Lê Bôi tên thật là Phạm Bôi, người làng Địa Linh, nay thuộc làng Đông Linh, xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Vì ông được vua Lê cho mang quốc tính nên sử ghi là Lê Bôi. Ông tham gia dẹp loạn Nghi Dân, đưa Lê Tự Thành là người em khác mẹ của vua Lê Nhân Tông lên nối ngôi, tức vua Lê Thánh Tông
Lê Lợi khởi nghĩa năm 1418, khi nhà Minh đã diệt xong triều Hồ và Hậu Trần, đặt được ách đô hộ lên toàn Đại Việt, do đó cuộc khởi nghĩa gặp muôn vàn khó khăn gian khổ.
Hưởng ứng ngọn cờ kháng quân Minh cứu nước cùng với các danh nhân tướng lĩnh như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo... Lê Bôi cùng bảy người đều lấy họ là Phạm, dấy binh ứng nghĩa vào Lam Sơn phò Lê Lợi.
Ngay trong những ngày đầu gian khổ đó, kẻ thù ngày đêm lùng sục vây ráp hòng tiêu diệt nghĩa quân, Lê Bôi đã có chiến công. Trong trận Bồ Hải, các tướng Lê Lễ, Lê Sát, Lê Bôi dùng phục binh đại phá giặc Minh, diệt hàng ngàn giặc, trong đó có Đô ty Chu Kiệt, khiến bọn Trần Tí, Sơn Thọ phải nhặt tàn quân chạy về thành Nghệ An.
Trong trận đánh Tân Bình - Thuận Hóa mở rộng vùng căn cứ do Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ chỉ huy, Lê Bôi, Lê Ngân, Lê Văn An đem viện binh phối hợp đã góp phần giải phóng Thuận Hóa, mở ra cục diện mới cho nghĩa quân Lam Sơn, từ thế bị động chuyển thành thế chủ động tấn công.
Chủ động với thời cơ, Lê Lợi đem đại binh ra Bắc (tháng 9-1426) diệt viện binh giặc từ Vân Nam sang tại cầu Xa Lộc, bắt sống Đô ty Vi Lượng ở cầu Nhân Mục, buộc nhà Minh phái Tổng binh Vương Thông và Mã Anh đem 5 vạn quân, 5.000 ngựa sang cứu.
Vương Thông đem cả quân cũ mới 10 vạn nống quân ra bến đò Cổ Sở, cầu Xa Đôi, cầu Thanh Đại hòng phá vây cho Đông Quan nhưng đều thất bại. Chiến thắng của nghĩa quân Lê Lợi ở Tốt Động - Chúc Động diệt 5 vạn quân, chém chết Trần Hiệp, Lý Lượng.
Phối hợp cùng đại thắng trên đất Bắc, các tướng Lê Văn An, Lê Quốc Hưng, Lê Bôi...đã khép chặt vòng vây Ngệ An, quét sạch nhiều thành lũy của giặc ở Thanh Hóa khiến quân Minh đã bí nay càng bí hơn. Nhà Minh sai viện binh Cổ Hưng Tổ đem 5 vạn quân, 5.000 ngựa sang cứu nguy.
Vừa đến ải Pha Luỹ liền bị Lê Lựu, Lê Bôi giữ ải đánh cho tan tác. Tháng 9 năm Đinh Mùi (1427), nhà Minh sai Thái phó Liễu Thăng cùng bộ hạ đem 10 vạn quân, 2 vạn ngựa, theo đường Lạng Sơn đánh vào Pha Lũy và cho Thái phó Mộc Thạch đem 5 vạn binh, 1 vạn ngựa từ Vân Nam đánh vào Lê Hoa.
Quyết tâm tiêu diệt viện binh hùng mạnh của giặc, Lê Lợi sai Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Liệt đem 1 vạn quân tinh nhuệ và 5 voi phục sẵn địch ở Chi Lăng, cử Lê Bôi và Lê Lựu nhử giặc vào trận địa mai phục, chém chết Liễu Thăng, diệt 1 vạn tên ở Mã Yên; Lê An và Lê Lý đem 3 vạn quân đi tiếp ứng diệt 2 vạn tên.
Chờ viện binh thì viện binh đại bại, Vương Thông không còn con đường nào khác đành xin “giảng hòa” rút binh về nước.
Cuộc kháng chiến chống quân Minh của quân dân thời Lê đã toàn thắng. Tại cuộc định công thưởng tướng, trong 221 người có công, hơn 100 danh tướng được phong hầu; thượng tướng Lê Bôi được ban tước Hầu, tam phẩm công thần. Sau khi đại thắng, Lê Lợi lên ngôi, lập triều Lê.
Là một công thần khai quốc, cùng nhiều danh tướng công thần, Lê Bôi lại ra sức giúp vua an dân trị quốc, tăng cường quốc phòng, mở mang bờ cõi, giữ vững biên cương, được Lê Lợi tin yêu trọng dụng.
Lê Lợi mất, Lê Thái Tông lên ngôi, Lê Bôi được giao làm “Đông đạo Hành quân Tổng quản” lo việc quân cơ quốc sự.
Lê Thái Tông mất, Lê Nhân Tông kế vị, Lê Bôi được giao giữ chức “Nhập nội Hành khiển” tước Thái Bảo, góp công giúp nước. Liên tiếp ba năm (1444-1446), vua Chiêm Thành là Bi Cai vào cướp phá Châu Hóa, Lê Nhân Tông sai Thái Bảo Lê Bôi cùng Tổng quản Lê Khả đem quân bình Chiêm, bắt sống Bi Cai, góp phần giữ vững vùng đất phương Nam thắng lợi.
Cuối đời Lê Nhân Tông, nội bộ vương triều Lê xảy ra sự biến thoán nghịch: Lạng Sơn Vương Nghi Dân cùng đồng bọn đang đêm trèo tường thành vào cung giết Lê Nhân Tông cùng Tuyên Từ Thái hậu cướp ngôi.
Trước sự phản nghịch vô đạo này, Lê Bôi đã cùng các trung thần khác là Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thu góp công dẹp loạn Nghi Dân, đưa Lê Tự Thành là người em khác mẹ của Lê Nhân Tông lên nối ngôi, tức Lê Thánh Tông, mở ra sự phát triển cực thịnh triều Lê.
Lời bàn:
Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Hưởng ứng ngọn cờ kháng Minh cứu nước, Lê Bôi đã cùng các danh nhân tướng lĩnh gồm bảy người là Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo... cùng lấy họ là Phạm và dấy binh ứng nghĩa vào Lam Sơn phò Bình Định vương Lê Lợi.
Các sử gia đương thời tôn vinh ông là một danh tướng tài ba, một công thần tận tụy phục vụ hết lòng ba triều vua không biết mệt mỏi. Chính vì vậy, Lê Bôi được Lê Thánh Tông rất quý trọng sùng ân. Khi ông mất, Lê Thánh Tông cho cử quốc lễ và còn ra chỉ dụ cho làng Đông Linh lập đền thờ, phong cho Lê Bôi cùng sáu người họ Phạm khác là Thành hoàng Thượng đẳng phúc thần.
Trong đền thờ ông hiện vẫn còn đôi câu đối như sau: “Thiện Cổ Lam Sơn lưu vĩ tích/Ức niên Đông Địa lẫm linh thanh”. Nghĩa là: Muôn thuở chiến tích vĩ đại ở Lam Sơn vẫn được lưu giữ/Ngàn vạn năm tiếng thơm vẫn còn để lại đất Đông Địa Linh.
Từ giai thoại trên một lần nữa đã chứng minh rằng truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”... của nhân dân ta đã có từ ngàn xưa. Vì thế, chỉ với lời của câu đối trên đây thì công lao và danh tiếng của Thượng tướng Lê Bôi còn tồn tại mãi với thời gian.