Hoàng Giáp Nguyễn Duy Thì

Thứ năm - 12/10/2023 01:56 113 0
Không chỉ là người phò tá tài đức, Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì còn để lại bài học về đạo làm quan.
Hoàng Giáp Nguyễn Duy Thì
Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì và chuyện 'hổ phụ sinh hổ tử'
 
Không chỉ là người phò tá tài đức, Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì còn để lại bài học về đạo làm quan.
Không chỉ là người phò tá tài đức, Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì còn để lại bài học về đạo làm quan - cũng như người con Nguyễn Duy Hiểu của ông bởi khí tiết thà chết chứ không nhục quốc thể.

Từ một Hoàng giáp, Nguyễn Duy Thì được dân gian yêu mến gọi là Quan Thượng Láng. Dù chức tước quyền hành chỉ đứng sau chúa Trịnh, nhưng ông luôn đau đáu về thế nước - phận dân. Ông có người con là Nguyễn Duy Hiểu, cũng là một nhà khoa bảng khi vâng mệnh đi sứ sang Bắc đã bị vua Minh sát hại.
Đại thần kiêm chức Tế tửu

Các nguồn sử liệu cho biết, Nguyễn Duy Thì (1572 - 1651) người phủ Tam Đới, nay là Thanh Lãng (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc). Vào khoa thi năm Mậu Tuất (1598), thi đỗ Hoàng giáp, từng giữ nhiều trọng trách như: Công bộ Thượng thư, Binh bộ Thượng thư, Thượng thư bộ Lại, giữ việc lục bộ….
Còn trong một bản gia phả viết năm 1753 ghi rằng: Nguyễn Duy Thì còn có tên tục là Trảm. Khi sinh ra đã khác thường, xương dài rủ xuống quá hậu môn. Bản tính thông minh, lại được gia đình dạy dỗ văn chương chu đáo, tìm những sinh đồ giỏi nhất cho theo học.
Lúc đó, nhà Mạc còn trấn giữ Thăng Long. Nghe tiếng nho sinh học giỏi, đích thân quan Thái bảo cưỡi voi tới tận nơi để tỏ sự coi trọng. Nhưng Nguyễn Duy Thì lại không đi thi các kỳ thi do nhà Mạc tổ chức. Một đêm, ông mộng thấy thần tới, nói đại ý “thiên hạ an hay nguy trông chờ vào ông cả đấy”.
Trong cuộc đời làm quan, ông còn kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác thuộc lĩnh vực ngoại giao, văn hóa, giáo dục như Tư nghiệp rồi Tế tửu Quốc Tử Giám. Hơn 40 năm giữ trọng trách dưới 5 triều vua 2 đời chúa, uy danh Nguyễn Duy Thì lừng lẫy từ thời bình cho đến thời loạn.
Theo tư liệu của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn miếu Quốc Tử Giám, hiện nay tại nhà thờ Nguyễn Duy Thì ở Vĩnh Phúc còn giữ 4 đạo sắc phong nhắc đến chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám của ông, trong đó đạo sắc năm Vĩnh Tộ 2 (1620) có ghi: “Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Lễ bộ Tả Thị lang kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp Phương Tuyền bá Nguyễn Duy Thì”.
Điều này chứng tỏ Nguyễn Duy Thì kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám vào trước tháng 10 năm Canh Thân (1620). Đặc biệt sắc phong cho ông kiêm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám vào năm Dương Hòa 6 (1640) - khi đó ông vẫn kiêm giữ Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Điều này cho thấy, ông được kiêm nhiệm Tế tửu từ năm 1640 và giữ chức này đến khi qua đời (1651).
Như vậy, cuộc đời làm quan của Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì gắn bó với Quốc Tử Giám và công việc giáo dục đào tạo nhân tài trong thời gian rất dài.
Ngay từ những năm 1620, nhiệm vụ của Nguyễn Duy Thì ở Quốc Tử Giám giúp triều đình rèn luyện nhân cách cho hiền tài sau này sẽ trở thành các vị đại thần trụ cột của đất nước.
Với hơn 30 năm kiêm nhiệm chức Tư nghiệp rồi Tế tửu, Nguyễn Duy Thì cùng với các học quan thời đó đã góp phần củng cố nền quốc học, chế độ khoa cử.
Các nguồn sử liệu ghi nhận Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì được trao trọng trách tổ chức 3 kỳ đại khoa vào các năm 1613, 1623 và 1637.
Trong 3 kỳ thi đó, Nguyễn Duy Thì được giao trọng trách làm Giám thí hai lần, và một lần giữ nhiệm vụ là Tri cống cử. Ba kỳ thi này hiện còn bia đề danh Tiến sĩ đặt tại Văn miếu Quốc Tử Giám.

Tư liệu tại cuộc trưng bày chuyên đề về Tế tửu Nguyễn Duy Thì.
Đạo trị nước” lấy dân làm gốc
Theo sử liệu, khi ấy nhiều đại thần cậy công tiến cử con cháu làm quan. Mà trong số đó, hầu hết là bọn bất tài và vô đạo đức nên Nguyễn Duy Thì lấy làm lo lắng.
Lúc ấy trên cương vị là Thiêm đô ngự sử, Nguyễn Duy Thì đã dâng chúa Trịnh Tùng bài khải “Đạo trị nước” nhằm tiếp tục công cuộc trung hưng của nhà Lê.
Bài khải viết: “Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi. Lại nghĩ rằng trời với dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời. Cho nên người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy họ đói rét thì thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khóa bừa bãi, để cho dân được thỏa sống mà không còn tiếng sầu hận oán thán.
Chỉ vì người thừa hành chưa biết thể theo đức ý người trên, chỉ chăm làm hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã, phàm những việc nhiễu dân không việc gì là không làm...
Vì thế mà động đến trời đất, nên lòng trời mới không thuận. Tai nạn nước lụt dâng lên lạ thường, phải chăng là chính sự lúc này có thiếu sót...” và ông cũng khuyến nghị: “Nếu làm được chính sách giúp dân, thì trên thuận lòng trời, dưới đẹp ý dân, tự khắc đổi tai vạ làm điềm lành, hàng năm được mùa, mọi nhà, mọi người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp nước nhà truyền ức muôn năm từ nay trở đi được lâu dài vậy”.

