Nói đến chế độ khoa cử ở nước ta thì phải tính đến một chặng đường dài mười thế kỉ đã diễn ra dưới thời phong kiến mà khoa mở đầu là năm Ất Mão (1075) đời Lí và khoa kết thúc vào năm Kỉ Mùi (1919) đời Khải Định.
Về thể lệ thi buổi đầu chưa ổn định, ở thời nhà Lí khoảng cách giữa các khoa thi thường là 12 năm. Tới khoa thi Kỉ Hợi (1239) đời Trần Thái Tông, lệ thi mới được định hẳn 7 năm một kì. Sang nhà Lê đời Thái Tông cho đổi lại 3 năm một kì. Lệ thi được chấp nhận suốt cả một thời kì Hậu Lê cho tới cuối thời nhà Nguyễn.hoa cử thời phong kiến gồm ba kì thi quan trọng bậc nhất được coi như ba cửa ải lớn để bước tới các bậc thang quan chức đầy danh vọng của các nho sĩ. Đó là thi Hương (Hương thí), thi Hội (Hội thí) và thi Đình (Đình thí).
Quá trình học tập và điều kiện dự thi
Ở nước ta khi xưa học trò bắt đầu đi học gọi là sơ học; học các sách Sơ học vấn tân (hỏi bến), Tam tự kinh (Kinh ba tiếng), Tứ tự kinh (Kinh bốn tiếng), Ngũ ngôn (Văn vần năm tiếng). Tập làm văn khi đầu là câu đối 2 tiếng, 3 tiếng, 4 tiếng…biết phân biệt vần trắc, vần bằng. Về đức dục học sinh phải lễ phép kính trên, nhường dưới, thực hiện câu “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Chừng 10 tuổi trở lên học Tứ thư, Ngũ kinh, học lịch sử, học Bách gia, Chư tử, Cửu lưu (Chín dòng tư tưởng Cổ đại: Nho gia, Đạo gia, Âm dương gia, Pháp gia, Danh gia, Mặc gia, Tung hoành gia, Tạp gia, Nông gia); học lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng, tập làm văn, làm câu đối 7 tiếng gọi là câu đối thơ, 8 tiếng trở lên là câu đối phú và tập làm văn nghĩa.
Hình thức trường làng phần lớn là trường tư (tư thục). Thầy giáo trường làng được mệnh danh là thầy đồ. Thầy đồ do dân tự chọn. Họ gồm những người hỏng thi, hoặc thi đỗ mà không muốn ra làm quan, người đã nghỉ việc… Nhà nước không đài thọ trường làng mà chỉ mở trường từ cấp huyện, phủ và tỉnh. Quan quản lí giáo dục ở huyện gọi là Huấn đạo, ở phủ gọi là Giáo thụ, còn danh hiệu Đốc học là quan cấp tỉnh.
Buổi đầu của nhà Hậu Lê năm 1428, Lê Lợi xuống chiếu cho thiên hạ mở trường đào tạo nhân tài. Ở kinh đô có Quốc tử giám, ở địa phương thì có các phủ học, huyện học. Nhà vua tự mình lựa chọn những người tuấn tú cho vào tại các trường ở kinh đô. Nhà vua ra lệnh cho các quan Giáo thụ, Huấn đạo chọn rộng rãi con em người lương thiện cho vào học các trường phủ, huyện.
Đầu thời Lê Trung hưng, học sinh trường huyện mỗi kì học phải nộp 5 tiền mạch gọi là tiền minh kinh. Loại trường này chỉ dành riêng cho học sinh đã có kiến thức khá.Hàng năm nhà trường đều tổ chức cho học sinh thi chất lượng vào tháng tư âm lịch gọi là khảo khóa. Khảo khóa gồm 3 kì, ai đậu cả 3 kì gọi là khóa sinh. Để chuẩn bị cho các kì thi hương các anh khóa này được miễn phu phen tạp dịch một năm và họ phải dự kì thi tiến ích vào tháng 11 âm lịch, nhằm kiểm tra sự tiến bộ của họ trước khi bước vào kì thi Hương năm sau. Trước kì thi Hương độ 4 tháng, các anh khóa lại phải vượt qua một kì thi sát hạch nữa. Thể lệ thi sát hạch phải do quan đốc ở tỉnh duyệt. Ai không đủ điểm ở kì thi này sẽ không được thi Hương. Tới kì thi hương nếu thực tế chất lượng học sinh khác với chất lượng khảo hạch, thí sinh không làm nổi bài, thậm chí bỏ giấy trắng thì các quan kiểm tra bị trừng phạt. Nếu có từ 5 thí sinh không đạt yêu cầu trở lên thì bị cách chức. Giáo thụ, huấn đạo có thể bị giáng mấy cấp. Hồ sơ của những người dự thi kì thi Hương phải có giấy chứng thực lí lịch của địa phương và gửi về bộ Lễ trước kì thi một tháng. Bọn lưu manh, côn đồ tuyệt nhiên không được ghi vào danh sách này. Lệ này hồi xưa gọi là Bảo kết.
Vào thời cuối Lê những người còn ở trong quân tịch không được dự thi, con em phường chèo, phường hát cũng không được dự thi. Triều đình nhà Nguyễn còn qui định những học sinh đang chịu tang bố và ông nội cũng không được dự thi.
Địa điểm và nội dung của cuộc thi
Thi Hương là kì thi của một tỉnh hoặc liên tỉnh để chọn người vào thi Hội và thi Đình.
Thời Lê người ta thấy có 9 trường thi: Hải Dương, Sơn Nam, Tam Giang, Kinh Bắc, An Bang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An và Thuận Hóa.
Sang thời Nguyễn có 7 trường: Nghệ An, Thanh Hóa (gồm cả Ninh Bình), Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang), Thái Nguyên (gồm cả Cao Bằng, Lạng Sơn), Hải Dương (gồm cả Quảng Yên), Sơn Tây (gồm cả Hưng Hóa và phủ Hoài Đức) và Sơn Nam. Trường Sơn Nam đặt tại làng Hiên Nam nên có tên gọi là Trường Hiên Nam.
Năm 1813, Gia Long cho đặt thêm 2 trường: Quảng Đức (gồmThừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Định…) và Thăng Long (Hà Nội) gộp thêm cả trường Kinh Bắc, Sơn Tây, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Đến năm 1825 sau khi có tỉnh Nam Định, trường Vị Hoàng (tức Sơn Nam cũ) được gọi là trường Nam Định.
Đến năm 1831 Minh Mạng lại cho định lại 2 trường thi ở Bắc kì:
1. Trường Hà Nội gồm 10 tỉnh: Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Ninh Bình,Thanh Hóa.
2. Trường Nam Định gồm 4 tỉnh: Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên.
Những người thi đỗ trong các kì thi Hương chia làm hai loại: Loại một có các danh hiệu Cống cử, Cống sinh, Cống sĩ, Hương tiến, Hương cống. Những ông cử này sẽ được dự kì thi Hội. Loại hai gọi là sinh đồ không được thi Hội. Người đỗ đầu kì thi Hương được gọi là Giải nguyên hoặc Đầu xứ.
Đến đời Minh Mạng (1820 – 1840) đổi các danh hiệu Cống sĩ, Hương tiến thành Cử nhân và Sinh đồ thành Tú tài. Người nào đỗ Tú tài hai khoa thì gọi là Tú Kép, ba khoa thì gọi là Tú Mền gọi tắt là Ông Mền, bốn khoa thì gọi là Tú Đụp gọi tắt là Ông Đụp.
Nội dung các kì thi Hương được qui định từ thời Lê Thánh Tông như sau:
Kì 1: bài thi gồm 5 đề về Tứ thư, Ngũ kinh.
Kì 2: bài thi hỏi về chiếu, chế, biểu. Mỗi loại một bài viết theo lối Cổ thể. Ngày xưa gọi là thể văn tứ lục, hay là văn biền ngẫu. Văn xuôi có hai vế, vế 6 tiếng, vế 4 tiếng đối nhau.
Kì 3: làm một bài thơ và một bài phú. Thơ làm thể Đường luật, thất ngôn bát cú; phú cũng làm theo Cổ thể (còn gọi là Tao uyển) qui định từ 300 tiếng trở lên.
Kì 4: làm một bài văn gọi là văn sách, đề tài rút ra từ các kinh sử, tử, tập, hỏi về thế vụ (ý thức về việc giúp nước, cứu đời), đòi hỏi phải viết được 1000 tiếng trở lên.
Ngạch lấy đỗ với tỉ lệ Cống sĩ 1, Sinh đồ 10. Ví dụ: năm 1708 ngạch đỗ ở trường Sơn Nam 880 người trong đó Cống sĩ 80 và Sinh đồ 800. Đến năm 1774 gia ngạch cho trường Sơn Nam lấy 1.100 người đỗ. Cống sĩ chỉ có 100, còn lại là Sinh đồ.
Thi Hội và Thi Đình
Thi Hội và thi Đình là các kỳ thi để đánh giá tài năng cao nhất nhằm chọn nhân tài cho đất nước nên gọi là Đại khoa. Thí sinh thi Hội phải qua bốn môn thi (mỗi môn gọi là một trường). Thí sinh phải đủ điểm ở trường một mới vào được trường hai… Đến trường thứ tư, người nào đủ điểm chuẩn quy định gọi là Trúng cách, tức là đỗ thi Hội. Người cao điểm nhất trong số thi đỗ gọi là Hội nguyên. Danh sách tiếp theo cũng ghi theo thứ tự điểm số từ trên xuống dưới. Nhưng thứ tự này (kể cả Hội nguyên) cũng chưa phải là học vị chính thức.
Sau vài ngày, có khi vài tuần những người thi trúng cách được gọi vào hoàng cung để thi tiếp gọi là thi Đình (Điện thí), thi tại sân triều đình do vua trực tiếp ra đề thi và tự tay phê lấy đỗ. Ngày tuyên bố kết quả, các quan tân khoa được tiếp đãi lễ Đại triều tại Điện Thái Hòa, được ban mũ áo, ban yến ở vườn Quỳnh Lâm, cho cưỡi ngựa đi xem kinh thành, phố xá. Sau đó cho về vinh quy bái tổ. Làng nào có người đỗ đại khoa phải đón rước linh đình. Theo phong tục, đỗ tú tài một làng đi rước, đỗ cử nhân một tổng đi rước, đỗ đại khoa một huyện đi rước, dân hàng tổng phải làm dinh nghè cho quan ở và người đỗ đạt cũng phải làm lễ tạ ơn dân làng và thày dạy. Triều đình cho quan Tuyên lô xướng danh và yết bảng ba ngày tại lầu Phú văn, cho dựng bia, chép sách lưu danh Tiến sỹ để nêu gương muôn thuở.
Điều kiện, nội dung của thi Hội và thi Đình
Đây là cửa ải thứ hai đầy gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang. Đây cũng là cuộc kiểm tra, đánh giá cao nhất đối với các bậc tài năng của đất nước.
Bởi vậy thi Hội và thi Đình được mệnh danh là đại tị (thi lớn). Cuộc thi lớn này người xưa quen gọi là đại khoa. Đại khoa gồm hai giai đoạn: thi Hội và thi Đình. Thi Hội cũng có 4 kì, người đỗ cả 4 kì sẽ được cấp bằng Tiền sĩ. Thi Đình còn gọi là Điện thí, tức là thi tại triều đình nhà vua; vua trực tiếp hỏi bài. Thi Đình chỉ để xếp loại các tiến sĩ đã đỗ ở kì thi Hội mà thôi. Ở thời Lê có một số khoa, vì hoàn cảnh loạn lạc nên không tổ chức thi Đình nhưng vẫn phân loại Tiến sĩ.
Thi Hội là kì thi quốc gia dành cho những người đã kinh qua thi Hương và đã có bằng Cử nhân và các giám sinh đã mãn khóa ở Quốc tử giám. Những người đỗ đạt trong các kì đại khoa như thế này đều có danh hiệu dành cho họ tùy thuộc vào các thời kì khác nhau trong lịch sử (Thái học sinh, Tiến sĩ).
Ngoài các khoa thi thường lệ triều đình còn mở các khoa thi đột xuất. Các khoa đặc biệt như thế gọi là Ân khoa.
Thái học sinh xuất hiện từ khoa thi Nhâm Thìn (1232) đời Trần Thái Tông cho đến khoa thi Canh Thìn (1400) đời Hồ Quý Li.
Tiến sĩ bắt đầu có từ khoa thi Nhâm Tuất (1442) đời Lê Thái Tông cho tới khoa thi kết thúc lịch sử khoa cử Nho giáo ở nước ta vào năm Kỉ Mùi (1919) đời Khải Định.
Tiến sĩ chia làm 6 bậc:
1. Trạng nguyên
2. Bảng nhãn
3. Thám hoa
4. Hoàng giáp thuộc đệ nhị giáp (chính bảng), cũng có thời gọi là Tiến sĩ Xuất thân
5. Tiến sĩ thuộc đệ tam giáp, gọi là Đồng Tiến sĩ Xuất thân
6. Phó bảng là sản phẩm khoa cử thời Nguyễn mà bắt đầu xuất hiện từ khoa thi Kỉ Sửu (1829) đời Minh Mạng. Giữa Tiến sĩ và Phó bảng được qui định về tỉ lệ và ngạch đỗ. Ví dụ: ở khoa thi 1843 đời Thiệu Trị có 25 người đỗ, thì chỉ cho 10 người đỗ Tiến sĩ, còn 15 Phó bảng. Nếu tính 30 khoa thi ở Huế (1822-1892) lấy đỗ 560 người thì có 229 Tiến sĩ, số còn lại là Phó bảng.
Ba bậc đầu thuộc đệ nhất giáp người đời mệnh danh là Tam khôi, có thời gọi là Tiến sĩ Cập đệ.
Thi Hội và thi Đình cả hai kì thi này diễn ra trong vòng khoảng 8 tháng: mùa xuân thi Hội đến mùa thu năm ấy thì thi Đình. Còn phép thi Hội cũng có 4 kì như thi Hương. Kì thứ nhất cho thí sinh làm kinh nghĩa và kinh truyện mỗi thứ một bài, mỗi bài khoảng 1.000 tiếng. Ở kì thứ tư, bài văn sách qui định tối thiểu 1.600 tiếng. Riêng khoa thi nhà Hồ năm 1405 lại cho thi thêm kì thứ 5 hỏi về toán. Đó là nét đặc sắc của khoa cử nước ta.
Theo sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn, vào năm 1721, triều đình ra lệnh phải qui định mức điểm cho mỗi kì thi. Kì 1 thí sinh phải đạt 8 điểm trên 10 trở lên. Kì 2 phải đạt từ 7 điểm trở lên. Kì 3, kì 4 phải đạt từ 5 điểm trở lên. Nguyên tắc chung là mỗi kì thi phải qua hai lần chấm: sơ khảo và phúc khảo, đủ điểm thi kì thứ nhất mới được thi kì thứ hai, rồi kì thứ ba, thứ tư cũng áp dụng theo luật đó. Người đỗ được xếp vào hai loại: đỗ chính bảng và đỗ phó bảng. Người đỗ chính bảng được vào thi đình và được hưởng quyền vinh quy bái tổ.
Cách thức tổ chức thi Hội và thi Đình
Một số khoa thi buổi đầu (thí sinh còn ít ỏi) được tổ chức ngay ở trường Quốc tử giám. Cón về sau giống như thi Hương, mỗi lần thi là một lần làm trường. Trường làm bằng tre lợp tranh, rào giậu xung quanh bằng nứa. Trường chia làm 3 khu vực: Khu nội liêm dùng cho khảo quan ở, khu ngoại biên là nơi ở của các quan giám thị và khu vực dành cho thí sinh.
Cả trường thi chia làm 8 ô vuông, có một con đường chạy dọc và con đường chạy ngang ở chính giữa để chia 8 ô thành 4 phần bằng nhau gọi là Đường thập đạo. Giữa trung tâm Đường thập đạo, người ta dựng một ngôi nhà gọi là Nhà thập đạo.Tư Nhà thập đạo trông ra phía trước có một thông ra ngoài gọi là cửa tiền. Trên đường thập đạo theo hàng ngang người ta dựng 3 chòi canh: một cái ngay chính giữa và hai cái hai bên để quan giám thị quan sát thí sinh làm bài.
Bên ngoài là háng rào 4 mặt vây kín. Để đảm bảo an toàn cho cuộc thi, triều đình còn sai lính cưỡi ngựa qua lại canh phòng.
Khi cuộc thi tiến hành có các quan trông coi giám sát gọi là quan trường.
Sử sách nước ta không thấy ghi chép nhiều về quan trường thuộc ba triều đại Lí, Trần, Hồ. Nhưng từ thời Lê về sau chức danh quan trường của các khao thi được ghi chép đầy đủ ở Bia Tiến sĩ Văn miếu mà nay ta còn đọc thấy gồm: chánh chủ khảo, phó chủ khảo, một tri cống cử, sáu viên khảo quan (đồng khảo), hai viên chánh phó đề điệu, hai viên giám đằng lục. Luật thi Hội không chấm trực tiếp bài làm của thí sinh, mà do quan giám đằng lục ở lại phòng, sao chép rõ ràng rồi đưa bản sao đi chấm. Trước khi đưa bài đi chấm hai viên giám đằng, một người đọc, một người soát xem có sai sót gì không. Công việc như vậy ở lại phòng gọi là đối độc. Quan đề điệu phát bài cho nội liêm chấm trước, ngoại biên chấm sau. Các quan nội liêm ngoài nhiệm vụ sơ khảo còn có nhiệm vụ theo dõi phát hiện mọi tệ lậu trường thi. Quan giám thị có chức trách giữ gìn an ninh cả phạm vi trường thi.
Quan trường ở kì thi Đình, ấn tượng sâu sắc nhất đối với các sĩ tử vẫn là những vị hoàng đế và suốt trong lịch sử khoa cử nước ta, nhất là từ nhà Lê về sau thì các ông vua vẫn là người hỏi thi cuối cùng để các nho sĩ bước tới hoạn lộ và bậc thang danh vọng.
Thi Đình được tổ chức ngay trong triều của nhà vua.
Đến ngày thi, Bộ Lễ phải biết đặt ngự tọa (chỗ vua ngồi ở giữa điện Cần Chánh). Sau lễ khai mạc bá quan văn võ chia ban đứng trực sẵn ở bên thềm điện, nghi vệ, cờ xí trang hoàng lộng lẫy. Hồi trống thứ nhất nổi lên báo hiệu cho các quan văn, võ sửa mũ, áo và tiến sát cửa điện đứng chầu. Hồi trống thứ hai, kiệu vua ngự giá ra giữa điện. Quan tự ban (tổ chức) dẫn các quan văn chầu bên tả, các quan võ chầu bên hữu. Các thí sinh đứng sau hàng quan văn, khi vua ra phải lạy 5 vái. Từng thí sinh được gọi vào trước ngự tọa để nhận giấy bút và phòng làm bài. Vua chấm duyệt từng quyển của thí sinh. Ngày công bố kết quả, các quan tân khoa được tiếp đãi lễ triều ở điện Thái Hòa, các quan văn, võ chia ban mũ áo chỉnh tề chầu vua ở ngự điện. Các vị tân khoa được hướng dẫn quì ở phía trái thềm điện để lĩnh mũ, áo vua ban. Quan tuyên lễ xướng tên và yết bảng tại lầu Phu văn 3 ngày. Vua đãi yến các vị tân khoa tại sảnh đường bộ Lễ. Bộ Lễ phát cho mỗi tân khoa một cành trâm cài đầu, cho thăm Vườn ngự uyển, cho cưỡi ngựa đi thăm phố xá, kinh thành, nghi thức này có thời chỉ dành cho tam khôi và vinh quy bái tổ. Triều đình ra lệnh cho dân chúng các địa phương có người đỗ Tiến sĩ phải đón rước linh đình và dân hàng tổng phải làm đình nghè cho ở. Vậy nên danh từ ông nghè chỉ các tiến sĩ cũng từ đó mà ra. Triều đình còn cho dựng bia, chép sách lưu danh Tiến sĩ và để nêu gương muôn thuở.
Lựa chọn nhân tài là mục đích của các khoa cử dưới triều đại phong kiến. Sự hùng mạnh của một triều đại cũng tuỳ thuộc vào chính sách dùng người của triều đại đó. Bài ký bia Tiến sỹ khoa Đại Bảo Nhâm Tuất do Hàn lâm viện thừa chỉ Thân Nhân Trung soạn có đoạn viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sỹ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí là việc làm cần kíp. Bởi vì kẻ sỹ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng không biết dường nào…”.
Trong lịch sử khoa cử nước nhà, kể từ khi nhà Lý mở khoa thi đầu tiên vào năm Ất Mão (1075) gọi là “Tuyển Minh kinh bác học và Nho học tam trường” cho tới khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn (1919) nước ta có 2.898 người đỗ đại khoa. Đỗ đầu khoa thi năm Ất Mão (1075) là Lê Văn Thịnh, người làng Đông Cứu, huyện Gia Định, tỉnh Bắc Ninh trở thành người khai khoa của các nhà khoa bảng Việt Nam. Đến khoa thi năm Ất Tỵ niên hiệu Trinh Phù 10 (1185) đời Lý Cao Tông, một trong ba người đỗ đầu là Đỗ Thế Diên (còn gọi là Đỗ Thế Bình), người Cổ Liêu, huyện Đường Hào (nay thuộc xã Nghĩa Hiệp, huyện Mỹ Văn) là người khai khoa của tỉnh Hưng Yên.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc