Nạn đói năm Ất Dậu (1945) diễn ra trên diện rộng từ Quảng Trị trở ra Bắc ở 32 tỉnh, thành (cũ) với hơn 2 triệu người chết đói. Trong đó, Thái Bình là nơi diễn ra trầm trọng nhất với 28 vạn người chết đói.
Nguồn: Internet
Những con số kinh hoàng
Nạn đói năm Ất Dậu xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 10/1944 đến tháng 5/1945. Trong ký ức của người Việt Nam, nạn đói năm 1945 vẫn luôn là cơn ác mộng, nỗi nhức nhối khó quên.
Nguyên nhân của nạn đói này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ bản Tuyên ngôn Độc lập đọc trước quốc dân vào ngày 2/9/1945: "Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Ðông Dương để mở thêm căn cứ đánh Ðồng minh thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó, dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”.
Nạn đói năm Ất Dậu 1945 là cơn ác mộng, là nỗi đau nhức nhối, khó quên
Nạn đói ở Thái Bình năm 1945
Trong nạn đói ấy, Thái Bình là nơi diễn ra trầm trọng nhất. Cảnh chết đói xảy ra ở khắp mọi ngõ ngách trong tỉnh, nhất là các huyện phía Nam.
Hàng ngày, từng đoàn người đói rét dắt díu nhau đi lang thang ăn xin rồi chết ở đầu đường xó chợ. Nhiều gia đình chết không còn một ai. Nhiều làng chết đói từ 50 đến 80% dân số. Chỉ trong vòng 5 tháng, số người chết đói trong toàn tỉnh đã lên đến 28 vạn người, chiếm 1/4 dân số toàn tỉnh.
Theo báo Thái Bình, vào năm 1945, tại xã Tây Lương có khoảng 6.000 dân cư trú ở nhiều thôn, trại, xóm, ngõ, gồm nhiều dòng họ và gia đình. Ðồng thời với việc chia thành 5 đoàn điều tra chung trên địa bàn toàn xã, cuộc điều tra đã triển khai điểm theo 6 cấp độ: thôn, trại, xóm, ngõ, dòng họ, gia đình.
Kết quả điều tra cho thấy: Vào thời điểm xảy ra nạn đói, Lương Phú là thôn có nhiều nghề phụ như buôn bán, đánh cá nên số người chết đói ít hơn các thôn khác. Qua điều tra ở từng dòng họ tại thôn Lương Phú đã thống kê được: 594 người chết đói/1.379 dân (chiếm 43,07% dân số). Số liệu này cho thấy thôn tương đối khá giả cũng bị chết đói nhiều.
Tại xóm Trại của xã Tây Lương - là xóm có nạn đói khủng khiếp nhất trong xã, vốn đã bị “xóa sổ” sau nạn đói. Kết quả điều tra cho thấy, xóm Trại có 103/130 khẩu chết đói (tỷ lệ 79%). Toàn xóm có 34 hộ thì 30 hộ có người chết đói.
Tại xóm Bối Xuyên (nay thuộc thôn Trung Tiến) có 40/51 hộ có người chết đói, trong đó có 18 hộ chết cả gia đình. Dòng họ Tô và dòng họ Lại ở xóm này gần như bị “xóa sổ”. Một ngõ thuộc xóm Giữa thôn Thượng có 61 nhân khẩu thì chết đói 59 người (tỷ lệ 96,7%). Dòng họ Hoàng có 15 gia đình với 74 người thì bị chết đói 61 người, trong đó có 7 gia đình với 30 người chết đói hết. Trong số các gia đình còn lại chỉ có một gia đình may mắn nhất là chỉ bị chết đói một nửa số người trong gia đình. Gia đình cụ Hoàng Phác vào thời điểm năm 1945 có bốn thế hệ, gồm 31 người thì 26 người chết đói (tỷ lệ gần 90%). Theo thống kê, toàn xã Tây Lương có 3.968 người chết đói, chiếm 2/3 dân số.
Chúng ta có thể tự hào về những trang sử hào hùng nhưng không thể quên được ký ức đau thương về nạn đói Ất Dậu 1945
Sau khi có kết quả điều tra, phía Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu, thẩm định và chấp nhận kết quả của cuộc điều tra. Giáo sư Furuta Moto đã viết bản báo cáo về cuộc phối hợp điều tra giữa Việt Nam và Nhật Bản ở thôn Lương Phú, xã Tây Lương, huyện Tiền Hải với tiêu đề: Những hậu quả của nạn đói ở một thôn Việt Nam.
Tác giả của bản báo cáo đã kết luận: “Ðối với xã Tây Lương, có lẽ nạn đói là một sự kiện tồi tệ nhất đã được biết đến trong thế kỷ này... Những con số đạt được trong cuộc điều tra ở xã Tây Lương và thôn Lương Phú đã chỉ ra rằng, tổng số người chết đói là 280.000 trên toàn tỉnh Thái Bình (hay 25% dân số) và 30.000 chết đói ở huyện Tiền Hải là sự thực...”.
Những nhắc về những con số kinh hoàng trong nạn đói Ất Dậu tại tỉnh Thái Bình, Tạp chí Phổ thông 1951, trang 293, khi đó đã viết: “Giá gạo tăng lên vùn vụt, gạo nhảy từ 150 đồng/1 tạ vào tháng 12 năm 1944 tới 800 đồng vào trước tết, đầu tháng 2 năm 1945”; “Nạn đói năm Ất Dậu xảy ra trên diện rộng. Từ Quảng Trị trở ra trên toàn miền Bắc có tới 2 triệu người bị chết đói”.
Tạp chí đưa tin tiếp: "Cảnh chết đói diễn ra khắp nơi trong tỉnh, nhất là các huyện phía Nam. Hàng ngày, từng đoàn người đói rét dắt díu nhau đi ăn xin rồi chết ở đầu đường, xó chợ. Nhiều gia đình chết hết không còn một ai”; "nhiều làng chết đói từ 50 – 80% dân số. Làng Sơn Thọ (Thái Thượng – Thái Thụy) có 1.205 người thì chết đói mất 965 người (trên 75% dân số); làng Thanh Nê (Tán Thuật – Kiến Xương) có 4.164 người thì số người chết đói lên tới 1.854 người. Chỉ trong vòng 5 – 7 tháng, số người chết đói trong toàn tỉnh Thái Bình lên tới 28 vạn người, khoảng 25% dân số lúc đó.
Tại xã Hòa Bình (huyện Vũ Thư) có 2 làng là Bình An và Từ Châu có khoảng 2.000 người thì số người bị chết đói chiếm non một nửa. Xã Hiệp Hòa - Vũ Thư có 1.358 người chết đói, trong đó làng Phương Cáp chết tới 479 người, làng An Để chết 690 người, làng Đức Hiệp chết 189 người. Có nhà chết sạch không còn ai cả. Ở xã Đoàn Kết (xóm Rống) có 81 hộ thì có 52 hộ chết cả nhà. Tính chung cả xã Hiệp Hòa lúc đó có 4.418 khẩu thì số người chết đói chiếm trên 30% dân số cả xã.
Một điểm chôn tập thể người bị chết đói, đổ xác đến đâu lấp đất đến đấy
Nạn đói năm 1945 làm cho nhân dân xã Trà Giang (Kiến Xương) chết đói trên 1.000 người, chiếm 1/3 dân số trong xã. Ở thôn Lãng Đông, Dục Dương có số người chết đói đến non một nửa. Xã Minh Tân (Kiến Xương) ở 3 làng Dương Liễu, Nguyệt Giám, Tân Ấp có hàng ngàn người chết đói. Chỉ riêng làng Dương Liễu đã có tới 1.050 người chết, nhiều gia đình chết không còn một người.
Ở xã Nam Cao (huyện Kiến Xương) - nơi có nghề dệt truyền thống hàng trăm năm, vốn nổi tiếng là giàu có nhất vùng, vậy mà nhân dân ở địa phương này vào năm Ất Dậu vẫn không thoát khỏi cảnh chết đói. Người chết nằm la liệt khắp nơi trong làng, trong xã. Trận đói cuối năm 1944, đầu năm 1945 đã cướp đi sinh mệnh của 1.247 người dân xã Nam Cao, trong đó có 108 gia đình chết không còn một người nào sống sót.
Nạn đói kéo dài, người dân phải đào củ chuối, gốc mía, vớt bèo bồng, móc rễ cây khoai nước... để biến thành món ăn khi không có lương thực, có nơi, theo một người, người ta còn ăn cả thịt chết.“Xã Hoàng Diệu” (thuộc TP. Thái Bình bây giờ) – dân chết 1.285 người. Riêng thôn Sa Cát (công giáo) chết gần 500 người. Người dân Hoàng Diệu tận mắt thấy cảnh người sống ăn thịt người chết ở gầm cầu Bo.
Sơ thảo lịch sử Đảng bộ xã Phú Sơn (Hưng Hà) viết: “Từ giữa năm 1944 đến giữa năm 1945, xã Phú Sơn có trên 400 người chết đói. Có gia đình chết đói cả nhà. Đặc biệt khu vực chợ Hưng Nhân người ăn xin ở thiên hạ về đây, bị chết đói nằm la liệt".
Cảnh chợ búa tiêu điều năm 1945 ở Thái Bình
Vận chuyển hài cốt về mộ tập thể (Ảnh tư liệu)