Trịnh Tùng khen và phê chuẩn các điều trong bài khải của Nguyễn Duy Thì. Khoảng cuối năm 1613, triều đình sai triều thần chia nhau đi các xứ xét hỏi nỗi đau khổ của dân gian. Người phiêu dạt thì tha tạp dịch 3 năm để về yên cư phục nghiệp.
Nguyễn Duy Thì từng phụng mệnh vua Lê đi sứ nhà Minh để bàn định về nhiều vấn đề hệ trọng, đồng thời gắn kết thêm tình giao giữa hai nước. Bởi công lao ấy, ông lại được thăng chức.
Khoảng giữa 1623, quân Mạc đánh vào Thăng Long, Nguyễn Duy Thì cùng chúa Trịnh về Thanh Hóa. Năm 1624, ông và Thái bảo Luân quận công đốc suất quân đội đánh nhà Mạc ở Cao Bằng bắt được Mạc Càn Thống.
Năm 1627, ông mang sắc chỉ của vua Lê vào Thuận Hóa dụ hàng chúa Nguyễn nhưng không thành công. Năm 1629, ông viết một bức thư dụ hàng được nhóm nổi loạn Uy Lãng, được vua Lê chúa Trịnh khen ngợi rằng “một lời nói mà thắng cả vạn quân”.
Trong các năm tiếp theo ông tiếp tục xông pha chiến trận, bàn định mưu lược. Danh sĩ Phạm Đình Hổ viết trong “Tang thương ngẫu lục” rằng: “Ông luôn giữ mình ngay thẳng và khéo thay đổi được ý vua - chúa”.
Năm 1651, Nguyễn Duy Thì qua đời, được ban Thái tể, ban thụy là Hành Độ (nắm giữ pháp độ). Ông là vị quan được người đời ca tụng là “đi vua nhớ, ở chúa sợ”. Tên tuổi và sự nghiệp của ông được lưu danh trong sử sách, được nhân dân dựng đền thờ.
Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì có một người con trai là Nguyễn Duy Hiểu từng làm Chánh sứ sang phương Bắc, nhưng lại bị vua Minh giết hại.
Sử liệu cho biết, ngày 30/12 năm Dương Hòa thứ ba (1637), Giang Văn Minh và Thiêm đô Ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua Lê cử làm Chánh sứ cùng 4 phó sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ sang nhà Minh. Một đoàn do Nguyễn Duy Hiểu làm Chánh sứ, một đoàn do Giang Văn Minh làm Chánh sứ.
Năm 27 tuổi, Nguyễn Duy Hiểu đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn (1628) - cùng khoa với Thám hoa Giang Văn Minh. Sau đó, ông giữ các chức quan Hàn lâm viện Hiệu lý, Đô cấp sự trung Lại khoa.
Việc vua Minh sát hại sứ thần Giang Văn Minh xảy ra vào ngày 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Tuy nhiên, sử liệu ít ghi chép về cái chết của Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu nên hậu thế ít biết về điều này.
Tuy nhiên, các tài liệu cũng khẳng định linh cữu Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu (mất năm 37 tuổi) do chính cha ông - Quận công Nguyễn Duy Thì được lệnh nhà vua dẫn một đoàn lên cửa quan đón thi hài cả hai Chánh sứ về.
Hiện nay, tại Đền thờ Nguyễn Duy Thì ở Vĩnh Phúc còn lưu giữ bảy đạo sắc phong đời vua Lê Thần Tông. Đặc biệt có đạo sắc rất quý hiếm, do vua Lê ghi nhận công lao đi sứ của Hoàng giáp Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu, có đóng Quốc ấn “Hoàng đế chi bảo”.
Nếu như các sắc phong khác phần nhiều chỉ khen ngợi như trung cần, mẫn cán, phụ bật triều chính, thì sắc phong này ghi rõ: “…vâng mệnh đi sứ sang Bắc quốc nộp lễ cống, hoàn thành việc nước, có công… Sắc Nguyễn Duy Hiểu… đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu, do vâng mệnh đi Bắc sứ tuế cống, bị bức hại nên đã chết thảm thương, có công lao vì nước mà yên nghỉ khi đang tại chức, nên gia tặng chức Thị lang Bộ Hình, tước Hầu…”.
Sử sách không ghi rõ Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu đã đối đáp gì với vua nhà Minh. Tuy nhiên, sắc phong chứng minh ông “bị bức hại, có công lao vì nước”. Có thể hiểu trong đoàn sứ bộ Đại Việt, cả hai vị Chánh sứ đã không làm nhục mệnh vua, nêu cao tiết tháo nên vua Minh đã bức hại cả hai.
Cha con nhà khoa bảng Nguyễn Duy Thì đã để lại tiếng thơm muôn đời, thật xứng với câu nói xưa - hổ phụ sinh hổ tử.
Năm 2016, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn miếu Quốc Tử Giám đã tổ chức Hội thảo khoa học tôn vinh những đóng góp của Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì.
Nhiều tham luận đã chỉ ra các bằng chứng về sự đóng góp lớn lao của một vị đại quan kiêm chức Tế tửu với hơn 30 năm gắn bó - có lẽ là lâu nhất trong lịch sử Văn miếu Quốc Tử Giám.
Trước tác của Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì được xác định chỉ còn 3 bài văn bia, 2 bài thơ chép trong cuốn “Toàn Việt thi lục”. Trong đó, bia đá “Tĩnh Lự thiền tự bi” do ông soạn khắc năm 1648 đặt tại chùa Tĩnh Lự (Bắc Ninh) vừa được công nhận là bảo vật quốc gia.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại46,985
  • Tổng lượt truy cập807,899
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây