Trịnh Nguyễn phân tranh là gì?
Trịnh – Nguyễn phân tranh là chỉ thời kỳ nước ta trong giai đoạn thế kỷ 17-18 từ năm 1627 đến 1777. Ở thời kỳ này chúa Trịnh nắm Đàng Ngoài và chúa Nguyễn nắm Đàng Trong, hai bên lấy sông Gianh ở Quảng Bình ngày nay làm ranh giới.
Thời kỳ đó hai bên Trịnh – Nguyễn xảy ra những cuộc giao tranh ác liệt khiến dân chúng lầm than vì vậy lịch sử ngày nay thường nhắc lại thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh là vậy.
Về phía chúa Trịnh ở Đàng Ngoài
Ở Đàng Ngoài chúa Trịnh tồn tại trong 243 năm (1545-1787), trải qua 12 đời chúa, nhưng không phải tất cả các đời chúa này đều có mặt trong giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh. Là vì ở Đàng Trong cuộc Khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra đã xóa sổ nhà chúa Nguyễn từ năm 1777.
1 |
Trịnh Kiểm (1545-1570) |
7 |
Trịnh Doanh (1740-1769) |
2 |
Trịnh Tùng (1570-1623) |
8 |
Trịnh Sâm (1767-1782) |
3 |
Trịnh Tráng (1623-1652) |
9 |
Trịnh Cán |
4 |
Trịnh Tạc (1653-1682) |
10 |
Trịnh Tông (1782-1786) |
5 |
Trịnh Căn (1682-1709) |
11 |
Trịnh Bồng (từ 9/1786 đến 9/1787) |
6 |
Trịnh Cương (1709-1729) |
12 |
Trịnh Giang (1729-1740) |
Về phía chúa Nguyễn ở Đàng Trong
Ở Đàng Trong tồn tại 10 đời chúa Nguyễn, trong danh sách này có chúa Nguyễn Phúc Ánh xưng chúa trong khi loạn lạc, Tây Sơn đánh đuổi khắp nơi. Sau này Nguyễn Phúc Ánh xưng vua và lập nên nhà Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
1 |
Nguyễn Hoàng (1600-1613) |
6 |
Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) |
2 |
Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) |
7 |
Nguyễn Phúc Chú (1725-1738) |
3 |
Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) |
8 |
Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) |
4 |
Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) |
9 |
Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) |
5 |
Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) |
10 |
Nguyễn Phúc Ánh (1780-1802) |
Tóm tắt thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh
Bạn có thể tìm trong sách học hoặc các tài liệu trên google rất nhiều nơi trình bày chi tiết về thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh. Vì vậy ở bài này pqt.edu.vn sẽ trình bày theo phong cách khác để bạn đọc đỡ nhàm chán hơn.
Nguyên nhân của cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn
Nguyên nhân Trịnh Nguyễn phân tranh trong đó có cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn phải kể đến từ lúc Nguyễn Kim chết, Trịnh Kiểm mưu đồ diệt hai người con của Kim là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Uông đã ra đi với nhiều bí ẩn, Nguyễn Hoàng thấy vậy âm thầm sai người tìm hỏi “Khổng Minh” Nguyễn Bỉnh Khiêm về con đường sống sót. Trạng Trình đã bâng quơ chỉ điểm, Nguyễn Hoàng theo đó tìm cách vượt đèo Ngang vào vùng Thuận Hóa gây dựng cơ đồ chúa Nguyễn sau này.
Câu chuyện đấu đá nội cung ly kỳ này chúng tôi đã viết ở một bài riêng tựa đề: Nguyễn Hoàng vị chúa Nguyễn mang mệnh khai khẩn Đàng Trong
Khi cục diện Nam – Bắc triều lắng xuống, nhà Mạc chỉ là một đám tàn quân, dựa hơi nhà Minh cai quản một vùng đất nhỏ hẹp ở vùng biên viễn thì cũng là lúc mâu thuẫn giữa hai tập đoàn phong kiến họ Trịnh ở phía Bắc và họ Nguyễn ở phía Nam lên tới đỉnh điểm. Nội chiến nổ ra. Sử gọi thời kì này là thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Cả hai bên đều coi nhà Lê Trung hưng là triều đại chính thống, ngay cả chúa Nguyễn cũng dùng niên hiệu của nhà Lê trong các văn bản hành chính và sử sách. Nhưng thực chất là họ giả danh “phù Lê” để diệt nhau. Lúc này vua Lê chúa Trịnh cùng thuyền đối đầu với chúa Nguyễn
Vào thời điểm đó, nước ta bị chia thành hai miền tuy chưa thành ranh giới chính thức. Chính quyền Lê – Trịnh chiếm từ đèo Ngang trở lên biên giới phía Bắc (trừ tỉnh Cao Bằng và một phần Lạng Sơn vẫn do tàn dư họ Mạc cai quản), gọi là Đàng Ngoài. Còn chính quyền nhà Nguyễn chiếm từ Thuận – Quảng trở vào và đang tiếp tục mở rộng về phía Nam, gọi là Đàng Trong. Từ đó khởi đầu thời kỳ lịch sử Trịnh Nguyễn phân tranh.
Thực ra nguồn cơn chính dẫn đến Trịnh Nguyễn bắt đầu phân tranh là từ khi chúa Nguyễn thứ hai Nguyễn Phúc Nguyên từ chối nhận sắc của vua Lê, lại còn bày trò trêu chọc nhà Lê – Trịnh làm cho chúa Trịnh nổi cơn thịnh nộ. Phần này có một giai thoại ly kỳ được trình bày ở bài: Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và giai thoại “Ta không nhận sắc”
Trịnh – Nguyễn phân tranh lấy ranh giới sông Gianh Quảng Bình chia ra Đàng Trong (chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài (chúa Trịnh vua Lê)
Các cuộc chiến diễn ra thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh
Hai bên Trịnh – Nguyễn đánh nhau phân tranh tất cả bảy lần, vào các năm 1627, 1633, 1643, 1648, 1655 – 1660, 1661 – 1662 và 1672. Trong bảy lần đụng độ lớn ấy, chỉ có lần thứ năm (1655 – 1660) là kéo dài nhất và cũng là lần duy nhất họ Nguyễn chủ động tấn công họ Trịnh. Sáu lần còn lại đều do họ Trịnh phát động mang quân vào đánh họ Nguyễn, cũng có khi hộ tống cả vua Lê ra trận để lấy danh nghĩa cho việc chinh phạt.
Chiến trường diễn ra tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đặc biệt là hai bên bờ sông Gianh – ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, khiến dân tình điêu đứng và lính tráng thì “xương chất thành núi, máu chảy thành sông” như sử chép.
Hồi đó, lực lượng quân sự của Trịnh rất mạnh, có lần huy động tới 20 vạn quân thủy bộ với 600 thuyền chiến, 500 thuyền vận tải và 500 thớt voi cho một chiến dịch, trong khi đội quân thường trực của Nguyễn chỉ có 4 vạn người với 200 chiến thuyền. Những tưởng Trịnh sẽ nhanh chóng đè bẹp được đối phương, nhưng ngược lại, gần như lần nào Trịnh cũng chịu thất bại, hao binh tổn tướng và rút cuộc phải cuốn cờ rút về Thăng Long trong sự mệt mỏi chán chường của tướng sĩ.
Sở dĩ quân Trịnh chưa lần nào vượt qua được rang giới sông Gianh là nhờ một hệ thống chiến lũy phòng thủ rất hiệu quả, trong đó nổi tiếng là hai chiến luỹ Trường Dục và Đồng Hới do Nha uý nội tán Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng.
Lũy Trường Dục kéo dài từ núi Trường Dục đến phá Hạc Hải, chân luỹ rộng 6 m, cao gần 4 m, dài đến 10 km. Còn luỹ Đồng Hới (thường gọi là Luỹ Thầy) nối liền từ núi Đầu Mâu đến cửa biển Nhật Lệ, cao 8 mét, dài 18 km, mặt ngoài ốp ván gỗ lim, phía trên rào cọc sắt, phía trong làm bậc để quân sĩ, ngựa, voi có thể đi lại được. Trên mặt luỹ cứ 20 mét lại có một công sự, đặt một cỗ đại pháo, 4 mét đặt một khẩu “súng quá sơn” (tiểu pháo, bắn qua được núi).
Trong thế đối đầu giữa hai bên, phải kể đến công lao của hai vị tướng giỏi do quân sư Đào Duy Từ tiến cử là Hổ uy Đại tướng Nguyễn Hữu Tiến và Tiết chế Nguyễn Hữu Dật phụ trách việc quân cơ; hai ông đã chỉ huy quân Nguyễn ngăn chặn được các cuộc tấn công chiếm đất của quân Trịnh.
Bạn đang đọc bài viết về Trịnh Nguyễn phân tranh trong chuyên mục Lịch sử tại pqt.edu.vn
Một bất lợi không thể khắc phục được của quân Trịnh là từ xa kéo đến, phải đi bộ trên 600 km nên không tránh khỏi mệt mỏi. Việc đài tải lương thảo cũng rất khó khăn, nhiều khi không vận chuyển kịp. Quân sĩ Đàng Ngoài lại không quen với cái nóng oi bức ở miền Trung và những trận gió Lào nóng bỏng, nên thường bị đau ốm, giảm sức chiến đấu. Ngoài ra, Đàng Ngoài luôn phải lo các lực lượng cát cứ ở địa phương (như tàn dư họ Mạc ở Cao Bằng, chúa Bầu ở Tuyên Quang và những cuộc khởi nghĩa nông dân nhỏ lẻ) nên không thể dốc toàn lực toàn tâm vào cuộc chiến.
Trong suốt thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh có bốn lần Trịnh gây chiến trước, vào năm 1655, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần muốn chủ động tấn công Đàng Ngoài. Ông sai Nguyễn Hữu Dật tuần thú ngoài biển, xem xét núi sông để bày mưu tính kế. Trở về, Dật thuật lại rồi trình bày kế sách đánh ra Bắc. Chúa nghe xong cả mừng, bảo:
– Ngẫm xem diệu kế của ngươi, dẫu mưu thần đời xưa chẳng qua cũng chỉ đến thế!
Bèn cử Nguyễn Hữu Dật làm đốc chiến, cùng Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến đem quân thuỷ bộ vượt sông Gianh đánh Trịnh. Hai tướng phối hợp ăn ý, chiếm được bảy huyện của Nghệ An từ Bố Chính trở vào. Cuộc chiến kéo dài, chúa Nguyễn không tiến tiếp được ra phía Bắc, nhưng phe Trịnh cũng mất năm năm mới đuổi được quân Nguyễn ra khỏi những vùng đất bị chiếm đóng.
Trước khi rút về, quân Nguyễn đem theo một số lớn dân cư ở Nghệ An, làm nguồn nhân lực khai khẩn những vùng đất mới, trong đó có tổ tiên bốn đời của anh em Tây Sơn. Chính họ về sau trở thành lực lượng lật đổ các chúa Nguyễn, tạo điều kiện để Trịnh tiến vào chiếm Phú Xuân.
Kết quả và hậu quả của cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn kéo dài
Thực tế giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh ác liệt chỉ kéo dài 45 năm từ 1627 đến 1672. Năm 1672, cả hai bên Trịnh – Nguyễn đều nhận thấy không thể thôn tính được nhau. Tính ra trong bảy lần giao tranh, chỉ trừ lần đụng độ thứ năm là lâu, còn các lần khác chỉ xảy ra trong vài tháng, có khi chưa đầy một tháng. Khoảng cách giữa các cuộc chiến cũng khá dài, thường 5 – 7 năm, có khi tới hàng chục năm. Đó là khoảng thời gian để hai bên củng cố lực lượng cho một cuộc giao tranh mới. So với cuộc chiến Nam – Bắc triều thì cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh không ác liệt bằng, song rút cuộc, cả hai bên đều kiệt quệ về sức người sức của, nên cuối cùng phải chấp nhận đình chiến, chia cắt lâu dài.
Sông Gianh ở Quảng Bình, tên chữ là Linh Giang, trở thành ranh giới chia cắt nước Đại Việt trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh. Họ Trịnh không thể tiến vào chiếm Thuận Hóa nên tập trung diệt tàn dư nhà Mạc ở Cao Bằng (1677), củng cố địa bàn Bắc Bộ. Họ Nguyễn không thể ra Thăng Long nên dồn sức diệt Chiêm Thành, lấn Chân Lạp để mở mang bờ cõi vốn nhỏ hẹp về phía Nam. Hai bên đều có những chúa cai trị giỏi nên ổn định được lãnh thổ, kéo dài thời kỳ Trịnh Nguyễn hơn 100 năm.
Nhiều sử gia cho rằng, “Trịnh Nguyễn phân tranh” là một vết đen trong lịch sử. Vì quyền lợi ích kỉ của dòng họ mình, cả Trịnh và Nguyễn đã xúc phạm đến tình cảm dân tộc và ý chí thống nhất thiêng liêng của người dân đất Việt. Tham vọng thôn tính nhau của họ đã khiến nhiều của cải và nhân mạng phải hi sinh một cách vô ích, tạo điều kiện cho thế lực ngoại bang dòm ngó và can thiệp vào nước ta.