Đôi nét về tác phẩm Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí) của Nguyễn Du
I Tiểu dẫn
- Đọc Tiểu Thanh kí viết về nàng Tiểu Thanh, sống từ thời nhà Minh ở Trung Quốc, người Quảng Lăng, tỉnh Giang Tô - Trung Quốc, nàng thông minh và nhiều tài nghệ. Năm 16 tuổi nàng làm vợ lẽ một người ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Người vợ cả ghen ghét bắt nàng ở riêng biệt trên một ngọn núi Cô Sơn thuộc địa phận Hàng Châu. Tiểu Thanh buồn khổ, làm nhiều thơ, từ. Nàng chết lúc mười tám tuổi. Tập thơ từ của nàng bị người vợ cả đem đốt. Trước khi chết, nàng lấy hai tờ giấy gói trang sức gửi tặng một cô gái. Đó là bản thảo thơ từ còn lại của nàng. Đây cũng là phần dư. Nguyễn Du đã đọc phần dư ấy mà cảm xúc viết bài thơ.
- Bài thơ là tiếng khóc cho số phận bất hạnh của Tiểu Thanh, đồng thời thể hiện sự xót thương, day dứt của nhà thơ đối với những kiếp người tài hoa bạc mệnh, là tiếng nói khao khát tri âm của nhà thơ qua những hình ảnh thơ mang tính biểu trưng sâu sắc.
II. Văn bản (SGK)
1. Vì sao Nguyễn Du đồng cảm với số phận Tiểu Thanh?
- Nguyễn Du đồng cảm với Tiểu Thanh bởi Tiểu Thanh là người có tài, có sắc nhưng bị vùi dập, chết oan ức. Cái chết của nàng là bằng chứng xót xa cho kiếp "Hồng nhan bạc phận". Nguyễn Du đã từng thương xót, chia sẻ nỗi lòng với nhiều người con gái như vậy. Từ Đạm Tiên đến nàng Kiều, từ người đàn bà gảy đàn ở Long Thành đến Tiểu Thanh.
- Một lí do nữa khiến tác giả đồng cảm với Tiểu Thanh vì cùng là người nghệ sĩ tài hoa và bất hạnh.
2. "Nỗi hờn kim cổ" có nghĩa là gì? Vì sao tác giả cho là "khó có thể hỏi trời”?
- "Cổ kim hận sự thiên nan vấn" là nỗi đau muôn thuở của cuộc đời. Nỗi đau ấy, oan ức ấy không thể hỏi và trông cậy vào đâu. Ngay cả đến cả lực lượng tối cao của ông trời cũng không hỏi được (Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi).
- “Nỗi hờn kim cổ” dịch nghĩa của “cơ kim hận sự” (nỗi hận xưa nay), ý nói sự nghiệt ngã của tạo hóa, luôn đối xử bất công với kẻ sĩ tài hoa. Dưới thời phong kiến, các nghệ sĩ tài hoa thường khó tránh khỏi bất hạnh.
- Tác giả cho là “khó có thể hỏi trời”, "thiên nan vấn”, vì đây là “nỗi khổ của cuộc đời”, con người khó mà làm thay đổi được. Tư tưởng này thể hiện sự bất lực của người xưa trước những bất công trong xã hội.
3. Nguyễn Du thương cảm và đồng cảm với người phụ nữ có tài mà bất hạnh.
Thương cảm và đồng cảm với Tiểu Thanh, một nữ sĩ có tài văn chương nhưng đoản mệnh, sống từ thời nhà Minh ở Trung Quốc chứng tỏ tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du bao la và sâu sắc, vượt qua mọi ranh giới không gian và thời gian.
4. Phân tích vai trò của mỗi đoạn thơ (đề, thực, luận, kết) đối với chủ đề của toàn bài.
- Vai trò của hai câu Đề (khai): Mở ra khung cảnh, hoàn cảnh, nhân vật, sự việc, cảm xúc...
Tây Hồ hoa uyên tận thành khư
Độc điêu song tiền nhất chỉ thứ.
(Hồ Tây cảnh đẹp hóa gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn).
- Hai câu thơ đầu mang đến cảm giác hụt hẫng, mất mát. Tây Hồ vẫn còn đó nhưng vườn hoa thì không, cảnh đẹp mất rồi chỉ còn lại sự hoang mang. Kí của Tiểu Thanh còn đó nhưng không vẹn nguyên mà chỉ còn sót lại vài bài gọi là phần dư. Còn chăng chỉ còn lại hai tâm hồn. Một Tiểu Thanh, một Nguyễn Du. Tâm hồn Tiểu Thanh chỉ còn ghi lại trên trang giấy dù ít ỏi. Nguyễn Du khóc, viếng nàng “Thổn thức” bên cửa sổ.
- Vai trò của hai câu 3, 4 Thực (thừa): Phát triển hình tượng cảm xúc nêu lên nỗi khổ của một người:
Chi phấn hữu phần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh luy phần dứ.
(Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương).
- Nguyễn Du cảm nhận về cuộc đời Tiểu Thanh: Son phấn là sắc đẹp, văn chương là tâm hồn. Nguyễn Du lại chạm vào nỗi đau của kiếp người tài hoa bạc mệnh trong cuộc đời.
- Vai trò của câu 5, 6 Luân (chuyển): Ý tứ và cảm xúc được mở rộng và nâng cao lên tầm tư tưởng, từ chuyện của một người để nói lên nỗi khổ của muôn đời. Từ chuyện của muôn đời (cổ kim), nhà thơ lại quay về suy ngẫm chuyện một người (ngã tự cư). Đó chính là tâm sự mang nặng ưu tư của nhà thơ:
Cố kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư.
(Nỗi nhớ kim cô trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang).
- Phong lưu, phong vận, phong nhãn đều chỉ người tài hoa, nhan sắc. Nguyễn Du như muốn nói cùng Tiểu Thanh nàng có tài, có nhan sắc như thế lại bị nỗi oan kỳ lạ thì nàng giống ta. Nhưng ai là người giải đáp vì sao những người tài hoa nhan sắc lại phải chịu nỗi đau oan ức kỳ lạ ở trên đời? Nguyễn Du cũng không tìm được câu trả lời, đó chính là bi kịch.
- Vai trò câu 7, 8 là Kết (hợp): Tổng kết cảm xúc và kết thúc bài thơ, mở ra hướng suy ngẫm và cảm xúc dư âm:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
(Không biết ba trăm năm lẻ nữa,
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?)
- Nguyễn Du như hỏi Tiểu Thanh. Hôm nay ta khóc nàng vậy 300 năm sau, ai là người khóc ta? Nguyễn Du hỏi Tiểu Thanh cũng là hỏi mình với tâm trạng xót xa, rưng rưng. Hai câu cuối đã khép lại nhưng tấm lòng đồng cảm với người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh cứ sống mãi trong trái tim người đọc.
(Ghi chú: Việc trả lời đúng câu hỏi trong bài thơ này đã giúp Lê Xuân Mạnh, học sinh Trường THPT Hàm Rồng Thanh Hóa đã giành chức vô địch trong trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23, đây là trận Chung kết kịch tính nhất từ trước tới nay)