Nguyễn Văn Siêu là nhà văn hóa lớn, người có công xây dựng, tôn tạo nhiều công trình văn hóa của Thủ đô Hà Nội ngày nay.
Tháp Bút được xây trên núi Ngọc Bội. Ảnh: INT. |
Tài học một đời
Nguyễn Văn Siêu (? - 1872) tự là Tống Ban, hiệu là Phương Đình. Ông sinh ra tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), nhưng từ nhỏ đã chuyển tới sống ở thôn Cổ Lương, phường Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, nay là phố Nguyễn Văn Siêu (Hoàn Kiếm - Hà Nội).
Theo các tài liệu lịch sử, ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Siêu nổi tiếng về tư chất thông minh và tài năng văn học. Chưa đến 10 tuổi, ông đã theo cha học viết chữ, đọc sách.
Năm 12 tuổi, ông tự làm một bức hoành phi và đôi câu đối dán ở buồng học. Bức hoàng phi gồm 2 chữ “lạc thiên” - nghĩa là vui với đạo đời, còn câu đối có nghĩa: “Ai xưa nay học đạo không có đường tắt/nhà tranh vẫn hay có người tài”. Nội dung của câu đối và bức hoành phi đã bộc lộ ý muốn thành người tài đức của ông ngay từ lúc còn nhỏ.
Đến năm 15 tuổi, Nguyễn Văn Siêu theo học thầy hương cống Trần Công Tiến. Đây chính là thời gian quan trọng giúp ông rèn luyện được những kỹ năng cần thiết, để sau này trở thành một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.
Vốn là người rất ham học, Nguyễn Văn Siêu đã tìm đến những người thầy danh tiếng lúc bấy giờ để “bái sư học đạo”, như Tiến sĩ Phạm Quý Thích ở Hải Dương. Khi được nhận vào, ông dốc chí vào việc học tập, dành rất nhiều thời gian chép sách. Tương truyền, ông “nổi tiếng học giỏi, tung hoành văn từ cổ, không chịu gò bó theo kiểu học thời tục, tiếng tăm bắt đầu vang dậy khắp nơi, vượt qua nhiều bậc danh Nho đương thời”.
Mặc dù học rất giỏi, nhưng vốn tính không ham hố công danh, nên ông không vội đi thi để tìm đường quan lộ ngay. Mãi tới năm 26 tuổi, Nguyễn Văn Siêu mới lều chõng đi thi và đậu Á nguyên (cử nhân thứ hai) trường thi Hương ở Hà Nội ngay trong lần dự thi đầu tiên.
Sau đỗ thi Hương, ông ở nhà phụng dưỡng cha mẹ, mở lớp dạy học, tự đọc sách, nghiên cứu. Mãi tới 13 năm sau, tức năm 1838, dưới thời vua Minh Mạng, ông mới tiếp tục thi đỗ Phó bảng ở kinh thành Huế. Giai thoại cho biết, dù học rất giỏi, đáng lẽ đỗ đầu, nhưng vì chữ xấu nên Nguyễn Văn Siêu chỉ đậu thứ hai.
Sau khi đỗ Phó bảng, ông được nhận chức Hàn lâm viện Kiểm thảo ở Viện Hàn lâm, cơ quan có nhiệm vụ khởi thảo công văn triều đình ban hành gồm chế, chiếu, biểu… Triều Nguyễn có nhiều ân điển ban cho người đỗ đạt như Tiến sĩ cập đệ được nhận chức ngay còn Tiến sĩ xuất thân, Đồng Tiến sĩ xuất thân, Phó bảng vào Viện Hàn lâm ăn lương đọc sách ba năm mới sát hạch, thăng bổ.
Khi vua Thiệu Trị lên ngôi, ông được tin tưởng chuyển vào làm chức Thừa chỉ ở Nội các. Đây là nơi cơ yếu tham mưu cho triều đình, theo vua tuần du, giữ ấn, truyền lưu chỉ dụ cho nha môn, ghi chép chương sớ… Nội các chia làm bốn Tào, thuộc viên khoảng ba mươi người. Thừa chỉ là chức quan phụ trách Tào Biểu bộ, chuyên trách lưu giữ châu bản, sổ sách, giấy tờ… Hàng ngày, tào Biểu bộ nhận tài liệu từ các Tào khác gửi đến, kiểm tra, lập hồ sơ, tóm tắt nội dung, đóng quyển, bảo quản…
Người thầy mẫu mực
Năm 1848, Nguyễn Văn Siêu được thăng Thị giảng học sĩ (hàm tòng tứ phẩm), phụ trách việc giảng sách cho hoàng tử. Trong đó có Nguyễn Phúc Hồng Nhậm tức vua Tự Đức sau này.
Sau khi lên ngôi năm 1847, vua Tự Đức đã xuống chiếu cử Nguyễn Văn Siêu làm phó sứ sang Trung Quốc năm 1849. Theo tài liệu, trong chiếu chỉ, vua Tự Đức đã phê rằng: “Khanh tính trời thông minh, học vấn uyên bác, đi sứ lần này nhớ thu thập những điều tai nghe mắt thấy, qua các danh lam thắng cảnh, cùng phong tục bên Bắc triều, phải lấy bút biên ghi chép tỉ mỉ ngay, chờ lúc về trình trẫm xem, giúp trẫm thấy rõ ngoài xa muôn dặm”.
Nhớ lời vua dặn, ngay khi trở về, Nguyễn Văn Siêu đã dâng lên ông vua hay chữ Tự Đức cuốn sách “Vạn lý tập dịch trình tấu thảo”, được vua khen và sau đó ông tiếp tục được thăng chức Án sát Hà Tĩnh, Án sát Hưng Yên.
Vốn là người nổi tiếng với tính tình ngay thẳng, ai thích thì chơi, tuyệt không a dua với đời, như chính ông quan niệm “thà mắng ngay vào mặt, không thèm nói vụng sau lưng”, nên trong cuộc đời làm quan, cũng có không ít lần, ông rơi vào cảnh thăng trầm.
Làm quan trong giai đoạn nhà Nguyễn đã suy yếu, tận mắt chứng kiến cảnh “chướng tai gai mắt” chốn quan trường, nên chẳng bao lâu sau, Nguyễn Văn Siêu đã chọn con đường cáo quan về ở ẩn vào năm 1854. Ông tiếp tục niềm vui với việc dạy học, biên soạn sách vở và sáng tác văn chương, thơ phú, để lại cho đời hàng vạn trang sách về nhiều lĩnh vực nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, địa lý, triết học, văn học.
Với tinh thần chấn hưng văn hóa, Nguyễn Văn Siêu đã khởi xướng công cuộc khôi phục diện mạo cố đô. Sau khi trí sĩ, ông thay Vũ Tông Phan lãnh đạo hội Hướng thiện, tôn tạo cảnh quan di tích lịch sử, cải tạo môi trường thiên nhiên, in ấn sách vở, nạo vét sông Tô Lịch, xây cầu Thê Húc để nối bờ với đền Ngọc Sơn... Những hoạt động này gắn liền với sự kiện kinh đô Thăng Long trở thành cố đô và lòng hoài cổ của tầng lớp trí thức Thăng Long.
Đặc biệt, năm 1865, Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu bổ lại đền Ngọc Sơn. Trên núi Ngọc Bội (núi Độc Tôn cũ), ông cho xây một tháp đá, đỉnh tháp hình ngọn bút lông dựng ngược, thân tháp có khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh), ngày nay thường gọi đó là Tháp Bút. Cùng Bút Tháp là Đài Nghiên được tạc nguyên khối từ một tảng đá xanh. Nghiên có bề dài khoảng 0,97m, có khắc bài văn 64 chữ Hán, mang hàm ý sâu sắc, khuyên vua chúa ngày xưa nếu biết dùng người thì sẽ làm được nhiều việc.
Với những đóng góp to lớn trên lĩnh vực văn hóa, sau khi mất (1872), ông được dân giáp Giang Nguyên tôn làm Thành hoàng, thờ chung với thần sông Tô Lịch và Đô Đài Công Nguyễn Trung Ngạn thời Trần.
Đánh giá về ông, sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” của nhà Nhuyễn viết rằng: “Nguyễn Văn Siêu ở Hàn Các đã lâu, nên cáo văn điển sách của triều đình phần nhiều do ông soạn thảo cả, về thế văn học (của ông) được vua biết đến. Đương thời đều tôn trọng ông. Tới tuổi già rút lui, ông thích bảo ban kẻ hậu học, mà giảng sách biện biệt ngay thẳng chỗ giống chỗ khác lấy nghĩa lý làm chủ”.
Cùng với Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu là một trong hai danh sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ. Vua Tự Đức từng ca ngợi: “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán” - nghĩa là văn như ông Siêu, ông Quát thì xem như không có thời Tiền Hán nữa.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc