Kỳ 6: Cả chục người lăn ra bất tỉnh vì gặt lúa giúp hàng xóm
Con chuột khổng lồ
Sau khi anh Trần Văn Út đột tử tại nhà, thì trụ cột gia đình chỉ còn mỗi bà Phạm Thị Tâm và anh Trần Văn Việt, con trai duy nhất còn sống của vợ chồng ông Rạng. Khi đó, bà Tâm đã 77 tuổi, là mẹ nuôi ông Rạng. Anh Việt thì chưa có vợ con gì cả. Gia đình sợ hãi, nên sơ tán hết cháu chắt, không cho ai về nữa. Những người con gái của ông Rạng cũng ở hết nhà chồng, hoặc di chuyển đi nơi khác. Chị Vũ Thị Nhung, vợ anh Út về nhà bố mẹ đẻ ở xã Vũ Đông ở, còn vợ anh Viết thì đưa cậu con trai duy nhất trốn vào miền Nam trong một đêm mưa gió.
Sợ hãi cảnh tượng chết chóc, nên nhiều gia đình ở xóm 9 (Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) đã bỏ hoang nhà cửa, trốn đi nơi khác. 5 hộ dân ở cạnh nhà ông Rạng đã dọn hết đồ đi, khóa cửa để đó. Phải thời gian khá dài sau, tình hình yên ổn, không xảy ra chết chóc nữa, họ mới tìm về.
Đại gia đình họ Trần họp lại, bàn bạc và thống nhất nhờ 2 người làm trụ cột, qua lại giúp đỡ gia đình, gồm ông Nguyễn Văn Thung, là anh vợ ông Rạng và ông Trần Văn Lưu, là chú ruột của ông Rạng. Ông Thung là người ngoài họ Trần, nên không sợ bị liên quan, còn ông Lưu thì tuyên bố: “Tôi cũng đã ngoài 70, chết cũng được rồi. Nếu thánh thần có vật tôi, tôi cũng chẳng có gì phải hối tiếc”.
Ban ngày, ông Thung làm việc ở nhà, tối sang nhà ông Rạng ở cùng với ông Lưu. Nhà ông Lưu ở ngay sau nhà ông Rạng. Ông Thung kể: “Tôi khỏe vía, nhưng thú thực trải qua từng ấy chuyện, nên cũng hãi lắm. Tôi thường ăn cơm từ lúc 5 giờ chiều, rồi 6 giờ qua nhà cô Đào. Đi lúc đó trời còn sáng cũng đỡ hãi”.
Trong suốt những ngày ở nhà ông Rạng, vật bất ly thân với ông Thung chính là con dao vót nan dài quá nửa mét, vô cùng sắc bén, chỉ liếc dọc ống chân, lông rụng tơi tả. Lúc đi đường, ông kẹp dao vào nách, đêm ngủ ông gối dao trên đầu. Trong túi áo lúc nào cũng có một vốc tỏi… đuổi ma, cùng những mảnh bùa do thầy pháp làm cho.
Những ngày sau khi nhà ông Rạng chết vãn người, xuất hiện rất nhiều chuyện kỳ dị. Ban ngày con rắn rất lớn cứ nằm trên cây xoài ngay cạnh sân, trước cái nhà bếp. Đêm xuống, đúng chỗ cành cây đó thì không thấy rắn đâu mà thay vào đó là con chim lợn đứng bất động, hai mắt đỏ lừ nhìn xuống khiến mọi người đều khiếp vía.
Rắn to hay chim lợn thì nhiều người gặp, nhưng con chuột khổng lồ, to hơn cả mèo, nặng ít nhất 3kg và có hành vi kỳ quái, thì không ai giải thích nổi.
Ở Thái Bình có 2 loài chuột rất lớn, là chuột cống (có màu xám, bắt gà vịt ăn, chứ không phải chuột sống trong cống ở thành phố) và chuột đất. Người dân vẫn bắt hai loài chuột này làm thịt. Tuy nhiên, chúng chỉ nặng không quá 1kg. Chuột to hơn cả mèo, nặng áng chừng 3kg thì chưa ai từng thấy.
Đúng hôm anh nông dân “hiển linh thành Thánh” từ Bình Phước ra cúng, bị trưởng thôn đuổi đi, thì chuột khổng lồ xuất hiện.
Bữa đó, khoảng 9 giờ đêm, ông Thung, ông Lưu, anh Việt ngồi uống nước chè ở hiên. Mấy thanh niên, bạn bè của anh Viết, Út và Việt cũng tụ tập ngồi ở hiên nhà. Mọi người hãi hùng khi thấy con chuột to bằng cái phích lững thững bò ra giữa sân, lừng lững tiến lại ngay mép hiên.
Giống chuột hễ nhìn thấy người là bỏ chạy, đằng này con chuột xuất hiện, thì đám thanh niên bỏ chạy tán loạn. Mấy người đi vòng chỗ khác, chạy tót về nhà. Vài người chui vào trong nhà đóng kín cửa, mồ hôi nhễ nhại vì khiếp sợ.
Theo lời anh Việt, có lúc con chuột ấy còn dựng người lên như thể đứng bằng 2 chân. Nó ngồi ở sân, ngay bậc thềm đến 20 phút, rồi mới bỏ đi. Khi con chuột bỏ đi, ai về nhà nấy vì quá sợ.
Sự xuất hiện của con chuột khiến mọi người sợ hãi nên đêm ấy, tự tay ông Thung đóng kín các cửa sổ, cửa chính. Thế nhưng, đang thiu thiu ngủ, ông Thung và ông Lưu bị đánh thức bởi tiếng cánh cửa sổ đập chan chát. Rõ ràng, ông Thung tự tay đóng cửa sổ. Cánh cửa được cài bằng móc thép rất chắc chắn, nên người bên ngoài không thể mở được. Hơn nữa, đêm khuya lặng thinh, không có tiếng gió xào xạc, vậy thứ gì khiến cánh cửa cứ vật vờ đóng vào mở ra chan chát?
Cả ông Thung và ông Lưu đều hãi hùng, đùn đẩy cho nhau, không ai chịu trở dậy xem xét tình hình. Tiếng đập cửa mỗi lúc một lớn, một nhanh, không thể yên lòng được, nên ông Thung phải vác dao nhỏm dậy. Ông vừa đi về phía cửa sổ vừa trấn tĩnh mình bằng cách nói thật to: “Có cái cửa không đóng được chặt thì còn làm ăn được gì”. Rõ ràng ông là người đóng cửa, nhưng ông cứ nói đổng thế. Cài cửa rồi, không còn tiếng đập cửa nữa, nhưng hai ông thức chong chong, nhắm mắt mãi không ngủ được.
Hai ông nằm nói chuyện đến 2 giờ sáng, thì ông Lưu đòi về. Ông Lưu bảo: “Thôi, ông nằm ở đây trông nhà cho chúng nó, tôi về nhà đây. Đêm qua tôi đã không ngủ, đêm nay mà thức trắng nữa thì quỵ mất”. Nói xong, ông Lưu bỏ về nhà mình.
Ông Thung kể: “Có 2 người đã sợ, đằng này có mỗi mình thì còn hãi hơn. Thôi thì đâu cũng mất ngủ rồi, thì cho mất ngủ cả thể. Nhà có bóng điện nào tôi bật hết lên. Sau đêm hôm đó, tôi cứ bật điện sáng trưng, muốn hết bao nhiêu điện thì thây kệ nhà nó. Tắt điện thì sợ không ngủ được, còn điện sáng thì mình cũng chả ngủ được”.
Đồng loạt ngất xỉu
Sáng hôm sau, như kế hoạch đã định, 6 giờ sáng ông về nhà mình. Tại nhà ông Thung, con cháu ông đã tụ tập đông đủ. Theo kế hoạch thì hôm đó ông Thung sẽ chỉ đạo việc gặt lúa cho nhà ông Rạng. Hơn mẫu ruộng nhà ông Rạng lúa đã chín vàng, nhưng nhà ông Rạng người chết, người bệnh, người bỏ đi, chẳng có ai làm thay cả. Ông Thung đã kêu gọi con cháu mình tụ họp gặt lúa, phơi phong, rồi chở thóc trả cho gia đình nhà ông Rạng. Sân vườn nhà ông Rạng rộng rãi, nhưng chẳng ai dám đến, nên mọi việc được thực hiện ở nhà ông Thung.
Tổng số có đến 20 người. Người gặt, người chở lúa. Đến gần trưa, lúa đã chất ngập nửa sân nhà ông Thung. Theo tính toán, đến chiều thì từng ấy người gặt xong cả mẫu lúa. Ông bà Thung ở nhà phụ trách bếp núc, nấu nướng. Theo kế hoạch, đầu giờ chiều, thợ gặt tiếp tục gặt lúa, vài người được phân công ở nhà phụ trách tuốt lúa, phơi phong. Mọi việc được gói gọn trong vòng một ngày, rồi ai về nhà đó.
Bữa trưa được dọn ra gồm 3 mâm cơm. Hai mâm bày dưới nền nhà, một mâm trên giường. Mâm đàn ông ngồi trên giường, còn phụ nữ ngồi dưới đất. Rượu được rót ra, mỗi người một chén.
Ông Thung nâng chén rượu, uống được một nửa thì thấy người chếnh choáng. Ông bảo: “Tao uống rượu chưa bao giờ say, sao nay lạ thế nhỉ? Tao mới uống có nửa chén mà thấy mất thăng bằng là thế nào?”. Vừa nói xong câu đó, ông đổ ật ra giường. Ngay lập tức, 6 đàn ông đang ngồi uống rượu trên giường cùng lăn ra co giật, mâm bát đổ tung tóe. Những người này gồm anh Vĩnh - là con trai ông Thung, rồi anh Cảo – con rể ông Thung, cùng các cháu của ông Thung, đều khỏe mạnh, không ốm đau, không bệnh tật gì. Điều đặc biệt là họ không có liên hệ gì với gia đình ông Rạng.
Dưới nền nhà, mẹ đẻ ông Thung cũng lăn ra ngất. Mấy chị em phụ nữ sợ hãi chạy tán loạn. Có người chạy ra ngoài ngõ mới lăn ra ngất. Tình trạng lúc đó ở nhà ông Thung vô cùng náo loạn, kinh khiếp. Làng trên xóm dưới người chạy đi, kẻ chạy lại rầm rầm.
Ngất một lúc, thì ông Thung chợt hồi tỉnh, nhận biết được mọi việc xung quanh. Người ra người vào, người kêu khóc, người cấp cứu. Mùi dầu gió sực nức khắp nhà. Mặc dù ông Thung là người đầu tiên rơi vào trạng thái kỳ cục đó, nhưng ông vẫn bình tĩnh mắng mọi người: “Chúng mày có trật tự đi không. Cứ náo loạn như thế thì làm được việc gì. Bình tĩnh gọi xe cấp cứu mau lên, chở đi viện không chết cả lũ bây giờ”.
Dặn dò, cắt đặt công việc cho mọi người xong, ông Thung chợt nhớ đến lời dặn của bà Hà Thị Lãm, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Bà Lãm dặn rằng, hễ có việc gấp gì xảy đến với gia đình ông Rạng, thì ông Thung cứ bấm số gọi trực tiếp, bà sẽ chỉ đạo sát sao mọi việc. Sự việc nhà ông Rạng khi đó được tỉnh quan tâm sát sao, nên ông Thung có thể điện thoại bất cứ lúc nào, không kể ngày đêm, khuya khoắt. Bấm điện thoại báo cáo tình hình với bà Lãm xong, thì ông Thung lại xỉu đi, không biết gì nữa.
Lát sau, xe con xe to, xe lớn xe bé, biển xanh biển đỏ, đỗ từ đầu ngõ nhà ông Thung ra mãi đường cái, tới vài chục chiếc. Tiếng xe cấp cứu hụ còi inh ỏi làng quê đang náo loạn vì sự kiện kinh hoàng này. Điều lạ lùng nhất với người dân là những người gặt lúa cho nhà ông Rạng đều là họ Nguyễn, không có dính dáng, liên quan gì đến họ Trần. Người dân đồn toáng lên rằng, chỉ vì những người này gặt lúa cho gia đình ông Rạng, mà bị thần thánh ở mảnh đất nhà ông Rạng quở phạt.
Khi đó, lập tức lực lượng an ninh vào cuộc, phong tỏa hiện trường, giữ thông tin bí mật, để tránh hoang mang dư luận. Một cán bộ an ninh được phân công nằm vùng ở nhà ông Thung từ hôm đó.
Hơn chục người đang co giật, bất tỉnh được đưa lên xe cấp cứu chuyển gấp lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Các phương tiện cấp cứu đã chuẩn bị sẵn, các bác sĩ đầu ngành về chống độc, thần kinh được huy động từ Hà Nội về để can thiệp kịp thời, tránh để tình trạng căn bệnh kỳ quái này lan rộng.
Nhiều chuyên gia về bệnh lây truyền, virus cũng được điều đến hiện trường để tìm kiếm nguyên nhân khiến hàng loạt người tự dưng co giật, lăn ra ngất xỉu. Các mẫu thức ăn, rượu, nước uống ở nhà ông Thung cũng được các nhà khoa học niêm phong, đem đi nghiên cứu. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chẳng phát hiện được chất lạ gì trong đồ ăn, nước uống, cũng không phát hiện được virus gì có khả năng khiến hàng loạt người cùng lăn ra ngất xỉu một lúc như vậy.
Chết vì bắt cá?
Ông Thung nằm ở bệnh viện 2 ngày thì sức khỏe hồi phục. Bác sĩ giữ lại để theo dõi, nhưng ông thấy sốt ruột nên nhất định đòi về. Đám con cháu ông, những người gặt lúa giúp gia đình ông Rạng, người nhanh thì 2 ngày sau xuất viện, còn lại đều nằm viện tới 1 tuần mới được về.
Đám con cháu ông Thung sợ hãi chuyện này quá, nên đi hết chùa nọ, miếu kia thờ cúng, xin xỏ thần linh đừng vì chuyện gặt hộ nhà ông Rạng mà quở phạt. Ông Thung phải đích thân quát nạt, sai khiến đám con cháu còn khỏe mạnh, mới gặt nốt được ruộng lúa và xử lý đống thóc giúp nhà ông Rạng. Nếu không có sự nhiệt tình, cứng vía của ông Thung, thì cả mẫu lúa chín vàng nhà ông Rạng, có vứt đi cũng chẳng ai dám động vào.
Cho đến mãi về sau này, họ hàng, người thân, làng xóm, còn hãi hùng mảnh đất nhà ông Rạng đến nỗi, bất cứ thứ gì thuộc về nhà ông Rạng, đều không ai dám động vào. Cây xoài cổ thụ đến mùa hè, quả sai trĩu chịt chẳng ai dám hái. Những quả trứng gà mọng vàng trên cây, tự rụng xuống đất tỏa mùi thơm lừng không ai dám ăn. Hoa trái trong vườn nhà ông Rạng cứ tự đơm, tự rụng, chẳng ai dám màng đến.
Nhắc đến ao cá nhà ông Rạng, ông Thung tỏ vẻ tiếc nuối. Ngay cạnh mảnh vườn nhà 3 bố con ông Rạng, có một ao cá. Ao nằm ngay cạnh cánh đồng, nước ra vào ăm ắp, nên nuôi cá lớn rất nhanh. Cá dưới ao toàn những con cá trắm 5-10kg, quẫy ủng oảng, rất thích mắt, nhưng chẳng ai dám câu kẹo, vét lưới hay đánh điện, mặc dù nhà ông Rạng chẳng còn ai ở, bỏ hoang cả nhà, ao, vườn.
Theo lời ông Thung, nghe chuyện ông kể về ao cá toàn cá to, một anh làm rể họ Trần ở xóm 9, thích quá liền bảo: “Cá to thế mà không ai bắt thì phí lắm. Bố để con xuống ao kiếm ít cơm gạo”. Nói rồi, anh này đi thuê người đánh lưới. Tuy nhiên, nhắc đến ao cá nhà ông Rạng, mấy ông đánh lưới thuê đều từ chối.
Không nhờ được ai, anh này tự mượn lưới vét chở đến bờ ao. Anh gọi ông Thung, nhưng ông chỉ ra xem, không dám lội xuống ao. Không còn cách nào khác, anh này đành cột một đầu lưới, rồi tự mình cầm một đầu kéo vòng quanh ao. Mẻ lưới thu được vô số cá. Anh này chỉ tóm vài con trắm cỏ, toàn 7-8kg một con, còn lại thả cho cá ra hết, để lần sau đánh bắt tiếp. Anh trút cá vào bao, vác ra chợ bán. Còn ế 2 con, đem về ăn.
Chuyện anh này đánh cá xảy ra sau khi nhà ông Rạng bỏ hoang 3 năm. Vài hôm sau buổi đánh cá, anh này lăn ra chết đột ngột. Theo ông Thung, anh này hoàn toàn khỏe mạnh, béo tốt, không có tiền sử bệnh tật gì cả. Cái chết của anh này chỉ là ngẫu nhiên trùng khớp vào thời điểm đánh cá, nhưng cũng khiến cả làng kinh hãi, đồn thổi rất hãi hùng. Từ đó, không ai dám động vào ao cá nhà ông Rạng nữa.
Quay lại chuyện đại gia đình ông Thung có nhiều người ngất xỉu. Sau khi ra viện, dù đêm xuống, nhưng ông Thung đã ngay lập tức chạy đến nhà ông thầy Mơ. Gặp ông Mơ, ông Thung bảo: “Tình hình nghiêm trọng quá rồi thầy ơi. Gia đình tôi mà không cúng bái tử tế thì phen này chết cả đống”. Ông thầy Mơ bảo: “Thánh thần quở phạt gia đình ông Rạng, chứ nhà ông có liên quan gì đâu. Ông cứ yên trí mà về, sớm mai tôi sẽ xuống nhà làm lễ xin cho tai qua nạn khỏi”.
Sớm hôm sau, ông thầy Mơ xuống làm lễ. Khi đó, đại gia đình ông Thung có 6 người đang nằm viện, sống chết thế nào chưa biết, nên rất lo sợ. Ông thầy Mơ lập đàn cúng bái ở giữa sân, rồi trong nhà ông Thung. Làm lễ xong, ông Mơ tiếp tục sang nhà ông Rạng cúng bái tiếp.
Hôm đó, cũng có mấy nhà tâm linh đang làm lễ ở ngôi miếu nhà ông Rạng. Cúng xong, ông thầy Mơ này cùng với một số nhà tâm linh có mặt đề nghị gia đình ông Rạng xây lại ngôi miếu, chứ ngôi miếu xây ở bờ ao không hợp phong thủy, không đúng ý thần linh.
Đích thân ông Mơ cùng mấy thầy pháp tiếp tục chọn đất. Có người còn chắp tay nói chuyện với thinh không, nhưng xong việc rồi, họ tiết lộ rằng họ vừa thỉnh thần linh, thổ địa lên tiếp kiến.
Cuối cùng, mấy ông thầy pháp cùng thống nhất xây tiếp ngôi miếu nữa ở sát bức tường, đối diện ngôi nhà mái bằng đang xây dở của anh Trần Văn Út. Ngôi miếu này được xây giống hệt ngôi miếu đã phá, cách nền ngôi miếu đã phá khoảng 5m. Mặt tiền miếu quay thẳng vào nhà anh Út. Không gian giữa ngôi miếu và ngôi nhà là cái sân nhỏ.
Các nhà tâm linh đều khẳng định, nếu xây lại ngôi miếu thì đại gia đình ông Rạng sẽ tai qua nạn khỏi. Nếu không, thánh thần sẽ tiếp tục bắt người trong gia đình ông Rạng để trừng phạt. Lúc đó, không ai dám nghi ngờ lời phán của các thầy pháp. Thế là, vài hôm sau, thợ xây được gọi đến và ngôi miếu mới đã hiện diện trong sân nhà anh Trần Văn Út. Vậy là, phá một ngôi miếu, nhà ông Rạng phải đền tới 2 ngôi.
Tuy nhiên, giông bão vẫn không ngừng xảy đến với đại gia đình ông Trần Văn Rạng. Bà Nguyễn Thị Tâm, là thím ruột kiêm mẹ nuôi ông Rạng, người cuối cùng còn sống ở “mảnh đất dữ” này, tiếp tục theo con cháu về với tổ tiên.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc