Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi giời. Có hề gì? giời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ-đại. Nhưng cả làng Vũ-đại, ai cũng tự nhủ: « Chắc nó trừ mình ra! » Không ai lên tiếng cả. Tức thật! tức thật! ồ! thế này thì tức thật! tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông-nỗi này? A hà! phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra thằng Chí-Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí-Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí-Phèo? Có mà giời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ-đại cũng không ai biết...
⁂
Một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương, đã thấy hắn trần-truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên một cái lò gạch bỏ không; anh ta rước lấy và đem cho một người đàn bà góa mù. Người đàn bà góa mù này bán hắn cho một bác phó cối không con, và khi bác phó cối này chết thì hắn bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ. Năm hai mươi tuổi, hắn làm canh điền cho ông lý Kiến, bây giờ là cụ bá Kiến, ăn tiên-chỉ làng. Hình như có mấy lần bà ba nhà ông lý, — còn trẻ lắm mà lại cứ hay ốm lửng — bắt hắn bóp chân, hay xoa bụng, đấm lưng gì đấy. Người ta bảo ông lý ra đình thì hách dịch, cả làng phải sợ, mà về nhà thì lại sợ cái bà ba còn trẻ này. Người bà ấy phốp pháp, má bà ấy hây hây, mà ông lý thì lại hay đau lưng lắm; những người có bệnh đau lưng hay sợ vợ mà chúa đời là khỏe ghen. Có người bảo ông lý ghen với anh canh-điền khỏe mạnh mà sợ bà ba không dám nói. Có người thì lại bảo anh canh-điền ấy được bà ba — quyền thu quyền bổ trong nhà — tin cẩn nên lấy trộm tiền trộm thóc nhiều. Mỗi người nói một cách. chẳng biết đâu mà lần, chỉ biết có một hôm Chí bị người ta giải huyện rồi nghe đâu phải đi ở tù. Không biết tù mấy năm, nhưng hắn biệt tăm đến bẩy, tám năm. Rồi một hôm, hắn lại lù lù ở đâu lần về. Hắn về lần này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng sắng-cá! cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rắn cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh ra, đầy những nét chàm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!
Hắn về hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến xế chiều. Rồi say khướt, hắn xách một cái vỏ chai đến cổng nhà bá Kiến, gọi tận tên tục ra mà chửi. Cụ bá không có nhà. Thấy bộ-điệu hung-hăng của hắn, bà cả dừa bà hai, bà hai thúc bà ba, bà ba gọi bà tư, nhưng kết cục chẳng bà nào dám ra nói với hắn một vài lời phải chẳng. Mắc cái phải cái thằng liều-lĩnh quá, nó lại say rượu, tay nó lại nhăm nhăm cầm cái vỏ chai, mà nhà lúc ấy toàn đàn bà cả... Thôi thì cứ đóng cái cổng cho thật chặt, rồi mặc thây cha nó, nó có chửi thì tai liền miệng đấy, chửi rồi lại nghe! Thành thử chỉ có ba con chó ra giày điều. Ba con chó dữ với một thằng say rượu!... thật là ầm ỹ! Hàng xóm phải một bữa điếc tai, nhưng có lẽ trong bụng thì họ hả: xưa nay họ mới chỉ được nghe bà cả, bà hai, bà ba, bà tư nhà cụ bá chửi người ta, bây giờ họ mới được nghe người ta chửi lại cả nhà cụ bá. Mà chửi mới sướng miệng làm sao! mới ngoa-ngoắt làm sao! Họ bảo nhau: Phen này cha con thằng bá Kiến đố còn dám vác mặt đi đâu nữa! mồ mả tổ tiên đến lộn lên mất! Cũng có người hiền-lành hơn thì bảo: « Phúc đời nhà nó, chắc ông lý không có nhà... » Ông lý đây là ông lý Cường, con giai cụ bá, nổi tiếng là hách dịch, coi người như rơm như rác. Phải, ông lý Cường thử có nhà xem nào! Quả nhiên, họ nói có sai đâu! Đấy, có tiếng người nói sang sảng quát: « Mày muốn lôi thôi gì? Cái thằng không cha không mẹ này! Mày muốn lôi thôi cái gì?... » Đã bảo mà! cái tiếng quát tháo kia là tiếng lý Cường. Lý Cường đã về! lý Cường đã về! phải biết... a ha!.. Một cái tát rất kêu. Ồ! cái gì thế này?.. Tiếng đấm, tiếng đá nhau bình bịch. Thôi, cứ gọi là tan xương!.. Bỗng « choang » một cái: thôi, phải rồi, hắn đập cái chai vào cột cổng... Ồ hắn kêu! hắn vừa chửi vừa kêu làng như bị người ta cắt họng. Ồ hắn kêu!
- Ối làng nước ôi! cứu tôi với... Ối làng nước ôi! Bố con thằng Kiến nó đâm chết tôi! Thằng lý Cường nó đâm chết tôi rồi, làng nước ôi!...
Và họ thấy Chí-phèo lăn lộn dưới đất, vừa kêu vừa lấy mảnh chai cào mặt. Máu ra loe loét trông gớm quá! Mấy con chó xông xáo quanh hắn, xủa rất hăng. Lý Cường hơi tái mặt, đứng nhìn và cười nhạt, cười khinh bỉ. Hừ! ngỡ là gì, chẳng hóa ra nằm vạ! thì ra hắn định đến đây nằm vạ.
Người ta tuốn đến xem. Mấy cái ngõ tối xung quanh đùn ra biết bao nhiêu là người! Thật ồn ào như chợ. Bà cả, bà hai, bà ba, bà tư nhà cụ bá, vững dạ vì có anh Lý, cũng xưng xỉa ra chửi góp. Thật ra, các bà muốn xem Chí-Phèo làm ra sao; không khéo nó cố ý gieo vạ cho cụ ông phen này...
Nhưng kìa cụ ông đã về. Cụ cất tiếng rất sang hỏi: « Cái gì mà đông thế này? » Chỗ này « lạy cụ, » chỗ kia « lậy cụ », người ta kính cẩn đứng giãn ra, và Chí-Phèo bỗng nằm dài, không nhúc nhích, rên khe khẽ như gần chết.
Thoáng nhìn qua, cụ đã hiểu cơ sự rồi. Làm lý trưởng rồi chánh-tổng, bây giờ lại đến lượt con cụ làm lý-trưởng, những việc như thế này cụ không lạ gì. Cụ hãy quát mấy bà vợ đang xưng xỉa chực tâng công với chồng:
- Các bà đi vào nhà; đàn bà chỉ lôi thôi, biết gì?
Rồi quay lại bọn người làng, cụ dịu giọng hơn một chút:
- Cả các ông, các bà nữa; về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại đông thế này?
Không ai nói gì, người ta lảng dần đi. Vì nể cụ Bá cũng có, nhưng vì nghĩ đến sự yên ổn của mình cũng có: người nhà quê vốn ghét lôi thôi; ai dại gì đứng ỳ ra đấy, có làm sao họ lại triệu mình đi làm chứng! Sau còn trơ lại Chí-Phèo và cha con cụ Bá. Bấy giờ cụ mới lại gần hắn, khẽ lay và gọi:
- Anh Chí ơi! sao anh lại làm ra thế?
Chí-Phèo lim rim mắt, rên lên:
- Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù nữa chưa biết chừng.
Cụ Bá cười nhạt, nhưng tiếng cười ròn-rã lắm — người ta bảo cụ hơn người cũng chỉ bởi cái cười:
- Cái anh này nói mới hay! Ai làm gì anh mà anh phải chết? Đời người chứ có phải con ngóe đâu? Lại say rồi phải không?
Rồi đổi giọng, cụ thân-mật hỏi:
- Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước.
Thấy Chí-Phèo không nhúc-nhích, cụ tiếp luôn:
- Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì, ta nói chuyện tử-tế với nhau. Cần gì mà phải làm thanh động lên thế, người ngoài biết, mang tiếng cả.
Rồi vừa xốc Chí-Phèo, cụ vừa phàn-nàn:
- Khổ quá! giá có tôi ở nhà thì có đâu nên nỗi. Ta nói chuyện với nhau, thế nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng lý Cường nóng tính không nghĩ trước nghĩ sau. Ai, chứ anh với nó còn có họ kia đấy.
Chí-Phèo chả biết họ hàng ra làm sao, nhưng cũng thấy lòng nguôi nguôi. Hắn cố làm ra vẻ nặng nề, ngồi lên. Cụ Bá biết rằng mình đã thắng, đưa mắt nháy con một cái, quát:
- Lý Cường đâu! tội mày đáng chết. Không bảo người nhà đun nước, mau lên!
Cụ giắt Chí-Phèo đứng dậy, giục thêm vài tiếng nữa, và Chí Phèo chịu đi; hắn chỉ cố khập-khiễng cái chân như bị què. Là vì lúc ấy trong người hắn rượu đã hơi nhạt rồi. Không còn kêu gào chửi bới; và không còn nghe kêu gào chửi bới, hắn thấy hình như không hăng-hái nữa. Sự ngọt-ngào làm mềm nhũn. Vả lại, những người đứng xem về cả rồi, hắn thấy hắn hình như trơ trọi. Cái sợ cố hữu trong lòng thức dậy. — cái sợ xa xôi của ngày xưa, — hắn thấy hắn quả là táo bạo. Không táo bạo mà dám gây sự với cha con bá Kiến, bốn đời làm tổng lý. Và nghĩ thế, hắn thấy hắn cũng oai. Hắn là cái ông gì ở làng này? không vây cánh, không họ hàng thân thích; anh em không có, đến bố mẹ cũng không... Ờ, thế mà dám độc lực chọi nhau với lý-trưởng, chánh-tổng, bá-hộ, tiên-chỉ làng Vũ-đại, chánh hội đồng kỳ-hào, huyện hào, Bắc-kỳ nhân dân đại-biểu, khét tiếng đến cả trong hàng huyện. Thử hỏi đã có mặt nào trong cái làng hơn hai nghìn xuất đinh này làm được thế? Kể làm rồi có chết cũng là cam tâm. Vậy mà không: cái cụ bá thét ra lửa ấy lại xử nhũn mời hắn vào xơi nước. Thôi cũng hả, đã xử nhũn thì hắn vào. Nhưng bỗng hắn lại hơi ngần ngại: biết đâu cái lão cáo già này chả lại lừa hắn vào nhà rồi lôi thôi? Ờ mà thật, có thể như thế lắm! Này nó hãy lôi ngay mấy cái mâm cái nồi hay đồ vàng đồ bạc ra khoác và cổ hắn, rồi cho vợ ra kêu làng lên, rồi cột cổ hắn vào, trần cho một trận om xương, rồi vu cho là ăn cướp thì làm sao? Cái thằng bá Kiến này, già đời đục khoét, còn đớn cái nước gì mà chịu lép như trấu thế? Thôi dại gì mà vào miệng cọp, hắn cứ đứng đây này, cứ lại lăn ra đây này, lại kêu toáng lên xem nào. Nhưng nghĩ ngợi một tý, hắn lại bảo: kêu cũng không nước gì! Lão bá vừa nói một tiếng, bao nhiêu người đã ai về nhà nấy, hắn có lăn ra kêu nữa, liệu có còn ai ra? Vả lại bây giờ rượu nhạt rồi, nếu lại phải rạch mặt thêm mấy nhát thì cũng đau. Thôi cứ vào!... Vào thì vào, cần quái gì! Muốn đập đầu thì vào ngay giữa nhà nó mà đập đầu còn hơn ở ngoài. Cùng lắm, nó có rở quẻ, hắn cũng chỉ đến đi ở tù. Ở tù thì hắn coi là thường. Thôi cứ vào
Nhà tưởng niệm của nhà Văn Liệt sỹ Nam Cao
Còn nữa
Ý kiến bạn đọc