Chí Phèo – Truyện ngắn Nam Cao (tiếp theo)

Thứ tư - 26/06/2024 20:26 457 0

Chí Phèo – Truyện ngắn Nam Cao (tiếp theo)

Chí Phèo – Truyện ngắn Nam Cao

Vào rồi, hắn mới biết những cái hắn sợ là hão cả. Bá Kiến quả có ý muốn giàn xếp cùng hắn thật. Không phải cụ đớn, chính thật cụ khôn róc đời. Thứ nhất sợ kẻ anh-hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân. Chí-Phèo không anh-hùng, nhưng nó là cái thằng liều-lĩnh. Liều-lĩnh thì ai còn thèm chấp! Thế nào là mềm nắn, rắn buông? Cái nghề làm việc quan, nếu nhất nhất cái gì cũng đè đầu ấn cổ thì lại bán nhà đi cho sớm. Cụ vẫn bảo lý Cường như thế đấy. Vũ-dũng như hắn mà làm được lý-trưởng là nhờ có cụ. Cụ mà chết đi rồi, « chúng nó » lại không cho ăn bùn.
Tiếng vậy, làm tổng lý không phải là việc dễ. Ở cái làng này, dân quá hai nghìn, xa phủ, xa tỉnh, kể ăn thì cũng dễ ăn nhưng không phải hễ làm được lý-trưởng thì cứ việc ngồi mà khoét Hồi năm nọ, một thầy địa-lý qua đây có bảo đất làng này vào cái thế « quần ngư tranh thực », vì thế mà bọn đàn anh chỉ là một đàn cá tranh mồi. Mồi thì ngon đấy, nhưng mà năm bè bẩy bối, bè nào cũng muốn ăn; ngoài mặt thì tử-tế với nhau, nhưng thật ra trong bụng lúc nào cũng muốn cho nhau lụn bại để cưỡi lên đầu lên cổ. Ngay cái thằng Chí-Phèo này đến đây sinh sự biết đâu lại không có thằng nào ẩy đấy? Nếu cụ không chịu nhịn, làm cho to chuyện, có khi tốn tiền: cái nghề quan, bám thằng có tóc, ai bám thằng trọc đầu? Bỏ tù nó thì dễ rồi; nhưng bỏ tù nó, cũng có ngày nó được ra; liệu lúc ấy nó có để yên mình không chứ? Cụ phải cái vụ thằng năm Thọ. mãi đến giờ chưa quên.
Năm Thọ vốn là một thằng đầu bò đầu bướu. Hồi ấy, bá Kiến mới ra làm lý-trưởng, nó hình như kình nhau với hắn ra mặt; lý Kiến muốn trị nhưng chưa có dịp. Được ít lâu, hắn can dự vào một vụ cướp, bị bắt giam; lý Kiến ngấm-ngầm vận-động cho vào tù. Vẫn tưởng một người vai vế như Năm Thọ mà thất cơ lỡ vận đến nỗi tội tù thì làm gì còn dám vác cái mặt mo về làng? Lý Kiến mừng thầm rằng đã nhổ được cái đinh trước mắt. Nào ngờ một buổi tối, lý Kiến đang ngồi một mình soạn giấy má thì năm Thọ vác giao xộc vào. Nó đứng chặn lấy cửa và bảo: nếu kêu một tiếng thì đâm chết liền. Thì ra nó vượt ngục và về đây nhờ ông lý một cái thẻ mang tên một người lương-thiện và một trăm đồng bạc để trốn đi. Nó lại bảo: nghe nó thì nó đi biệt, mà không nghe thì nó đâm chết, rồi muốn ra sao thì ra; còn muốn sống với vợ với con thì nghe nó.
Lẽ tất nhiên là lý Kiến nghe. Năm Thọ đi phen ấy là mất tăm, cũng không bao giờ về nữa thật. Nhưng thói đời, tre già măng mọc, có bao giờ hết những thằng du côn? Năm Thọ vừa đi, lại có binh Chức ở đâu lần về. Mà thằng này lúc còn ở nhà, nào có ngạo ngược gì cho cam. Người ta đã phải gọi hắn là cục đất. Ai bảo làm sao thì ư hừ làm vậy, mới quát một tiếng đã đái cả ra quần, thuế bổ một đồng thì đóng quá hai, đến nỗi có con vợ hay hay mắt, bị người ta ghẹo cũng chỉ im ỉm rồi về nhà hành vợ chứ chẳng dám ho he gì. Thế đấy: cái nghề đời hiền quá hóa ngu; ở đâu chứ ở đất này đã ngu, đã nhịn thì chúng ấn cho đến không còn ngóc đầu lên được. Hắn làm thì làm cật lực mà quanh năm nghèo rớt mồng tơi; chỉ vì có một miếng cũng không giữ được mà ăn: đứa nào nó vớ được nó cũng xoay, mà đứa nào xoay cũng chịu. Sau cùng, bực quá, hắn ra đi lính. Lại càng thêm tội! Không bực còn được vợ, tuy rằng thỉnh thoảng có bị sây sớt ra ngoài, nhưng vẫn là vợ mình. Bực thì hóa ra mất vợ. Bởi vì chị vợ ở nhà còn trẻ, mới hai con, cái mắt sắc như dao lại hồng hồng đôi má, bỗng nhiên lại sinh ra vắng chồng, của ngon trờ trờ ngay trước mắt, ai mà nhịn được?
Nhà chị binh ở gần đường. Ông phó đi đánh bạc đêm về cũng tạt vào; anh trương tuần đi tuần cũng tạt vào; anh hàng xóm cũng mò sang; thậm chí đến cái thằng hương Điển, đầu hai thứ tóc, già đời làm đầy tớ cho các ông lý trưởng, cũng mon men vào gạ-gẫm. Vợ binh Chức đã nghiễm-nhiên thành một con nhà thổ không phải trả tiền để bọn lý-dịch nho nhỏ trong làng chuyên đổi. Chính ngay lý Kiến, tuy hồi ấy đã có đến ba vợ, cũng không nỡ bỏ hoài cái của không dưng được giời cho; và không bỏ hoài, ông còn được lợi. Mỗi lần chị binh đi lĩnh lương hay lĩnh măng-đa của chồng, phải mượn ông lý đi nhận-thực. Không ông lý nào vác của nhà đi ăn mà nhận-thực cho người ta, điều ấy đã cố nhiên. Nhưng với lý Kiến, thì không những cơm rượu tiền túi, còn phải cho ngồi xe chung và còn ở lại tỉnh nữa.
Thế là mấy đồng bạc lương đi đời; mấy đứa con của chị ngày mai chỉ được mấy cái kẹo đạn mút, hay hậu hĩnh ra thì được mấy cặp bánh giầy giò ăn. Thành thử công lao anh binh, rút lại chỉ giúp cho chị binh mỗi tháng một lần hưởng những cuộc vui với ông lý nhà.
Chẳng hiểu anh ta cũng biết thế mà chán cảnh nhà hay sao mà mãn hạn ba năm cũng không thấy về Rồi ít lâu sau, có trát về làng bắt tróc-nã và áp giải tên Trần-văn-Chức. Lý Kiến khai tên ấy thuộc hạng dân lưu-tán không về làng. Nhưng khai hôm trước thì hôm sau hắn về. Lý Kiến sai đầy tớ đem trát đến nhà đòi hắn. Hắn đến ngay, nhưng lại dẫn theo cả vợ và hai con. Không đợi ông lý nói một câu, hắn rút một con dao chọc tiết lợn ra, nhăm nhăm cầm ở tay mà bảo rằng: « Chẳng nói giấu gì ông, tôi can án giết người. Nếu ông không thương, mà bắt giải thì vợ con tôi chết đói. Thôi thì đằng nào chúng nó cũng chết, tôi đâm chúng nó chết ở đây, rồi ông bắt đi ở tù luôn thể ». Mắt hắn đỏ ngầu; lưỡi dao hắn hoa lên loang loáng, chỉ trông cũng lạnh gáy. Hắn có thể giết người được lắm, mà chắc không phải chỉ giết có vợ và con thôi: Khi hắn đã có gan đâm chết vợ con thì hắn còn kiêng gì cái cổ của người khác nữa? Lý Kiến nghĩ ngợi một lúc rồi bảo hắn cứ về rồi ông liệu. Ông liệu nghĩa là ông che đậy cái án của hắn cho không ai biết và mỗi lần có trát về nhắc, ông lại khai rằng: vẫn chưa có tên Chức về. Thế là hắn cứ nghiễm-nhiên sống ở ngay chính quê hương hắn. Va bây giờ người ta thấy vợ hắn rất chính chuyên mà lại trung thành: thị chăm chỉ làm để mà nuôi hắn; những ông trưởng, ông phó tự nhiên nghĩ bụng rằng: người ta có chồng rồi mà còn chàng-màng thì phải tội; ai cũng sinh tử-tế cả chỉ trừ anh binh, bởi vì Chức bây giờ lại rất mực là ngang-ngược. Hắn ăn vườn đấy, nhưng chẳng nộp thuế cho ai. Thúc hắn thì hắn chửi, cắm vườn hắn thì hắn chém, sinh chuyện với hắn thì chính lý trưởng làng có lỗi bởi cố ý ẩn-lậu hắn là một tên can phạm. Ấy thế mà hắn cũng chưa vừa lòng đâu. Một hôm không biết nghĩ ngợi thế nào, hắn vác dao đến bảo thẳng vào mặt lý Kiến rằng:
- Hồi tôi còn tại ngũ, tôi gửi về nhà có trăm. Không biết vợ tôi nó tiêu pha gì, hay là cho giai mà không còn một đồng nào cả. Tôi hỏi nó thì nó bảo: ở nhà, đàn bà con gai có một mình, không dám giữ tiền, được đồng nào mang gửi ông lý cả. Tôi sợ nó bịa ra nên đã trói sẵn nó ở nhà. Bây giờ tôi đến thưa với ông, ông tính toán xem được bao nhiêu cho đem về nuôi cháu. Thiếu một đồng thì tôi không để yên chúng nó. Lý Kiến hiểu rằng: « chúng nó » đây có thể gồm cả ông. Ông cười nhạt bảo rằng:
- Thế này này, anh binh ạ: chị ấy gửi tiền tôi thì quả là không có.
Hắn trợn mắt lên quát:
- Thế thì thằng nào ăn đi?
Lý Kiến vội nói lấp ngay:
- Thế nhưng mà anh có thiếu tiêu thì cứ bảo tôi một tiếng. Chị ấy trót tiêu đi rồi thì có giết cũng chẳng ra. Lôi thôi làm gì cho sinh tội?
Ông mở tráp quăng cho hắn năm đồng bạc. Hắn cầm lấy, « lậy ông » tử tế, rồi sách dao ra về. Từ hôm ấy, hắn thành tử-tế với lý Kiến, nhận là chỗ đầy tớ chân tay, nhưng lý Kiến thỉnh-thoảng vẫn phải cho hắn tiền. Cho mãi đến năm ngoái đây, hắn chết...

Ngôi nhà của Bá Kiến

Còn nữa

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại48,144
  • Tổng lượt truy cập809,058
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây