Điều kiện tự nhiên và dân cư

Thứ năm - 09/11/2023 06:57 71 0

Điều kiện tự nhiên và dân cư

Điều kiện tự nhiên và dân cư làng Nghìn, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình
 

1. Môi trường tự nhiên

Làng Đông Linh thuộc xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, là một vùng quê mang đậm các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần tiêu biểu của vùng đất Thái Bình. Huyện Quỳnh Phụ là miền đất cổ của Thái Bình, nằm ở phía Bắc tỉnh, có diện tích 200,1 km2, dân số có 2004665 người (năm 2003). Quỳnh Phụ có cư dân sinh sống từ lâu đời. Và cũng như bao mảnh đất khác trên quê lúa Thái Bình, Quỳnh Phụ cũng có nhiều tên gọi khác nhau qua mỗi giai đoạn lịch sử. Khi nhà nước Văn Lang được thành lập, đại bộ phận đất đai Quỳnh Phụ thuộc bộ Lang Tuyền. Trong những thế kỉ đầu công nguyên, Quỳnh Phụ thuộc quận Giao Chỉ. Đầu thế kỉ thứ VII, Quỳnh Phụ thuộc Hạ Hồng, quận Giao Chỉ, Giao Châu. Năm 905, nước nhà giành được tự chủ, Quỳnh Phụ thuộc Hạ Hồng, Hồng Châu. Năm 1252 thuộc phủ Thái Bình, lộ Hồng Châu, Đông Đạo. Cuối thời Lê sơ thuộc phủ Thái Bình, trấn Sơn Nam, vùng Sơn Nam hạ. Năm 1831 thuộc tỉnh Nam Định. Đến năm 1890 thuộc tỉnh Thái Bình như ngày nay. Xã An Bài nằm ở phía Đông của huyện Quỳnh Phụ. Với vị trí địa lý phía Đông giáp huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), phía Tây giáp xã An Vũ, phía Bắc giáp xã An Ninh, phía Nam giáp xã An Thanh. Hiện nay, xã An Bài có 4 làng, một thị trấn và một khu công nghiệp. Đông Linh là một trong bốn làng thuần nông của xã An Bài. Cũng như các làng khác trong xã, làng Đông Linh có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm không quá khắc nghiệt, người dân nơi đây không phải chịu cái giá rét đến thấu xương như vùng núi Tây Bắc, cũng không phải chịu cái nắng như thổi lửa của gió Lào ở miền Trung. Khí hậu ở đây tương đối ôn hòa với bốn mùa rõ rệt, lượng mưa tương đối lớn thuận lợi cho cây trồng vật nuôi phát triển. Làng Đông Linh nằm cạnh sông Hóa rất thuận tiện cho công tác thủy lợi, tưới tiêu. Là vùng đất có lịch sử khai phá lâu đời nên người Đông Linh còn biết thâm canh gối vụ. Ngoài hai vụ chính, nhân dân trong làng còn trồng thêm các cây vụ đông để tăng năng suất. Ngoài trồng lúa còn có ngô, khoai, sắn, lạc, vừng, đay…Đông Linh tuy là một làng nhỏ trong xã nhưng lại có hệ thống giao thông thuận lợi. Làng Đông Linh nằm giáp đường quốc lộ 10, từ đây có thể đi đến các tỉnh khác như Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình… rất thuận tiện. Đông Linh nằm cạnh sông Hóa, con sông đã chứng kiến bao chiến tích trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là thời Trần nên còn có tên là Linh Giang. Chính vì thế mà trong lịch sử Đông Linh có điều kiện giao lưu tiếp xúc văn hóa, trao đổi buôn bán với các vùng khác một cách dễ dàng. Đông Linh là một mảnh đất nghèo tài nguyên thiên nhiên, không có núi rừng cũng không có khoáng sản. Do đó, ngày nay không có điều kiện để phát triển kinh tế công thương nghiệp. Tuy cuộc sống của cư dân ở đây có khó khăn đôi chút nhưng mặt khác lại giúp cho Đông Linh vẫn giữ được vẻ thanh bình, yên ả rất đặc trưng của một làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.
2. Dân cư
Cách đây hơn 2000 năm, nơi đây vốn là vùng đất hoang sơ, quanh năm úng trũng, lại nằm bên cạnh con sông Hóa thường xuyên bị lụt lội nên còn có tên gọi là “tù hương”. Để có thể sinh sống và sản xuất, con người nơi đây đã phải cố kết lại để đắp đê trị thủy, đào sông khơi ngòi, thoát úng. Con đê sông Hóa là thành quả của sự cố kết cộng đồng bền chặt và sâu sắc đó. Nhân dân ở đây vẫn còn nhớ mãi bài văn vần giản dị, mộc mạc về một công cuộc trị thủy gian khổ và sôi động cách nay khoảng gần 1000 năm dưới triều nhà Lý:
Cơi đê sông Hồng
Mở rộng sông Hinh
Cắt phình sông Hóa
Lũ mặn đỡ phá
Thôn xóm ấm no [1, Tr.34].
Quá trình trị thủy đó đã tạo nên truyền thống đoàn kết tự nhiên và sâu sắc của cư dân làng Đông Linh. Bằng sức lao động cần cù, bền bỉ, sáng tạo và dẻo dai, người dân Đông Linh đã đấu tranh, vật lộn với đồng đất, giành giật với thiên nhiên, biến miền đất hoang dã ngập úng thành vùng đất phì nhiêu màu mỡ thuận lợi cho nghề trồng lúa. Quá trình sinh tồn đầy thử thách, khó khăn, người Thái Bình nói chung và người dân Đông Linh nói riêng đã tích lũy, đúc rút được cả một kho tàng kinh nghiệm cày bừa, cấy hái, chăm sóc cây lúa hết sức quý báu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”
Kinh nghiệm ấy đã giúp cho Thái Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt năng suất 5 tấn/ha. Thành quả đó không chỉ giúp cho cuộc sống của dân làng đầy đủ mà còn đóng góp một phần lương thực cho sự phát triển kinh tế đất nước, trong đó có sự đóng góp của người Đông Linh. Quá trình lao động sản xuất gian khổ ấy cũng đã tạo nên cho con người nơi đây đức tính cần cù, chịu thương chịu khó. Khí hậu tương đối ôn hòa với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt không phải hứng chịu và đối phó với sự khắc nghiệt của thiên nhiên như các vùng đất Trung bộ đã tạo nên tính cách con người Đông Linh hiền hòa, nhân hậu, thật thà, chất phác. Từ bao đời nay, dân làng Đông Linh sống gắn bó, chan hòa, đùm bọc “tối lửa tắt đèn có nhau”, tạo nên khung cảnh yên bình trong đường làng ngõ xóm. Con người Đông Linh có một phẩm chất đáng quý đó là hiếu học. Con cháu của mảnh đất này từ xưa đến nay đã có nhiều người thành đạt và đóng góp sức mình cho quê hương đất nước. Nhân dân nơi đây rất trân trọng việc học hành, khoa cử, với quan niệm học để hiểu biết, để hiểu đạo lý làm người và học để thoát nghèo, nên nhiều gia đình dù nghèo khó đến mấy cũng cố gắng cho con ăn học. Vì vậy, những người có học vấn, đỗ đạt ở Đông Linh không phải chỉ xuất thân trong gia đình giàu có mà cả ở những gia đình nông dân nghèo như: Gia đình ông Mẫn, nhà nghèo quanh năm đóng gạch nhưng vẫn nuôi hai con học đại học; Gia đình cô Huấn chỉ có một mình cô nhưng cô cũng cố gắng làm mọi công việc dù nặng nhọc đến mấy để nuôi hai con học đại học, cao đẳng... Truyền thống hiếu học đó vẫn được người dân Đông Linh nối tiếp đến tận hôm nay. Đó là một nét đẹp đã trở thành động lực cho các thế hệ sau phấn đấu học tập, đỗ đạt để trở thành người có ích cho xã hội và đóng góp sức mình xây dựng quê hương đất nước. Con người làng Đông Linh không chỉ dũng cảm trong lao động sản xuất mà còn rất anh dũng trong việc đấu tranh để chống các thế lực áp bức, bóc lột. Trong lịch sử, Đông Linh là một địa bàn quan trọng được các lực lượng khởi nghĩa sử dụng để xây dựng căn cứ và người dân Đông Linh đã tích cực tham gia đấu tranh để bảo vệ cuộc sống của chính mình. Trong quá trình đấu tranh ấy, con người Đông Linh đã tự hun đúc cho mình những phẩm chất cao quý: cần cù, sáng tạo trong lao động, dũng cảm kiên cường trong chiến đấu và sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn. Truyền thống ấy mãi mãi là di sản quý báu mà cha ông để lại trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước của người dân Đông Linh.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,406
  • Tổng lượt truy cập808,320
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây