Chánh tổng, lý trưởng là gì

Chủ nhật - 29/09/2024 19:43 35 0

Chánh tổng, lý trưởng là gì

Chánh tổng, lý trưởng – Những điều cần biết về chức danh làng xã thời Nguyễn
 

1. Lý trưởng là gì?
Lý trưởng là người đứng đầu làng xã thời xưa, dưới bộ máy của chính quyền quân chủ chuyên chế. Theo “Từ điển chức quan Việt Nam” của Đỗ Văn Ninh (NXB Thanh niên 2006), lý trưởng: “Thời Bắc Ngụy, Thái Hòa thứ 10 (486) quy định 25 nhà là 1 lý, lập lý trưởng. Từ Bắc Tề về sau gọi là lý chính. Từ Minh khôi phục lý trưởng. Cứ 100 hộ thì lập 1 lý trưởng. 10 giáp thủ, luân phiên ứng dịch, thúc biện tiền lương. Năm Kỉ Hợi (1419) Lý Bân định lập cứ 110 hộ làm 1 lý, mỗi năm 1 người làm lý trưởng, 1 người làm giáp thủ, ứng dịch hết lượt lại bắt đầu lại, thường bị roi vọt khổ sở”.
Lý Trưởng hay Xã Trưởng là chức sắc đứng đầu hội đồng hương chức của một xã hay làng trong thời quân chủ chuyên chế tại Việt Nam. Trên thực tế Lý trưởng là chức quan cùng đinh trong bộ máy chính quyền phong kiến không được bổ nhiệm và hưởng bổng lộc của triều đình, chức vị này được dân làng bầu ra để thay mặt dân làng quản lý việc chung của làng.
Nhiệm vụ chính của lý trưởng là phụ trách quản lý sổ sách, Hương ước, đinh điền, thu kiểm sưu thuế, đốc thúc việc đê điều, đường sá. Giúp việc cho lý trưởng có phó lý và các hương trưởng. Khi lý trưởng vắng mặt thì phó lý làm thay công việc ở làng.Trong làng hễ có công việc hay xảy ra chuyện gì thì quan phủ, huyện sẽ bổ đầu lý trưởng, phó lý và hương trưởng mà sai bảo, trách tội.

chn dung li truong bc bo103856520

2. Chánh tổng là gì?
Chánh tổng là chức danh người đứng đầu một tổng, đơn vị hành chính dưới cấp huyện, gồm một số xã.
Chánh tổng có từ thời nhà Lê, dưới triều đại Tây 7 Sơn được lập lại, nhưng lại bị bãi bỏ dưới thời vua Gia Long. Đến thời Minh Mạng, đơn vị hành chính cấp tổng được thành lập lại và đặt lại chức danh chánh tổng. Chánh tổng là viên quan thuộc cấp huyện, giữ vai trò trung gian giữa cấp huyện và cấp xã, có trách nhiệm truyền những mệnh lệnh của chính quyền cấp trên xuống cấp xã trong phạm vi một tổng và giám sát việc thực hiện những mệnh lệnh đó.
Thời kì Pháp thuộc, chánh tổng và phó tổng được xếp trong ngạch nhân viên hành chính, được hưởng lương và xếp hạng bậc. Trước năm 1887, chánh tổng và phó tổng do chính phủ thực dân lựa chọn, chỉ định. Sau năm 1887, chánh tổng được tuyển chọn thông qua thi tuyển. Từ năm 1908, chánh tổng được tuyển lựa thông qua bầu cử mà cử tri là những người thuộc các thành phần có chức quyền, có tài sản, có bằng cấp và thống đốc là người có quyền quyết định cuối cùng trong việc tuyển chọn. Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, chánh tổng được tuyển lựa qua bầu cử và là người thay mặt cho tổng về mặt hành chính và pháp lí để giao thiệp với cấp trên.

chanh tong la gi khai niem va cach hieu ve chanh tong 356725

3. Khái quát cơ bản về Nhà Nguyễn
Nhà Nguyễn là triều đại phong kiến quân chủ chuyên chế cuối cùng ở Việt Nam được thiết lập. Trong vòng 143 năm (1802-1945) có thể chia làm 2 giai đoạn: Thời kỳ từ năm 1802-1858 là thời kỳ nhà Nguyễn còn giữ vai trò của một chính quyền dân tộc độc lập. Kể từ năm 1858 triều Nguyễn từng bước đầu hàng và cuối cùng mất nước tự tước bỏ quyền chủ nhân của mình, phản bội lợi ích dân tộc, trở thành tay sai, bù nhìn cho thực dân Pháp (viết tắt TDP).
Tuy chia thành 2 thời kỳ nhưng xét về mặt tổ chức những đơn vị hành chính các cấp được cải tổ và hoàn chỉnh vào thời vua Minh Mạng (1820-1840) về cơ bản hầu như không thay đổi cho mãi đến sau này. Bởi vì: Tuy toàn bộ đất nước Việt Nam trong thực tế đã là thuộc địa của TDP (kể từ 6/6/1884 bằng Hiệp ước Patenotre) nhưng với âm mưu “chia để trị” chúng đã duy trì ở 3 kỳ (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ) 3 chế độ cai trị khác nhau. Ngay ở xứ Nam kỳ thuộc địa thuộc Pháp thì Tổ chức bộ máy chính quyền của TDP đến cuối thế kỷ XIX vẫn chưa đủ khả năng để can thiệp đến chính quyền cấp làng xã.
Mãi đến sau này khi hoàn thiện bộ máy cai trị của mình – TDP từng bước với tay xuống làng xã nhưng cũng chỉ ở mức lỏng lẻo, hình thức là thông qua các văn bản pháp lý trước khi tiến hành “cải cách hương chính” ở Bắc và Trung kỳ. Còn ở Trung kỳ và Bắc kỳ dưới chế độ bảo hộ và nửa bảo hộ thì tổ chức bộ máy chính quyền của TDP chỉ thiết lập đến cấp tỉnh do Công sứ người Pháp đứng đầu. Từ cấp phủ, huyện trở xuống Triều đình Huế trực tiếp quản lý (tất nhiên là trên danh nghĩa vì khi Nước đã mất thì Làng cũng tan)!
Vua Minh Mạng bãi bỏ đơn vị hành chính tổng trấn, đổi các dinh, trấn thành tỉnh. Đến năm 1834 thiết lập 30 tỉnh trong cả nước. Với cuộc cải cách hành chính này (1831-1832) ông đã kiện toàn khá hoàn chỉnh cơ cấu hành chính  và bộ máy chính quyền từ triều đình đến địa phương tạo nên sự đồng bộ và liên kết trong bộ máy chính quyền từ Trung ương đến tận cơ sở, từ hoàng đế đến các đình thần, từ các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đến giám sát.
Cấp hành chính dưới triều Nguyễn từ cấp tỉnh trở xuống, gồm: Dưới tỉnh là phủ, huyện, tổng (ở miền núi gọi là châu), làng (xã). Đứng đầu cấp tỉnh là Tổng đốc (phẩm trật ngang với Thượng thư – Bộ trưởng). Thông thường Tổng đốc là người phụ trách 2 tỉnh, trực tiếp cai trị 1 tỉnh. Tỉnh loại vừa và nhỏ chỉ có 1 Tuần vũ. Tiếp theo là Tri phủ, Tri huyện, Chánh tổng (ở miền núi gọi là Tri châu), Lí trưởng. Mỗi phủ, huyện thường có trên dưới 10 Tổng, mỗi Tổng quản lý trên dưới 10 làng xã…
Trong phạm vi bài viết này tác giả chỉ đề cập đến tổ chức bộ máy chính quyền làng xã.

4. Bộ máy tổ chức chính quyền làng xã triều Nguyễn
Khái niệm Làng Xã (lẽ ra phải nói là Xã Làng) được chỉ là đơn vị hành chính cơ sở  trong hệ thống hành chính quốc gia. Có xã bao gồm nhiều Làng (nhiều làng này sau khi thiết lập chính quyền cơ sở chỉ là đơn vị dưới cấp cơ sở ); nhưng có Xã lại đồng nghĩa với Làng (Xã chỉ có duy nhất 1 làng) nên xưa nay ta thường gọi chung là làng xã bao gồm ý nghĩa đó.
Trước triều Nguyễn việc tổ chức bộ máy quản lý làng xã  dựa trên 2 tập quán khác nhau. Tập quán thứ nhất: trao quyền cho những người cao tuổi nhất gọi là Thiên tước (chức tước Trời ban). Tập quán thứ 2: Trao quyền quản lý làng xã cho những người có chức tước Vua ban (gọi là Vương tước). Dĩ nhiên tập quán theo Thiên tước thuộc về 1 xã hội cổ xưa. Còn tập quán theo Vương tước chỉ xuất hiện khi đã có vua dưới chế độ phong kiến. Chế độ phong kiến càng phát triển thì tập quán Thiên tước bị thu hẹp dần. Tuy vậy, tập quán Thiên tước không bị loại bỏ hoàn toàn mà nó vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức để len lỏi vào cơ cấu, tổ chức trong tập quán Vương tước.
Qua tập hợp nghiên cứu, tìm hiểu nhiều tài liệu, ấn phẩm, sách báo, công trình nghiên cứu khoa học lịch sử từ trước tới nay tuy ở mỗi nơi, mỗi lúc có sự khác nhau về chi tiết (nhất là về tên gọi) nhưng về cơ bản bộ máy chính quyền tổ chức Làng Xã (hạng quan viên) ở triều Nguyễn bao gồm mấy thành phần sau đây:
4.1. Tiên chỉ và Thứ chỉ (Viên mục, chức sắc): Là người có phẩm tước, danh vọng, địa vị cao nhất và tuổi tác cũng phải cao nhất (dấu ấn Thiên tước) và sinh trưởng tại Làng Xã. Đây là lớp người đứng đầu có toàn quyền quyết định mọi việc lớn nhỏ trong làng. Do đó, họ là lớp người có quyền thế nhất. Vì thế trong các văn bản, giấy tờ chính thức của làng ông ta là người đầu tiên ký tên vào phía dưới. Tên gọi Tiên chỉ xuất phát từ đó.
Còn Thứ chỉ là người thứ 2 theo các điều kiện kể trên để giúp việc cho Tiên chỉ.
Làng chỉ thừa nhận địa vị của họ khi họ có đủ các văn bằng, sắc phong… và hơn nữa khi đã có lễ khao vọng cúng Thần hoàng và đãi làng. Do địa vị tột bậc đó theo lệ hương ẩm mỗi lần có đình đám, lễ tế, mâm cỗ Tiên chỉ bao giờ cũng được chia phần cái thủ lợn.
4.2. Các bô lão và kỳ mục: Đây là 1 tổ chức tập thể gồm nhiều người (gọi là Hội đồng) gồm:
– Tất cả các cụ già từ 60 tuổi trở lên (một minh chứng nữa về dấu ấn Thiên tước). Muốn được dự hàng các hương lão này, các cụ đều phải có cỗ khao vọng. Các cụ có quyền tham gia hội họp, bàn bạc, tranh luận nhưng chỉ mang tính chất danh dự vì không được tham gia chính sự.
– Kỳ mục: để chỉ các quan lại văn võ (từ Cửu phẩm hoặc suất Đội binh) trở lên còn tại chức (nhưng không phải làm việc tại làng xã) hoặc đã về hưu; những sĩ tử có bằng cấp: Tú tài, cử nhân, tiến sĩ; các cựu chánh, phó tổng hay chánh, phó tổng đang tại chức; các hương trưởng, hào trưởng; các cựu lý trưởng, phó lý hoặc các xã nhiêu mua, chánh, phó tổng mua; các viên tử (con quan) nhưng phải từ tam phẩm trở lên. Những người này cũng chính thức hóa  địa vị của họ bằng 1 buỗi lễ khao vọng.
4.3. Lý dịch (hay chức dịch, viên chức) đương chức.
Đây là những người đang làm việc, bao gồm: Lý trưởng, phó lý (trưởng), hương trưởng (có nơi hương trưởng kiêm luôn trưởng thôn, trưởng xóm là cấp chính quyền dưới cơ sở), hương kiểm.
Lý trưởng là người được ủy quyền thay mặt cho 2 thành phần nói trên giao thiệp với chính quyền cấp Tổng. Chủ yếu là các vấn đề: Thuế má, sưu, dịch, binh dịch và các mặt liên quan khác về hành chính. Đồng thời cũng là người được ủy nhiệm thực hiện mọi quyết định của hội đồng các tiên chỉ, bô lão, kỳ mục.
Lý trưởng do 2 nhóm người trên nhất trí cử lên, sau đó phải ra công khai để được sự tán thành của dân làng trước khi báo cáo chánh tổng để chánh tổng trình lên chính quyền cấp huyện ra quyết định và cấp mộc triện – con dấu (cấp tổng không được quyền quyết định).
Phó lý và Hương trưởng đều là người giúp việc cho Lý trưởng và trình tự bổ nhiệm cũng như Lý trưởng. Còn Hương kiểm (từng thời kỳ có tên gọi khác nhau: Câu đương, khán thủ, xã tuần, trương tuần, tổng đoàn, đoàn phu…) do tiên chỉ và hội đồng bô lão, kỳ mục chọn không phải trình lên chính quyền cấp trên. Chức dịch này đặc trách công tác giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự, hoa màu, tài sản công cộng trong làng.
4.4. Dịch mục (Hương chức, tư văn, khóa sinh…) gồm những người biết chữ và có học để trực tiếp làm một số việc:
– Soạn thảo các văn bản cho làng gọi là thầy từ.
– Giải thích, truyền đạt nội dung các loại văn bản từ cấp trên gửi xuống gọi là thầy thông giảng.
– Theo dõi, chỉnh lý và lưu giữ sổ đinh, sổ điền gọi là thủ bản hay thủ bộ.
– Lưu giữ các giấy tờ, văn khế, cầm đỡ… gọi là lang cai.
– Tổ chức và theo dõi về nghi lễ, phong tục… gọi là  thầy cúng, thầy lễ…
Mỗi một chức danh chỉ có 1 người và đều do các tiên, thứ chỉ và hội đồng bô lão, kỳ mục cùng lý dịch thường xuyên lựa chọn và cắt cử.
Ngoài 4 thành phần trên đây, còn có 1 số người khác tuy đều nhận 1 nhiệm vụ cụ thể của làng như thầy chùa, trưởng chợ (bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh, thu phí…), mõ… nhưng không thể xếp họ vào bộ phận cai quản làng xã được. Thậm chí họ còn bị miệt thị, khinh rẻ nhất và ở hạng thấp nhất trong các hạng dân đinh.
Về quy trình bổ nhiệm chức dịch (Lý dịch đương chức): Từ đầu thế kỷ thứ IX (907) đời Khúc Thừa Hạo lần đầu tiên các Làng Xã đã trở thành đơn vị hành chính cấp cơ sở và các quan chức cấp xã do nhà nước tiến cử với tên gọi là lệnh trưởng gồm 2 người Chính và Tá. Đây là cơ sở cho tổ chức hành chính cấp Làng Xã của các triều đại tự chủ sau này. Việc các xã quan do nhà nước cắt cử được duy trì liên tục hơn… 900 năm! Mãi đến năm 1732 đời vua Long Đức về sau này việc đặt xã quan đều do dân (thông qua tiên chỉ và hội đồng bô lão, kỳ mục đề cử) nhưng phải có sự giám sát của Chánh tổng mới trình lên Tri huyện công nhận để bổ nhiệm và cấp mộc triện.
Về chức năng nhiệm vụ của các thành phần trên ta thấy:
– Tiên chỉ – bô lão, kỳ mục (nhóm I, II) đóng vai trò như HĐND hiện nay của làng xã mà Tiên chỉ là… Chủ tịch HĐND!
– Lí dịch đương chức (nhóm III): Đóng vai trò như UBND hiện nay của làng xã trong đó lý trưởng là… Chủ tịch UBND!
– Dịch mục (nhóm IV): Bộ phận giúp việc cho lí dịch theo từng phần việc cụ thể (đội ngũ công chức cấp xã hiện nay).
Đánh giá nhận xét chung
Thông qua các nội dung đã đề cập ở trên xin rút ra một số kết luận sau:

5. Đặc điểm của bộ máy quản lý làng xã
– Tính chất lão quyền: Đây là sự tiếp nối truyền thống tập quán thiên tước tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử dân tộc. Tôn trọng người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) đã là 1 phạm trù đạo đức, một yếu tố tự thân tạo thành 1 truyền thống tốt đẹp, nhân văn bất biến trong tâm khảm và mọi hoạt động của người Việt Nam tồn tại mãi cho đến ngày nay. Dưới triều Nguyễn thông lệ này không chỉ là nhu cầu về mặt đạo lý mà còn có sự ràng buộc về mặt pháp lý (nếu vi phạm sẽ bị… truy cứu trách nhiệm hình sự, theo cách nói của chúng ta ngày nay). Một lệ định ban hành từ năm Tự Đức thứ 14 (1861) ghi rõ: “… Phẩm trật đồng hàng ai hơn tuổi ngồi trên, đó là: Đối với tất cả các hạng, còn trong nội đàm lý trưởng, hương chức cũng lấy tuổi làm thứ tự không kể chức nào…” (Dẫn theo Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Tường Phượng, “Từ xã thôn đến Quốc gia” – Văn hóa Nguyệt san, số 11-12 tháng 3-4/1953).
– Tiêu chuẩn về đạo đức và khao vọng: điều kiện về đạo đức là một điều kiện có tính lịch sử. Mỗi xã hội, mỗi giai cấp đều có một mẫu đạo đức riêng. Dĩ nhiên vẫn có những quy phạm chung cho đời sống cộng đồng do kế thừa và phát triển. Điều kiện Khao vọng (chỉ với nhóm I đến nhóm III) như là 1 giấy thông hành, 1 cửa ải cần phải vượt qua. Việc cúng thần và đãi làng vừa mang tính chất một lễ nghi tôn giáo vừa mang yếu tố chính trị: chính thức hóa, minh bạch hóa địa vị người có chân trong bộ máy quản lý làng xã trước thần dân thiên hạ (tập tục này được biến tướng, nhân rộng cho đến nay khi cá nhân nào đó đạt được một vị trí trong xã hội, học hàm, học vị, thậm chí có “lộc” mọi người đều “bắt”… khao!).
– Ngoài những điều kiện tất yếu trên đây còn 1 điều kiện nữa là thể hiện qua việc mua bán quan tước, nhiêu, xã. Những viên quan tước mua đều được tham dự bộ máy quản lý làng xã dù không đỗ đạt, chưa hề làm quan 1 ngày nên tiền của đã trở thành 1 điều kiện. Tuy nhiên điều kiện này chỉ là gián tiếp chứ không phải trực tiếp bởi họ tham gia bộ máy Quản lý làng xã là do họ có quan tước chứ không phải do tiền của. Điều kiện này phản ánh tính chất phong kiến một cách rõ rệt  trong việc thiết lập bộ máy quản lý làng xã…
Về tổ chức, biên chế quan chức cấp cơ sở (làng xã) triều Nguyễn nói riêng và chế độ phong kiến nói chung nhiều người cho rằng: Trước đây dưới chế độ phong kiến bộ máy quản lý làng xã rất đơn giản, gọn nhẹ chỉ 1 Lý trưởng, 1 Phó lý, 1 Hương kiểm mà quản lý về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh trật tự… của làng xã đâu vào đấy. Còn hiện nay?
Nhìn vào  cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý chính quyền làng xã như đã trình bày ta thấy bộ phận trực tiếp điều hành công việc ở làng xã quả là gọn nhẹ (nhóm III) chỉ 3-4 người! So với hiện nay số lượng ấy quả là ít nếu không nói là rất ít. Nhưng căn cứ vào điều kiện lịch sử, cơ cấu, thành phần về kinh tế, xã hội, dân số… của 1 đơn vị Làng Xã thời bấy giờ thì với số lượng Lý dịch (nhóm III) như thế là phù hợp. Vả lại, bên trên lý dịch còn có cả 1 hội đồng tham mưu, tư vấn đông đảo dày dạn về kinh nghiệm, năng lực là tiên chỉ và hội đồng bô lão, kỳ mục thường xuyên giám sát, hướng dẫn, chỉ bảo, nhắc nhở. Bên dưới là đội ngũ dịch mục (nhóm IX) mẫn cán có văn hóa, có học tận tâm phục vụ. Bởi vậy nếu bảo: Quản lý chính quyền trong làng xã chỉ bao gồm mấy ông ấy là rất không công bằng. Mặc dù, vẫn phải thừa nhận là cơ cấu tổ chức quản lý của chính quyền làng xã (bộ phận lí dịch) ở triều Nguyễn là gọn, nhẹ và hiệu quả!

5. Về chế độ lương bổng, trợ cấp cho các quan chức cấp làng xã
– Ở nhóm I và nhóm II là các vị quan lại đương chức và hưu quan thì nhà nước đã có lệ cấp lương bổng quy định rõ từng phẩm hàm (bao gồm tiền lương, gạo, tiền may lễ phục) được ban hành từ năm 1818, 1839 và được điều chỉnh nhiều lần về sau này. Với các cụ bô lão không có phẩm hàm thì hưởng lộc làng (ngồi chiếu trên khi có lễ làng, mâm cỗ, biếu xén quả thực…).
– Nhóm III và IX: Nhà nước hoàn toàn không cấp lương mà do dân nuôi – Làng xã tự cấp tùy theo khả năng kinh tế và theo lệ làng – hương ước (cấp ruộng hoặc lúa) không có định mức nhưng ít nhất vẫn phải đủ cho cuộc sống của gia đình họ.
Tuy nhiên đó là trên danh nghĩa còn trong thực tế thì bổng lộc của lớp quan chức làng xã còn lớn hơn thế, nhiều hơn thế. Họ là đẳng cấp có thế lực và quyền hành có đặc quyền ưu đãi trong làng xã (nhất là việc phân chia ruộng công, thu các nguồn lợi trong làng). Được miễn các nghĩa vụ đối với nhà nước (thuế đinh, thuế ruộng, phu phen, tạp dịch, binh dịch… các khoản này chiếm rất nhiều tiền của và công sức). Được quyền ưu tiên trong các sinh hoạt và lao động tập thể.
Trong đám quan viên thì đám Lý dịch đương chức (lý trưởng, phó lý, hương trưởng, trương tuần) tuy kém nhóm I, II về thế lực và địa vị nhưng lại có quyền trực tiếp đối với dân làng và chịu trách nhiệm với chính quyền cấp trên. Trong đó Lý trưởng có vị trí đặc biệt tuy là phận tôi tớ, công cụ sai khiến cho tiên chỉ và hội đồng kỳ mục nhưng là kẻ có điều kiện hống hách, bóp nặn nhiều nhất đối với dân làng.
Ngoài ra nếu hoàn thành các nghĩa vụ về các loại thuế, lao dịch… chúng còn được quan trên ban thưởng bằng tiền và vật chất rất lớn (mức thưởng có khi còn cao hơn cả lương bổng lớp quan viên). Những người được lựa chọn vào đám lý dịch này? Đó là bọn địa chủ dư dật, linh lợi và giảo hoạt; đó là những người có học thức. Nghĩa là phải có 2 tiêu chuẩn: Giàu có và Danh vọng. Tuy nhiên phải là người trên 21 tuổi và là dân nội tịch (bản địa).
Tóm lại, bộ máy hành chính làng xã triều Nguyễn đều hoạt động theo cơ chế tự quản, tự trị là chính. Song vẫn bị nhà nước chi phối điều khiển. Bộ máy chức dịch làng xã hoạt động về cơ bản là hiệu quả. Đảm bảo trước hết những nghĩa vụ công ích của dân làng đối với nhà nước; giữ cho làng xã có dáng vẻ bình yên bên trong sự trùng điệp của những lũy tre làng khép kín. Tuy nhiên, để thực hiện được những nhiệm vụ sống còn đó, bộ máy hành chính làng xã không thể không dựa vào các tổ chức xã hội làng xã cùng với ý thức trách nhiệm công dân của dân làng bằng lối ứng xử của bạo quyền “cái gông và roi mây” và sự ràng buộc nghiệt ngã đến ngọt ngào của Lệ làng, phép nước!

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,362
  • Tổng lượt truy cập808,276
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây