Đình làng nơi giữ hồn văn hóa Việt

Thứ ba - 14/11/2023 19:50 391 0

Đình làng nơi giữ hồn văn hóa Việt

Đối với mỗi người dân Việt Nam, đình làng không chỉ đơn thuần là một địa điểm tâm linh mà còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng. Dù có trải qua hàng nghìn năm với biết bao biến cố lịch sử, đình làng vẫn là một biểu tượng ăn sâu vào tâm thức của mỗi người.

Kiến trúc văn hóa mang tính dân tộc. Những ngôi đình làng Bắc Bộ thường được xây dựng ở trung tâm của làng, trên một thế đất cao đẹp, xung quanh cây cối xanh tươi, vút lên là cây đa nghiêng ngả cùng đất trời. Các cây cổ thụ thường được trồng phía sau và hai bên đình, bao bọc lấy cả kiến trúc ngôi đình tạo nên nền cảnh của cảnh quan đình làng, đồng thời cây cối tạo bóng mát cho sân đình và điều hòa khí hậu.

Cổng đình làng thường được xây theo cấu trúc cổng tam qua và sân đình là khoảng đất rộng được lát gạch đỏ, phục vụ cho các dịp lễ hội. Với đình làng, kiến trúc mái có lẽ là đặc sắc và mang đậm nét văn hóa Việt Nam nhất. Khi xây dựng, những người thợ đã làm cho 4 góc mái đình kéo cong về 4 phía tạo thành các đầu đao duyên dáng. Các đình làng hiện nay thường có bộ mái lớn, đồ sộ, xòe rộng che kín để tránh nắng mưa có thể làm hại công trình và có thể tránh những trận bão có thể làm tốc mái đình. Phổ biến nhất là mái ngói, mái ngói đã trở thành hình ảnh điển hình trong kiến trúc truyền thống Việt Nam. Những vật liệu thường được sử dụng trong xây dựng đình làng gồm: gỗ, đá, gạch đất nung, ngói đất nung, vữa truyền thống. Đình làng được dựng bằng những cột gỗ lim to tròn, thẳng tắp được đặt trên những hòn đá tảng lớn. Kèo, xà ngang, xà dọc của đình cũng làm toàn bằng gỗ lim.Các nghệ nhân đã hóa thân cho các khối gỗ thành các tác phẩm tạo hình: Hoa lá, mây trời, rồng phượng, các con thú và các cảnh hoạt động của con người như làm ruộng, người uống rượu, người cưỡi hổ, người cưỡi ngựa. Hệ thống cột cái ở gian chính điện đình được làm bằng gỗ quý. Các kiến trúc gỗ trong đình là những tác phẩm trạm khắc tinh xảo với nhiều đề tài phong phú.
Đình làng hiện lên yên bình qua những tác phẩm nghệ thuật
Không chỉ hiện lên qua những tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh, hình ảnh đình làng còn thường xuyên xuất hiện trong những áng thơ và cả những câu ca dao quen thuộc. Từ lâu, đình làng không chỉ gắn liền với sự tôn nghiêm mà còn là biểu tượng cho tình yêu lứa đôi, điển hình là qua hai câu ca dao mà ai cũng biết: “Qua đình ngả nón trông đình/Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu”. Đình làng còn là nơi hội họp và xuất phát điểm cho các lực lượng khởi nghĩa trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 như đình Đình Bảng, đình Hồng Thái,.. Và trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu, ông cũng đã viết: “Mình đi, mình có nhớ mình/Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa”. Đình làng thường được hiện lên cùng với hình ảnh cây đa và giếng nước, ba hình ảnh mang đậm chất văn hóa vùng quê, giản dị nhưng mang một ý nghĩa to lớn: Nó thể hiện cho tinh thần đoàn kết dân tộc, gắn liền với sự bình yên. Qua bao nhiêu thế hệ, cây đa, bến nước, sân đình đã là một hình ảnh quen thuộc, khắc sâu tới mức không thể thay thế hay xóa nhòa trong tâm trí.
Đình làng – cốt lõi của văn hóa làng Việt Nam
Vào những thế kỷ trước, mỗi làng đều có riêng một đình làng để thờ đức thành hoàng làng, phúc thần đồng thời cũng để có nơi hội họp hành chính, phục vụ những việc chung của làng. Vào những ngày có công việc quan trọng, đình làng là nơi tụ họp, diễn ra các lễ nghi truyền thống. Mỗi năm lại có các ngày lễ lớn, có lễ hội diễn ra tại đình làng. Tuy nhiên, với sự thay đổi của xã hội, ngày một phát triển hơn, giờ đây đình làng chỉ trở thành nơi thờ cúng, hoặc để tổ chức những lễ hội quan trọng. Đình làng là một sản phẩm văn hóa của dân tộc Việt nam mà không nơi nào có thể có được. Từ kiến trúc mỹ thuật chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo đến yếu tố tâm linh. Người Việt Nam muốn dựa vào tâm linh, dựa vào tín ngưỡng tôn giáo, bởi vậy đối với họ, đình làng như là nơi bảo vệ cho tín ngưỡng và niềm tin ấy. Và cũng bởi kết cấu làng xã của Việt Nam khác với các nước khác, nên đình làng chỉ Việt Nam mới có. Và chính việc đưa đình làng vào nghệ thuật cũng giúp người Việt Nam khẳng định với bạn bè quốc tế một nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Ngày nay, vẫn còn những ngôi đình mang đậm nét cổ kính rêu phong của một ngôi đình làng cổ xứ Bắc như Đình Chèm - đình của làng Chèm tại Bắc Từ Liêm có niên đại cách đây hơn 2000 năm với nghệ thuật chạm khắc độc đáo và công trình kiến trúc tam quan ngoài bố trí đầy đủ tứ linh long, ly, quy, phượng quay ra bốn hướng, tam quan trong xây ba gian, bốn mái và năm cửa ra vào; Đình Tiền Lệ (Hoài Đức) với lối kiến trúc, sắc thái nghệ thuật thời Lê, mang đậm sắc thái xưa cũ bởi hơn 70 năm chưa trùng tu, những sứt sẹo của thời gian vẫn còn nguyên vẹn; Đình Tây Đằng (Ba Vì) - một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo vào loại bậc nhất ở xứ Đoài, có niên đại khởi dựng vào thời Mạc, thế kỷ XVI. Đến nay, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, và lần gần đây nhất là vào năm 2002 - 2004. Đình làng là hình ảnh mang tính biểu tượng cho một nét văn hóa độc đáo của người dân Việt Nam. Dù cho trải qua hàng trăm hàng nghìn năm với biết bao biến cố lịch sử thì đình làng vẫn ở đó, không chỉ gắn bó với đời sống thường nhật của mỗi người dân mà còn mang đậm yếu tố tâm linh, trở thành một phần vô cùng quan trọng, là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa của người Việt.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,581
  • Tổng lượt truy cập808,495
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây