Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Thứ năm - 06/03/2025 18:54 11 0

Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Nguyễn Cao Kỳ cũng sợ “Anh Cả đỏ“! Vì sao?

Đã nhiều lần ông Cao Văn Viên bày tỏ ý không muốn giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng quân đội nữa và xin từ chức. Hồi ký Trần Văn Đôn ghi nhận đến “ba lần ông Nguyễn Cao Kỳ xin đảo chính Nguyễn Văn Thiệu nhưng ông Viên không chấp nhận”. Kỳ vừa giận vừa lo nhưng chưa dám động tới Viên, mệnh danh “Anh Cả đỏ”. Vì sao?…
Biết Cao Văn Viên không hợp tác đảo chính theo tính toán của Kỳ nên “ông Thiệu càng thích hơn, cho dù chức vụ Tổng tham mưu trưởng quân đội, ông Viên làm miễn cưỡng lơ là chăng nữa, cũng còn hơn đặt người khác vào có thể đảo chính. Đã nhiều lần ông Viên bày tỏ ý không muốn giữ chức vụ đó nữa, xin từ chức hoài nhưng ông Thiệu không chấp nhận”.
Hồi ký của Trần Văn Đôn ghi nhận đến “ba lần ông Nguyễn Cao Kỳ xin đảo chính (Thiệu) nhưng ông Viên không chấp nhận”. Kỳ vừa giận vừa lo nhưng chưa dám động tới Viên. Vì ngoài “cái tướng oai vệ, biết lái trực thăng”, từng làm tư lệnh “anh cả đỏ”, một binh chủng mà Kỳ nể mặt, mà qua nhiều năm đứng đầu bộ tham mưu, Viên còn tạo dựng sẵn nhóm tay chân em út không dễ gì Kỳ đương cự nổi.
Rõ ràng Thiệu sợ nguy cơ bị mất hậu thuẫn khi thay người. Cứ để Viên trấn trị, bày quân bố trận khắp 4 vùng chiến thuật như cũ mà đỡ lo hơn! Dù các sư đoàn lá chắn đã bị đánh vỡ và chọc thủng vào giai đoạn hấp hối của chế độ cũng mặc.
Tới nước đó, một trưa giữa tháng tư 1975, 5 tướng tá Sài Gòn tìm đến nhà ông Đôn trên đường Alexandre de Rhodes nằm trước dinh Độc Lập để chỉ trích tổng tham mưu trưởng của họ:
– Cấp chỉ huy quân đội từ mấy năm nay quá yếu. Đại tướng Cao Văn Viên không đủ khả năng, không làm đúng bổn phận, làm việc không hữu hiệu mà lại ngồi chỉ huy suốt 9 năm trời!
Những người đưa ra lời phê bình muộn màng đó gồm trung tướng Vĩnh Lộc, chỉ huy trưởng Trường Cao đẳng Quốc phòng: trung tướng Nguyễn Bảo Trị, phụ trách các trường huấn luyện quân sự; và các đại tá Nguyễn Huy Lợi, Vũ Quang, Trần Ngọc Huyến…Ông Đôn đã nói gì trước những lời công kích ông Viên?
Trần Văn Đôn viết: “Theo tôi biết, ông Cao Văn Viên nhảy dù giỏi, tham mưu giỏi, nhưng ông ta làm việc không hăng say, không tự quyết, tự quản. Ông làm việc theo lịnh của tổng thống, vì tổng thống là Tổng tư lệnh, hoặc làm việc theo lệnh của Tổng trưởng quốc phòng hoặc Thủ tướng. Không bao giờ ông Viên đề nghị, phê bình hoặc từ chối một chỉ thị nào của thượng cấp nên Mỹ, ông Thiệu, ông Khiêm đều thích một ông Tổng tham mưu trưởng như ông Viên. Trong quân đội, ông Viên không hề khích lệ tinh thần cho anh em hăng say chiến đấu. Sau năm 1970, tôi gặp ông Viên nên biết ông bận lo thi lấy bằng cao học văn chương Pháp, chú trọng đến thiền học. Chiều tối nào ông cũng leo trên mái tôn cao sau nhà để hành thiền và ngủ luôn ở đó. Dầu có xảy ra việc gì cũng không ai được quấy rầy ông!…”.
Một Tổng tham mưu trưởng quân đội có xu hướng đi sâu vào thế giới tư duy “trừu tượng” như vậy khó mà quyết định cấp thời những chiến thuật  “cụ thể”.
Song muốn thay Cao Văn Viên phải dòm tới dòm lui như trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh không quân, trung tướng Chung Tấn Cang, Tư lệnh hải quân, trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh biệt khu thủ đô, kế là chuẩn tướng Thọ, trưởng phòng III hành quân, hoặc đại tá Lung, trưởng phòng II tình báo Bộ tổng tham mưu…Lúc dầu sôi lửa bỏng, việc thay Tổng tham mưu trưởng tuy cần nhanh chóng song không thể làm bừa. Những ai trong họ từng được Cao Văn Viên cất nhắc hoặc có công chuyện gì đó liên hệ mật thiết với Viên trong quá khứ hẳn phải gợn nhiều lo nghĩ.
Chần chừ mãi đến tuần lễ cuối cùng của chế độ vẫn chưa thay được Viên. Ông Đôn hỏi:
– Ai có thể thay thế đại tướng Viên?
Trung tướng Nguyễn Bảo Trị đáp:
– Trung tướng Nguyễn Đức Thắng, gần hai năm nay ông ấy không có việc làm.
Tôi (Đôn) biết khả năng ông Thắng, đã gợi ý nhưng ông ấy từ chối…
Viên “có số” làm to; mãi ngày ông Thiệu nhường ghế cho “tân tổng thống” Trần Văn Hương, ông Viên vẫn giữ chức vụ cũ. Thậm chí, “tân tổng thống” Hương còn “tín nhiệm” Viên tới mức đề bạt lên cao hơn nữa, tới Tổng tư lệnh quân đội (trước do ông Thiệu giữ)!
Trần Văn Đôn kể một cách rõ ràng trong hồi ký:
“Tân tổng thống Hương định đưa ông Viên lên làm Tổng tư lệnh (!), là cấp bậc cao hơn Tổng tham mưu trưởng. Lúc ông Hương nói với tôi tại dinh Độc Lập ngày 25.4.1975 (có ông Viên ở đó), ông Viên nhìn tôi có vẻ không hứng thú. Ông Viên đã không thích nhận trọng trách điều khiển quân đội, huống chi bây giờ ông Thiệu và ông Khiêm đã từ chức (thì ông Hương khó mà “năn nỉ” Viên làm Tổng tư lệnh được!)”.
Số Viên còn đỏ. Khi “tân tổng thống” Trần Văn Hương sắp trao quyền cho Dương Văn Minh, Dương Văn Minh điện thoại dặn Trần Văn Đôn phải “cố giữ ông Viên ở lại chức vụ tổng tham mưu trưởng, đừng cho ông Viên đi”. Nhưng sáng sớm 29.4, Đôn trả lời:
– Viên đã đi rồi!
Như vậy, từ anh em ông Ngô Đình Diệm đến Mỹ – Thiệu, Kỳ, Khiêm, Trần Văn Hương, và cuối cùng là Dương Văn Minh đều muốn dùng và giữ Cao Văn Viên. Chẳng phải vì ông là vị tướng quá giỏi không ai thay thế nổi mà trước hết bởi ông là con người của sự “thực thi mệnh lệnh” và “trung thành” với tổng tư lệnh của mình.
Ra nước ngoài, Cao Văn Viên viết hồi ký, có đoạn: “Binh sĩ miền Nam Việt Nam (Sài Gòn) trong những năm 1972-1975 ra trận nhưng quá sức lo lắng về việc tiếp tế đạn dược không được nhanh như yêu cầu và nếu bị thương phải chờ khá lâu mới được bốc khỏi mặt trận, thời tiếp liệu thừa thãi và không vận nhanh đã qua rồi…” 
Cao Văn Viên xin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Schlesinger, tướng tham mưu trưởng Creighton Abrams, thiếu tướng phụ tá quân sự Bộ Quốc phòng John Wickham tăng quân viện nhưng bị từ chối vì quyết định “không viện trợ vũ khí nữa” của Quốc hội Mỹ. Chính quyết định đó báo trước ngày tàn của quân đội Sài Gòn, mà theo Harry Thurk, đông đến hơn 1.300.000 người với hàng nghìn máy bay “thường nằm dưới đất nhiều hơn là tung cánh lên trời”…

Nguồn tin: Nghiên cứu Lịch sử tổng hợp từ Một thế giới Các bài viết trên trang thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của Dự án Nghiên cứu Quốc tế.:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay4,672
  • Tháng hiện tại83,576
  • Tổng lượt truy cập1,760,709
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây