Trong bản tin cuối cùng gửi về "Tổng bộ" trước khi chấm dứt liên lạc, Ares đã có những lời chia tay rất thống thiết. Chuyên án BK63 chính thức kết thúc. Điệp viên Ares-Phạm Chuyên trở lại cuộc sống đời thường. Câu chuyện về một quãng đời "không giống ai" của ông chỉ có anh em trong nhà biết...
1. Nhờ một cán bộ Công an thị xã Quảng Yên dẫn đường, tôi đến ngôi nhà của gia đình ông Phạm Chuyên ở thôn Thùa, xã Tiền An vào một ngày cuối tháng 3. Đó là căn nhà xây 3 gian, mái lợp ngói nằm dưới chân một quả đồi, cách con đường liên xã vài trăm mét.
Đây là ngôi nhà năm 1961, Phạm Chuyên đã về ẩn náu khi từ miền Nam ra. 10 năm sau, khi chuyên án kết thúc, ông Chuyên cùng vợ con sống ở đây cho tới ngày cuối đời. Chỉ chiếc xe đạp cũ kỹ để bên hiên, anh cán bộ đi cùng tôi bảo: "Ngày còn sống, ông già có thói quen tập thể dục bằng đạp xe, mãi năm 90 tuổi rồi mà ông vẫn đạp xe đi khắp".
Thấy cán bộ công an huyện đến thăm, người con dâu của ông Vẹt, con trai út của ông Chuyên đi xuống mở cửa cho chúng tôi vào. Sau hơn nửa thế kỷ dãi dầu mưa nắng lại không được tu sửa, căn nhà đã xập xệ, cũ kỹ. Giữa nhà là chiếc bàn thờ đặt di ảnh ông bà Phạm Chuyên.
Thiếu tướng Lê Mai và cuốn tự truyện của Ares
Bà vợ ông mất cách đây mấy năm; tháng 12/2014, khi đã qua tuổi 95, ông đi theo bà sau mấy tháng bị ốm. Căn nhà này giờ khóa cửa cả ngày, buổi tối chỉ có ông Vẹt xuống ngủ cho đỡ cô quạnh. Trong căn nhà cũ kỹ này, chủ nhà vẫn dành một góc trang trọng nhất treo tấm bằng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất do Chủ tịch nước tặng ông Phạm Chuyên năm 1997 vì "Đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước" và Huy chương Vì An ninh Tổ quốc do Bộ Công an tặng.
Anh cán bộ đi cùng tôi kể rằng cách đây mấy năm, Bộ Công an đã tặng gia đình ông Chuyên 50 triệu đồng để sửa nhà. Hôm đi nhận tiền ở Công an huyện, ông Chuyên chỉ nói cảm ơn rồi khóc vì cảm động. Nhưng nhận tiền về, ông không dùng sửa nhà mà dành phần lớn cho đứa cháu nội vừa bị tai nạn giao thông đi chữa bệnh.
Trung tá Nguyễn Văn Chiếm, Đội phó Đội An ninh Công an thị xã Quảng Yên kể rằng hôm đến Công an huyện nhận tiền, ngồi nói chuyện với anh, ông bảo mất ngủ cả đêm hôm trước vì nhớ những ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với các trinh sát trong suốt 10 năm tham gia Chuyên án BK63.
Ông Phạm Chuyên.
2. Năm 1961, khi giao nhiệm vụ cho Phạm Chuyên ra Bắc, Phan hứa chỉ sau 1, 2 năm sẽ rút về Nam. Nhưng có lẽ thấy Ares hoạt động quá hiệu quả trong khi các toán biệt kích khác (ngoài hai toán Eagle và Red Dragon) khi ra Bắc đều mất hút hoặc bị bắt nên "Tổng bộ" quên luôn lời hứa ấy; vì vậy thay vào việc rút về thì "Tổng bộ" tiếp tế cho Ares 6 chuyến tiền, hàng, vũ khí. Giữa năm 1969, sau gần 10 năm đưa Ares ra miền Bắc, "Tổng bộ" có yêu cầu Phạm Chuyên quay lại miền Nam đồng thời cũng ra lệnh cho hai toán Eagle và Red Dragon "triệt thoái". |
3. Tôi hỏi Thiếu tướng Lê Mai suốt gần 10 năm tham gia chuyên án, ông ấn tượng nhất ở Phạm Chuyên điểm gì? Thiếu tướng Lê Mai bảo rằng đó là người rất thông minh và sống tình nghĩa, đặc biệt là rất thương bà mẹ. Sau ngày bị bắt, Phạm Chuyên chỉ đề nghị công an không bắt bà mẹ. Giữ đúng lời hứa, không chỉ bà mẹ mà tất cả các em Phạm Chuyên cũng được cho về làm ăn bình thường; không những thế, còn được hỗ trợ khi khó khăn.
Thiếu tướng Lê Mai kể rằng ngày ấy là lãnh đạo Công an tỉnh, dù bận rất nhiều việc nhưng mỗi tháng ông lại xuống thăm anh em trinh sát và Phạm Chuyên một lần, vừa để nắm tình hình công việc nhưng cũng để động viên tinh thần vì tổ công tác đặc biệt này luôn phải sống biệt lập.
Ngay cả Cục trưởng Nguyễn Tài ở Hà Nội thỉnh thoảng cũng điện xuống Quảng Ninh hỏi thăm Phạm Chuyên. Do yêu cầu công việc bí mật nhưng thỉnh thoảng các cán bộ lại đón mẹ của Chuyên đưa lên thăm con làm Chuyên rất cảm động. Chính cách cư xử đầy tình nghĩa của các cán bộ an ninh ấy đã khuất phục Phạm Chuyên hoàn toàn.
Năm 1970, sau khi chuyên án kết thúc, để Phạm Chuyên có cuộc sống bình thường, Công an Quảng Ninh đã liên hệ với chính quyền huyện Đông Triều cấp đất ở, ruộng vườn và bỏ tiền ra dựng nhà cho anh ta. Nhưng chỉ gần một năm sau, với lý do muốn được về quê sinh sống, Phạm Chuyên trả lại nhà, đưa vợ con trở lại ngôi nhà của bố mẹ để lại ở xã Tiền An, huyện Yên Hưng. Ông bà có hai người con, một trai, một gái nhưng họ đều đông con nên cuộc sống vất vả. Các con của ông bà đều ở riêng nên nhà chỉ có hai ông bà sống với nhau.
Trở về cuộc sống đời thường, ông Chuyên sống cuộc đời của một lão nông. Câu chuyện về một quãng đời "không giống ai" của ông chỉ có anh em trong nhà biết, còn người làng chỉ thấy ông là một lão nông chịu khó làm lụng, cày cấy, chăn nuôi. Người ta chỉ thấy lạ là ngay cả những năm sau này, thỉnh thoảng nhà ông lại có một ông khách đi xe con về thăm vài tiếng rồi đi. Mỗi lần ông khách đến, hai ông tay bắt mặt mừng chuyện trò rôm rả. Ông khách đặc biệt ấy chính là Thiếu tướng Lê Mai.
Thiếu tướng Lê Mai kể rằng những năm còn công tác, nhất là thời gian được điều về Bộ công tác, ông không có thời gian gặp gỡ. Năm 1990 nghỉ hưu, ông về Hạ Long sống, năm nào cũng ít nhất một lần ra Quảng Yên thăm ông Chuyên. Mấy chục năm sau khi chuyên án kết thúc, dù một người đã lên cấp tướng, nhưng giữa họ vẫn còn lại mối thâm tình của hai người bạn già. Trong mỗi lần gặp gỡ ấy, câu chuyện của hai ông già loanh quanh một hồi rồi lại quay về BK63.
Cuối năm 2014, sau mấy tháng nằm liệt giường, khi biết mình không qua khỏi, ông Chuyên bảo con cháu điện cho Thiếu tướng Lê Mai. "Hôm tôi ra, ông ấy còn tỉnh nên thấy tôi ông ấy mừng lắm, cho gọi hết con cháu lại bảo đây là ân nhân, nói rồi ông ấy cứ nằm khóc. Một tuần sau thì ông ấy mất".
Đưa cho tôi xem một tập bản thảo viết tay bằng bút bi, Thiếu tướng Lê Mai kể rằng năm 2003, theo lời khuyên của ông, ông Chuyên đã viết lại tự truyện đời mình. Viết xong, ông đưa cho Thiếu tướng Lê Mai giữ, coi như kỷ niệm giữa hai người bạn về một quãng đời không thể nào quên.
Tôi đã đọc hết tập bản thảo ấy, thật bất ngờ, ở phần cuối, Phạm Chuyên đã nhắc tới cuốn sách "Đội quân bí mật - Cuộc chiến bí mật" của cựu sĩ quan CIA Sedwick Tourison: "Trong cuốn “Đội quân bí mật - Cuộc chiến bí mật" do Nhà xuất bản của Viện Hải quân Mỹ in năm 1995, Sedwick Tourison đã dành khá nhiều trang viết về tôi. Nhưng những điều tác giả viết về tôi, có rất ít điều đúng hoặc gần đúng, còn phần lớn là sai, thậm chí còn được "cường điệu" lên để quan trọng hóa các tư liệu…
Những điều Tourison viết về tôi thường là chuyện "nghe hơi nồi chõ", không đúng là điều tất nhiên, không cần bàn cãi, cũng không đáng trách (…). Tuy nhiên, có hai điều, Tourison nói: tôi có nhiều tên. Kháng chiến chống Pháp tôi là Nguyễn Thiết. Hòa bình lập lại, trên báo Việt Nam Độc lập, tôi là Phạm Văn. Vào Sài Gòn, năm 1959 tôi mang tên Nguyễn Bảo Thùy.
Trong kháng chiến chống Mỹ, chính xác là trong nhiệm vụ điệp viên, người ta đặt cho tôi bí danh là Hạ Long, mang mật danh Ares, mà Cơ quan Tình báo Mỹ cũng biết đến tôi qua mật danh này. Còn tên "cúng cơm" của tôi (cha mẹ đặt) là Phạm Chuyên. Thứ hai, đây cũng là điều cơ bản quan trọng hơn, Tourison chưa dám khẳng định tôi làm việc cho ai? Cho cơ quan tình báo Sài Gòn hay cho Bộ Công an Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?
Là một cố vấn an ninh của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, một tình báo viên tầm cỡ mà sau 25 năm, sau khi Mỹ thua Việt Nam phải rút quân, Tourison về theo, và nghiền ngẫm để cho ra đời cuốn sách mà vẫn chưa thấy được thực chất của vụ việc, quả thật là chậm quá. Như vậy, cũng có nghĩa là Tourison (CIA miền Nam) thua Công an miền Bắc, Mỹ thua Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là hoàn toàn chính đáng".
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc