh em cụ Linh Kỳ, An Phong và Dũng Quyết chung sức chung lòng dựng xây để hôm nay con cháu dòng họ có một công trình mang đậm giá trị lịch sử - văn hóa.
2.1. Bố cục cảnh quan
- Vườn: Cảnh quan bao quanh nhà thờ là không gian của cây xanh. Ngoài cây ăn quả thì con cháu còn tận dụng diện tích để trồng rau xanh, tạo không gian thoáng mát cho cảnh quan.
- Sân di tích: Bên cạnh vườn, phía trước nhà thờ là sân hình chữ nhật dài 13m, rộng 6,5m, được lát gạch Bát Tràng hình vuông, màu đỏ (0,20m x 0,20m). Sân luôn luôn được con cháu trông nom, quét dọn sạch sẽ.
- Hàng dậu bao quanh sân di tích: Bao quanh sân di tích là hệ thống hàng dậu chất liệu bằng xi măng, phía bên phải vườn và hàng dậu mở ra một lối nhỏ làm lối đi vào di tích.
- Giếng Ngọc: Phía trước nhà thờ có một cái giếng cạn gọi là giếng Ngọc. Nếu toàn bộ khu đất nhà thờ là một con rồng lớn thì đây được coi là mắt rồng, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Giếng Ngọc này cũng được thầy địa lý người Tàu lấy mạch. Tương truyền rằng giếng này có mạch nước ăn từ sông Luộc thuộc huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) cách đó mấy chục km. Nước ở đáy giếng có màu đỏ như nước phù sa sông. Xung quanh giếng là các cây cổ thụ như: nhãn, vải, xoài…, vừa tạo không gian thoáng mát, vừa tạo nên vẻ thanh tao cho ngôi nhà thờ.
- Bức tắc môn: Nét đặc sắc trong bố cục cảnh quan của di tích là bức tắc môn phía trước nhà thờ. Bức tắc môn tạo nên vẻ đẹp và sự hài hòa âm dương cho quang cảnh chung nhà thờ và là yếu tố quan trọng trong các công trình kiến trúc tâm linh của người Việt.
Bức tắc môn hình cuốn thư mang phong cách kiến trúc cổ. Hai bên tắc môn là hai cột quyết được xoi viền sống khế rất công phu, phía trên cột quyết đắp hình hoa lựu làm tăng thêm vẻ đẹp. Trên hai cột quyết có đắp nổi câu đối chữ Hán:
“Ngũ phúc đáo môn đường
Tứ thời hòa phong cảnh”
Tạm dịch: Năm phúc đến cửa từ đường
Bốn mùa phong cảnh đẹp.
Phía trên của bức tắc môn chạy dây truyện cổ. Hai bên phía trong cột quyết đắp hai bức phù điêu với đề tài tùng, cúc, trúc, mai. Hai bên tường của bức tắc môn đắp nổi hai bức đông bích đồ thư theo kiểu cổ, bên phải là bức đồ thư, bên trái là bức đông bích thể hiện hai cây bút nam.
Ở chính giữa bức tắc môn là hình chữ “Thọ” bằng chữ Hán tròn rỗng, xung quanh chữ thọ cũng được chạy dây truyện cổ tạo nên vẻ hài hòa trong kiến trúc. Bên ngoài chữ Thọ là 5 con dơi được đắp nổi. Theo quan niệm xưa thì con dơi tượng trưng cho “thọ”, 5 con dơi biểu hiện cho 5 chữ thọ nâng đỡ chữ thọ ở giữa càng làm tôn lên vẻ đẹp và ý nghĩa của chữ thọ ở trung tâm.
Hai trụ ở hai bên phía trước bức tắc môn là hai chậu cây hoa bát tiên, phía trước là cây hoa chuông. Cách bài trí bức tắc môn như vậy tạo nên sự đan xen hài hòa giữa thiên nhiên với không gian linh thiêng.
Chính bức tắc môn đã làm nổi bật bố cục cảnh quan của ngôi nhà thờ, tạo nên sự hài hòa giữa cảnh quan và không gian di tích.
2.2. Kiến trúc nhà thờ
Nhà thờ tọa lạc trên một khu đất rộng, ngoảnh mặt về hướng đông nam, dài 8,1m, rộng 5,5m với diện tích 44,55m2, theo kiểu tiền bảy hậu bảy.
Điểm khác biệt của nhà thờ so với một số công trình thờ tự khác trong vùng là phần thềm nhà thờ. Nhà thờ được xây theo kiểu lộn thềm. Do đó, thềm thực chất là một phần của ngôi nhà. Thềm cao 0,40m; rộng 2m, lát gạch đá hoa vuông (0,25m x 0,25m). Trên thềm, ở vị trí của bốn vì kèo là bốn cột bằng gỗ mà thực chất là bốn cột quân của ngôi nhà. Trụ được đặt trên bệ đỡ hình chữ nhật (0,18m x 0,30m), có tiết diện tròn (đường kính 0,56m), lát gạch đá hoa màu đỏ.
Phần đỡ mái vươn ra thềm là một thanh gỗ dài chạy dọc ngôi nhà. Tương ứng với bốn vì kèo là bốn cái bảy được bào trơn đóng bén, tạo độ vững chắc cho phần đỡ mái. Mặt trước của những cái bảy này được khắc chữ Thọ rất tinh vi. Ba chiếc đèn lồng to màu đỏ được treo ở chính giữa của ba gian nhà làm tăng thêm vẻ đẹp cho ngôi nhà.
Các trụ đầu hồi nhà thờ xây đơn giản, nhưng được trang trí cầu kỳ. Phía trên là hai túi thơ, phía dưới là hai bầu rượu, mặt trước của hai trụ là đôi câu đối đắp nổi bằng chữ Hán:
“Tổ đức vinh thùy thiên tải thịnh
Gia phong hàm lạc tứ thời xuân”.
Dịch nghĩa: Đức của tổ tiên rũ xuống con cháu được hưởng nghìn cái thịnh. Gia phong đẹp như bốn mùa xuân.
Kiến trúc nhà thờ mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Ngôi nhà gồm 4 vì kèo liên kết nhau tạo thành ba gian bịt đốc, tường xây bằng gạch cổ dày 30cm. Phía trước mở ra ba cửa hình chữ nhật, mỗi cửa gồm 4 cánh, bằng gỗ trò chỉ theo kiểu bức bàn. Cánh cửa thượng sơ hạ mật, trên chấn song con tiện, dưới bưng kín để trơn. Trên mỗi cửa được khắc nổi hai chữ Thọ. Cửa cao 2m, rộng 1,7m. Cửa được đặt trên bậc cao 0,55m tạo nên sự uy nghi, bề thế cho ngôi nhà. Nền nhà lát gạch đá hoa, mái nhà rải rui bản, dưới lợp ngói màn trên lợp ngói mũi, khung sườn làm bằng gỗ lim.
Kết cấu vì kèo theo kiểu giá chiêng kẻ chuyền. Nhà có 4 vì, mỗi vì có một cột cái và hai cột quân, tổng cộng nhà thờ có 4 cột cái và 8 cột quân. Cột cái cao 3,5m, đường kính 0,62m. Cột quân cao 2,5m, đường kính 0,56m. Các cột đều được kê trên bệ đỡ hình chữ nhật (0,18m x 0,30m).
Nhìn chung, trang trí kiến trúc nhà thờ tương đối đơn giản, hầu như trên các chi tiết kiến trúc bằng gỗ đều được bào trơn, để mộc làm tôn thêm vẻ thần thế uy linh của nơi thờ tự.
- Bài trí nội thất: Bên trong nhà thờ là không gian của sự linh thiêng. Các đồ thờ cổ gia truyền có giá trị được bài trí hợp lý.
+ Gian giữa: Đây là nơi thờ cụ Nguyễn Duy Trạch - tổ của chi thứ. Từ ngoài vào là một hương án được sơn son thiếp vàng, chạm trổ nho, sóc, phù dung, con trĩ tinh xảo. Hai bên hương án là đôi lục bình chấm tùng, hạc, cao 1,5m. Trên hương án đặt một lư hương bằng sứ cổ, một đôi hạc bằng đồng to, một đỉnh hương bằng đồng, đôi lục bình nhỏ.
Phía trong hương án là một án thư bằng gỗ dổi. Trên án thư, chính giữa là một bộ ngai được chạm trổ rất tinh xảo, điêu luyện, được sơn son thiếp vàng và giát một lớp vàng mỏng. Đây là một cổ vật có giá trị lịch sử - văn hóa rất lớn.
Phía trên án thư là một bức cửa võng chạm trổ long, ly, quy, phụng. Phía trên cùng là bức đại tự bằng chữ Hán màu đen nổi bật trên nền gấm với nội dung: Phụng tổ đường (Nghĩa là: Thờ phụng tổ tiên).
Hai bên bức cửa võng là đôi câu đối bằng chữ Hán được khắc trên nền gấm với nội dung:
“Nhân cơ nỗ lực tiền nhân kiến
Đức nghiệp đồng tâm hậu duệ bồi”.
Tạm dịch: Tổ tiên đã nỗ lực để lại nền móng làm người
Con cháu phải cùng nhau xây dựng đức nghiệp.
Trong cùng là đôi câu đối bằng chữ Hán được khắc trên gỗ cổ sơn khảm xà cừ.
+ Gian bên trái: Trên cùng là bức đại tự hình thức giống như bức đại tự ở gian giữa, có dòng chữ Hán với nội dung: “Quang ngư tiền” (Nghĩa là: Ngày trước các cụ làm nhiều việc trong sáng).
Dưới bức đại tự là bức y môn thêu nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. Dưới là một hương án cổ bằng gỗ, phần đế có kết cấu kiểu chân quỳ dạ cá, và được chạm trổ đơn giản với các dây hoa cúc. Trên hương án đặt một đỉnh hương bằng đồng, hai cây đèn bằng gỗ, hai cây đèn bằng đồng.
Gian bên trái còn có một vế của câu đối, nó cùng với vế bên gian phải tạo nên một câu đối bằng chữ Hán hoàn chỉnh: “Tổ tông công đức thiên niên thịnh” (Nghĩa là: Tổ tiên làm nhiều điều có đức).
Trên tường của gian trái là bảng thể hiện cây phả hệ của chi thứ ngành trưởng.
+ Gian bên phải: Trên cùng cũng là bức đại tự có hình thức giống như gian giữa với dòng chữ Hán có nội dung: Thùy ư hậu (Nghĩa là: Con cháu được hưởng nghìn cái hậu về sau).
Dưới bức đại tự là bức y môn thêu nổi lưỡng long chầu nguyệt. Dưới y môn đặt một án thư bằng gỗ chân thẳng chạm trổ lá guột rất tỉ mỉ. Trên án thư đặt 4 lư hương bằng sứ, hai ống hương, hai cây đèn, một đỉnh hương, một bộ tam sự bằng đồng và hai cỗ khám thờ cổ. Đây là một hiện vật tương đối hiếm ở các di tích, nó làm tăng thêm ý nghĩa thâm nghiêm của không gian thờ tự.
Ở gian phải là một vế đối còn lại, với dòng chữ Hán khắc trên nền gấm có nội dung: “Tử hiếu tôn hiền vạn thế vinh” (Nghĩa là: Con hiếu cháu hiền vạn đời vinh).
Như vậy hai gian trái, phải đã tạo thành một câu đối hoàn chỉnh mang ý nghĩa thâm thúy. Bên phải phía trên của gian bên phải này treo một cái chuông bằng đồng nhỏ.
2.3. Các hiện vật trong di tích
Bên trong di tích vẫn giữ được gần như trọn vẹn các hiện vật cổ có giá trị. Các hiện vật trong di tích rất phong phú, bao gồm:
TT |
Tên hiện vật |
Số lượng |
Chất liệu |
Ghi chú |
1 |
Long ngai |
1 cái |
Gỗ |
Cổ |
2 |
Khám thờ |
2 cỗ |
Gỗ |
Cổ |
3 |
Lư hương |
6 cái |
Sứ |
1 cổ, 5 mới |
4 |
Đỉnh hương |
2 cái |
Đồng |
Mới |
5 |
Hạc |
2 con |
Đồng |
Mới |
6 |
Lục bình |
2 đôi |
Sứ |
Mới |
7 |
Gia phả chữ Hán |
1 quyển |
tre |
Cổ |
8 |
Cọc nến |
6 cái |
4 Đồng, 2 sứ |
Mới |
9 |
Án thư |
2 cái |
Gỗ |
Cổ |
10 |
Hương án |
2 cái |
Gỗ |
1 mới, 1 cổ |
11 |
Câu đối |
3 đôi |
Gỗ |
1 Cổ, 2 mới |
12 |
Bức cửa võng |
1 cái |
Gỗ |
Mới |
13 |
Bức y môn |
2 cái |
Vải |
Mới |
14 |
Cây đèn |
4 cái |
gỗ |
cổ |
15 |
ống hương |
6 cái |
Gỗ |
Mới |
16 |
chuông |
1 cái |
Đồng |
Mới |
17 |
Bức đại tự |
3 cái |
Gỗ |
Mới |
18 |
Gia phả dịch |
1 quyển |
Giấy |
Mới |
3. Nhà thờ họ Nguyễn Duy - Chi thứ ngành 2
Khi tiến sĩ Đông nhạc hầu Nguyễn Duy Hợp đỗ đạt, ông được triều đình cấp cho hai mẫu điền thổ cắm lăng và làm cho ba gian nhà để thờ phụng ông bà, cha mẹ. Nhà thờ gốc bằng gỗ dừa, chạm long vân. Nhưng vì lòng thương dân, ông đã cho bán ngôi nhà để lấy tiền cứu đói dân nghèo. Nhà thờ hiện nay vẫn tọa lạc trên mảnh đất do tổ tiên để lại.
Chi thứ ngành 2 là một ngành phát triển, hiển đạt nhất của dòng họ. Con cháu thường xuyên trùng tu lại nhà thờ để thể hiện tấm lòng hiếu kính đối với tiên tổ. Lần trùng tu gần đây nhất vào tháng 12/2010.
3.1. Bố cục cảnh quan
- Sân di tích: Sân hình chữ nhật dài 6,8m, rộng 3,5m được lát gạch bát tràng vuông màu đỏ (0,25m x 0,25m). Trước sân có một vườn cây ăn quả để tỏa bóng mát, tạo không gian tự nhiên cho ngôi nhà thờ. Dưới sân, phía trước nhà thờ, ở vị trí của hai cột quyết chính giữa đặt hai con nghê đá tai vểnh, lông dựng ngược, nhe răng trông rất dữ tợn. Mỗi con nặng 400kg, dài 0,6m, cao 0,95m, đặt trên bệ đỡ cao 0,3m. Tại vị trí hai cột quyết hai bên góc sân là hai chậu cây sanh cũng được đặt trên bệ đỡ cao 0,3m.
- Bia đá: Được dựng vào năm 2010, bia nằm trên sân phía bên trái nhà thờ. Bia đá là bản sao bia tiến sĩ số 79, do con cháu ông Nguyễn Duy Duyệt cháu đời thứ 12 của đức thủy tổ kính dâng tiên tổ Nguyễn Duy Hợp. Bia có kích thước rộng 1,38m, cao 2,1m, dày 0,16m, gồm ba phần: thân, đỉnh và bệ. Chân bệ hình con rùa. Bia gồm hai mặt, mặt trước khắc chữ Hán, mặt sau khắc chữ quốc ngữ. Xung quanh mặt trước của bia được chạy dây truyện cổ, mặt sau được chạm hình lượn sóng cách điệu. Mặt trước trên đỉnh bia trạm đôi rồng chầu mặt nguyệt, phía dưới có dòng chữ Hán nổi: “Bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Thìn”. Mặt sau khắc tên 13 người đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (năm 1772). Trán bia hình vòng cung uốn lượn.
Nhìn chung bố cục cảnh quan nhà thờ khá đơn giản, tạo không gian thoáng rộng cho di tích.
3.2. Kiến trúc nhà thờ
Nhà thờ được xây dựng cách đây chưa lâu nên mang phong cách kiến trúc hiện đại theo kiểu cầu ô máng thượng.
Thềm nhà thờ được xây dựng giống như cửa tam quan trước khi vào bên trong nhà thờ. Thềm dài 6m, rộng 1,9m, lát đá hoa màu xanh. Trên thềm là cửa tam quan hình vòng cung. Phía trên cửa được viền xoi sống khế rất tỉ mỉ. Cửa giữa cao 2,24m, rộng 1,48m. Hai cửa hai bên rộng 1,15m, cao 2,24m. Cố kết ba cửa là 4 trụ quyết. Phía trên hai trụ quyết ở giữa được đắp con sơn bằng xi măng, mặt trước của hai trụ này là đôi câu đối bằng chữ Hán, phía trên và dưới của dòng chữ là hình chữ Thọ. Hai trụ quyết hai bên được đắp cây đèn, trên đỉnh cây đèn là hình búp sen. Phía trên cửa giữa được đắp ba con sơn, hai cửa hai bên mỗi cửa một con sơn, nối liền các con sơn là các dải xi măng tạo nên sự uyển chuyển của phần mái hiên.
Mái nhà rải rui bản, lợp ngói mũi hài, trang trí trên hệ mái khá đơn giản. Bờ dải, bờ nóc được xây và phủ áo vôi vữa, các kìm nóc được thể hiện bằng các trụ vuông.
Nhà thờ dài 6m, rộng 4,2m, gồm ba gian hai vì, 3 mặt xây tường bịt đốc. Nhà thờ mở ra 3 cửa ra vào bằng gỗ hình chữ nhật kiểu bàn khoa thượng song hạ bản, cửa chính có 4 cánh cao 1,6m, rộng 1,48m. Hai cửa hai bên có hai cánh cao 1,6m, rộng 0,80m. Nền nhà lát gạch đá hoa, khung sườn làm bằng gỗ lim. Kết cấu vì kèo theo kiểu giao nguyên. Nhà có hai vì, mỗi vì gác vào hai trụ tường không có cột.
Như vậy, kiến trúc nhà thờ mang dáng dấp kiến trúc hiện đại, tương đối đơn giản, các yếu tố bằng gỗ được bào trơn đánh bóng.
- Bài trí nội thất nhà thờ:
+ Gian giữa: Là nơi thờ phụng hai cha con ông Nguyễn Duy Cúc và Nguyễn Duy Hợp. Trên cùng là bức đại tự được sơn khảm xà cừ, có ba chữ Hán với nội dung: “Lưu quang đường”, tạm dịch: Từ đường lưu lại những việc trong sáng.
Dưới bức đại tự là bức y môn thêu nổi lưỡng long chầu nguyệt. Dưới y môn đặt một màn quần bằng gỗ cổ được sơn son thiếp vàng nhưng qua thời gian nay chỉ còn lại là màu nâu đất. Màn quần có kích thước cao 0,8m; dài 1,41m, rộng 0,6m. Mặt trước màn quần được chạy dây cúc cổ ở xung quanh. Ở chính giữa là một bông hoa cúc to, bốn góc là bốn con bướm nâng đỡ bông hoa cúc ở giữa, tất cả được đắp nổi tạo nên vẻ đẹp thanh thoát cho chiếc màn quần. Trên màn quần, ở chính giữa có đặt một lư hương bằng sứ cao 0,25m, hai bên là hai ống hương bằng gỗ cổ.
Tiếp sau màn quần là một hương án gỗ được sơn son thiếp vàng, chạm trổ tinh xảo, điêu luyện, với đề tài nho, sóc, phù dung, con trĩ, bốn mặt là bốn hình mặt rồng, phía trên hương án hai bên chạm rồng chầu. Trên hương án là đôi lục bình có cắm hoa, hai con hạc ngậm hoa sen, hai giá gương, hai đài diệu, một bát hương. Ở chính giữa là đỉnh hương bằng đồng, hai bên đỉnh hương là hai cọc nến bằng đồng. Phía trong hương án là một bàn thờ cao và rộng, được xây bằng vữa tam hợp. Trên bàn thờ đặt mai lượm, đây là một trong những hiện vật quý báu lưu giữ lâu đời tại di tích. Cho đến nay, mai lượm còn nguyên vẹn cả ba bộ phận là bành kiệu, đế kiệu và đòn kiệu. Tất cả được sơn son thiếp vàng, chạm trổ tỉ mỉ, công phu, đẹp với đề tài tứ linh, tứ quý. Hai tay của bành kiệu được thể hiện hình tượng một con rồng ở tư thế đầu ngẩng cao hướng về phía trước, nhiều vảy, lông tua tủa, mang đặc điểm của rồng thời Lê. Bốn phía xung quanh đế kiệu được trang trí hình tượng hổ phù, dây cúc. Chân đế được tạo ở thế quỳ hơi choãi ra bốn hướng. Trên bành kiệu được đặt một long ngai, hai bài vị của ông Nguyễn Duy Cúc và ông Nguyễn Duy Hợp, một mũ chuồn chuồn của tiến sĩ Đông nhạc hầu Nguyễn Duy Hợp. Phía trong cùng là sắc phong do vua Lê phong cho ông Nguyễn Duy Cúc: Hồng lô tự tư khanh.
Phía trong cùng gian giữa là đôi câu đối bằng chữ Hán có nội dung:
“Anh hào gián xuất thiên nhân tuấn
Phiệt duyệt tràng lưu bách thế hương”.
Nghĩa là: Anh tài hiếm gặp ngàn người trội
Hiền tộc lưu dài vạn thuở thơm.
+ Gian trái: Đây là nơi thờ phụng con cháu các thế hệ kế tiếp của cụ tổ Nguyễn Duy Hợp. Từ ngoài vào là một án thư bằng gỗ không sơn son thiếp vàng, cũng không chạm trổ, được bào trơn đánh bóng. Án thư có kích thước cao 0,80m; dài 1,44m, rộng 0,60m. Hai bên án thư đặt một ống hương, một cây đèn bằng gỗ và một bộ ấm chén bằng sứ. Sau án thư là một hương án được xây bằng vữa tam hợp. Trên hương án, ở chính giữa là một lư hương bằng sứ cao 0,20m. Phía trong là một sập thờ bằng gỗ không sơn son, chân sập được tạo ở thế hơi choãi về bốn hướng. Trên sập thờ đặt một long ngai được sơn son thiếp vàng và chạm khắc công phu tỉ mỉ, hai đài diệu, một nậm rượu, một cây đèn dầu, bên trái sập thờ là một lọ lục bình có cắm hoa, bên phải là một lọ hoa. Phía trong cùng của gian thờ là một vế của câu đối bằng chữ Hán khắc trên gỗ với nội dung:
“Báo quốc đan tâm huyền nhật nguyệt
Truyền gia thanh khoản dụ vân nhưng”.
Tạm dịch: Báo quốc lòng son treo nhật nguyệt
Vế đối này sẽ cùng với vế bên gian phải tạo thành một câu đối hoàn chỉnh.
Ở trên tường bên trái án thư là hai sắc phong do vua Nguyễn Gia Long ban cho tiến sĩ Đông nhạc hầu Nguyễn Duy Hợp (dẫn đến ảnh 1.1, 1.2 phần phụ lục). Phía dưới là bộ chắp kích bằng gỗ.
+ Gian bên phải: Phía trước gian phải cũng được đặt một án thư. Sau án thư là một bàn thờ, trên bàn thờ cũng được đặt một sập thờ. Cách bài trí giống gian bên trái. Phía trong cùng là một vế đối còn lại bằng chữ Hán có hình thức giống vế đối ở gian bên trái có nội dung:
Truyền gia thanh khoản dụ vân nhưng”.
Tạm dịch: Truyền gia thanh sử dạy cháu con.
Ở trên tường bên phải cũng là hai sắc phong của ông Nguyễn Duy Hợp, phía dưới là một cái tủ nhỏ đựng các kỷ vật về một thời làm quan của Đông nhạc hầu Nguyễn Duy Hợp. Trong tủ gồm có các hiện vật: 4 cái triện, 1 khay để mực, 1 hộp đựng sắc phong, 1 hộp đựng ấn tín và 1 thăng thu thóc do vua Quang Trung ban cho ông Nguyễn Duy Hợp để thu thóc ba huyện Tứ Kỳ, Quỳnh Côi, Vĩnh Lại. Thăng thu thóc này cũng là một vật cổ còn lưu giữ được. Thăng làm bằng gỗ lim, được chế tạo từ ngày 27/4 năm Kỷ Dậu (21/5/1789). Trên thăng có khắc 19 chữ Hán có nội dung: “Kỷ Dậu niên, tứ nguyệt, nhị thập thất nhật, vũ văn quan công đồng tạo quan bát tế khẩu”.
3.3 Các hiện vật trong di tích
Là một ngành hiển đạt nhất trong dòng họ, con cháu thuộc chi thứ ngành hai rất có trách nhiệm trong việc trùng tu nhà thờ và bảo tồn những hiện vật vô cùng qúy giá do tổ tiên để lại. Vì vậy số lượng hiện vật trong di tích vô cùng phong phú, chủ yếu là các đồ cổ từ thế kỉ XVIII.
TT |
Tên hiện vật |
Số lượng |
Chất liệu |
Ghi chú |
1 |
Kiệu rồng |
1 cái |
Gỗ |
Cổ |
2 |
Ống hương |
4 cái |
Gỗ |
Cổ |
3 |
Đài diệu |
6 cái |
Gỗ |
Cổ |
4 |
Cây đèn |
2 cái |
Gỗ |
Cổ |
5 |
Lư hương |
3 cái |
3 sứ |
Mới |
6 |
Màn quần |
1 cái |
Gỗ |
Cổ |
7 |
Đèn đĩa |
2 cái |
Gỗ |
Cổ |
8 |
Án thư |
2 cái |
Gỗ |
Mới |
9 |
Hương án |
1 cái |
Gỗ |
Mới |
10 |
Mũ quan nghè |
1 cái |
Đồng |
Cổ |
11 |
Long ngai |
3 cái |
Gỗ |
Cổ |
12 |
Ấn tín |
4 cái |
Gỗ |
Cổ |
13 |
Khay chứa mực |
1 cái |
Gỗ |
Cổ |
14 |
Thăng thóc |
1 cái |
Gỗ |
Cổ |
15 |
Hộp đựng sắc
phong |
1 cái |
Gỗ |
Cổ |
16 |
Hộp đựng ấn tín |
1 cái |
Gỗ |
Cổ |
17 |
Chắp kích |
2 bộ |
Gỗ |
Mới |
18 |
Câu đối |
2 câu |
Gỗ |
Cổ |
19 |
Sắc phong |
5 cái |
Giấy |
Cổ |
20 |
Cây để đèn |
2 cái |
Đồng |
Cổ |
21 |
Chuông |
1 cái |
Đồng |
Mới |
22 |
Gia phả chữ Hán |
1 quyển |
Giấy |
Cổ |
23 |
Gia phả dịch |
1 quyển |
Giấy |
Mới |
24 |
Giá gương |
2 cái |
Gỗ |
Cổ |
25 |
Hạc |
2 con |
Đồng |
Mới |
26 |
Bức y môn |
1 cái |
Vải |
Mới |
27 |
Bức đại tự |
1 cái |
Gỗ |
Cổ |
28 |
Lục bình |
4cái |
Sứ |
Mới |
29 |
Sập thờ |
2 cái |
Gỗ |
Mới |
30 |
Đèn dầu |
3 cái |
Thủy tinh |
Mới |
31 |
Cọc nến |
2 cái |
Đồng |
Mới |
32 |
Nậm rượu |
2 cái |
Sứ |
Mới |
33 |
Đỉnh hương |
1 cái |
Đồng |
Cổ |
34 |
Bia đá |
1 cái |
đá |
Mới |
35 |
Đế lư hương |
1 cái |
Gỗ |
Cổ |
36 |
Cây đèn đĩa |
2 cái |
Gỗ |
Cổ |
37 |
Lồng úp mũ quan |
1 cái |
Gỗ |
Cổ |
3.4. Khu lăng mộ
Cụ Nguyễn Duy Hợp mất giờ Tý ngày 9 tháng 12 năm Tân Mùi tại quê nhà. Ông là người yêu thương dân hết lòng. Khi được vua Quang Trung cho thu tô ba huyện Quỳnh Côi, Vĩnh Lạc, Tứ Kỳ thì ông đã miễn tô cho nhân dân ba huyện này. Do đó đến khi mất mà vẫn nghèo nên mộ ông chỉ được đắp bằng đất, táng tại Mã Cả làng Đông Linh. Sau khi cát táng, ông được đưa về tụ tại góc tây bắc, cạnh mộ tổ phát tích. Đến năm 1985, mộ ông được xây dựng lại như ngày nay (dẫn đến ảnh 2.15 phần phụ lục).
4. Giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của các nhà thờ
4.1. Giá trị lịch sử
Nhà thờ là không gian văn hóa tâm linh của dòng họ, là nơi thờ phụng các vị tiền nhân của dòng họ Nguyễn Duy - những người đã góp phần to lớn tạo nên truyền thống tốt đẹp đáng quý của dòng họ. Những tài liệu, hiện vật trong di tích có giá trị lịch sử rất lớn, góp phần giúp chúng ta hiểu một cách khá cụ thể về thân thế, sự nghiệp của các bậc tiền nhân trong dòng họ Nguyễn Duy. Đó là những vị quan thanh liêm, chính trực đã từng xem dân như con, hết lòng yêu thương dân chúng. Hình ảnh của những người này đã đi vào lòng dân chúng được nhân dân quý mến, tin yêu. Những cống hiến của họ đối với quê hương đất nước còn được các triều đại phong kiến ghi nhận qua các sắc phong và các hiện vật còn lưu giữ lại.
4.2. Giá trị văn hóa
Nhà thờ không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn mang giá trị văn hóa lớn lao. Nhà thờ là nơi diễn ra các hoạt động tế lễ hàng năm, đã phản ánh phần nào bản sắc văn hóa của địa phương nhất là về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của con người. Nhà thờ họ Nguyễn Duy là nơi để con cháu thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” với tổ tiên. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ của cụ thủy tổ (30/7 âm lịch), con cháu trong họ lại tập trung đông đủ trước bàn thờ tổ. Sau khi dâng lên tiên tổ nén hương thể hiện lòng thành kính, con cháu được nghe ông Chủ tịch hội đồng gia tộc kể về truyền thống của dòng họ. Đây là việc làm mang ý nghĩa giáo dục rất lớn, đồng thời thể hiện truyền thống văn hóa của dòng họ Nguyễn Duy nói riêng và của con người Đông Linh nói chung.
4.3. Giá trị nghệ thuật
Các nhà thờ của dòng họ Nguyễn Duy có giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo, tập trung chủ yếu ở kết cấu vì kèo và việc sử dụng hệ thống giá chiêng, kẻ chuyền, cột, kèo bằng chất liệu gỗ. Đặc biệt là phong cách kiến trúc truyền thống của người Việt được thể hiện qua việc sử dụng kỹ thuật mộng để cố kết nâng đỡ các bộ phận giúp cho ngôi nhà chắc chắn, chống chọi được sự tàn phá của thiên nhiên. Điều này còn chứng tỏ trình độ của người thợ xưa trong lĩnh vực kiến trúc.
Điểm nổi bật trong giá trị nghệ thuật của các nhà thờ dòng họ Nguyễn Duy là giá trị nghệ thuật điêu khắc, thể hiện chủ yếu ở các hiện vật như ngai thờ, án thư, hương án, khám thờ, kiệu rồng, đặc biệt là các hiện vật cổ. Với kĩ thuật điêu khắc tinh xảo, các nghệ nhân xưa đã tạo tác nên hình tượng những con vật trong bộ tứ linh: long, ly, quy, phụng, hay các cây trong bộ tứ quý: tùng, cúc, trúc, mai. Các tác phẩm này không chỉ đẹp mà rất có thần, thể hiện tài năng của các nghệ nhân.
Ngoài ra giá trị nghệ thuật điêu khắc còn thể hiện ở các bộ phận kiến trúc của nhà thờ như các kê, bảy, kèo. Các chữ Thọ hay những hình đầu rồng được chạm khắc rất công phu tỉ mỉ. Giá trị điêu khắc nói chung là ở trên gỗ, một phần được thể hiện trên các chất liệu khác như các đỉnh tam sự và lư hương bằng đồng…
Tóm lại, các giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của các nhà thờ của dòng họ Nguyễn Duy rất đặc sắc, thể hiện được phần nào đời sống sinh hoạt văn hóa của các thế hệ dòng họ Nguyễn Duy. Qua đó đã phản ánh đời sống tâm hồn, trí tuệ, tâm tư tình cảm, ước nguyện của người dân nơi đây, góp phần vào kho tàng văn hóa Việt Nam.