(Chí Phèo và Thị Nở)
Thì năm nay lại nẩy ra Chí-Phèo. Lại một thằng hiền-lành như đất - tội nghiệp cho hắn, có lần lý Kiến thấy hắn vừa bóp đùi cho bà ba, vừa run run! - bỗng nhiên vùng dậy, rở toàn những giọng uống máu người không tanh. Thì ra già néo đứt giây. Cụ tiên-chỉ làng Vũ-đại nhận ra rằng: đè nén con em đến nỗi nó không chịu được phải bỏ làng mà đi là dại. Mười thằng đã đi ra, thì chín thằng giở về với cái vẻ hung-đồ, cái tính ương-ngạnh học được từ phương xa. Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông nhưng rồi lại giắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn, đập ghế, đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vất trả lại năm hào « vì thương anh túng quá! » Và cũng phải tùy mặt nữa: những thằng có máu mặt, vợ đẹp, con đàn, chính là những thằng sợ quan và dễ bóp; trái lại, những thằng tứ cố vô thân, giết chúng nó thì dễ, nhưng giết được, chỉ còn có xương; mà gây với chúng là mở một dịp tốt để các phe nghịch xoay lại mình. Làng nào cũng có nhiều cánh, mỗi cánh kết bè đảng chung quanh một người: cánh cụ bá Kiến, cánh ông đội Tảo, cánh ông tư Đạm, cánh ông bát Tùng... Bằng ấy cánh giu lại với nhau để bóc lột con em, nhưng vẫn ngấm-ngầm chia rẽ, nhè từng chỗ hở để mà trị nhau... Cụ lại nhận ra rằng: ở cái đất nhà quê, bọn dân hiền-lành chỉ è cổ làm nuôi bọn kỳ-hào, — nhưng chính bọn kỳ-hào nhiều khi lại phải ngậm miệng cung cấp cho những thằng cùng hơn cả dân cùng, — nên liều-lĩnh, lúc nào cũng có thể cầm dao đâm người hay đâm mình. Nhưng cụ không phải là một người ưa than thở. Than thở chẳng ích gì cho ai. Cái bọn dân đinh suốt đời bị đè nén kia, sở dĩ bị đè nén suốt đời, chỉ vì khi bị đè nén chúng chỉ biết than-thở chứ không biết làm gì khác. Cụ bá Kiến không cần than thở: trị không lợi thì cụ dùng. Cụ nghĩ bụng: cũng phải có những thằng đầu bò chứ? không có những thằng đầu bò thì lấy ai mà trị những thằng đầu bò? Thế lực của cụ sở dĩ lấn áp được các vây cánh khác, một phần lớn cũng bởi cụ biết mềm biết cứng, biết thu-dụng những thằng bạt mạng không sợ chết và không sợ đi ở tù. Những thằng ấy chính là những thằng được việc. Khi cần đến, chỉ cho nó dăm hào uống rượu, là có thể sai nó đến tác hại bất cứ anh nào không nghe mình. Gặp người bướng-bỉnh, đanh thép thì nó lừa đốt nhà hay cho mấy nhát dao; gặp người non mặt, thì nó quăng vào chai rượu lậu, hay là gây sự rồi lăn ra kêu làng. Có chúng nó sinh chuyện thì mới có dịp mà ăn, nếu không thì giữa đám dân hiền-lành và yên-phận này, khéo lắm chỉ bóp nặn được vào vụ thuế Thuế một năm có một lần, nếu chỉ trông vào đấy thì bán mả cha đi cũng không đủ để bù vào chỗ ba, bốn nghìn bạc chạy chọt để tranh triện đồng... Vì thế, đêm hôm ấy, ở nhà bá Kiến ra về, Chí-Phèo vô cùng hể hả! Bá Kiến đã không vu vạ gì cho hắn, lại còn giết gà mua rượu cho hắn uống, xong lại đãi thêm đồng bạc để về uống thuốc. Đồng bạc, làm gì đến thế? hắn loạng choạng vừa đi vừa cười: hắn chẳng cần đến ba xu. Lúc ngồi tù, hắn có học mót được mấy bài thuốc giấu: chỉ vài nắm lá, là mặt hắn lại đâu vào đấy ngay. Còn đồng bạc lại để đi uống rượu...
⁂
Hắn uống được có vừa ba hom. Đến hôm thứ tư thì hắn trợn mắt lên, bảo con mẹ hàng rượu rằng:
- Hôm nay ông không còn tiền; nhà mày bán chịu cho ông một chai. Tối ông mang tiền đến giả.
Mụ hàng rượu hơi ngần ngừ. Thế là hắn rút bao diêm, đánh cái xoè, châm lên mái lều của mụ. Mụ hoảng hốt kêu la om xòm, vội giập tắt được ngọn lửa vừa mới cháy. Rồi khóc khóc mếu mếu, mụ đưa ra chai rượu. Hắn hầm hầm, chỉ vào mặt mụ bảo rằng:
- Cái giống nhà mày không ưa nhẹ! Ông mua chứ ông có xin nhà mày đâu! Mày tưởng ông quịt hở? Mày thử hỏi cả làng xem ông có quịt của đứa nào bao giờ không? Ông không thiếu tiền! ông còn gửi đằng cụ bá, chiều nay ông đi lấy về ông giả.
Mụ vừa kéo vạt áo lên quệt mũi, vừa bảo:
- Chúng cháu không dám chắc lép nhưng quả là ít vốn:
Hắn quát lên:
- Ít vốn thì chỉ tối nay ông giả. Nhà mày đã chết ngay bây giờ hay sao?
Rồi hắn xách chai ra về. Hắn về cái miếu con ở bờ sông, vì vốn từ trước đến nay không có nhà. Lúc đi đường, hắn đã vặn được ở vườn nhà nào ba, bốn quả chuối xanh, và bốc của một cô hàng xén một rúm con muối trắng. Bây giờ hắn uống rượu với chuối xanh chấm muối trắng và thấy rằng cũng ngon. Hắn uống rượu với cái gì cũng ngon.
Ụống xong, hắn chùi miệng, rồi ngật ngà ngật ngưỡng đến nhà bá Kiến. Gặp ai hắn cũng bảo: hắn đến nhà cụ Bá đòi nợ đây! Mới trông thấy hắn vào đến sân, Bá Kiến đã biết hắn lại định đến sinh sự rồi. Cái mắt thì ngầu lên, hai chân thì lảo đảo, cái môi bầm lại thì run bần bật. Cũng may, hắn không cầm vỏ chai. Bá Kiến giõng giạc hỏi:
- Anh Chí đi đâu đấy?
Hắn chào to:
- Lạy cụ ạ. Bẩm cụ... con đến cửa cụ để kêu cụ một việc ạ. Giọng hắn lè nhè và tiếng đã gần như méo mó. Nhưng bộ điệu thì lại như hiền lành: hắn vừa gãi đầu gãi tai, vừa lải nhải:
- Bẩm cụ, từ ngày cụ bắt đi ở tù, con lại sinh ra thích đi ở tù. Bẩm có thế, con có dám nói gian thì giời chu đất diệt, bẩm quả đi ở tù sướng quá. Đi ở tù còn cơm để mà ăn, bây giờ về làng, về nước, một thước cắm giùi không có, chả làm gì nên ăn. Bẩm cụ, con lại đến kêu cụ, cụ lại cho con đi ở tù...
Cụ Bá quát — bắt đầu bao giờ cụ cũng quát để thử giây thần kinh của người —
- Anh này lại say khướt rồi!
Hắn xông lại gần, đảo ngược mắt, dơ cái tay lên nửa chừng:
- Bẩm không ạ, bẩm thật là không say. Con đến xin cụ cho đi ở tù, mà nếu không được thì... thì... thưa cụ...
Hắn móc đủ mọi túi, để tìm một cái gì, hắn dơ ra: đó là một con dao nhỏ, nhưng rất sắc. Hắn nghiến răng nói tiếp:
- Vâng bẩm cụ, nếu không được thì con phải đâm chết dăm, ba thằng, rồi cụ bắt con giải huyện.
Rồi hắn cúi xuống, tẩn mẩn gọt cạnh cái bàn lim. Cụ Bá cười khanh khách — cụ vẫn tự phụ hơn đời có cái cười Tào-Tháo ấy — Cụ đứng lên, vỗ vai hắn mà bảo rằng:
- Anh bứa lắm. Nhưng này, anh Chí ạ, anh muốn đâm người cũng không khó gì. Đội Tảo nó còn nợ tôi năm mươi đồng đấy, anh chịu khó đến đòi cho tôi, đòi được thì tự nhiên có vườn.
Đội Tảo là một tay vai vế trong làng. Vây cánh ông ta mạnh, vẫn kình nhau với cánh nhà cụ Bá mà cụ Bá thường vẫn phải chịu bởi hắn là cựu binh, lương hưu-trí nhiều, quen thuộc nhiều, lại ăn nói giỏi. Hắn vay cụ Bá năm mươi đồng đã từ lâu, bây giờ đột nhiên dở mặt vỗ tuột, lấy cớ rằng số tiền ấy tính vào món tiền trè lý Cường ra làm lý-trưởng chưa tạ hắn. Cụ Bá tức như chọc họng, nhưng chưa biết làm thế nào, bởi vì thằng binh Chức, đầy tớ chân tay của cụ, khả dĩ đương đầu với hắn được, chết năm ngoái rồi. Bây giờ cụ mới lại gặp được Chí-Phèo, có thể thay cho binh Chức được. Cụ thử nói khích nó xem sao. Nếu nó trị được đội Tảo thì tốt lắm. Nếu nó bị đội Tảo trị thì cụ cũng không thiệt gì; đằng nào cũng lợi cho cụ cả.
Chí-Phèo nhận đi ngay! Hắn tức khắc đến nhà đội Tảo, và cất tiếng chửi ngay từ đầu ngõ. Giá có phải hôm khác, thì có án mạng rồi: Đội Tảo cũng có thể đâm chém được chưa bao giờ chịu hàng trước cuộc giao tranh. Nhưng phúc đời cho hắn, hay là cho Chí-Phèo, hôm ấy hắn ốm liệt giường, không sao nhắc mình giậy được. Có lẽ hắn cũng không biết Chí-Phèo chửi hắn. Vợ hắn, thấy Chí-Phèo thở ra mùi rượu, và biết rõ đầu đuôi món nợ, lấy năm mươi đồng giấu chồng đưa cho người nhà đi theo Chí-Phèo. Đàn-bà vốn chuộng hòa-bình; họ muốn yên chuyện thì thôi, gai ngạnh làm gì cho sinh sự. Vả lại, bà đội cũng nghĩ rằng: chồng mình đang ốm... chồng mình có nợ người ta hẳn hoi... và năm chục đồng bạc đối với nhà mình là mấy; lôi thôi lại chả tốn đến ba lần năm chục đồng!
Vì thế, Chí-Phèo mới được vênh vênh ra về; hắn thấy hắn oai thêm bực nữa. Hắn tự đắc: « anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta! » Cụ Bá thấy mình thắng bên địch mà không cần đến hội-đồng làm biên-bản xem chừng thích trí. Cụ đưa cho anh đầy-tớ chân tay mới luôn năm đồng:
- Anh Chí ạ, cả năm chục này phần anh. Nhưng nếu anh lấy cả thì chỉ ba hôm là tan mất; vậy anh cầm lấy chỗ này uống rượu, còn để tôi bán cho anh mảnh vườn; không có vườn có đất thì làm ăn gì?
Chí-Phèo « vâng dạ » ra về. Mấy hôm sau, cụ lý bảo lý Cường cho hắn năm sào vườn ở bãi sông cắm thuế của một người làng hôm nọ. Chí-Phèo bỗng thành ra có nhà. Hồi ấy hắn mới đâu hăm bẩy hay hăm tám...
Còn nữa
Ý kiến bạn đọc