Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Thứ ba - 11/02/2025 18:35 24 0

Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Kissinger: “Đường lên mặt trăng ít trở ngại hơn đường chúng ta đi!”

Hội nghị bốn bên mở tại Paris, André Trần Văn Đôn được Thiệu “nhờ” đến đó để theo dõi diễn tiến và liên lạc với một số chính khách ngoại quốc quen biết.
Ông Đôn viết: “Em tôi là Robert Trần Văn Đôn phụ trách báo chí trong phái đoàn miền Nam Việt Nam (tức đoàn chính quyền Sài Gòn do ông Phạm Đăng Lâm làm trưởng đoàn), cho tôi biết phái đoàn miền Bắc và Mặt trận Giải phóng miền Nam đã đem những câu tôi chỉ trích chính quyền Nguyễn Văn Thiệu khi trước ra khai thác có lợi cho họ. Vì vậy nên tôi không chỉ trích, phê bình, chống đối (Thiệu) nữa”.
Xem ra cái cớ “không chỉ trích phê bình, chống đối” Thiệu của ông Đôn trong giai đoạn đó chưa thật thuyết phục. Song bầu khí ngoại giao được ghi lại khá hóm hỉnh ở nhiều nút thời sự qua hồi ký. Như lúc Kissinger thông báo cho Sài Gòn biết Mỹ đã thỏa thuận“để Bắc Việt sẽ gửi vào miền Nam 10.000 cán bộ lo việc hành chính” thì Thiệu hết hồn. Đến lượt “bí thư đặc biệt của tổng thống Thiệu” là Hoàng Đức Nhã đòi Kissinger giải thích “những điểm mập mờ mà Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (Sài Gòn) cần biết thật rõ hơn” trong các điều khoản dự thảo ngầm giữa Mỹ với “phía bên kia”.
Thật rùng rợn đối với Thiệu và Nhã khi hay tin – hàng vạn cán bộ Cộng sản sẽ công khai ngồi vào bàn giấy giữa Sài Gòn với sự tồn tại “ba phía của Việt Nam” trong đó có “Việt Cộng”! Hoàng Đức Nhã, người em con chú họ của ông Thiệu, nói “như vậy là đầu hàng” và đến nước đó chẳng đè nén gì nữa, đã tỏ bất bình với Kissinger trong chuyến Kissinger đến dinh Độc Lập với tướng Abrams, tướng Frederick Weyand, đô đốc Taylor, cố vấn chính trị phái đoàn Mỹ tại Hội nghị Paris là Philip Habib và đại sứ Bunker.
Nhã vốn bị nhiều người trong chính quyền Thiệu không ưa. Vì như tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng từng làm “phụ tá đặc biệt cho tổng thống Thiệu” thì tuy được đào tạo khá “chính quy” tại Đại học Mỹ, cao lớn, đẹp trai, có duyên, có tài nhưng “đối với các chính trị gia và các nhà ngoại giao Mỹ, Nhã còn thiếu kinh nghiệm, ngạo mạn và thường lạm dụng quyền hạn của mình. Họ cho rằng Nhã lên được vị trí này (bổ nhiệm làm thư ký riêng cho Thiệu lúc chưa đầy 30 tuổi) là nhờ có họ hàng với Thiệu và sự xấc xược của Nhã, một lối xử sự học được ở người Mỹ, đã bị chỉ trích nặng nề.
Nhã lái một chiếc Mustang mui xếp và sau đó là chiếc Mercedes kín mui chạy khắp đường phố Sài Gòn thời kỳ chiến tranh, một biểu hiện khoe khoang hợm hĩnh, chứng tỏ ta có đặc quyền”. Theo tiến sĩ Hưng, Nhã không thèm xem lại ý kiến của mình có được Mỹ ủng hộ không, cũng không nghe theo các cấp trên trong hội đồng nội các, tệ hơn nữa cho ý kiến của họ là “ngu xuẩn”.
Hồi ký Trần Văn Đôn viết: “Riêng Kissinger bực mình hơn bị một thanh niên trẻ tuổi như Hoàng Đức Nhã bác bỏ một công trình (các dự thảođiều khoản của hiệp định Paris) mà ông đã công lao nhọc mới thực hiện được lại còn cho rằng công trình đó có nhiều điểm sai lầm”. Ông Đôn nhận xét:
“Sở dĩ Kissinger thích Lê Đức Thọ là vì ông Thọ luôn khôn khéo, lúc nào cũng vui vẻ…Trái lại ở Sài Gòn lúc ban đầu Kissinger đến với tư cách một giáo sư đi tìm hiểu sự việc (trước những năm họp hội nghị Paris) nên không ai tiếp đón niềm nở. Những lần sau (trong thời gian họp hội nghị Paris) ông đến để đặt áp lực với chính quyền miền Nam nên không khí không được thân thiện. Những lần dùng cơm với chính quyền VN (Sài Gòn) đều nằm trong phạm vi dinh Độc Lập với những người hầu bàn già cả, trong bầu không khí khách sáo khô khan. Trong khi đó Lê Đức Thọ và Xuân Thủy mời Kissinger dùng cơm ở những ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô Ba Lê có sân cỏ, có vườn hoa nhỏ nhắn thanh lịch với các nữ tiếp viên trẻ trung vui vẻ, không khí thân mật ấm cúng”.
Cần nhắc lại, ông Đôn là “quan sát viên đặc biệt” của Thiệu tại Paris, phóng tầm mắt đến cả chi tiết những “nữ tiếp viên trẻ trung vui vẻ” trong vườn người, hợp với tiếng đồn đào hoa về ông. Ông cũng ghi nhận, đại diện đoàn Mỹ Cabot Lodge và Bộ trưởng Xuân Thủy “gặp nhau đến lần thứ 11” sau ngày khai mạc, hội nghị bốn bên, nhưng vẫn “đối chọi” chứ chưa đối thoại có thực chất. Mãi hơn 6 tháng, vào giữa 1969, theo ông Đôn, từ sau hậu trường chính trị, Kissinger xuất hiện qua đường dây liên lạc của “một người Pháp thân cận với các viên chức cao cấp trong chính quyền Hà Nội gần 30 năm trời là Jean Sainteny” để gặp riêng Xuân Thủy. Vợ chồng Jean Sainteny đã thu xếp cho hai người gặp nhau tại tư gia số 204 đường Rivoli ở Paris. Kissinger từ Luân Đôn bí mật đến Paris.
Khoảng đó, tháng 7.1969, thế giới hồi hộp hướng về đường bay của con tàu vũ trụ Apollo 11 và qua màn ảnh truyền hình theo dõi sự kiện con người thứ nhất của quả đất là phi hành gia Neil Amstrong đặt bước chân đầu tiên lên bề mặt mặt trăng. Khi quay về mặt đất, Amstrong đổ bộ xuống vùng biển thuộc khu vực Nam Thái Bình Dương và Tổng thống Mỹ Nixon đã tới đó đón ông. Luôn tiện Nixon thăm một loạt nước như Pakistan, Indonesia, Ấn Độ, Romania, Anh Quốc và ông Kissinger nhân dịp ấy từ Luân Đôn qua Pháp gặp Xuân Thủy vào một buổi chiều đầu tháng 8.1969 tại địa chỉ nói trên.
Theo tài liệu các ông Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ, cùng đi với Kissinger có Anthony Lake, người phụ tá thân cận, và tướng Vernon Walters – tùy viên quân sự Mỹ. Bộ trưởng Xuân Thủy đến cùng Mai Văn Bộ và Nguyễn Đình Phương. Tại cuộc gặp đầu tiên này, Xuân Thủy đã đặt câu hỏi với Kissinger: Tại sao Mỹ đưa quân đến Việt Nam nhanh mà khi rút quân lại nhỏ giọt “rút 25.000 so với 54 vạn quân Mỹ hiện có (1969)” không nghĩa lý gì!
Hai bên tranh luận… Kissinger nhấn mạnh “Việc tôi tham gia là bí mật!” và có gì mới sẽ thông báo riêng cho nhau. Về sau trong cuộc hẹn khác, Kissinger có đưa ra một số tài liệu công khai về việc Mỹ phóng tàu vũ trụ Apollo lên mặt trăng. Hôm đó, Kissinger đến trễ, Xuân Thủy cười bảo:
– Dù có lên được mặt trăng cũng có khi đi chậm.
Một lát, Kissinger:
– Con đường lên mặt trăng ít trở ngại hơn con đường chúng ta đi.
Đúng, bởi cuộc đánh cắt đẫm máu đường mòn Hồ Chí Minh đoạn Hạ Lào lúc đó đã chất cao thêm xác chết trên đường đến Paris.

Nguồn tin: Nghiên cứu Lịch sử tổng hợp từ Một thế giới Các bài viết trên trang thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của Dự án Nghiên cứu Quốc tế. © Bản quyền các bài viết và bài dịch thuộc về các tác giả, dịch giả và Dự án Nghiên cứ:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay4,659
  • Tháng hiện tại83,563
  • Tổng lượt truy cập1,760,696
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây